Những kết quả đạt được và nguyên nhân đạt được

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước đối với xây dựng nông thôn mới tại huyện cần giờ thành phố hồ chí minh (Trang 77 - 79)

2.3.1.1. Những kết quả đạt được

- Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch xây dựng nông thôn mới đã có sự quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định, hướng dẫn của trung ương và thành phố. Đồ án xây dựng nông thôn mới các xã và quy định quản lý quy hoạch đã được phê duyệt, làm cơ sở huy động hiệu quả các nguồn lực tham gia xây dựng nông thôn mới và thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng nông thôn mới luôn chú trọng đến sự tham gia góp ý của người dân.

- Công tác thông tin tuyên truyền, quán triệt các văn bản của Trung ương, Thành phố, huyện về chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện kịp thời, giúp thành viên nắm vững những quan điểm, chủ trương để vận động nhân dân cùng tham gia thực hiện. Đã quan tâm cập nhật các chủ trương, chính sách của Trung ương, thành phố về nông thôn mới, qua đó kịp thời chỉ đạo quán triệt và triển khai, vận dụng tại huyện; ban hành nhiều văn bản thực hiện các cơ chế, chính sách theo định hướng quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt.

- Công tác kiện toàn, củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của Ban Chỉ đạo, Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện, Ban Quản lý Xây dựng nông thôn mới các xã được quan tâm đã đáp ứng kịp thời yêu cầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Chương trình. Các thành viên luôn thống nhất trong nhận thức và hành động về quan điểm của Đảng, chính sách

pháp luật của nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Trình độ của đội ngũ cán bộ từ huyện đến xã dần được chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực qua đó hiệu quả hoạt động được nâng cao hơn so với trước khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Việc chỉ đạo thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới có sự tập trung, bám sát thực tiễn, dựa trên hiện trạng các tiêu chí để chủ động đề ra các giải pháp thực hiện phù hợp điều kiện đặc thù của từng xã. Hệ thống chính trị huyện và xã đã có sự liên kết, phối hợp với nhau trong triển khai thực hiện. Từng thành viên đã có sự chủ động hơn trong hỗ trợ, phối hợp thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực, khuyến khích, vận động nhân dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới. Sự tham gia hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong đăng ký thực hiện các nội dung của 19 tiêu chí, sự hỗ trợ của các đơn vị chung sức đã góp phần tạo sức mạnh, nguồn lực trong giai đoạn nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Qua đó, bộ mặt nông thôn huyện Cần Giờ có nhiều chuyển biến, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hoàn chỉnh, làm cơ sở, tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống giao thông kết nối giữa các xã với trung tâm huyện được thông suốt; hạ tầng thủy lợi, điện lưới quốc gia được đầu tư đáp ứng ngày càng tốt hơn; cơ sở vật chất văn hóa, y tế, giáo dục đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và công tác giáo dục – đào tạo trên địa bàn huyện; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện.

- Công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới có sự tập trung, nhờ đó đã kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Thường xuyên kiểm tra, giám sát về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình tại các xã xây dựng nông thôn mới và đánh giá kết quả triển khai thực hiện. Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện.

2.3.1.2. Những nguyên nhân đạt được kết quả trên

Luôn coi trọng công tác quy hoạch, thực hiện theo quy hoạch; nêu cao vai trò của nhân dân trong việc lập quy hoạch, từ thực tiễn ở cơ sở cần điều chỉnh quy hoạch đều có sự tham gia góp ý của các ngành và lấy ý kiến của người dân theo quy trình quy định.

Chủ động, nghiêm túc trong việc triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của trung ương, thành phố về xây dựng nông thôn mới, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.

Tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phát huy vai trò gương mẫu, tiên phong của cán bộ, đảng viên trong công tác vận động nhân dân, coi đây là giải pháp hàng đầu nhằm giúp nhân dân nắm rõ chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của công tác xây dựng nông thôn mới; đồng thời thấy được vai trò, trách nhiệm của mình cùng chung sức xây dựng nông thôn mới, qua đó nhân dân ngày càng có sự đồng thuận, tin tưởng và chủ động tham gia tích cực hơn.

Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, trong đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn, xây dựng chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa nhiệm vụ thực hiện phong trào đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện.

Luôn quan tâm, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là của các xã. Định kỳ tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện và đề ra giải pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc ngay từ cơ sở.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước đối với xây dựng nông thôn mới tại huyện cần giờ thành phố hồ chí minh (Trang 77 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)