Chương trình xây dựng nông thôn mới và quản lý xây dựng nông thôn mới
Trong xây dựng nông thôn mới, đối với lãnh đạo và ban chỉ đạo huyện cần có kế hoạch thường xuyên kiểm tra việc triển khai thực hiện tại các xã, địa bàn dân cư về xây dựng nông thôn mới bằng các hình thức như kiểm tra định kỳ hàng tháng, quý và kiểm tra đột xuất. Công tác kiểm tra, giám sát phải thực hiện thường xuyên và đưa vào Nghị quyết, chương trình hành động của cấp ủy; kiểm tra, giám sát có chọn lọc theo chuyên đề, đặc biệt là những nội dung còn chậm, tiêu chí khó thực hiện; những nội dung có liên quan đến công tác vận động nhân dân, phát huy dân chủ trong quá trình thực hiện để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình.
Các thành viên trong ban chỉ đạo huyện cần phối hợp chặt chẽ với nhau và nêu cao vai trò quản lý ngành trong hoạt động kiểm tra, giám sát các chuyên đề về xây dựng nông thôn mới như: đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo môi trường, quản lý và sử dụng vốn, quyết toán công trình… Trong quá trình kiểm tra, giám sát không chỉ xem xét qua báo cáo mà cần có phương pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, hiệu quả đảm bảo nắm bắt, phản ánh được thực trạng, kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới của từng xã, địa bàn dân cư. Qua đó đưa ra các nhận xét về mặt đã làm được, những việc cần thực hiện tốt hơn trong thời gian tới và đề nghị đơn vị, cán bộ được kiểm tra xây dựng kế hoạch khắc phục; điều này sẽ giúp nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm và vị trí của mình trong quản lý xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân trong chỉ đạo, điều hành chương trình để xảy ra sai phạm, thất thoát lãng phí.
Tăng cường hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, Ban giám sát cộng đồng. Đồng thời phát huy vai trò của cộng đồng dân cư tham gia, thực hiện thông qua các kỳ họp Hội đồng nhân dân, thông qua sinh hoạt chi tổ hội, sinh hoạt tổ nhân dân hoặc các hội nghị chuyên đề người dân có ý kiến góp ý các nội dung Đề án, về những nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; cho ý kiến về công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, về chủ trưởng đầu tư các công trình xây dựng; đồng thời hiến kế các giải pháp thực hiện; tham gia giám sát cộng đồng việc triển khai thực hiện các công trình đầu tư theo quy định... Từ việc cộng đồng dân cư tham gia với vai trò quyết định, giám sát quá trình triển khai thực hiện Đề án mà đặc biệt là các công trình đầu tư sẽ góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đồng thời huy động nguồn lực xã hội cho quá trình xây dựng nông thôn mới như: góp công sức, vật chất, hiến đất thực hiện các công trình, tham gia thực hiện các tiêu chí, qua đó dân chủ ở cơ sở được phát huy.
Coi trọng chỉ đạo việc sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm và thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo và kiểm tra, giám sát tiến trình thực hiện từng tiêu chí, nội dung trong công tác xây dựng nông thôn mới theo lộ trình đã đặt ra. Các thành viên ban chỉ đạo huyện, xã căn cứ nhiệm vụ được giao phải thường xuyên tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện theo định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và cả năm. Xây dựng quy chế về công tác thông tin báo cáo định kỳ của các đơn vị để kịp thời theo dõi, nắm bắt tình hình, kết quả thực hiện những khó khăn, vướng mắc và có giải pháp để chỉ đạo tháo gỡ. Coi việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo là chỉ tiêu để đánh giá thi đua hàng năm của các thành viên ban chỉ đạo huyện và ban quản lý xã.