HÀM Ý CHÍNH SÁCH

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin tự nguyện của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 92 - 96)

6. Tổng quan các công trình nghiên cứu trước đây về công bố thông tin tự

4.1. HÀM Ý CHÍNH SÁCH

Mức độ công bố thông tin tự nguyện của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn thấp so với các nước đang phát triển trong khu vực, do đó cần phải có biện pháp nâng cao ý thức của các doanh nghiệp cũng như ý thức của nhà đầu tư và công chúng trong việc công bố thông tin tự nguyện.

Mục đích của báo cáo thường niên là để cung cấp thêm thông tin cho các nhà đầu tư để nắm được đầy đủ các hoạt động tài chính, tình hình tài chính của doanh nghiệp. Qua đó, các nhà đầu tư có thể dự đoán giá cổ phiếu, dự đoán các yếu tố ảnh hưởng tới lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu,... Chính vì vậy các thông tin cần trình bày trên báo cáo thường niên phải làm sao để giúp nhà đầu tư dễ dự đoán tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chứ không phải trình bày theo kiểu để đáp ứng quy định.

Kết quả những nhân tố ảnh hưởng rút ra từ mô hình nghiên cứu giúp hỗ trợ cho các nhà quản lý trong việc xác định cơ chế quản trị doanh nghiệp hiệu quả, từ đó thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Từ kết quả nghiên cứu ở trên, tác giả rút ra một số hàm ý chính sách trong việc tăng cường mức độ công bố thông tin tự nguyện của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt nam trong thời gian tới như sau:

- Nhân tố mức độ độc lập của hội đồng quản trị là một nhân tố quan trọng có ảnh hưởng thuận chiều đến việc công bố thông tin tự nguyện, đặc biệt là các nhóm thông tin về tình hình tài chính, thông tin dự báo về tương lai, thông tin quản lý cấp cao . Do đó, để nâng cao mức độ công bố thông tin tự nguyện của các công ty niêm yết cần có các biện pháp nhằm nâng cao mức

độ độc lập hội đồng quản trị. Cần phải có quy định rõ ràng về khái niệm thành viên hội đồng quản trị độc lập, quy định thời hạn cho việc tham gia hội đồng quản trị với tư cách là thành viên độc lập. Hằng năm, thuê tư vấn, kiểm toán bên ngoài đánh giá tính độc lập của thành viên hội đồng quản trị trên những khía cạnh chủ yếu.

- Nhân tố tỷ lệ sở hữu của nhà quản lý ảnh hưởng ngược chiều đối với mức độ công bố thông tin tự nguyện, đặc biệt là nhóm thông tin liên quan đến tình hình chung và chiến lược của doanh nghiệp, thông tin về quản lý cấp cao. Nhà quản lý là những người trực tiếp tham gia vào hoạt động của công ty, việc sở hữu cổ phần trong công ty đã tạo động cơ để cho các nhà quản lý thao túng thông tin có lợi cho bản thân từ đó hạn chế việc công bố các thông tin tự nguyện. Do đó, để nâng cao mức độ công bố thông tin tự nguyện cần có các biện pháp hạn chế sở hữu của nhà quản lý hoặc chính sách khen thưởng phù hợp để nhà quản lý có động lực công bố thông tin tự nguyện nhiều hơn.

- Nhân tố tỷ lệ thành viên nữ trong hội đồng quản trị: đây là nhân tố mới, lần đầu tiên được đưa vào mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin tự nguyện của các công ty niêm yết ở Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả hồi quy cho thấy đây là một nhân tố khá quan trọng, ảnh hưởng thuận chiều đến mức độ công bố thông tin tự nguyện của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều nghiên cứu về quản trị công ty trước đây cũng đã khẳng định vai trò của nữ giới trong quản trị doanh nghiệp hiệu quả và nghiên cứu này một lần nữa khẳng định lại vai trò tích cực đó. Do vậy, để phát huy vai trò của thành viên nữ trong hội đồng quản trị, nhà nước có thể ban hành các chính sách quy định về tỷ lệ nữ giới tối thiểu bắt buộc trong hội đồng quản trị như các nước khác đã từng làm. Như ở Pháp năm 2011, quốc hội đã thông qua luật lệ áp đặt tỷ lệ nữ giới tham gia vào hội đồng quản trị tối thiểu là 40% (ILO, 2015) [48]. Ở Việt Nam, tùy theo

loại hình công ty mà nhà nước có thể ban hành quy định tỷ lệ này cho phù hợp.

