Điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước đối với xây dựng nông thôn mới tại huyện cần giờ thành phố hồ chí minh (Trang 47 - 53)

2.1.1.1. Điều kiện tự nhiên

Hình 2.1. Bản đồ huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Cần Giờ là huyện ven biển duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh, nằm về phía Đông Nam, cách trung tâm thành phố khoảng 60km, chiều dài từ Bắc xuống Nam là 35km, từ Đông sang Tây là 30km. Hình thể như một quần đảo nhỏ nằm giữa 02 cửa sông chính là Lòng Tàu và Soài Rạp. Phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Tây giáp tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang, phía Bắc giáp huyện Nhà Bè - Thành phố Hồ Chí Minh và một phần tỉnh Đồng Nai, phía Nam giáp biển Đông, thuận lợi cho phát triển kinh tế biển và các loại hình dịch vụ.

Huyện Cần Giờ có 06 xã và 01 thị trấn, Trung tâm hành chính huyện đặt tại thị trấn Cần Thạnh; trong các xã của huyện có Thạnh An là xã đảo không có

giao thông đối ngoại bằng đường bộ; diện tích tự nhiên lớn nhất là xã Lý Nhơn (15.815,21ha), nhỏ nhất là thị trấn Cần Thạnh (2.451,09ha).

Địa hình của huyện có dạng trũng thấp, lầy phân bố phía Bắc nên không thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng cơ bản và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật có quy mô lớn. Thổ nhưỡng chủ yếu là đất phèn và đất mặn, trong đó vùng ngập mặn chiếm tới 56,7% diện tích toàn huyện; đặc điểm trên làm cho huyện Cần Giờ không có lợi thế sản xuất nông nghiệp, nền đất yếu gây khó khăn cho xây dựng cơ sở hạ tầng; phần lớn thổ nhưỡng thích hợp cho phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn, phát triển thủy sản, nghề muối. Khí hậu có 02 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ tương đối cao và ổn định, trung bình khoảng 250C đến 290C. Toàn bộ sông rạch chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều không đều, mỗi ngày xuất hiện 2 lần nước lên xuống. Độ mặn trên các sông rạch biến đổi liên tục, cao nhất vào mùa khô, khi triều cường xâm nhập sâu vào thượng nguồn.

Huyện Cần Giờ có tài nguyên phong phú và đa dạng như:

- Tài nguyên đất: tổng diện tích đất tự nhiên của huyện là 70.421,58ha, chiếm trên 33% diện tích đất tự nhiên của Thành phố, tập trung ở các dạng đất sau đây: Đất cát có diện tích 6.704ha, chiếm 9,52%; đất mặn có diện tích 25.559ha, chiếm 36,29% (thích hợp cho việc trồng rừng, đặc biệt là các loại cây rừng ngập mặn); đất phèn có diện tích 38.158,58ha, chiếm 54,19%, tập trung ở phía Bắc của huyện.

- Tài nguyên nước: Diện tích mặt nước của huyện lên đến gần 23.000ha nhưng lại khan hiếm về nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp do chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều nên cả hệ thống nước mặt và nguồn nước ngầm đều bị nhiễm mặn quanh năm, thích hợp cho phát triển rừng ngập mặn và hệ sinh thái ngập mặn, nuôi trồng thủy sản, làm muối.

- Tài nguyên rừng: Rừng ngập mặn có diện tích 33.917,63ha, chiếm trên 45% diện tích đất tự nhiên; có chủng loại đa dạng, phong phú đặc trưng của

rừng ngập mặn, có chức năng là rừng phòng hộ môi trường, được Tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam. Tài nguyên rừng có giá trị rất lớn về phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch sinh thái và môi trường

- Tài nguyên biển: huyện có bờ biển dài 23km. Nguồn lợi từ biển chủ yếu là đánh bắt gần bờ, nuôi trồng thủy sản, làm muối. Tài nguyên biển còn có giá trị phát triển du lịch, phát triển nghề nuôi chim yến lấy tổ.

- Tài nguyên thủy hải sản: Có trên 20.000ha mặt nước biển sử dụng đánh bắt thủy hải sản gần bờ, 10.000ha đất và mặt nước biển có khả năng nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn và gần 1.500ha đất có khả năng sản xuất muối.

