Các nhân tố ảnh hưởng đến thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại đơn vị sự

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cơ CHẾ tự CHỦ tài CHÍNH tại BỆNH VIỆN TRƯỜNG đại học y dược HUẾ (Trang 33)

đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập

Các nhân tố ảnh hưởng đến việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập bao gồm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cách thức tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý tài chính của đơn vị, năng lực đội ngũ cán bộ, nhân viên trong đơn vị, công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình tài chính của đơn vị.

Nhân tố khách quan:

 Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước

Trước yêu cầu phải nâng cao chất lượng dịch vụ công, cắt giảm sự bao cấp của nhà nước, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương phải đổi mới cơ chế quản lý, đặc biệt là đổi mới về cơ chế tài chính. Từ yêu cầu đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về việc quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế - Bộ tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc; Thông tư số 02/2017/ TT-BYT ngày 15/03/2017 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bện trong một số trường hợp.

Các đơn vị sự nghiệp y tế công lập do Nhà nước thành lập để thực hiện quản lý, cung ứng dịch vụ công và các nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực sự nghiệp y tế. Do đó cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập chịu ảnh hưởng lớn bởi các chính sách của Nhà nước.

Cùng với các chính sách mới, đổi mới về cơ chế tự chủ tài chính, trong những năm qua Nhà nước đã ban hành một hệ thống các chính sách để củng cố, phát triển hệ thống y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đồng thời đảm bảo công bằng và hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các

chính sách này đã tạo hành lang pháp lý cho bệnh viện tổ chức thực hiện tốt quản lý tài chính trong đó phải kể đến chính sách viện phí và bảo hiểm y tế. Bảo hiểm y tế được triển khai ở Việt Nam từ năm 1993. Trong những năm qua công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã thu được những kết quả khả quan. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 với mục tiêu đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

 Cơ chế quản lý tài chính

Mỗi đơn vị sự nghiệp y tế công lập đều có những đặc thù riêng nên cần phải có những cơ chế quản lý tài chính riêng để điều chỉnh. Cơ chế này tạo hành lang pháp lý cho quá trình tạo lập và sử dụng nguồn tài chính. Nó được xây dựng trên quan điểm thống nhất và phù hợp từ việc xây dựng các định mức thu, định mức chi tiêu đến quy định về cấp phát, kiểm soát, quá trình đó nhằm phát huy vai trò của cơ chế tự chủ tài chính.

Để đạt được mục tiêu, công tác quản lý tài chính bao gồm các bước: lập dự toán thu chi hàng năm, thực hiện chấp hành đúng dự toán thu chi tài chính hàng năm, quyết toán thu chi hàng năm.

+ Lập dự toán thu chi là quá trình phân tích, đánh giá giữa khả năng và nhu cầu các nguồn tài chính để xây dựng các chỉ tiêu thu chi hàng năm một cách đúng đắn, có căn cứ khoa học và thực tiễn

+ Tổ chức chấp hành dự toán thu chi là quá trình sử dụng tổng hợp các biện pháp kinh tế tài chính, hành chính nhằm thực hiện các chỉ tiêu thu chi trong dự toán của đơn vị thành hiện thực. Trên cơ sở dự toán thu chi được giao, các khoa phòng tổ chức triển khai thực hiện, đưa ra các biện pháp cần thiết để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao đồng thời phải có kế hoạch sử dụng kinh phí đúng mục đích, chế độ, tiết kiệm và có hiệu quả. Để theo dõi quá trình chấp hành dự toán thu chi, phòng Tài chính kế toán tiến hành theo

dõi chi tiết, cụ thể từng nguồn thu, từng khoản chi trong kỳ của các khoa phòng.

+ Quyết toán thu chi là công việc cuối cùng của chu trình quản lý tài chính. Đây là quá trình kiểm tra, tổng hợp số liệu về tình hình chấp hành dự toán trong kỳ và là cơ sở để phân tích, đánh giá kết quả, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho các kỳ tiếp theo.

Việc chấp hành chế độ kế toán, quyết toán tài chính, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán được thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Các bệnh viện là đơn vị sự nghiệp y tế công lập, có nhiệm vụ chấp hành nghiêm chỉnh chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Bệnh viện có trách nhiệm lập và nộp đúng hạn các báo cáo tài chính cho cơ quan chủ quản và cơ quan tài chính theo quy định, dùng các báo cáo tài chính để phân tích và đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí để phục vụ cho công tác quản lý tài chính và công tác quản lý chung.

Bệnh viện chịu sự kiểm tra tài chính của cơ quan chủ quản, thanh tra tài chính và kiểm toán khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Bệnh viện phải đảm bảo lưu trữ chứng từ kế toán theo quy định để phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và công tác quản lý tài chính của đơn vị.

