1.3.2.1 Quy mô và phạm vi hoạt động của ngân hàng
Năng lực tài chính của ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán và việc mở rộng hệ thống thanh toán qua thẻ tín dụng của ngân hàng. Khi ngân hàng có lượng vốn lớn, ngân hàng có thể cấp hạn mức tín dụng cao hơn cho khách hàng và sẽ tạo điều kiện cho việc mở rộng hệ thống máy ATM, các cơ sở chấp nhận thẻ và giúp cho việc nâng cao trình độ kỹ thuật công nghệ áp dụng trong hệ thống thanh toán.
1.3.2.2 Nguồn nhân lực
Phát triển thị trường thẻ tín dụng đòi hỏi những điều kiện nhất định: mạng lưới rộng khắp, chi phí cố định (thuê địa điểm, đầu tư hạ tầng công nghệ) lớn, đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp phù hợp với tính chất bán lẻ. Trong ba điều kiện chủ yếu nêu trên, hai điều kiện đầu có thể nhanh chóng thiết lập nếu có đủ nguồn lực vật chất. Tuy nhiên, điều kiện thứ ba lại không dễ dàng tạo ra bởi chúng liên quan đến yếu tố con người – nhân tố quan trọng nhất cho quá trình cải cách và phát triển. Nhân lực tốt không những làm chủ mạng lưới, công nghệ mà còn là nhân tố quyết định việc cải tiến mạng lưới, công nghệ, quy trình… và điều quan trọng hơn là tạo ra và duy trì các mối quan hệ bền vững với khách hàng. Một NHTM chỉ có thể phát triển bền vững nếu có một nền tảng khách hàng bền vững. Máy móc, công nghệ, thiết bị không thể làm thay con người trong lĩnh vực này. Chính vì thế, nhận thức đúng tầm quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực đối với chiến lược phát triển dịch vụ bán lẻ là điều tối cần thiết, đặc biệt đối với các ngân hàng có nguồn gốc từ các NHTM Nhà nước vốn được coi là yếu về chất lượng nguồn nhân lực so với các ngân hàng ngoài quốc doanh và các ngân hàng nước ngoài.
Nguồn nhân lực sẵn có đối với các ngân hàng có nguồn gốc từ NHTM quốc doanh cũng không được kỳ vọng nhiều khi đặt trước chiến lược chuyển đổi mô hình hoạt động để có thể trở thành ngân hàng bán lẻ. Nguồn nhân lực này được đánh giá là đã có kinh nghiệm nên hiệu quả làm việc tốt hơn. Tuy nhiên, với môi trường kinh doanh mới, nguồn nhân lực này cần có thời gian để tiếp cận tư duy và văn hoá kinh doanh theo cơ chế thị trường. Mặc dù có kiến thức và kinh nghiệm tích luỹ cơ bản nhưng lại thiếu hụt kiến thức sản phẩm ngân hàng, năng lực quản lý và phân tích tài chính, tín dụng. Bên cạnh đó, các kỹ năng mềm chuyên nghiệp rất cần cho những vị trí giao dịch viên hoặc chuyên viên quan hệ khách hàng như marketing, kỹ năng bán hàng và bán chéo, kỹ năng giao tiếp hiệu quả, kỹ năng quảng bá thương hiệu, kỹ năng giải quyết xung đột, kỹ năng đàm phán… lại chưa được chú trọng đúng mức nên việc mở rộng mạng lưới bán lẻ và thu hút khách hàng bị hạn chế. Thực trạng này cũng đặt ra yêu cầu không kém phần cấp bách đối với việc đào tạo lại đội ngũ
nhân lực hiện có ở mọi cấp độ, đặc biệt là đội ngũ giao dịch viên và chuyên viên quan hệ khách hàng chuyên nghiệp.
1.3.2.3 Năng lực công nghệ
Với việc tự do hóa cơ chế quản lý, thì công nghệ là phương tiện giúp các ngân hàng có thể đánh bại các đối thủ cạnh tranh. Đối với các ngân hàng, ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng tạo ra những cơ hội giảm thiểu giấy tờ và nhân sự. Sự đổi mới công nghệ trong hoạt động ngân hàng trước hết thể hiện trong các hệ thống chuyển tiền điện tử. Cấu phần chủ yếu của hệ thống chuyển tiền điện tử là máy giao dịch tự động ATM, thiết bị ngoại vi tại điểm bán hàng POS, trung tâm thanh toán bù trừ tự động ACH. Những thiết bị công nghệ này liên quan tới khả năng tự động hoá trong giao dịch ngân hàng và theo đó khách hàng có khả năng nhận được những sản phẩm dịch vụ tiện ích phù hợp với nhu cầu của mình. Có thể nói công nghệ ngân hàng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh và tăng khả năng chiếm thị phần của các ngân hàng.
Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển các TCTD, phát triển công nghệ ngân hàng có thể được xem như khâu đột phá quan trọng trong hoạt động của các TCTD để ngành Ngân hàng Việt Nam tận dụng được những lợi thế sẵn có, cải thiện hoạt động của mình dựa trên nền tảng công nghệ thông tin do quá trình hội nhập đem lại và giành được lợi thế cạnh tranh quốc gia và quốc tế. Hiện tại, các ngân hàng Việt Nam cần chú trọng vào:
Thứ nhất, khai thác ưu thế của Internet. Mạng xã hội, thiết bị kỹ thuật số và điện thoại di động của Việt Nam đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc, với người sử dụng Internet trong nước tăng 5% kể từ báo cáo khảo sát của WeAreSocial vào cuối năm 2011. WeAreSocial cho biết số người dùng Internet Việt Nam là 30,8 triệu. Tỉ lệ người dùng Internet trên tổng số dân là 34% (cao hơn mức trung bình của thế giới là 33%). Riêng năm 2012, Việt Nam có thêm 1,59 triệu người dùng mới. Ngoài ra, cả nước có gần 15,5 triệu thuê bao cố định, trên 30,2 triệu thuê bao di động trong tổng số 86 triệu dân. Đây là những cơ sở công nghệ ban đầu giúp người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ thẻ tín dụng của các ngân hàng.
Thứ hai, phát triển mạng lưới hệ thống ATM/POS. Số lượng các máy ATM/POS tạo ra sự tiện lợi nhanh chóng cho hoạt động thanh toán thẻ tín dụng đối với khách hàng. Thanh toán thẻ tín dụng chỉ có thể phát triển khi mạng lưới này được mở rộng và đặt tại những địa điểm thuận lợi cho khách hàng. Bên cạnh đó, các trang thiết bị hoạt động tốt, an toàn, không có sự cố trục trặc, gián đoạn có ý nghĩa rất quan trọng.
1.3.2.4 Định hướng và chiến lược phát triển của ngân hàng
Định hướng và chiến lược của ngân hàng trong hoạt động kinh doanh thẻ tín dụng sẽ quyết định sự phát triển của hoạt động này. Nếu định hướng và các chính sách phát triển đúng đắn, phù hợp với tình hình trong nước, thế giới và xu hướng phát triển của lĩnh vực thẻ là yếu tố tạo nên sự thành công. Để làm được điều này, ngân hàng phải xây dựng cho mình một chương trình mang tính chiến lược trong dài hạn trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu thị trường, xác định khách hàng và phân đoạn thị trường mục tiêu, mức độ cạnh tranh… và dựa vào nội lực của mình.
1.3.2.5 Thương hiệu ngân hàng
Thương hiệu sẽ thể hiện uy tín, chất lượng sản phẩm, phong cách phục vụ, văn hóa của từng ngân hàng, mà không chỉ trong một sớm một chiều có thể gây dựng được. Thương hiệu mang lại những giá trị vô cùng to lớn với mỗi ngân hàng, nhất là trong điều kiện canh tranh khốc liệt để giành giật thị phần cung cấp dịch vụ như hiện nay.
Theo xu hướng các ngân hàng ngày một chú trọng dịch vụ ngân hàng bán lẻ mà hiện tại còn rất nhiều tiềm năng phát triển đặc biệt là đối với dịch vụ thanh toán thẻ tín dụng trong dân cư. Hơn nữa, thẻ tín dụng đang phát triển theo xu hướng ngày một đa năng, đến một lúc nào đó, tất cả thẻ của các ngân hàng đều mang lại những tiện ích thỏa mãn khách hàng như nhau, thì quyết định lựa chọn sẽ bị thương hiệu chi phối. Bởi vì thương hiệu mang lại sự cam kết, lòng tin, thậm chí khẳng định đẳng cấp của người tiêu dùng. Mà chính bản thân ngân hàng với những dịch vụ chất lượng cao, với văn hóa riêng…sẽ tạo nên thương hiệu cho mình.