- Tài nguyên du lịch: Cần Giờ có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, cụ thể: Rừng ngập mặn và hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng, phong phú, quý hiếm loại bậc nhất quốc gia và thế giới; biển và bãi biển, đặc biệt là bãi bùn thuộc dạng tiêu biểu ở Việt Nam; các đặc sản từ biển và vùng đất ven biển; các lễ hội truyền thống, các loại hình vui chơi đặc sắc của vùng sông nước; có các nhóm cộng đồng nghề tiêu biểu cho cư dân vùng biển.

- Tài nguyên nhân văn: Cần Giờ có nhiều tài nguyên nhân văn được công nhận là di tích lịch sử, di sản văn hóa; cụ thể: Khu dự trữ sinh quyển, Di chỉ khảo cổ Giồng Cá Vồ, Di tích lịch sử căn cứ Rừng Sác và nhiều di tích văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng gồm các lăng, chùa, thánh thất được xây dựng từ rất lâu.

2.1.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội:

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về “nông nghiệp, nông dân và nông thôn”, Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và theo định hướng chỉ đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã xác định trong giai đoạn 2010 – 2015 và các năm tiếp theo tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: tăng nhanh tỷ trọng khu vực dịch vụ, giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp và công nghiệp; tập trung phát triển hai

ngành kinh tế mũi nhọn là thủy sản và du lịch; chuyển đổi cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng phát triển đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản, cây ăn trái… phục vụ du lịch.

Từ năm 2013 đến năm 2018, tăng trưởng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện được duy trì ở mức tăng khá, bình quân tăng 10%/năm. Cơ cấu kinh tế của huyện đã dần chuyển dịch đúng hướng: tăng tỷ trọng của ngành dịch vụ (từ 38,5% năm 2013 lên 41,2% năm 2018) và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp (từ 43,9% năm 2013 xuống còn 43,3% năm 2018), ngành công nghiệp (từ 17,6% năm 2013 xuống còn 15,5% năm 2018).

38.50% 41.20% 43.90% 43.30% 17.60% 15.50% 0.00% 20.00% 40.00% 60.00% 80.00% 100.00% 120.00% Năm 2013 Năm 2018 Ngành công nghiệp Ngành nông nghiệp Ngành dịch vụ

Biểu 2.1. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện Cần Giờ năm 2013 - 2018 (Nguồn: Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, năm 2018)

Tuy nhiên chuyển dịch cơ cấu kinh tế vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt, tuy tỷ trọng ngành dịch vụ có tăng nhưng ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế. Sản xuất thủy sản là ngành kinh tế chủ lực, nuôi trồng chủ yếu là con tôm, nghêu, hàu; nuôi chim yến lấy tổ đang phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây. Nghề đánh bắt xa bờ phát triển chậm, hoạt động không thường xuyên, hiệu quả thấp; đánh bắt ven bờ hoạt động thường xuyên và có

hiệu quả, cung cấp ổn định nguồn thủy sản tiêu thụ hàng ngày và nguyên liệu phục vụ chế biến. Trồng trọt sản phẩm chủ lực là cây ăn trái (xoài) đang được giữ ổn định ven biển để tạo sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phục vụ cho ngành dịch vụ du lịch; diện tích gieo trồng lúa không đáng kể, chủ yếu là 01 vụ lúa mùa theo mô hình luân canh tôm - lúa, hiệu quả sản xuất thấp. Chăn nuôi gia súc, gia cầm không phát triển và hiệu quả thấp.

Các ngành nghề công nghiệp trên địa bàn huyện không phát triển. Sản xuất muối chuyển từ sản xuất trên nền đất giá trị thấp sang sản xuất trên nền trải bạt, có giá trị và năng suất thu hoạch cao hơn, tuy nhiên do thời tiết và giá cả biến động thất thường làm cho hiệu quả sản xuất không ổn định. Tiểu thủ công nghiệp có sản phẩm sản xuất chủ lực là hải sản chế biến khô, muối hạt, nước đá, hàng may mặc nhưng giá trị sản phẩm còn thấp do quy mô nhỏ và chưa đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

- Thương mại, dịch vụ chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ và một phần cho khách du lịch; do địa bàn rộng, điều kiện sản xuất kinh doanh khó khăn nên chưa thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, chủ yếu là hộ kinh doanh cá thể với quy mô vừa và nhỏ. Du lịch từng bước phát triển, đã đưa vào khai thác các tour du lịch đường sông, du lịch sinh thái biển, sinh thái rừng… thu hút khách du lịch đến huyện ngày càng tăng; tuy nhiên, sản phẩm du lịch phát triển chưa đa dạng để kích cầu chi tiêu của khách du lịch.