Nhân tố chủ quan:

 Tổ chức bộ máy, năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong đơn vị Con người là nhân tố trung tâm của bộ máy quản lý, là khâu trọng yếu trong việc xử lý các thông tin để đề ra các quyết định quản lý. Tổ chức bộ máy linh động, năng lực của đội ngũ cán bộ nhân viên của đơn vị là các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị, góp phần vào việc mở rộng, tăng nguồn thu và tiết kiệm chi của đơn vị, từ đó ảnh hưởng đến tình hình thực hiện tự chủ ở đơn vị.

Các đơn vị thực hiện tổ chức sắp xếp lại nhân sự, bố trí công việc một cách khoa học, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực như giảm bớt số lượng biên chế, thực hiện chế độ hợp đồng lao động. Điều này đem lại hiệu quả và tăng tính trách nhiệm của người lao động, phát huy được tính năng động, sáng tạo của các đơn vị và đội ngũ cán bộ y tế trong việc chủ động quyết định các biện pháp, giải pháp để thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Khả năng huy động các nguồn thu và sử dụng kinh phí có hiệu quả Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, các đơn vị thực hiện thêm các hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội, quản lý chặt chẽ một số nguồn thu ngoài dịch vụ y tế như nhà thuốc bệnh viện, trông giữ xe, căn tin, nhà ăn; tham gia cung ứng các dịch vụ ngoài đơn vị và các hoạt động dịch vụ khác để tăng nguồn thu.

Các đơn vị thực hiện việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn tài chính để có chênh lệch thu chi, chi trả thu nhập tăng thêm, trích lập các quỹ để đầu tư cơ sở, mua sắm trang thiết bị để mở rộng và phát triển bệnh viện.

1.3. Kinh nghiệm thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính tại một số bệnh viện công lập và bài học rút ra cho Bệnh viện Trường Đại Học Y- Dược Huế

1.3.1. Thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính tại Bệnh viện Giao thông vận tái Huế

Bệnh viện Giao thông vận tải Huế tiền thân là Bệnh viện đường sắt Huế được thành lập năm 1975 đến nay là bệnh viện đa khoa hạng III, là đơn vị sự

nghiệp y tế công lập trực thuộc Cục Y tế Giao thông vận tải – Bộ Giao thông vận tải.

Trong những năm gần đây Bệnh viện đã có sự phát triển mạnh, có uy tín trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc khám chữa bệnh. Hằng năm, bệnh viện tiếp nhận khám gần 110.000 lượt bệnh nhân ngoại trú, điều trị gần 5.400 bệnh nhân nội trú. Bệnh viện luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao của Bộ Giao thông vận tải và Cục Y tế Giao thông Vận tải giao phó, là lá cờ đầu của nghành y tế giao thông vận tải. Trong giai đoạn vừa qua, thông qua các dự án tài trợ nước ngoài, liên doanh liên kết, bệnh viện đã tiếp nhận và triển khai nhiều dự án phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn. Có thể nói việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đã tạo bước phát triển mạnh mẽ cho bệnh viện. Nguồn thu cao và ổn định tạo điều kiện cho bệnh viện có nguồn vốn để đầu tư mua sắm trang thiết bị, nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, nâng cao thu nhập cho cán bộ viên chức.

1.3.2. Thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính tại Bệnh viện Trung ương Huế

Bệnh viện Trung ương Huế được thành lập từ năm 1894, là một trong ba bệnh viện lớn nhất ở Việt Nam, là Trung tâm y tế chuyên sâu khu vực miền Trung-Tây nguyên, là một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, hạng đặc biệt

Ngày 26/12/2006 Bộ trưởng Bộ Y tế ký quyết định số 5550/QĐ-BYT về giao quyền tự chủ tài chính cho Bệnh viện Trung ương Huế từ ngày 01/01/2007. Ban giám đốc Bệnh viện đã thực hiện phổ biến Nghị định cho toàn bộ cán bộ nhân viên, phân công các phòng ban chức năng, đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, đặc biệt nêu cao vai trò của thủ trưởng đơn vị trong quản lý tài chính, vật tư thiết bị theo các quy định của Nhà nước và của Bộ Y tế.