- Nhân tố tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng là nhân tố có ảnh hưởng thuận chiều đến mức độ công bố thông tin tự nguyện của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Do đó để nâng cao mức độ công bố thông tin tự nguyện nhà nước cần có những chính sách nhằm khuyến khích sở hữu nước ngoài trong các công ty niêm yết. Cụ thể:

* Bãi bỏ quy định về trần sở hữu nước ngoài: hiện nay cùng với lộ trình gia nhập nền kinh tế thế giới, nhà nước đã tiến hành tăng tỷ lệ đầu tư nước ngoài tối đa cho một số ngành lên 100%, tuy nhiên một số ngành vẫn còn hạn chế ở mức 49%. Nghị định 60 ban hành cho phép một số các công ty tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài vượt mức 49%, tuy nhiên Nghị định mới không được áp dụng cho các công ty nằm trong 14 “lĩnh vực kinh doanh có điều kiện” và có hơn 250 lĩnh vực hoạt động bị giới hạn [2]. Do đó, vấn đề sở hữu nước ngoài ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, để khắc phục tình trạng này, nhà nước cần tăng thêm nhiều ngành nghề được phép sở hữu nước ngoài không hạn chế.

* Hoàn thành việc xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp để tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động đầu tư.

* Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính: đơn giản hóa thủ tục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp. Cùng với đó là thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, trung tâm dịch vụ hành chính công... làm cho môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và ổn định.

- Quy mô doanh nghiệp: theo kết quả của nghiên cứu này, quy mô doanh nghiệp là nhân tố quan trọng, ảnh hưởng thuận chiều đến tất cả các nhóm thông tin công bố tự nguyện và mức độ công bố thông tin tự nguyện (VnDI). Doanh nghiệp có quy mô lớn thường có tiềm lực kinh tế lớn do đó họ

có khả năng để công bố thông tin tự nguyện nhiều hơn. Bên cạnh đó, theo lý thuyết chi phí chính trị, kết quả này còn giúp cho nhà nước có những quyết định về lựa chọn doanh nghiệp trong công tác thanh tra, kiểm tra. Các doanh nghiệp có quy mô lớn thường công bố thông tin tự nguyện nhiều hơn nhằm tạo ra sự minh bạch thông tin trong doanh nghiệp, tránh sự chú ý của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, đây là những doanh nghiệp lớn, các cơ quan quản lý không nên chủ quan bỏ qua mà cần phải có biện pháp thích hợp để lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp.

- Đưa một số mục thông tin công bố tự nguyện thành thông tin công bố bắt buộc: theo kết quả nghiên cứu, mức độ công bố thông tin tự nguyện của nhóm thông tin về trách nhiệm xã hội và nhóm thông tin về dự báo trong tương lai vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Thông tin về trách nhiệm xã hội ngày càng trở nên quan trọng đối với nhà đầu tư cũng như các cơ quan quản lý nhà nước khi mà các vấn đề về con người, môi trường ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng, tuy nhiên mức độ công bố thông tin tự nguyện nhóm này còn thấp. Tương tự như vậy, thông tin về các dự báo trong tương lai cũng là nhóm thông tin quan trọng giúp nhà đầu tư đánh giá tình hình tài chính trong tương lai của doanh nghiệp, tuy nhiên nhóm này vẫn chưa được công bố nhiều. Do đó, nhà nước cần xem xét và bổ sung vào quy định những thông tin cần công bố bắt buộc để đáp ứng yêu cầu quản lý và nhu cầu sử dụng của nhà đầu tư. Cụ thể, các thông tin cần phải bắt buộc công bố như: Tuyên bố về chính sách môi trường của công ty, Các chương trình bảo vệ môi trường đã thực hiện, Thông tin về phúc lợi của người lao động, Chính sách đào tạo, tuyển dụng nhân viên, Thông tin chung về xu hướng phát triển của ngành trong tương lai, Thông tin về các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến tương lai của công ty (kinh tế/ chính trị).

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin tự nguyện của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 92 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)