vật chất để bảo tồn và phát triển di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh
Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng cần phải có sự tập trung các nguồn lực, đặc biệt là nguồn kinh phí đầu tư cho công tác này. Vì thực tế, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 63/2012/NQ-HĐND ngày 06/7/2012 về “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2012 - 2015” không khả thi, do nguồn kinh phí không đảm bảo để thực hiện.
Hằng năm cần có kế hoạch huy động các nguồn kinh phí tài trợ, đầu tư cho những công trình, tác phẩm văn hóa như sản xuất băng đĩa về văn hóa cồng chiêng, về lễ hội dân gian, xây dựng buôn làng văn hóa cổ truyền, bảo tàng văn hóa dân tộc, trùng tu, tôn tạo và phát huy tác dụng của các di tích lịch sử- văn hóa và di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở địa phương.
Tăng cường xã hội hóa huy động nguồn lực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng Tây Nguyên. Để làm tốt vấn đề này, cần phải giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp và các ngành có liên quan, hoặc thành lập một cơ quan chuyên môn đủ năng lực huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng Tây Nguyên.
Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ tài chính hoặc kỹ thuật cho công tác bảo tồn từ mọi hình thức xã hội hóa, bao gồm cả các khoản cho vay lãi suất thấp và viện trợ từ các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ.
Trong khuôn khổ các hoạt động bảo vệ si sản văn hóa phi vật thể, các cấp chính quyền cần đảm bảo khả năng tham gia tối đa của các cộng đồng, nhóm người, các cá nhân đã sáng tạo, duy trì và chuyển giao di sản, đặc biệt là cần phải tích cực lôi kéo họ tham gia vào công tác quản lý thông qua Hiệp
hội những người yêu thích văn hóa cồng chiêng, Hiệp hội nghệ nhân dân văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Trong hoàn cảnh không gian diễn xướng truyền thống đang bị thu hẹp do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Cần thúc đẩy việc đầu tư các dự án bảo vệ môi trường kết hợp bảo vệ và xây dựng các không gian, cảnh quan tự nhiên và những địa điểm gắn với ký ức thể hiện di dản văn hóa phi vật thể cồng chiêng Tây Nguyên. Đặt văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong mối liên quan mật thiết với điều kiện tự nhiên và môi trường sống bên cạnh đó hình thái kinh tế phù hợp với văn hóa cồng chiêng.
Ủy ban nhân dân các xã, phường tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng mỗi thôn, buôn có một nhà văn hóa cộng đồng để tạo điều kiện sinh hoạt văn hóa cho đồng bào.
Hỗ trợ cộng đồng phục hồi tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở các buôn, làng. Tìm các giải pháp để văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thích ứng với sự phát triển của các phương tiện âm thanh trong đời sống đương đại.
Chú trọng đầu tư phát triển du lịch văn hóa, tăng thêm tính lan tỏa của di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ngành văn hóa, thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương xây dựng phương án khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên một cách hiệu quả và bền vững. Từng bước đưa văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn với những chương trình “Về với tiếng chiêng đại ngàn”, đầu tư và triển khai sớm hoạt động “Đêm vang vọng tiếng cồng” trong các tour của khách du lịch, đó cũng chính là một trong những hoạt động thúc đẩy tốt hơn nữa tính lan tỏa của di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong cộng đồng ngày nay.