Các yếu tố tác động đến quản lý nhà nước về du lịch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn huyện chiêm hóa tỉnh tuyên quang (Trang 36 - 41)

7. Kết cấu của Luận văn

1.3. Các yếu tố tác động đến quản lý nhà nước về du lịch

Quản lý nhà nước về du lịch chịu tác động, ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Thông qua việc nhận diện những yếu tố ảnh hưởng, chúng ta có thể có những định hướng, giải pháp tác động từ chúng đối với những chủ thể có liên quan nhằm đẩy mạnh, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, qua đó phát triển ngành du lịch tương xứng với tiềm năng và vai trò của ngành du lịch trong nền kinh tế - xã hội từng địa phương cũng như trong cả nước.

1.3.1. Quan điểm của Đảng, định hướng của các địa phương

Là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội, quan điểm của Đảng có vai trò quan trọng đặc biệt định hướng sự quản lý của Nhà nước. Hệ thống các quan điểm của Đảng về phát triển du lịch là kim chỉ nam cho những kế hoạch, biện pháp, hành động cụ thể của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Bên cạnh đó, quan điểm và định hướng của các địa phương cũng khẳng định vai trò mũi nhọn của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước thể chế

hóa thành những chính sách, kế hoạch cụ thể tạo môi trường phù hợp cho du lịch phát triển.

1.3.2. Pháp luật, chính sách của Nhà nước, địa phương

Hoạt động quản lý nhà nước về du lịch được thực hiện trong khuôn khổ hành lang pháp lý do Nhà nước, địa phương đặt ra. Do đó, hệ thống pháp luật, chính sách có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động này. Những quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là căn cứ cho mọi hoạt động của các chủ thể và đối tượng trong quá trình quản lý. Những văn bản pháp lý này nếu bảo đảm được tính hệ thống, tính toàn diện, tính phù hợp với thực tiễn đòi hỏi sẽ giúp cho quá trình quản lý được thuận lợi, tăng hiệu quả, giải quyết được những vấn đề của du lịch địa phương cũng như quốc gia. Ngược lại, nếu các quy định này lạc hậu, không phù hợp, thiếu thống nhất sẽ gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động du lịch, cản trở việc kinh doanh của các tổ chức du lịch cũng như cơ hội sử dụng sản phẩm du lịch chất lượng của khách du lịch.

1.3.3. Năng lực đội ngũ cán bộ, công chức

Hiệu quả của hoạt động quản lý phụ thuộc vào năng lực quản lý của hệ thống cơ quan có thẩm quyền. Năng lực đó được thể hiện trực tiếp ở năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong quản lý nhà nước về du lịch, bao gồm năng lực xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về du lịch và năng lực tổ chức thực thi hệ thống chính sách, pháp luật đó.

Một đội ngũ cán bộ công chức quản lý có năng lực, phản ứng nhanh nhạy với thực tiễn trên nền tảng đạo đức sẽ giúp hoạch định, xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, có tác động tích cực, phù hợp vào thực tiễn công tác quản lý nhà nước về du lịch. Đồng thời, chính đội ngũ cán bộ công chức có năng lực cũng là những chủ thể trực tiếp đưa những thể chế, chính sách đó vào thực tiễn, bảo đảm tính hiệu quả của quá trình thực thi chính sách và ngược lại. Hoạt động quản lý nhà nước về du lịch có chất lượng tốt hay không, nói một cách khác là lĩnh vực du lịch của từng quốc gia, địa phương là phụ thuộc vào cái tài, cái tâm và cái tầm của đội ngũ cán bộ công chức quản lý.

1.3.4. Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội

Điều kiện về kinh tế sẽ có tác động mạnh mẽ đến quản lý nhà nước về du lịch của từng quốc gia hay địa phương. Du lịch là một ngành có định hướng tài nguyên rõ rệt nhưng chỉ có thể phát triển khi kinh tế - xã hội của con người đạt mức nhất định. Tại nơi đến, sự tập trung của khách cùng với các tiện nghi và dịch vụ cần thiết sẽ gây ra những ảnh hưởng và tác động nhiều chiều trong đó biểu hiện rõ nhất là những thay đổi trong hoạt động kinh tế của địa phương. Nền tảng kinh tế xã hội tốt sẽ gia tăng nhu cầu du lịch, mua sắm của người dân, làm gia tăng số lượng khách du lịch. Với bản thân địa phương, với một nền kinh tế phát triển, nguồn lực dồi dào, cơ sở hạ tầng bảo đảm sẽ tạo điều kiện cho việc phát triển ngành du lịch với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao. Do đó, công tác quản lý nhà nước về du lịch với những chính sách, biện pháp quản lý... sẽ dựa trên điều kiện phát triển kinh tế xã hội để đảm bảo sự phù hợp, thúc đẩy ngành du lịch tăng trưởng.

