a) Tại Hà Nội
Thứ nhất, căn cứ để đánh giá
Vị trí công việc, yêu cầu trách nhiệm cơ quan, đơn vị phân công rõ ràng, cụ thể cho từng công chức; sản phẩm công tác của mỗi công chức trong thời gian đánh giá (tháng, quý, năm).
Tiêu chuẩn cán bộ, công chức (tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể); hiệu quả công tác thực tế (hiệu quả về xây dựng Đảng, chính quyền và đoàn thể; hiệu quả về kinh tế; hiệu quả về đoàn kết nội bộ; mức độ tín nhiệm của cấp dưới, đồng sự và của quần chúng nhân dân; môi trường và điều kiện công tác; ...).
Việc đánh giá được thực hiện thông qua phiếu đánh giá với tổng số điểm đánh giá là 100 được phân chia theo các tiêu chí sau:
+ Cho tối đa 60 điểm: Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
+ Cho tối đa 10 điểm: Đánh giá phẩm chất chính trị, chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
+ Cho tối đa 20 điểm: Đánh giá phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc. Trong đó dành 10 điểm cho đánh giá tiêu chí tinh thần và thái độ phục vụ nhân dân (tận tụy với công việc; không hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà, khó khăn cho người dân và tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ).
+ Cho tối đa 10 điểm: Đánh giá ý thức tổ chức kỷ luật.
Căn cứ vào kết quả đánh giá có được dựa trên phiếu đánh giá của công chức theo thang điểm 100 điểm, công chức được phân loại theo 1 trong 4 mức sau:
+ Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Tổng điểm đạt từ 90 đến 100 điểm, trong đó điểm của tiêu chí đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao phải đạt từ 55 điểm trở lên.
+ Hoàn thành tốt nhiệm vụ: Tổng điểm phải đạt từ 70 đến 89 điểm, trong đó có điểm của tiêu chí đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao phải đạt từ 50 điểm trở lên.
+ Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực: Tổng điểm đạt từ 50 đến 69 điểm, trong đó điểm của tiêu chí đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao phải đạt từ 45 điểm trở lên.
+ Không hoàn thành nhiệm vụ: Tổng điểm đạt dưới 50 điểm hoặc điểm của tiêu chí đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao đạt dưới 30 điểm.
b) Tại Đà Nẵng
Đà Nẵng là địa phương nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về công tác cải cách hành chính và đạt được nhiều thành tựu đánh kể. Trong số những thành tựu đó, mô hình đánh giá công chức năm 2012 và mô hình mới triển khai ứng dụng năm 2013.
Năm 2012, thành phố Đà Nẵng áp dụng thí điểm mô hình đánh giá kết quả làm việc của công chức và người lao động tại 10 đơn vị (7 Sở - ngành và 3 quận). Hơn 600 công chức đượcchia thành 4 nhóm: Phó Giám đốc Sở và tương đương; Trưởng phòng và tương đương; công chức tham mưu, tổng hợp; công chức hỗ trợ, phục vụ. Nội dung đánh giá bao gồm: Mức độ hoàn thành công việc; chấp hành nội quy tại đơn vị, pháp luật của Nhà nước; tinh thần trách nhiệm và kết quả phối hợp công tác; điểm thưởng (nếu có). Quy
trình đánh giá gồm 4 bước: Tự đánh giá; cấp trên trực tiếp đánh giá; đánh giá chéo trong tập thể; Hội đồng đánh giá.
Trong năm 2013, thành phố Đà Nẵng triển khai đánh giá kết quả làm việc của toàn bộ công chức từ Thủ trưởng Sở, ban - ngành và tương đương đến công chức phường, xã thông qua phần mềm tin học. Đánh giá kết quả làm việc có thang điểm 100, theo đó: Công chức đạt 85 điểm trở lên được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 80 đến dưới 85 điểm là hoàn thành tốt nhiệm vụ; từ 70 đến dưới 80 điểm là hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực; từ 70 điểm trở xuống là không hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (Thủ trưởng Sở, ban - ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện; Trưởng phòng và tương đương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn) sẽ được đánh giá trên 3 tiêu chí: Các nhiệm vụ đạt được, năng lực, kỹ năng lãnh đạo và điều hành (chiếm 70% số điểm); chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước (10% số điểm); tinh thần trách nhiệm, thái độ với công việc, tổ chức và công dân (20% số điểm).
Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được đánh giá dựa trên 3 tiêu chí: Kết quả thực hiện công việc (60% số điểm); chấp hành nội quy, quy chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước (10% số điểm); thái độ, trách nhiệm đối với công việc, tổ chức, công dân, đồng nghiệp và cơ quan, đơn vị (30% số điểm).
Việc đánh giá công chức được thực hiện theo phương pháp 360 độ thông qua phần mềm hỗ trợ mà người được đánh giá không biết đồng nghiệp nói gì về mình để đảm bảo bí mật, công bằng. Mô hình đánh giá công chức tại Đà Nẵng đề cao tính dân chủ, công khai, lấy kết quả công việc làm thước đo chính, kết quả thực thi công vụ của công chức được nhìn nhận từ nhiều phía, tạo điều kiện thuận lợi cho công chức lắng nghe những nhận xét, góp ý từ đồng nghiệp, từ đó rút kinh nghiệm cho việc thực thi công vụ.
Tiểu kết Chương 1
Đánh giá công chức là nội dung có vai trò quan trọng trong công tác quản lý công chức. Đặc biệt, đứng trước yêu cầu công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, công tác này càng cho thấy tầm ảnh hưởng của nó, đó là việc góp phần vào nỗ lực xây dựng đội ngũ công chức vừa hồng vừa chuyên.
Tại Chương 1, tác giả nghiên cứu cơ sở lý luận liên quan đến đánh giá công chức dựa trên quan điểm của Đảng, Nhà nước. Đó là những cơ sở quan trọng để tiến hành nghiên cứu đánh giá công chức tại Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cơ quan hành chính Nhà nước nói chung. Nội dung trên cũng là sự kế thừa ở một số công trình nghiên cứu, từ đó cho tác giả một cách nhìn mở rộng, đầy đủ hơn về công tác đánh giá công chức. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phần cơ sở lý luận chỉ là bước đệm, cần có sự chúng minh đầy đủ, cụ thể từ thực tiễn. Do vậy, tác giả tiếp tục tìm hiểu và phân tích thực trạng đánh giá công chức tại Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh và một số nội dung liên quan ở chương sau của Luận văn.
Chương 2
THỰC TRẠNG ĐÁNH GIÁ CÔNG CHỨC
TẠI CƠ QUAN SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
2.1. Những vấn đề chung về công chức Sở Tài nguyên và Môi trường