Sau hơn 10 năm thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, hiện nay, Bệnh viện có những sự phát triển vượt bậc. Qui mô hơn 500 giường bệnh nội trú và 70 giường lưu, nhưng bệnh nhân thường xuyên là 600-900, thực hiện chức năng khám chữa bệnh cao nhất của khu vực miền Trung và Tây nguyên, tiếp nhận hàng năm khoảng trên 85.000 bệnh nhân điều trị nội trú, hơn 400.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú, là nơi đào tạo thực hành cho các cán bộ đại học, sau đại học, điều dưỡng...Bệnh viện hiện có hơn 500 cán bộ viên chức, trong đó cán bộ đại học và sau đại học là 419, bao gồm 3 Thầy thuốc nhân dân, 36 Thầy thuốc ưu tú, 25 Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ và 224 Bác sĩ, Dược sĩ, Chuyên khoa I, Chuyên khoa II và Thạc sĩ. Ngoài ra còn có 152 cán bộ của Trường Đại học Y Dược-Đại học Huế làm việc tại bệnh viện. Bệnh viện Trung ương Huế có 63 Khoa Phòng gồm 40 khoa lâm sàng, 13 cận lâm sàng, 12 phòng chức năng và 06 Trung tâm: Trung tâm Huyết học Truyền máu, Trung Tâm Tim Mạch, Trung Tâm Đào Tạo, Trung tâm Ung bướu, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Phẫu thuật tạo hình, Trung tâm Nhi khoa.

Trong giai đoạn vừa qua, thông qua các dự án tài trợ nước ngoài, liên doanh liên kết, bệnh viện đã tiếp nhận và triển khai nhiều dự án đã và đang phục vụ tích cực cho nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, bao gồm: Trung tâm kỹ thuật cao (ODA - Nhật bản), Trung tâm Tim mạch với kỹ thuật và phương tiện hiện đại nhất Đông Nam Á, Trung tâm Nhi (Atlantic Phylantrophy, Hoa kỳ), Khu nhà Hậu cần, Trung tâm đào tạo, Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế, Trung tâm Ung bướu...

Có thể nói việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đã tạo bước phát triển mạnh mẽ cho bệnh viện. Nguồn thu cao và ổn định tạo điều kiện cho bệnh

viện có nguồn vốn để đầu tư mua sắm trang thiết bị, nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, nâng cao thu nhập cho cán bộ viên chức.

1.3.3. Bài học kinh nghiệm rút ra khi thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính cho Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Huế

Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đến nay đã chứng tỏ được tính đúng đắn của chủ trương. Có thể nói, cơ chế tự chủ tài chính là phù hợp với yêu cầu đổi mới với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trong tình hình mới. Trong cơ chế tự chủ tài chính, nhà nước giao quyền tự chủ cao trong hoạt động quản lý lao động và quản lý tài chính cho các đơn vị tốt hơn cơ chế trước đây. Cùng với quyền tự chủ tài chính trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập là phải chủ động trong các mặt quản lý khác nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động sự nghiệp. Do đó cơ chế tự chủ tài chính trong các hoạt động quản lý của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã trở thành vấn đề cấp thiết và có ý nghĩa thực tiễn to lớn.

Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Huế cần học hỏi kinh nghiệm từ việc quản lý và thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các bệnh viện khác để tự hoàn thiện cho việc thực hiện của mình. Đặc biệt là trong giai đoạn giao thời để tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP và nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 85/2012/NĐ-CP.

Trước hết, đó là cần tập trung mọi nguồn lực để thực hiện được các đề án, chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng có thể từ nguồn ngân sách Nhà nước hoặc từ nguồn vốn vay, tài trợ.

Thứ hai đó là nâng cao chất lượng trang thiết bị y tế, có thể là mua sắm mới hoặc sửa chữa, thay thế để có thể đáp ứng tốt yêu cầu cao trong chẩn đoán, điều trị bệnh nhân.

Thứ ba đó là không ngừng đổi mới trong công tác khám chữa bệnh, đào tạo cán bộ, nâng cao chất lượng chuyên môn, nâng cao chất lượng và hiệu quả

trong quản lý kinh tế tại bệnh viện, tăng cường hợp tác quốc tế... để có thể bắt kịp xu hướng phát triển mới và sự cạnh tranh giữa các bệnh viện trên địa bàn.

Tóm tắt chương 1

Chương 1 đã tập trung đề cập đến một số nội dung khoa học chủ yếu sau: Thứ nhất: Khái quát về đơn vị sự nghiệp y tế công lập cũng như cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị này,

Thứ hai: Phân tích những vấn đề cơ bản của thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, đưa ra các tiêu chí đánh giá việc thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính tại các bệnh viện.

Thứ ba: Tổng kết kinh nghiệm thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính ở một số bệnh viện và rút ra được những bài học kinh nghiệm cho Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Huế.

Chương 2

THỰC TRẠNG TRIỂN KHAI CƠ CHẾ TỰ CHỦ TÀI CHÍNH

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cơ CHẾ tự CHỦ tài CHÍNH tại BỆNH VIỆN TRƯỜNG đại học y dược HUẾ (Trang 33)