nhiên tốt đẹp?
"Nước là máu của rượu”. Câu nói này không có gì quá đáng. Trong 18 loại rượu nổi tiếng của Trung Quốc thì phần lớn đều được nấu bằng nguồn nước ngầm có chất nước rất tốt, đặc biệt là nước suối Cam Liệt, Xương Huỳnh. Những nguồn nước này đều bắt nguồn từ môi trường thiên nhiên rất tốt đẹp.
Năm 1916, rượu Phần tỉnh Sơn Tây được huy chương vàng ở Triển lãm quốc tế Panama. Loại rượu này nổi tiếng tất nhiên là nhờ kĩ thuật ủ men tinh xảo, cao hơn nữa là nhờ đã dùng nước giếng cổ trong sạch, tinh khiết, có vị thơm ở thôn Hạnh Hoa. Rượu Lư Châu ở Tứ Xuyên năm 1917 cũng giành được huy chương vàng ở Triển lãm quốc tế Panama, đó là nhờ nước giếng Long Tuyền. Rượu Dương Hà ở Tứ Dương cũng được liệt vào loại rượu nổi tiếng toàn quốc, đó là nhờ chất nước thuần khiết và vị ngọt của nước “suối Mỹ Nhân”. Bia Thanh Đảo là loại bia duy nhất được công nhận là bia danh tiếng toàn quốc, đó là nhờ nước suối khoáng Lao Sơn đệ nhất trong thiên hạ. Tửu điếm Thiệu Hưng được gọi là “Vua rượu Phương Đông”, nước nấu rượu được lấy từ hồ Giám có phong cảnh đẹp như tranh, v.v..
Rượu nổi tiếng là nhờ được ủ men và nấu từ nước tốt. Nước tốt là nước chảy ra từ suối tốt, mà suối tốt lại bắt nguồn từ môi trường tự nhiên có phong cảnh đẹp đẽ. Lấy suối Lao Sơn mà nói, sở dĩ nó trong sạch, tinh khiết và có vị ngọt là vì ngoài điều kiện địa chất thủy văn ra, chủ yếu còn nhờ tác dụng của rừng cây xanh che chở. Rừng Lao Sơn bạt ngàn, đã ấp ủ thành một vùng đất quí để có con suối đẹp. Nguồn nước hồ Giám ở Thiệu Hưng bắt nguồn từ đỉnh núi Sùng Sơn, rừng trúc rậm rạp bao phủ tập hợp của 36 nguồn nước đổ về hồ Giám. Nguồn nước ở đó nhờ rừng cây và núi đá thanh lọc, nên nước trong veo, thuần khiết.
Những giếng cổ long lanh nguồn nước tốt đã sản sinh ra những nhãn hiệu rượu nổi tiếng, xung quanh đều là rừng gỗ rậm rạp, là mảnh đất phong thủy tốt không hề bị ô nhiễm môi trường.
Kĩ thuật ủ men rượu là phát minh cổ đại của Trung Quốc. Theo truyền thuyết, từ thời đời Hoàng đế đã bắt đầu thừa nhận bản quyền ủ men rượu thuộc về ông Đỗ Khang. Đỗ Khang rất coi trọng việc chọn nguồn nước suối, hiểu được chất nước có tác dụng quyết định đối với chất rượu. Ngày nay người ta càng nhận thức sâu sắc rằng: muốn có rượu nổi tiếng thì nguồn nước phải thuần khiết, hương vị ngọt, hàm lượng các chất khoáng thích hợp, đó là điều kiện tiên quyết. Nếu nước không thuần khiết thì rượu cũng không thuần khiết. Mà nguồn nước tốt tất nhiên phải có vùng đất phong cảnh đẹp đẽ, môi trường không ô nhiễm. Do đó muốn bảo vệ nguồn nước tốt thì phải bảo vệ môi trường, cũng tức là vấn đề then chốt để bảo vệ nguồn rượu nổi tiếng. Rượu Mao Đài ở Nhân Hoài tỉnh Quí Châu được xem là “quốc tửu”. Rượu Mao Đài dùng nước sông Xích Thủy để nấu. Sông Xích Thủy bắt nguồn từ thâm sơn cùng cốc, chất nước trong, vị ngọt, thuần khiết, hàm lượng chất khoáng ít cho nên nước rượu Mao Đài trong veo, hương vị nồng đậm, khiến cho người ta đắm say, mê thích. Để giữ mãi danh tiếng của rượu Mao Đài, Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1972 đã có chỉ thị trên vùng thượng du sông Xích Thủy không được xây dựng nhà máy. Bởi vì nếu có nhà máy thì sông Xích Thủy sẽ bị ô nhiễm, đến lúc đó thì đặc điểm truyền thống của quốc tửu sẽ không còn giữ được nữa.
