Tỉnh Quảng Ngãi nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, có diện tích tự nhiên 5.131,5km2, có bờ biển dài khoảng 130km với vùng lãnh hải rộng gần 11.000km2; có 14 đơn vị hành chính cấp huyện/thành phố, gồm 01 thành phố, 06 huyện đồng bằng, 06 huyện miền núi và 01 huyện đảo, được tổ chức đơn vị cơ sở thành 09 phường, 09 thị trấn và 166 xã. Dân số toàn tỉnh là 1.278.859 người, mật độ dân số là 248,2 người/km2, chủ yếu tập trung ở thành phố, các huyện đồng bằng và các thị trấn, vùng ven sông, ven quốc lộ, tỉnh lộ. Là tỉnh nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, lượng bức xạ nhiệt tổng cộng phổ biến từ 130-150Kcal/cm2/năm, những tháng mùa hè có đồng bằng ven biển nhiệt độ từ 28,4-29,5 độ C, những ngày gió mùa Tây Nam mạnh nhiệt độ có thể lên đến 40 độ C, điều kiện thời tiết quanh năm khắc nghiệt, nắng nóng và hanh khô kéo dài.
Quảng Ngãi nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm duyên hải miền Trung, là địa phương năng động với chủ trương tạo ra môi trường đầu tư tốt. Hiện tại tỉnh đã có quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2020 với các ngành nghề mũi nhọn là lọc hóa dầu, hóa chất; cơ khí, chế tạo và luyện kim; chế biến nông sản thực phẩm và đồ uống; khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến gỗ giấy, công nghiệp may-da giày…tại các Khu kinh tế Dung Quất có các Khu công nghiệp: Khu phức hợp đô thị-công nghiệp-dịch vụ Vsip Quảng Ngãi, Khu công nghiệp Dung Quất II, Khu công nghiệp Bình Phước- Bình Hòa và 02 Khu công nghiệp đã đầu tư trước đây là Khu công nghiệp phía
đông (có Nhà máy Lọc dầu), và Khu công nghiệp phía tây (có Phân khu Khu công nghiệp Sài Gòn-Dung Quất), khu công nghiệp tập trung Tịnh Phong; ngoài Khu kinh tế Dung Quất ra còn có 03 Khu công nghiệp tập trung: Khu công nghiệp Quảng Phú, Khu công nghiệp Phổ Phong, Khu Công nghiệp Đồng Dinh và 16 cụm công nghiệp làng nghề trên tổng diện tích 47.381ha. Trong đó, riêng Khu kinh tế Dung Quất được quy hoạch mở rộng lên 45.332 ha đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất, luyện cán thép, đóng tàu biển và các ngành công nghiệp khác gắn liền với khai thác cảng biển nước sâu Dung Quất; khu phức hợp đô thị-công nghiệp-dịch vụ Vsip Quảng Ngãi được quy hoạch 1.230ha, gồm 02 phần khu công nghiệp và khu đô thị-dịch vụ. Đặc biệt, Nhà máy lọc dầu Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, sản xuất ra các sản phẩm khí hóa lỏng, các loại xăng A90, A92-5, xưng máy bay Jet-A1, nhiên liệu cho động cơ phản lực, dầu Diesel và một nhà máy nhiệt điện công suất 100 megawalt, hiện đang có phương án mở rộng, nâng cấp công suất nhà máy lên đến 10 triệu tấn dầu thô/năm, là địa bàn trọng điểm về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Cùng với phát triển công nghiệp, Quảng Ngãi đang mở rộng đô thị gắn kết với các vùng phụ cận; các khu đô thị cũ được cải tạo, chỉnh trang; các khu đô thị mới được xây dựng hiện đại, văn minh, nhất là mở rộng không gian đô thị của thành phố Quảng Ngãi; quy hoạch xây dựng thành phố Dung Quất thuộc tỉnh; xây dựng đô thị Đức Phổ đạt chuẩn đô thị loại 4 và lên thị xã thuộc tỉnh; xây dựng trung tâm huyện lỵ mới Sơn Tịnh; xây dựng Thị trấn Di Lăng, đô thị Châu Ổ, cùng với quy hoạch một số đô thị vệ tinh khác như: Dốc Sỏi, Trà câu, Sa Huỳnh, Phổ Phong, Sông Vệ, Nam Sông Vệ, Thạch Trụ, Ba Vì…tạo thành chuỗi các đô thị liên hoàn giữ vai trò trung tâm chính trị, kinh tế - văn hóa – xã hội của từng khu vực. Do đó, đòi hỏi công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu
nạn, cứu hộ phải bám sát, triển khai lực lượng, phương tiện yêu cầu khi có tình huống xảy ra.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 3.201 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước phòng cháy, chữa cháy; trong đó số cơ sở nguy hiểm về cháy là 2.609. Trong tương lai, địa bàn tỉnh Quảng Ngãi sẽ có những dự án lớn như: Trung tâm khí điện miền Trung; Nhà máy Nhiệt điện Dung Quất do chủ đầu tư là Công ty Phát triển điện lực Nhật Bản (J-Power); Dự án Trung tâm thương nauh và khu nhà ở Shophouse (Vincom Quảng Ngãi) do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư; Khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.
Đặc biệt, thực hiện có hiệu quả Đề án đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo giai đoạn 2016-2020. Quảng Ngãi tăng cường hệ thống kết cấu ven biển, hạ tầng phục vụ phát triển thủy sản như cảng cá, trung tâm phát triển hậu cần nghề cá, các vũng neo đậu tàu thuyền, xây dựng trung tâm cảnh cáo cứu hộ thiên tai. Xây dựng huyện Lý Sơn thành đảo du lịch, mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh, là tiền tiêu của Tổ quốc.
Trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các cấp trong tỉnh đã tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy. Ngày 13/10/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch số 5234/KH-UBND về việc thực hiện Chỉ thị số 47/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy trong đó xác định rõ trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 47, xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; đưa việc chấp hành các quy định pháp luật về PCCC là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của cơ quan, tổ chức, đoàn thể, hộ gia đình và cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, người lao động. Nơi nào, địa phương nào để tình hình cháy, nổ xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thì Thủ
trưởng, Sở, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức nơi đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh, Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh bám sát mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm , phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, xung kích trong thực hiện nhiệm vụ PCCC.