Thứ nhất, mức độ hoàn thiện của thể chế quản lý về PBPL: Một trong
những nguyên nhân dẫn đến PBPL chưa đạt hiệu quả như mong muốn đó là do trước đây thiếu thể chế quản lý nhà nước về PBPL, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PBPL còn ít, bất cập, chưa thống nhất. Do chưa có văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao về PBPL như luật hay nghị quyết của Quốc hội nên việc triển khai PBPL gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc xác định và phân công trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, chưa có các quy định rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành trong việc phổ biến, tuyên truyền các đạo luật hoặc văn bản pháp luật cụ thể dẫn đến cơ
chế phối hợp và chịu trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác này còn nhiều bất cập, đôi khi có sự chồng chéo hoặc ngược lại tồn tại những “khoảng trống” trong PBPL nhưng chưa có biện pháp hiệu quả để khắc phục.
Thứ hai, sự phát triển của kinh tế: Cùng với quá trình hội nhập kinh tế
quốc tế, trong đó có gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã đem lại những kết quả tích cực và có những tác động sâu sắc đến nền kinh tế và xã hội Việt Nam. Việc tiếp cận thị trường xuất, nhập khẩu dễ dàng hơn, giúp tăng mạnh xuất, nhập khẩu hàng hoá. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư ra nước ngoài tăng khá nhanh. Môi trường kinh doanh được cải thiện và minh bạch hơn; thể chế kinh tế theo định hướng thị trường được củng cố và cải thiện nhanh hơn; Việt Nam đã vươn lên gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, với thế và lực trên trường quốc tế ngày càng được củng cố và nâng cao. Do vậy, việc đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác PBPL và quản lý nhà nước về công tác này từng bước được bảo đảm. Bên cạnh sự phát triển của kinh tế cũng kéo theo hàng loạt các tệ nạn xã hội gia tăng như: ma túy, tội phạm, mại dâm... và các vi phạm pháp luật khác làm mất trật tự an toàn xã hội. Do đó, việc quản lý nhà nước về PBPL nói chung và quản lý nhà nước về PBPL cho đồng bào DTTS nói riêng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.
Thứ ba, sự tham gia của xã hội vào quản lý nhà nước về phổ biến pháp
luật và công tác phổ biến pháp luật: Do chưa hoàn thiện thể chế về PBPL nên sự tham gia của xã hội vào quản lý nhà nước về PBPL và công tác PBPL trong thời gian qua còn hạn chế, chưa phát huy được tính chủ động, tích cực của xã hội tham gia vào quản lý nhà nước về PBPL và công tác PBPL. Bên cạnh đó, nhận thức của cấp uỷ Đảng, chính quyền của một số bộ, ngành, địa phương và nhận thức chung của xã hội về PBPL chưa thực sự đầy đủ và chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này. Trong khi đó,
cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên từ trung ương đến địa phương trong PBPL còn bất cập, đôi khi dẫn đến sự chồng chéo.
Thứ tư, sự tác động của tình hình quốc tế đến hiệu lực, hiệu quả của
quản lý nhà nước về PBPL. Trong những năm qua xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, bên cạnh những thuận lợi của hội nhập thì cũng đặt ra một số thách thức đối với đất nước ta nói chung và cho công tác quản lý nhà nước về PBPL nói riêng như tình hình bất ổn về chính trị ở một số nước trên thế giới và trong khu vực, khủng hoảng kinh tế thế giới...
Thứ năm, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp hoạt
động theo cơ chế phối hợp, các thành viên làm việc kiêm nhiệm nên không thể dành nhiều thời gian đầu tư cho PBPL. Phần lớn thành viên tham gia Hội đồng phối hợp các cấp giữ vị trí lãnh đạo ở sở, ngành, địa phương phải đảm trách nhiều công việc nên sự chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn và phối hợp chưa thật đều.