Từ khoá: Nước; Môi trường tự nhiên.
211. Vì sao "thực phẩm đen" đi khắp trong và ngoài nước? ngoài nước?
"Thực phẩm đen" là chỉ những thực phẩm có màu đen tự nhiên. Ví dụ như gạo cẩm, đậu đen, vừng đen, mộc nhĩ đen, nấm hương, v.v... Thực phẩm đen có dinh dưỡng phong phú và toàn diện, kết cấu hợp lí, màu sắc hương vị tự nhiên và chức năng bảo vệ sức khoẻ đều được kết tinh lại trong một vật thể. So với thực phẩm trắng (như gạo trắng), thực phẩm đỏ (như thịt gia cầm, gia súc), thực phẩm xanh (rau, dưa quả) thì thực phẩm đen có chức năng bảo vệ sức khỏe tốt.
Các nhà khoa học qua kiểm tra xác định rằng: màu sắc tự nhiên của thực phẩm tăng từ nhạt đến đậm thì thành phần dinh dưỡng của nó cũng tăng dần lên, hàm lượng chất dinh dưỡng càng phong phú và kết cấu của thực phẩm càng hợp lí. Lấy các loại đậu làm ví dụ. Hàm lượng prôtein của đậu trắng là 22%, đậu vàng là 36%, đậu xanh là 37%, đậu đen là 49%. Trong gạo cẩm còn có các chất caroten, vitamin C, v.v... mà gạo trắng không có, hàm lượng prôtein và mỡ thực vật so với gạo trắng cũng cao hơn 0,5 - 1 lần, nhóm vitamin B, hàm lượng khoáng chất so với gạo trắng cao gấp 1 - 3 lần, nó còn có giá trị dùng làm thuốc bổ, được gọi là "gạo bổ huyết", "gạo thuốc", ngày xưa đều là những phẩm vật quí báu tiến làm ngự thiện cho Hoàng đế.
Mấy năm gần đây, các nước phương Tây vì "thực phẩm đỏ" gây nên các loại "bệnh nhà giàu", do đó đã chú ý đến thực phẩm đen. Họ phát hiện thực phẩm đen tự nhiên giàu chất dinh dưỡng và cân bằng, có tác dụng rõ rệt trong việc đề phòng và chữa trị các bệnh do thực phẩm đỏ gây ra. Do đó bắt đầu từ thập kỉ 80 của thế kỉ XX đến nay, các nước phát triển phương Tây tích cực nghiên cứu và khai thác thực phẩm đen, trào lưu ăn "thực phẩm đen" ngày càng tăng. Vì chịu sự ảnh hưởng của trào lưu tiêu dùng thực phẩm đen trên thế giới nên một số thành phố của Trung Quốc cũng bắt đầu dấy lên cơn sốt thực phẩm đen. Gạo cẩm, vừng đen, cơm niêu gạo cẩm, thức uống gạo cẩm, các chế phẩm đậu đen v.v... đã trở thành những hàng hóa bán chạy. Nhiều tỉnh, thành phố và khu tự trị còn ra sức tận dụng các nguồn nguyên liệu lương thực đen tự nhiên ở địa phương để chế biến thành thực phẩm đen. Ví dụ tỉnh Quảng Đông đã sản xuất gạo nếp cẩm, mì sợi gạo cẩm, rượu cẩm, bia gạo cẩm, coca cola gạo cẩm, nước giải khát bằng sữa gạo cẩm v.v... Một số sản phẩm đã đưa ra thị trường quốc tế.
