Các giải pháp hoàn thiện môi trường kiểm soát

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác kiểm soát nội bộ hoạt động cho vay đầu tư tại ngân hàng phát triển việt nam chi nhánh bình định (Trang 110 - 115)

7. Kết cấu của đề tài

3.2.1.Các giải pháp hoàn thiện môi trường kiểm soát

Môi trường kiểm soát nội bộ ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của một tổ chức, đến mục tiêu được thiết lập, đến các bộ phận còn lại của hệ thống KSNB. Do vậy để hoàn thiện công tác KSNB trong hoạt động cho vay đầu tư tại VDB Bình Định, trước hết cần tiến hành hoàn thiện các yếu tố thuộc về môi trường kiểm soát như sau:

3.2.1.1. Nâng cao nhận thức cho CBVC về KSNB

Từ cấp lãnh đạo đến nhân viên cần hiểu được chính sách cho vay đầu tư của Nhà nước là một hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà cho vay đầu tư của Nhà nước nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế và các mục tiêu xã hội, thực hiện vai trò điều tiết vĩ mô của Nhà nước trong từng thời kỳ. Việc VDB sử dụng nguồn vốn cho vay đầu tư là một hình thức VDB thay mặt Chính phủ để dẫn nguồn vốn của Nhà nước đến những dự án, lĩnh vực trọng điểm mà Chính phủ quan tâm, khuyến khích phát triển nhằm phát triển kinh tế xã hội. Do đó, tôn trọng kỷ luật, nhận thức tầm quan trọng và thực thi công tác KSNB là một trong những nghĩa vụ của CBVC của VDB, là một trong những biện pháp để VDB bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước.

VDB Bình Định nên chủ động tăng cường đào tạo, tập huấn cho CBVC để nâng cao ý thức triển khai công tác KSNB trong mọi hoạt động nghiệp vụ. Trong đó, bản thân ban Ban Giám đốc phải là người thay đổi nhận thức, thay đổi quan điểm và tự nguyện áp dụng các công tác kiểm soát nội bộ trong hoạt động nghiệp vụ của chi nhánh từ đó làm gương, làm động lực và là nguyên tắc để CBVC áp dụng theo.

- Cần phải thống nhất ý thức tuân thủ pháp luật và tôn trọng các quy tắc đạo đức nghề nghiệp thông suốt các cấp điều hành và quản lý. Cần quy định rõ về việc xử lý các mâu thuẫn giữa quyền lợi của cán bộ viên chức với các nguyên tắc nghề nghiệp.

3.2.1.2. Hoàn thiện cơ chế phân chia quyền hạn và trách nhiệm

Cơ chế phân chia trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng là một trong những điều kiện quan trọng để hạn chế lạm dụng quyền lực, hạn chế rủi ro mang lại từ các cấp quản trị và trong toàn bộ CBVC:

- Bên cạnh sự phân chia trách nhiệm quyền hạn mà VDB Bình Định hiện đang áp dụng cần kèm theo chuyển giao quyền lực trong Ban Giám đốc, cụ thể:

+ Giám đốc chỉ đạo điều hành chung nhưng không can thiệp vào quyết định cuối cùng của lĩnh vực đã phân quyền cho các phó giám đốc:

. Phó giám đốc 1 phụ trách Phòng Tổng hợp (công tác thẩm định - kế hoạch - nguồn vốn) thì chính Phó giám đốc 1 là người quyết định cuối cùng về kết quả thẩm định, về việc dự án có đủ điều kiện chấp thuận hay từ chối cho vay chứ không phải Giám đốc quyết định cuối cùng như hiện nay.

. Phó giám đốc 2 phụ trách Phòng Tín dụng thì chính Phó giám đốc 2 là người quyết định phê duyệt hồ sơ giải ngân có đủ điều kiện giải ngân hay không chứ không phải Giám đốc quyết định cuối cùng như hiện nay.