Tổng số dân toàn huyện khoảng 75.330 người, chủ yếu là dân tộc Kinh (chiếm trên 80%), còn lại là dân tộc Khmer và Chăm (chiếm gần 20%). Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 0,7%/năm; phân bố không đều theo địa bàn hành chính xã. Mật độ dân số trung bình toàn huyện là 100 người/km2, địa bàn hành chính xã, thị trấn có mật độ dân số cao nhất là thị trấn Cần Thạnh (469 người/km2), thấp nhất là xã Thạnh An (34 người/km2).

- Toàn huyện có 46.705 lao động trong độ tuổi, chiếm 62% dân số toàn huyện; trong đó lao động có việc làm thường xuyên là 44.944 người chiếm

96,23%, lao động thất nghiệp 1.775 người, chiếm 3,8% (sau khi đã trừ số lao động không có nhu cầu làm việc). Lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc là 37.753 người, chiếm 84%. Trong những năm trở lại đây cơ cấu lao động tại huyện đã có sự chuyển dịch đáng kể từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp, đặc biệt là lao động hoạt động ngành thương mại - dịch vụ tăng nhanh.

- Thu nhập bình quân đầu người tại huyện đạt mức 43,79 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,84 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn 21 triệu đồng/người/năm) chiếm 5,78% trên tổng hộ khẩu, trong đó cơ bản không còn hộ nghèo chuẩn 16 triệu đồng/người/năm.

- Về phát triển giáo dục và đào tạo: Toàn huyện có 39 trường học (có 21 trường đạt chuẩn quốc gia và 28 trường đạt chuẩn cơ sở vật chất), 01 Trung tâm giáo dục thường xuyên, 542 lớp với 16.373 học sinh ở các ngành, cấp học. Hiệu quả và chất lượng đào tạo ở các cấp học qua từng năm học được nâng lên, tỷ lệ học sinh thi đậu đại học, cao đẳng đạt 71,47% năm 2018.

- Phát triển Văn hóa thông tin - Thể dục thể thao: Nhiều hoạt động lễ, hội diễn ra hàng năm được đầu tư nâng cấp về hình thức và nội dung, được tổ chức đến các xã, thị trấn (biểu diễn 40 - 50 suất/năm). Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai ngày càng đi vào chiều sâu, hiện có 30/33 ấp, khu phố giữ vững danh hiệu văn hóa 03 năm liên tục; có 33/33 ấp có Văn phòng ấp kết hợp tụ điểm sinh hoạt văn hóa, 06 trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn. Tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể dục thường xuyên tăng hàng năm. Có 275 cơ sở thể thao ngoài công lập hoạt động với các hình thức sân bóng, hồ bơi, thu hút ngày càng nhiều đối tượng tham gia tập luyện.

- Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân: Ngoài cơ sở y tế công lập, toàn huyện có 51 cơ sở hành nghề y tế; chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân từng bước được nâng lên. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,6%, tỷ

lệ trẻ em được tiêm chủng mở rộng hàng năm đạt trên 97%, tỷ lệ trẻ em uống Vitamin A đạt 98%, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn 2,6% năm 2018.

- Quốc phòng an ninh và trật tự xã hội: Luôn được quan tâm lãnh đạo thực hiện và đạt được kết quả, hoàn thành tốt công tác tuyển chọn công dân nhập ngũ hàng năm; phối hợp sẵn sàng chiến đấu giữa các lực lượng trong cụm 05 huyện ven biển. Củng cố các tổ, ấp, khu phố vững mạnh, phát huy vai trò của nhân dân trong việc phòng chống tội phạm trong thời kỳ mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước đối với xây dựng nông thôn mới tại huyện cần giờ thành phố hồ chí minh (Trang 47 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)