1.3.5. Công nghệ thông tin

Sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin đã tạo ra ảnh hưởng đáng kể tới sự phát triển của nhiều ngành kinh tế - xã hội trong đó có ngành du lịch và hoạt động quản lý nhà nước về du lịch. Trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng 4.0, ngành du lịch đang tận dụng sự thay đổi của công nghệ để chuyển mình mạnh mẽ. Hoạt động trên nền tảng công nghệ, công tác quản lý nhà nước về du lịch hướng tới việc dần hình thành hệ sinh thái du lịch phong phú và tạo lợi ích tương hỗ giữa ba bên, gồm du khách, chính quyền và doanh nghiệp. Những cơ hội và thách thức từ công nghệ đã và đang đặt công tác quản lý nhà nước về du lịch trước những yêu cầu lớn. Đó là yêu cầu hoàn thành việc số hóa toàn bộ các dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, cơ sở lưu trú trong cả nước do cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương quản lý; hình thành hệ thống thông tin số về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và khách du lịch; phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các địa bàn du lịch trọng điểm, trong đó có các thông tin về điểm đến, sản

phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch dịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến; kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp du lịch.

Nếu tận dụng được cơ hội từ nền tảng công nghệ, công tác quản lý nhà nước về du lịch sẽ đáp ứng yêu cầu về đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chủ động đáp ứng nhu cầu đặc thù, chuyên biệt của thị trường khách du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối hiệu quả với các chủ thể liên quan, tạo môi trường cho cộng đồng, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phù hợp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch và ngược lại.

1.3.6. Văn hóa, phong tục tập quán

Những di sản văn hóa, lịch sử, đặc thù phong tục tập quán là những yếu tố tạo nên nét đặc sắc trong sản phẩm du lịch, qua đó thu hút du khách và tác động tới khâu quản lý nhà nước về du lịch. Sản phẩm quan trọng của du lịch là du lịch văn hóa. Sức hấp dẫn du khách là bản sắc văn hóa, cách ứng xử văn hóa của điểm đến và trình độ văn hóa của những nhà tổ chức du lịch chuyên nghiệp. Không có sản phẩm du lịch nào không mang nội dung, không thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi vậy, công tác quản lý phải dựa trên yếu tố đặc thù này.

Các cơ quan quản lý nhà nước muốn khai thác tiềm năng du lịch và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đảm bảo thỏa mãn các nhu cầu của du khách, bằng các biện pháp tác động của mình cần đặc biệt lưu ý đến yếu tố này nhằm gia tăng hiệu quả quản lý.

1.3.7. Kinh tế, quy mô, chất lượng hoạt động của các cơ sở dịch vụ du lịch

Ngày nay, các tổ chức kinh doanh du lịch đang có được những thời cơ và thách thức lớn trong hoạt động. Các cơ sở lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ, phòng khách,... được xây dựng ở các thành phố, khu trung tâm thương mại, các điểm du lịch và khu du lịch phục vụ đầy đủ các nhu cầu của khách du lịch, như: lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí với chất lượng cao. Ngày nay

ở các nước có nền du lịch phát triển hệ thống khách sạn phát triển và chiếm vị trí quan trọng trong ngành du lịch, doanh thu từ khách sạn có thể chiếm tới 60-70% tổng doanh thu ngành du lịch. Điều này đặt ra yêu cầu đòi hỏi ngành du lịch phải có nguồn lực dồi dào, có chiến lược đầu tư mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Quản lý nhà nước về du lịch với bản chất là sự tác động, điều chỉnh nhằm tạo lập môi trường, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia và hoạt động kinh doanh du lịch của các tổ chức. Chính vì vậy, bản thân công tác quản lý nhà nước chịu ảnh hưởng lớn từ yếu tố kinh tế, quy mô, chất lượng hoạt động của các cơ sở dịch vụ du lịch. Những quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch, những chính sách, cơ chế thúc đẩy du lịch của từng địa phương cũng dựa trên thực trạng về kinh tế, quy mô, chất lượng hoạt động của các cơ sở du lịch trên địa bàn. Do đó, công tác quản lý nhà nước cũng cần có những chính sách, thể chế phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp về tài chính, gia tăng quy mô hoạt động của các cơ sở du lịch, phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển của du lịch từng địa phương.

1.3.8. Đối tượng khách du lịch

Khách du lịch có số lượng ngày càng đông với nhiều đặc điểm rất đa dạng, phong phú về lứa tuổi, ngôn ngữ, quốc tịch, văn hóa, nhu cầu, sở thích, khả năng tài chính... Điều này đem lại những đặc điểm đặc thù trong du lịch gắn với hoạt động quản lý nhà nước về du lịch (như thời vụ khách du lịch nước ngoài, thị hiếu, nhu cầu sản phẩm du lịch…). Vì vậy, các chủ thể quản lý nhà nước về du lịch phải có tầm nhìn trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt được những đặc điểm này để đưa ra các chính sách phù hợp, tác động bằng những biện pháp, công cụ, phương thức hợp lý; từ đó phục vụ du khách một cách tốt nhất như tăng cường quảng bá tới khách du lịch quốc tế, hỗ trợ xuất nhập cảnh, phát triển đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, xây dựng hệ thống các cơ sở lưu trú chất lượng cao.... Đây là điều kiện tiên quyết để thu

hút thêm nhiều khách du lịch mới thông qua phản hồi từ chính những du khách đã đến cũng như có thể níu chân du khách, khiến cho du khách muốn quay trở lại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn huyện chiêm hóa tỉnh tuyên quang (Trang 36 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)