Đặc điểm, đối tượng vay vốn đầu tư tại VDB Bình Định

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác kiểm soát nội bộ hoạt động cho vay đầu tư tại ngân hàng phát triển việt nam chi nhánh bình định (Trang 58 - 61)

7. Kết cấu của đề tài

2.2.2. Đặc điểm, đối tượng vay vốn đầu tư tại VDB Bình Định

Về đặc điểm, đối tượng, điều kiện cho vay đầu tư tại VDB Bình Định được trình bày tại mục 2.2.2 này cũng chính là đặc điểm, đối tượng, điều kiện cho vay đầu tư tại VDB, vì VDB Bình Định được tổ thức, thành lập theo quyết định của Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam và hoạt động theo quy chế do VDB ban hành.

2.2.2.1. Đặc điểm của hình thức cho vay đầu tư tại VDB Bình Định

Cho vay đầu tư tại VDB Bình Định là hình thức cho vay ưu đãi của Chính phủ, do vậy nó có một số đặc điểm cơ bản và khá khác biệt so với hình thức cho vay đầu tư dự án tại các NHTM, cụ thể như sau [14]:

a. Về nguyên tắc cho vay:

Dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước phải đảm bảo các nguyên tắc chủ yếu sau:

- Có hiệu quả kinh tế - xã hội; - Sử dụng vốn vay đúng mục đích;

- Hoàn trả nợ vay (gốc và lãi) đầy đủ, đúng hạn.

- Dự án vay vốn nằm trong danh mục dự án vay vốn tín dụng đầu tư do Chính phủ quy định.

b. Về nguồn vốn cho vay:

Nguồn vốn để các chi nhánh của VDB nói chung và VDB Bình Định nói riêng đa phần là nguồn vốn do Hội sở chính của VDB huy động và điều chuyển. Các nguồn vốn mà VDB sử dụng để điều chuyển cho các chi nhánh để thực hiện nhiệm vụ cho vay đầu tư gồm:

- Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước + Vốn điều lệ và các quỹ của VDB.

+ Vốn cho vay đầu tư phát triển và thực hiện các chương trình mục tiêu của Chính phủ và chính quyền địa phương.

- Vốn huy động:

+ Phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

+ Phát hành trái phiếu, kỳ phiếu, giấy tờ có giá bằng đồng nội tệ của VDB theo quy định của pháp luật.

+ Vay Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

+Vay Ngân hàng Nhà nước (vay tái cấp vốn hoặc cầm cố, chiết khấu các giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở).

+ Vay của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khác.

c. Về lãi suất:

Lãi suất cho vay đầu tư tại VDB áp dụng đồng loạt cho toàn hệ thống của VDB. Lãi suất do Bộ Tài chính quyết định và công bố trên cơ sở tính toán theo quy định của VDB. Do tính chất ưu đãi của nguồn vốn tín dụng đầu tư nên lãi suất cho vay của các dự án thường thấp hơn lãi suất cho vay trên thị trường, được xác định và quy định ngay tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng, đồng thời duy trì suốt đời dự án (lãi suất cố định).

d. Về tài sản bảo đảm:

Điểm ưu đãi nổi trội nhất của nguồn vốn tín dụng đầu tư đó là chủ đầu tư được sử dụng tài sản hình thành sau đầu tư (từ nguồn vốn vay VDB và vốn tự có của chủ sở hữu) để làm tài sản bảo đảm, VDB không yêu cầu sử dụng tài sản bảo đảm khác (trừ những trường hợp tài sản hình thành sau đầu tư không đủ điều kiện để làm tài sản bảo đảm).

e. Về quy trình thực hiện dự án:

Do nguồn vốn để thực hiện chương trình cho vay đầu tư một phần là vốn ngân sách nhà nước, một phần là vốn có nguồn gốc từ vốn ngân sách nhà nước nên các dự án vay vốn tại VDB phải tổ chức thực hiện theo đúng trình tự đầu tư xây dựng cơ bản do các bộ ngành và cơ quan nhà nước ban hành như: dự án phải được tổ chức đầu thầu công khai, rộng rãi, việc lập dự án, xây dựng các hạng mục xây dựng phải tuân thủ quy định của Bộ xây dựng, việc mua sắm máy móc thiết bị phải tuân thủ quy định của Bộ công thương,….

2.2.2.2. Đối tượng vay vốn đầu tư tại VDB Bình Định

Nguồn vốn tín dụng đầu tư được tập trung cho vay các ngành, lĩnh vực có tác động trực tiếp đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

bền vững; và các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn cần khuyến khích đầu tư theo quy định của Chính phủ mà ngân sách không đủ khả năng hỗ trợ, các TCTD và các nhà đầu tư không muốn tài trợ vì vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài và có tính rủi ro cao. Cho vay đầu tư của Nhà nước không chỉ nhằm mục tiêu kinh tế mà còn nhằm các mục tiêu xã hội, thực hiện vai trò điều tiết vĩ mô của Nhà nước trong từng thời kỳ.

Danh mục đối tượng vay vốn đầu tư tại VDB do Chính phủ công bố từng thời kỳ. Hiện nay, danh mục đối tượng vay vốn đầu tư tại VDB được Chính phủ quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu [19]. Chi tiết tại Phụ lục số 01.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác kiểm soát nội bộ hoạt động cho vay đầu tư tại ngân hàng phát triển việt nam chi nhánh bình định (Trang 58 - 61)