không đáy?
Năm 1992 ở Địa Trung Hải người ta phát hiện hàng vạn con lợn biển bị chết. Chuyên gia các nước Anh, Tây Ban Nha đã điều tra sự việc này. Họ phát hiện gan trong xác lợn biển đều bị tổn thương nghiêm trọng. Sự tổn thương này do các chất ô nhiễm trong biển và những chất độc thiên nhiên trong tảo biển gây nên. Các chuyên gia thông qua giải phẫu phát hiện trong xác lợn biển chứa một lượng lớn các hợp chất cacbua. Kết quả điều tra chứng tỏ hàng vạn con lợn biển không phải tự sát tập thể mà là do biển ô nhiễm nghiêm trọng cướp mất sinh mạng. Như ta đã biết, Trái Đất chứa 1,4 tỉ kilômét khối nước (1,4 tỉ tỉ tấn) trong đó nước biển chiếm 97%. Diện tích mặt biển chiếm 71% tổng diện tích mặt đất (361 triệu kilômét vuông). Chính vì vậy mà nhiều người hiểu sai rằng biển rộng vô biên, có năng lực tự làm sạch vô hạn. Đổ rác xuống biển, thải nước bẩn ra biển không có gì đáng kể. Trong quá trình phát triển của nền văn minh công nghiệp, người ta xem biển như là “thùng rác không đáy”. Theo thông báo hàng năm, loài người đổ ra biển khoảng 6 – 10 triệu tấn dầu mỏ, 1 vạn
tấn thủy ngân, 25 vạn tấn đồng, 3,9 triệu tấn kẽm, 30 vạn tấn chì, 1 triệu tấn các thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ có chứa clo, 6,6 triệu tấn rác thải đồ nhựa. Mỗi ngày có khoảng 639 nghìn túi đồ nhựa vứt ra biển. Chẳng hạn ở Địa Trung Hải, ven bờ có 120 thành phố lớn, mỗi ngày có 85% nước sinh hoạt và nước phế thải công nghiệp chưa qua xử lí đổ ra biển. Địa Trung Hải còn là một trong những đường vận chuyển dầu mỏ nhộn nhịp nhất trên thế giới. Hàng năm có khoảng 65 vạn tấn dầu thô rò rỉ ra biển. Các nước phương Tây hàng năm thải ra biển hơn 3 triệu tấn kim loại phế thải và các phế liệu công nghiệp, đến nỗi hàng vạn con lợn biển bị chết.
Những vật phế thải do hoạt động sản xuất của con người được mưa gió và nước sông cuốn trôi, cuối cùng đổ ra biển. Vì vậy biển còn được xem là “thùng rác chứa mọi chất bẩn”. Nhưng biển tiếp thu các chất ô nhiễm một cách bị động, nó rất khó chuyển giao những chất ô nhiễm này cho môi trường khác. Một số chất khó phân giải tích tụ lâu ngày trong biển, sự phân giải xảy ra rất chậm chạp. Biển là “cái chảo tự làm sạch khổng lồ”, nó tự làm sạch liên tục, tuy vậy tốc độ tự làm sạch chậm hơn rất nhiều so với tốc độ con người gây ô nhiễm cho biển.
Nếu tiếp tục xem biển là “thùng rác không đáy”, điều đó sẽ đưa lại ảnh hưởng rất lớn cho ô nhiễm môi trường biển. Trước hết là nước biển bị đục, trực tiếp ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của thực vật và các loài cá trong biển. Đặc biệt là ô nhiễm dầu mỏ sẽ dẫn đến một vùng biển lớn thiếu oxi, tạo nên nguy hại cho hệ thống sinh thái biển. Thứ hai là sẽ dẫn đến “triều đỏ”, gây tác hại cho sinh vật biển. Ngoài ra, những chất khó phân giải trong nước biển như nilông, nhựa, v.v.. tích tụ lâu ngày sẽ làm cho môi trường biển xấu đi, các nguyên tố kim loại như thủy ngân, đồng, kẽm thông qua hàng loạt quá trình vật lí và hóa học sẽ tích tụ xuống đáy biển, hoặc là bị các sinh vật biển hấp thụ, khi con người ăn phải sẽ có hại cho sức khỏe. Tháng 3-1993 ở Hồng Kông hơn 30 người vì ăn phải loài cá ở tầng sâu phía nam biển Thái Bình Dương đã bị ngộ độc. Loài cá này thường ăn cá con sống trong các dãy san hô ngầm, cá con lại ăn phải tảo biển có độc, nên cuối cùng độc tố tích tụ trong cơ thể loài cá lớn.
Các nhà khoa học xem hải dương là khu vực thứ hai để con người phát triển và khai thác tài nguyên. Họ cho rằng thế kỉ XXI là “thế kỉ hải dương”. Vì vậy, chúng ta không nên xem biển như là thùng rác.
Từ khoá: Hải dương; Tác dụng tự làm sạch.