Bên cạnh đó, Giám đốc sẽ giám sát các quyết định của các Phó giám đốc thông qua hoạt động của Phòng kiểm tra và Phòng TCKT (đây là hai phòng mà hiện nay Giám đốc đang phụ trách trực tiếp). Cụ thể: Giám đốc đặt chốt kiểm tra thứ nhất tại Phòng kiểm tra trước khi ra quyết định chấp thuận cho vay hay từ chối cho vay, chốt kiểm tra thứ hai cũng ngay tại Phòng Kiểm tra trước khi chấp thuận hồ sơ giải ngân đủ điều kiện giải ngân hay chưa đủ, chốt kiểm tra thứ ba tại Phòng TCKT trước khi phát tiền vay cho khách hàng.

- Giải quyết vấn đề bất kiêm nhiệm triệt để hơn trong phân công nhiệm vụ cho CBVC thừa hành nhiệm vụ:

+ Tách biệt chức năng tiếp nhận hồ sơ dự án với chức năng thẩm định dự án, mục đích: Cán bộ thẩm định không thể phối hợp với chủ đầu tư để thay đổi hiện trạng hồ sơ trong quá trình thẩm định để hợp thức hóa số liệu, hiện trạng hồ sơ cho phù hợp với kết quả thẩm định.

+ Tách biệt chức năng giải ngân và sám sát vốn vay, mục đích: Việc giám sát vốn vay chặt chẽ hơn, không bị chi phối bởi khách hàng về tính đúng đắn của mục đích sử dụng vốn vay.

3.2.1.3. Nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ CBVC

Để có thể tạo dựng nguồn nhân lực đủ mạnh, đáp ứng được yêu cầu nhất là trong công tác KSNB, VDB Bình Định cần phải chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ làm công tác thẩm định, tín dụng, có chính sách đào tạo và đãi ngộ hợp lý thông qua chế độ tiền lương, tiền thưởng, chế độ đào tạo, cơ hội thăng tiến,… đối với những cán bộ này.

VDB Bình Định nên phối hợp với các đơn vị có chuyên môn như các chuyên gia, cán bộ ngành thuế, cán bộ thanh tra ngân hàng, đơn vị kiểm toán, các giảng viên đại học có nhiều kinh nghiệm,… để thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực đánh giá, phân tích tín dụng, đo lường rủi ro, kiểm tra, giám sát cho CBVC.

Trên thực tế, hoạt động tín dụng rất nhạy cảm, có liên quan đến rất nhiều vấn đề trong xã hội. Do vậy, không có phương pháp phân tích phức tạp nào có thể thay thế được kinh nghiệm và đánh giá chuyên môn trong quản lý rủi ro tín dụng. Chú trọng hơn nữa đến đầu tư công nghệ thông tin nhằm phục vụ cho việc phân tích, đánh giá hoạt động tín dụng đặc biệt là đo lường rủi ro tín dụng. Tăng cường tính hỗ trợ, công cụ lọc dữ liệu trong phần mềm sử dụng, mang tính tương tác hỗ trợ hơn nữa trong sử dụng. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát tín dụng trong toàn hệ thống.

3.2.1.4. Thiết lập chế tài thưởng phạt đủ sức răn đe và khuyến khích trong KSNB hoạt động cho vay đầu tư

Trong các hoạt động tín dụng của VDB Bình Định, hoạt động cho vay đầu tư chiếm tỷ trọng cao nhất về tổng dư nợ và là hoạt động phức tạp nhất, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất. Nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay đầu tư cũng chính là việc làm quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn chi nhánh. Chế độ khen thưởng, kỷ luật là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng. Tuy nhiên vấn đề này tại VDB Bình Định chưa được ban lãnh đạo quan tâm, do vậy chưa tạo động lực phấn đấu cũng chưa đủ sức răn đe đối với những sai sót tồn tại.

Tác giả kiến nghị đề xuất với VDB Bình Định một số nội dung trong chế độ khen thưởng kỷ luật như sau:

- Về nguyên tắc xác định, xử lý trách nhiệm: Xác định và xử lý đúng người, đúng trách nhiệm; Khách quan, minh bạch và công bằng; Xem xét tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng hình thức xử lý gắn với thái độ của cán bộ có hành vi vi phạm trong việc tiếp thu, sửa chữa và chủ động khắc phục hậu quả.