Đồng thời chúng ta cũng dần dần nhận thức được tác dụng bảo vệ sức khỏe và chữa trị của thực phẩm đen. Ví dụ gạo cẩm có tác dụng tư âm bổ thận, kiện tì, ấm dạ dày, sáng mắt và hoạt huyết; đậu đen có chức năng tư dưỡng kiện huyết, bổ hư và làm cho tóc đen; vừng đen có tác dụng tư dưỡng gan thận, nhuận tràng, dưỡng huyết, đen tóc v.v...; mộc nhĩ đen có tác dụng nhuận phế, bổ não, nhẹ thân mình và dưỡng huyết. Những năm gần đây người ta còn phát hiện nấm hương có tác dụng kháng khối u đặc biệt, do đó nấm hương được mệnh danh là "người lính mới chống khối u".
Thực phẩm đen đã tụ hội đủ màu sắc, hương vị và tốt cho sức khỏe để trở thành thực phẩm ưu việt trên thế giới. Trong các công trình sinh học, chế biến nông sản và công nghiệp
thực phẩm nó được lợi dụng tổng hợp nên có một tiền đồ phát triển rộng lớn và đem lại lợi ích kinh tế - xã hội to lớn.
Từ khoá: Thực phẩm đen.
212. Thế nào là "thực phẩm xanh"?
Thập kỉ 60 của thế kỉ XX nền nông nghiệp thế giới đã phát sinh một cuộc cách mạng kĩ thuật. Phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng, thức ăn gia súc có thêm chất phụ gia được sử dụng rộng rãi. Tuy sản lượng các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi đã tăng lên rất nhiều, nhưng đồng thời các sản phẩm đó cũng bị các tàn dư của thuốc bảo vệ thực vật và các chất hoá học gây ô nhiễm, làm cho cuộc sống hiện đại ngày nay thường phát sinh ngộ độc do ăn rau xanh, ăn thịt, ăn hoa quả.
Từ thập kỉ 70 trở lại đây, ý thức bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao. Những người có hiểu biết ở các nước phát triển đã đề ra khái niệm phát triển "các xí nghiệp sản xuất thực phẩm hữu cơ" và tiêu thụ những sản phẩm không độc hại. Do đó những thực phẩm hữu cơ có chất lượng ưu việt, giàu dinh dưỡng và an toàn đã phát triển mạnh mẽ, dẫn đầu phong trào ở các nước Âu Mĩ và dần dần mở rộng ra khắp thế giới. Theo thống kê của Liên minh nông nghiệp hữu cơ quốc tế, ngày nay đã có hơn 300 tổ chức thành viên phân bố ở trên 60 nước và khu vực có hơn 15.000 xí nghiệp sản xuất thực phẩm hữu cơ với sản lượng hằng năm đạt hơn 100 tỉ đô la. Năm 1989, Vụ Khai khẩn của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng đã đưa ra chủ trương nắm vững thực phẩm hữu cơ (thực phẩm không có hại) và đã cho loại thực phẩm này một tên gọi rất hình tượng là "thực phẩm xanh". Đó là công trình mở đầu "thực phẩm xanh" của Trung Quốc. Cho đến năm 1998, Trung Quốc đã có hơn 150 xí nghiệp khai thác và sản xuất hơn 820 loại "thực phẩm xanh". Quy mô sản xuất "thực phẩm xanh" của Trung Quốc đã đứng ở vị trí dẫn đầu trên thế giới. Những "thực phẩm xanh" đã được công nhận có rau xanh, gia cầm, thịt, trứng, cá, dầu thực vật, các gia vị, các chế phẩm sữa, trà, cà phê, hoa quả, rượu và nước giải khát.
