8. Kết cấu của đề tài
1.1.3. Thanhtra chuyên ngành đóng BHXH,BHTN, BHYT
1.1.3.1. Khái niệm
Thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT mới xuất hiện trong thời gian gần đây, khái niệm này được Luật BHXH năm 2014 quy định như sau [28]:
Điều 13. Thanh tra bảo hiểm xã hội
1. Thanh tra lao động - thương binh và xã hội thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH theo quy định của pháp luật về thanh tra.
2. Thanh tra tài chính thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về quản lý tài chính BHXH theo quy định của pháp luật về thanh tra.
3. Cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Nội dung tương ứng này được Luật BHXH năm 2006 quy định:
Điều 10. Thanh tra bảo hiểm xã hội
1. Thanh tra lao động - thương binh và xã hội thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về BHXH.
2. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra chuyên ngành về BHXH được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.”
Qua đối chiếu các quy định về công tác thanh tra trong quản lý nhà nước về BHXH từ Luật BHXH năm 2006 đến Luật BHXH năm 2014, có thể thấy, từ năm 2014 trở về trước, Luật BHXH chỉ sử dụng khái niệm thanh tra BHXH. Đây là hoạt động thanh tra chuyên ngành thuộc thẩm quyền của Thanh tra lao động - thương binh và xã hội. Đến Luật BHXH năm 2014, hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT được phân chia thành 03 loại:
- Thanh tra chuyên ngành về việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH do Thanh tra lao động - thương binh và xã hội thực hiện.
- Thanh tra chuyên ngành về quản lý tài chính BHXH theo quy định của pháp luật về thanh tra do Thanh tra tài chính thực hiện.
- Thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của Luật BHXH và quy định khác của pháp luật có liên quan do cơ quan BHXH thực hiện.
Sở dĩ có sự phân chia hoạt động thanh tra BHXH thành 03 nhóm trên xuất phát từ thực tiễn đây là một hoạt động thanh tra chuyên ngành có đối tượng rộng lớn, nội dung thanh tra tương đối phức tạp, cần huy động nhiều nguồn lực (chủ yếu là con người) để thực hiện. Trong khi Thanh tra lao động - thương binh và xã hội bên cạnh nội dung này còn phải thực hiện thanh tra các chuyên ngành khác như: lao động, việc làm; an toàn lao động; tiền lương; dạy nghề; bảo vệ, chăm sóc trẻ em,… cùng các hoạt động thanh tra hành chính. Chính sự quá tải này của Thanh tra lao động - thương binh và xã hội mà Luật BHXH năm 2014 đã có sự điều chỉnh theo hướng phân chia hoạt động thanh tra chuyên ngành BHXH thành 03 nội dung nhỏ hơn và giao về cho 03 cơ quan khác nhau thực hiện, trong đó có cơ quan BHXH.
Bên cạnh đó, quỹ BHXH, BHTN, BHYT như đã phân tích ở trên, là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước, được hệ thống cơ quan BHXH Việt Nam quản lý trực tiếp nhằm cân đối thu - chi theo quy định của pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT của Nhà nước. Do đó, cơ quan BHXH Việt Nam có trách nhiệm giám sát, theo dõi việc thực hiện các quy định về đóng - hưởng của các đối tượng quản lý là người sử dụng lao động nói chung bằng các hình thức kiểm tra và thanh tra chuyên ngành.
Việc giao quyền thực hiện thanh tra chuyên ngành cho cơ quan BHXH
không hoàn toàn là giao một quyền lực nhà nước cho một đơn vị sự nghiệp công lập vì cơ quan BHXH chỉ có quyền thanh tra về mảng đóng BHXH, BHTN, BHYT - một mảng nội dung mang tính chuyên môn, nghiệp vụ sâu, còn các nội dung thanh tra chuyên ngành BHXH, BHTN, BHYT khác vẫn do cơ quan quản lý nhà nước về lao động - thương binh và xã hội thực hiện. Trên cơ sở các khái niệm thanh tra, thanh tra chuyên ngành, khái niệm BHXH, BHTN, BHYT đã được làm rõ ở trên, có thể hiểu khái niệm thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT như sau:
Thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT là hoạt động thanh tra chuyên ngành do cơ quan BHXH Việt Nam và cơ quan BHXH cấp tỉnh tiến hành theo phân cấp thẩm quyền và quy định của pháp luật về thu BHXH, BHTN, BHYT và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
1.1.3.2. Mục đích, vai trò
Mục đích của hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT không nằm ngoài những mục đích của hoạt động thanh tra nói chung, đó là: “nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ
quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” [25].
Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra chuyên ngành này còn có vai trò trong công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHTN, BHYT:
Một là, giúp các cơ quan quản lý phát hiện sơ hở của cơ chế, chính sách, pháp luật về thu, đóng BHXH, BHTN, BHYT.
Trong quản lý nhà nước về BHXH, BHTN, BHYT nói riêng cũng như quản lý hành chính nhà nước nói chung, những cơ chế, chính sách, pháp luật được các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành để điều hành hoạt động và điều chỉnh, kiểm soát các quan hệ xã hội. Những cơ chế, chính sách, pháp luật này khi áp dụng trong thực tiễn không tránh khỏi bộc lộ những sơ hở và thiếu sót mà trong nhiều trường hợp chỉ có thể được phát hiện và chấn chỉnh thông qua hoạt động thanh tra. Bằng chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác, các chủ thể tiến hành hoạt động thanh tra phát hiện, đề xuất, kiến nghị tới các chủ thể có thẩm quyền để hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.
Hai là, góp phần hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về đóng BHXH, BHTN, BHYT bao gồm: đối tượng đóng, mức đóng và phương thức đóng.
Trước khi áp dụng vào thực tiễn, cơ quan quản lý nhà nước về lao động - thương binh và xã hội cùng cơ quan BHXH các cấp đều phải tổ chức tập huấn, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc cần được sự hỗ trợ, hướng dẫn của những chủ thể có thẩm quyền,
trong đó có lực lượng thanh tra về đóng BHXH, BHTN, BHYT. Vì vậy, bên cạnh việc xử lý, kiến nghị xử lý các sai phạm của đối tượng thanh tra, đoàn thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT cũng thường xuyên hướng dẫn các nội dung của pháp luật về đóng BHXH, BHTN, BHYT như đối tượng đóng, mức đóng, phương thức đóng,… thông qua đó góp phần giúp đối tượng thanh tra khắc phục hạn chế, lúng túng trong nhận thức, thực hiện pháp luật về đóng BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động.
Ba là, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHTN, BHYT của người sử dụng lao động.
Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và tham gia đóng BHXH, BHTN, BHYT, do chịu sự chi phối của nhiều yếu tố như lợi nhuận, quy luật cạnh tranh... doanh nghiệp, người sử dụng lao động có thể tìm cách để gian lận, lách luật thậm chí sẵn sàng vi phạm pháp luật, chịu xử phạt hành chính để giải quyết bài toán về lợi ích kinh tế của mình. Quá trình thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT chắc chắn sẽ phát hiện nhiều đối tượng thanh tra gian lận trong việc kê khai đối tượng đóng, gian lận về loại hình HĐLĐ, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT,… bởi những vi phạm này đều sẽ để lại những dấu vết, những căn cứ, bằng chứng trong hoạt động quản lý và điều hành sản xuất, kinh doanh của mình.
Thông qua hoạt động thanh tra về đóng BHXH, BHTN, BHYT, đoàn thanh tra sẽ phát hiện được những dấu hiệu sai phạm kèm theo các bằng chứng xác thực để đoàn thanh tra kết luận về hành vi vi phạm và mức độ vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHTN, BHYT để xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền.
Bốn là, truy thu, làm giảm nợ đọng BHXH, BHTN, BHYT, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Đây được coi là vai trò trọng tâm và chủ yếu nhất của thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT. Xuất phát từ thực tế hiện nay, tỷ lệ nợ đọng BHXH, BHTN, BHYT có xu hướng tăng dần qua mỗi năm, gây ảnh hưởng đến quỹ BHXH, BHTN, BHYT cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của người lao động, kéo theo nhiều hệ lụy đối với chính sách an sinh xã hội vốn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm.
Là đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp quản lý các quỹ BHXH, BHTN, BHYT, chủ thể nắm đầy đủ các thông tin, cơ sở dữ liệu về hoạt động đóng BHXH, BHTN, BHYT, chính cơ quan BHXH là chủ thể có nhiều ưu thế nhất, có thể bảo đảm tốt nhất việc truy thu và giảm nợ đọng BHXH, BHTN, BHYT. Những ưu thế này cũng là tiền đề hết sức quan trọng cho hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT do cơ quan BHXH thực hiện một cách hiệu quả nhất, góp phần thực hiện mục tiêu hoạt động của ngành là thu đúng, đủ quỹ BHXH, BHTN, BHYT, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.