- Về các trường hợp xem xét xử lý trách nhiệm: Có hành vi vi phạm trong hoạt động cấp tín dụng gây ra nợ xấu được phát hiện thông qua kiểm tra định kỳ, đột xuất hoặc theo kết luận chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cơ quan kiểm toán độc lập.

- Về thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm:

+ Đối với các hình thức xử lý về tổ chức, điều hành thì tuân thủ nguyên tắc cấp nào có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ thì cấp đó có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm.

+ Đối với các hình thức xử lý về thi đua, khen thưởng, xét hoàn thành nhiệm vụ thì thuộc về Hội đồng thi đua khen thưởng, Hội đồng xét hoàn thành nhiệm vụ các cấp.

- Về căn cứ xử lý trách nhiệm: Việc xử lý trách nhiệm được áp dụng khi có một hoặc một số hành vi vi phạm trước, trong và sau khi cấp tín dụng, như:

+ Thẩm định và đề xuất cấp tín dụng cho khách hàng không có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;

+ Báo cáo không trung thực kết quả thẩm định, số liệu, thông tin liên quan đến khoản tín dụng dẫn đến người có thẩm quyền quyết định cấp tín dụng không chính xác;

+ Tư vấn cho khách hàng thành lập nhiều pháp nhân khác nhau nhằm trốn tránh sự kiểm soát của ngân hàng về giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng, một nhóm khách hàng có liên quan để vay được nhiều tiền của ngân hàng và để trở thành đơn vị thụ hưởng nhận tiền giải ngân từ VDB sau đó chuyển lại cho khách hàng để sử dụng vốn vay không đúng mục đích. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

+ Thẩm định đề xuất cho vay không thực hiện các bước của quy trình cấp tín dụng như ký duyệt cho vay không đúng thẩm quyền,… dẫn đến khoản vay thất thoát hoặc không thu được nợ gốc và lãi.

+ Hướng dẫn hoặc hỗ trợ khách hàng thay đổi hồ sơ, hợp thức hóa hồ sơ để đủ điều kiện vay vốn.

+ Đề xuất và thực hiện giải ngân không đúng đối tượng, không đúng mục đích vay vốn ban đầu;

+ Đề xuất và thực hiện giải ngân khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc khi chưa ký hợp đồng tín dụng;

+ Cho khách hàng ký khống trước vào các biên bản kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay nhưng không kiểm tra theo quy định;

+ Không kiểm tra, xác minh tại chỗ tài sản bảo đảm dẫn đến đánh giá thực trạng tài sản bảo đảm không đúng như mô tả tại hợp đồng bảo đảm tiền vay dẫn đến khi rủi ro phát sinh không có tài sản bảo đảm để xử lý hoặc không đủ điều kiện, căn cứ pháp lý để xử lý tài sản bảo đảm;

+ Thu hồi nợ của khách hàng nhưng làm các thủ tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ để chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ số tiền vay;

+ Nhận hối lộ khách hàng hoặc có hành vi đề nghị khách hàng đưa hối lộ để cấp tín dụng không đúng quy định.

+ Các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và vị trí công tác nhằm mưu lợi cho cá nhân và những người có liên quan…và các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp khác.

- Về hình thức xử lý vi phạm. Sau khi xác định được các hành vi sai phạm, hội đồng kỷ luật căn cứ vào mức độ sai phạm để tiến hành áp dụng các hình thức kỉ luật, gồm:

+ Xử lý về tổ chức, điều hành: Tạm dừng điều hành; thuyên chuyển công tác; không xét quy hoạch bổ nhiệm cán bộ hoặc quy hoạch bổ nhiệm chức danh quản lý cấp cao hơn; không bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; miễn nhiệm.

+ Xử lý về thi đua, khen thưởng: Hạ bậc xếp loại thi đua; Xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ; Không được đề nghị các hình thức thi đua, khen thưởng;

+ Xử lý kỷ luật: CBVC có vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể được bố trí công tác cũ hoặc chuyển làm công tác khác.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác kiểm soát nội bộ hoạt động cho vay đầu tư tại ngân hàng phát triển việt nam chi nhánh bình định (Trang 110 - 115)