Các chế phẩm chất lượng và bao bì của "thực phẩm xanh" đều theo những tiêu chuẩn quy định. "Thực phẩm xanh" phải được sản xuất và chế biến trong môi trường tuyệt đối không có ô nhiễm. Các nguyên liệu nông sản, gia súc, gia cầm, thuỷ sản, quá trình trồng trọt, chăn nuôi và gia công đều phải phù hợp quy trình sản xuất quy định. Ví dụ, phải khoanh một vùng đồng ruộng chuyên dùng để sản xuất thực phẩm xanh, phải chọn giống tốt có sức kháng bệnh cao, dùng phương pháp thiên địch để chữa bệnh, dùng phân bón hữu cơ đã ủ hoại để bón, không dùng phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật và các hoá phẩm khác, khiến cho tàn dư các chất gây ô nhiễm môi trường trong thực phẩm tồn tại thấp nhất.
Bao bì của thực phẩm xanh còn phải phù hợp với bao bì đặc biệt và quy định giám định theo tiêu chuẩn, trên đó đồng thời in tiêu chí nhãn hiệu của thực phẩm xanh, số hiệu văn bản phê chuẩn nhãn hiệu, trong đó tiêu chí và ba chữ "thực phẩm xanh" phải thể hiện bằng chữ trắng trên nền màu xanh.
Từ khoá: Thực phẩm xanh.
213. Vì sao phát sinh "sự kiện dầu cám"?
Năm 1968, ở Bắc Cửu, Nhật Bản, mọi người lâm vào một trận khủng hoảng vì gặp một căn bệnh quái dị chưa từng thấy. Loại bệnh này đến rất ồ ạt, bắt đầu từ tháng 3, số bệnh nhân tăng lên rất nhanh, đạt đến con số 1.400 người, đến tháng 7, số bệnh nhân vượt quá 5.000 người.
Bệnh dịch này rất đặc biệt. Bệnh nhân ban đầu chỉ sưng mí mắt, quầng mắt đen, nước mắt chảy liên tục, lòng bàn tay ra mồ hôi, tiếp theo là toàn thân nổi mẩn đỏ, ngứa không thể chịu được, nghiêm trọng hơn còn cảm thấy buồn nôn. Mấy chục vạn người bị lâm bệnh, trong đó có 16 người chết rất nhanh.
Qua điều tra và thực nghiệm nhiều lần, các nhà khoa học cuối cùng đã làm sáng tỏ nguyên nhân là do một nhà máy sản xuất dầu thực phẩm ở vùng này, vì muốn hạ giá thành nên khi sản xuất đã sử dụng một chất hoá học độc hại, đó là benzen poliflorua (benzen chứa nhiều flo). Vì quản lí không nghiêm ngặt, nên trong quá trình khử mùi, thiết bị đã bị rò rỉ, khiến cho chất benzen nhiều flo lẫn vào trong dầu cám. Do đó dầu biến thành thuốc độc. Vì ăn phải loại dầu này nên rất nhiều người bị bệnh. Về sau người ta gọi sự kiện ô nhiễm làm chấn động thế giới này là " sự kiện dầu cám ".
Hung thủ của sự kiện dầu cám là chất benzen poliflorua. Chất này là một hợp chất nhân tạo, tính chất hoá học của nó rất ổn định, không dễ bị oxi hoá, do đó có thể dùng làm chất cách điện cho các thiết bị điện, dầu bôi trơn và làm chất phụ gia. Chất benzen poliflorua khó bị sinh vật phân huỷ, có thể tồn tại lâu dài trong nước. Thông qua tác dụng làm giàu trong chuỗi thức ăn nước, chất này có thể được tích luỹ lại một lượng lớn trong cơ thể cá và ốc. Người ăn phải cá và ốc đã bị ô nhiễm sẽ ngộ độc. Độc tính của chất benzen poliflorua rất lớn. Nó có thể ảnh hưởng đến da, thần kinh và chức năng của gan trong cơ thể. Ngoài ra, nó còn phá hoại sự hấp thu đào thải của xương, gây tổn hại đến xương và răng.
