Mấy năm trước, vùng duyên hải Trung Quốc xôn xao dư luận sẽ nhập khẩu rác thải nước ngoài. Người ta xì xào thắc mắc không hiểu vì sao lại nhập rác thải nước ngoài? Nguyên là có một số xí nghiệp nước ngoài tính toán thấy kinh phí xử lí rác thải ở nước đó cao, nếu chở rác đến nước đang phát triển thì chỉ cần mất kinh phí vận chuyển, sau đó bỏ ra một ít tiền để trả phí xử lí là được. Vì vậy họ thà vận chuyển rác thải ra nước ngoài còn hơn xử lí trong nước. Một số vùng duyên hải Trung Quốc, có người vì tham lợi ích trước mắt nên đã hồ đồ nhập rác thải của các nước phương Tây. Ngày nay Trung Quốc hàng năm riêng rác thải sinh hoạt đã lên đến 80 triệu tấn. Từ những bức ảnh chụp trên vệ tinh thấy rõ, hầu như tất cả những thành phố lớn và vừa của Trung Quốc đều bị rác thải bao quanh. Thực tế là ngay rác
thải trong nước chúng ta cũng chưa đủ sức để xử lí hết, càng chưa nói đến xử lí rác thải mua từ các nước phương Tây.
Rác thải chất đống nhiều không những ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Rác thải của Mỹ hầu như có đến một nửa đã gây ô nhiễm cho nguồn nước. Sông Pôtômac đã từng được mệnh danh là “dòng sông bị rác thải ngập đầy”. Hồ Postơn của Đức phong cảnh vốn rất đẹp, trước kia là một thắng cảnh du lịch rất tốt, nhưng ngày nay một số bể bơi quanh hồ vì rác thải quá nhiều mà phải ngừng sử dụng. Ở Trung Quốc, sự kiện rác thải gây ô nhiễm nước cũng không ít. Thành phố Cẩm Châu có nhà máy luyện kim, trong đống rác thải chất ngoài trời của nhà máy có chứa phế thải crom khiến cho nguồn nước xung quanh bị ô nhiễm, làm cho nhiều giếng nước không dùng được. Rác thải còn chứa nhiều loại vi khuẩn nên thường là nguồn gây bệnh truyền nhiễm. Các chất độc trong rác thải công nghiệp đối với cơ thể con người cũng có tác hại rất lớn.
Các bãi chôn rác thải còn dễ gây ra sự sụt lở đất hoặc hỏa hoạn. Rác thải chất quá cao cũng giống như núi dễ bị sạt lở. Ở Anh có một bãi rác thải chất cao 244 m, gây sạt lở làm 800 người chết. Trong bãi chôn rác thải còn chứa nhiều vật dễ bốc cháy, rất dễ phát sinh hỏa hoạn. Một ngày tháng 4/1980, ở Mỹ có một bãi rác hóa học đã nổ tung, sóng xung kích của tiếng nổ khiến cho cửa sổ ngôi nhà cao tầng cách xa đó 10 km rung chuyển mạnh, dân cư xung quanh đều rất sợ hãi.
Do đó có thể thấy sự nguy hại của rác thải vô cùng lớn. Nó không những uy hiếp đến môi trường của chúng ta mà còn có thể làm hại đến hàng nghìn năm sau, gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe con người. Chúng ta tuyệt đối không thể tham một món lợi nhỏ trước mắt mà nhập khẩu rác thải phương Tây. Để khống chế những chất có hại của rác thải chuyển ra ngoài, làm hại môi trường của con người, quốc tế đã qui định “Công ước Vecxây”. Trung Quốc đã tham gia kí kết Công ước đó. Để đảm bảo chất lượng sức khỏe và môi trường cho nhân dân, Tổng cục Bảo vệ môi trường quốc gia và Tổng cục Hải quan đã có qui định nghiêm ngặt cấm nhập khẩu rác thải.
Từ khoá: Rác thải; Bãi chôn rác thải.
186. Vì sao phải hạn chế và loại bỏ "rác thải vũ trụ"? trụ"?
Kể từ ngày 4/10/1957, Liên Xô cũ phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên đến nay, loài người đã phóng vào vũ trụ hàng vạn vệ tinh nhân tạo, tàu vũ trụ, máy bay vũ trụ và các phòng thí nghiệm vũ trụ. Trong số những thiên thể nhân tạo này, có một số vì gặp sự cố mà nổ tung biến thành các mảnh vụn; có một số hết tuổi thọ làm việc tự nhiên bị đào thải, nhưng những thiên thể nhân tạo đó không mất đi mà trở thành “rác thải vũ trụ”, chúng bay lơ lửng quanh Trái Đất trong vũ trụ. Đến nay người ta đã đo được trong vũ trụ có khoảng hơn 35 triệu mảnh thiên thể, trong đó những mảnh tương đối to có khoảng 17 nghìn mảnh. Ngày nay “rác thải vũ trụ” đang không ngừng tăng lên. Theo thống kê của các chuyên gia, đến năm 2000, “rác thải vũ trụ” sẽ tăng đến hàng vạn tấn.
Những “rác thải vũ trụ” này cùng với vệ tinh đang làm việc đêm ngày quanh Trái Đất với tốc độ cao. Chúng sẽ trở thành những mối nguy hại lớn cản trở khai thác khoảng không vũ trụ của loài người. Ví dụ ở độ cao cách mặt đất 2.000 km, một bột kim loại nhỏ có đường kính 0,5 mm, sức va đập của nó đủ để xuyên thủng quần áo của nhà du hành vũ trụ gây ra tử vong; đường kính của một mẩu nhôm khoảng 1 cm nếu va đập vào máy bay vũ trụ thì sức mạnh tương đương với hai xe ô tô đâm vào nhau, khiến cho máy bay đó hư hỏng hoàn toàn; cho dù là một mảnh sơn của vệ tinh bong ra cũng đủ để xuyên thủng con tàu vệ tinh nhân tạo. Năm 1991 máy bay vũ trụ của Mỹ để tránh va chạm với con tàu vũ trụ đã bỏ đi đang bay lơ lửng trong không trung đành phải thay đổi quỹ đạo bay ban đầu. Ngoài ra, “rác thải vũ trụ” còn có thể tán xạ các loại tia sáng, ảnh hưởng đến công tác quan sát thiên văn vũ trụ.
Đối với “rác thải vũ trụ” ngày càng tăng, các nhà khoa học vũ trụ của các nước đang tìm cách để khống chế và loại bỏ chúng. Đề tài mà họ nghiên cứu là làm thế nào để thu hồi được các vệ tinh theo thời gian đã định, làm thế nào để đào thải tàn dư của chất đốt tên lửa một cách có hiệu quả nhằm tránh những vụ nổ gây ra những mảnh vụn trong vũ trụ, làm thế nào để thu gom những mảnh kim loại nhỏ trong vũ trụ, làm thế nào để xây dựng trạm “rác thải vũ trụ”, tập trung các mảnh tàn dư thiên thể lại với nhau v.v..
Từ khoá: Rác thải vũ trụ; Vệ tinh nhân tạo.