Sự kiện dầu cám đã gây nên ý thức cảnh giác cho mọi người. Người ta phát hiện nếu hằng ngày mỗi kilôgam thể trọng hấp thu 67 µg thì chỉ cần từ 3 - 5 tháng sẽ bị ngộ độc. Ngày nay chất benzen poliflorua đã bị cấm trong phạm vi toàn thế giới không cho phép sản xuất, tiêu thụ và sử dụng.
Từ khoá: "Sự kiện dầu cám". Chất benzen liên kết nhiều flo.
214. Vì sao ở Bỉ lại phát sinh "sự kiện gà độc"?
Tháng 3-1999, một hộ nuôi gà ở Bỉ bỗng nhiên phát hiện thấy thịt gà khác thường, gà đẻ ít trứng đi. Họ yêu cầu công ti bảo hiểm phải bồi thường. Công ti bảo hiểm cảm thấy việc
này rất phiền phức, bèn đề nghị một cơ quan nghiên cứu lấy mẫu thịt gà để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm chứng tỏ trong mỡ gà có chất đioxin gây ung thư, hàm lượng của nó cao hơn hẳn hàm lượng cho phép 140 lần. Về sau còn phát hiện lượng đioxin trong thịt gà vượt quá tiêu chuẩn một cách nghiêm trọng.
Vì sao thịt gà và trứng gà lại có nồng độ đioxin cao như thế? Nguyên là thức ăn nuôi gia súc trong quá trình sản xuất đã bị ô nhiễm đioxin nghiêm trọng. Sự kiện gà độc này có liên quan đến hàng trăm loại thực phẩm, trong đó bao gồm thịt lợn, thịt bò, sữa, sữa bột, v.v... Một thời gian ở Châu Âu, thậm chí toàn thế giới đã gây nên một cơn khủng hoảng về thực phẩm.
Vậy đioxin là chất gì mà độc tính của nó lại mạnh đến thế? Đioxin là một hợp chất thơm ba vòng thay thế bằng clo. Căn cứ vào vị trí và số lượng nguyên tử clo thay thế trong phân tử vòng thơm, nó có thể sản sinh ra 209 loại chất có cấu trúc khác nhau, trong đó các chất 2, 3, 7, 8 – TCDD (tertraclorodibenzo-p-dioxin) có độc tính mạnh nhất, tương đương với trên 1000 lần độc tính của kali cyanua. Chỉ cần một cốc nhỏ đioxin (tương đương 28,35 g), là có thể giết chết 1 triệu người. Nó là chất có độc tính mạnh nhất trong số các hợp chất hoá học biết được cho đến nay, hơn nữa nó là chất có nhiều dạng độc tính. Năm 1987, Trung tâm nghiên cứu ung thư quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới đã liệt đioxin là chất đứng đầu gây ung thư. Mặc dù hằng ngày lượng hấp thụ đioxin của cơ thể rất ít, nhưng thời gian lâu cũng có thể dẫn đến các chứng bệnh hiểm nghèo như ung thư, bệnh về da, gan, thận, cơ quan sinh dục phát triển khó khăn và dễ gây cho thai nhi dị dạng. Ở Nhật, có nhà khoa học đã phát hiện dùng sữa có hàm lượng đioxin tương đối cao để nuôi thai nhi thì sẽ gây nên hoocmoon của tuyến giáp trạng giảm thấp, do đó trí tuệ của trẻ em kém đi. Cục Bảo vệ môi trường Mĩ năm 1995 đã công bố tài liệu nêu rõ: đioxin công nghiệp không những có tác hại gây ung thư mà còn có độc tính với cơ quan sinh dục và chức năng miễn dịch, có độc tính với nội tiết