Không gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm truyện kinh dị việt nam trước năm 1945 (Trang 82 - 88)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.1. Không gian nghệ thuật

Tác phẩm văn học nào cũng gắn liền với một không gian nhất định. Và không gian nghệ thuật của tác phẩm là kết quả quá trình sáng tạo của nhà văn. Bởi vậy, không gian đó không đồng nhất với không gian địa lý, không gian vật lý hay không gian vật chất. Không gian đó gắn liền với cảm quan sáng tạo của người nghệ sĩ. Luận bàn về điều này, Trần Đình Sử khẳng định: “không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại cùng thế giới nghệ thuật, không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một

quan niệm nhất định về cuộc sống” [34; tr.89]. Còn Lê Bá Hán trong cuốn Từ

điển thuật ngữ văn học chỉ rõ: “Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong

của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó” [9; tr.162].

Như vậy, không gian nghệ thuật trở thành phương tiện chiếm lĩnh đời sống, có ý nghĩa khá quan trọng trong việc dựng nên câu chuyện và chuyển tải những thông điệp tư tưởng của nhà văn. Trong truyện kinh dị Việt Nam trước năm 1945, không gian nghệ thuật được xây dựng rất công phu, góp phần thể hiện chất li kì, rùng rợn của câu chuyện và là minh chứng sắc nét cho trí tưởng tượng phong phú của nhà văn .

3.1.1.1. Không gian đa tầng, đa diện

Không gian đa tầng, đa diện là không gian được lồng ghép, hòa quyện giữa không gian cõi dương và cõi âm, cùng với không gian tưởng tượng tạo

nên một không gian nghệ thuật đặc biệt đa sắc màu. Có thể khẳng định rằng, không gian đa tầng là không gian hiện thực – tâm lý, với sự đan xen, pha trộn của không gian hồi ức, giấc mơ vào thế giới thực tại. Bởi vậy, không gian bị kéo giãn, và tiệm cận về phía vô thức. Trong không gian ấy, nhân vật có thể đi về giữa hai không gian quá khứ- hiện tại. Truyện kinh dị trước năm 1945, không gian đa diện được tái hiện hết sức phong phú, đa dạng: không gian núi rừng, không gian mặt biển, có không gian ban ngày, không gian trong bóng tối, ban đêm, căn nhà hoang, bãi tha ma, cõi âm ti, cõi thần tiên, không gian thực, không gian ảo. Tất cả các không gian đó được dựng lên tạo thành một bức tranh muôn màu, đa sắc về hiện thực cuộc sống. Xây dựng những không gian đặc biệt ấy, các nhà văn viết truyện kinh dị muốn gửi gắm vào đó những tư tưởng, tình cảm và những khát vọng khám phá con người, xã hội và khai phá chính mình.

Đọc tác phẩm Loạn âm của Nguyễn Tuân, người đọc không thể nào quên cái bầu khí, khi Quan Ôn chuẩn bị hiển linh tại nhà ông Kinh Lịch vào một đêm hè: “Bỗng hai cánh cửa lùa từ từ mở rộng, gió ùa dần vào. Ông Kinh nghển mình dậy rất nhanh như một người có nghề võ tự vệ lúc ngờ có ai định xúc phạm vào thân thể mình. Rất rõ rệt, có hai người lính áo dấu nẹp đỏ, đầu đội nón son, hiện hình trong khung cửa. Họ từ tốn bước vào, cung kính đặt giữa bàn một khay lễ vật rất xinh và cúi đầu nói qua vào trong lá màn ông Kinh: - Thưa ngài, ông lớn chúng con hành hạt qua đây có chút lễ vật truyền

cho chúng con đưa đến hầu ngài. Ông lớn chúng con sẽ sắp tới đây bây giờ”.

Hóa ra, vị Quan Lớn mà hai tên lính giới thiệu là bạn đồng song giờ đang làm quan dưới âm phủ: “Em chết xuống dưới âm ty, Diêm Vương nhận ra em là oan uổng thấy tư chất thông minh, lại thêm có sĩ hạnh, nên cho em làm quan ở dưới ấy, giữ về việc kiều lương đạo lộ. Một đôi năm, những lúc có việc đại công tác, thiếu phu phen lính tráng để hưng công hoặc trùng tu đình đài miếu

võ và đường sá thì lại cho em lộn về dương thế tuyển lính và bắt phu. Như năm nay chẳng hạn. Năm nay dưới âm em mở rộng đoạn đường nối từ bến đò U minh đến Quán Cháo Lú, thiếu phu đấu đất, nên em lại được lệnh trở lên

đây bắt phu”. Hay như chuyện tên tiểu bộc của ông Kinh Lịch trong Giấc

ngủ đêm hè, bỗng nhiên lại hiện diện nơi cõi âm với một quang cảnh của những người dương thế mà không hề hay biết: “Con ngủ được một giấc kể cũng đã dài. Bỗng có nhiều người đánh thức con dậy, bảo con đi theo. Đến đình làng, con thấy các quan đóng ở đấy ra đã từ bao giờ ấy. Ông nào trông cũng tợn cả, ông ạ. Các quan cho gọi tên từng người. Nhà xã bên hàng xóm nhà ta cũng có hai người phải đi. Lại cả chồng Nhiêu Hữu ở xóm cầu cũng phải đi cả. Con nghe thấy tiếng hai vợ chồng khóc to lắm và kêu xin tha, nhưng mà không được. Đông lắm ông ạ. Tiếng khóc như di. Gọi đến tên con, thì thấy có một ông áo đen ngồi giữa, mặc áo xanh, trông rất dữ tợn - bảo tha

cho con. Vậy là con chạy luôn về đây, xem ông có sai bảo gì không”. Nguyễn

Tuân trong tác phẩm Khoa thi cuối cùng lại dựng nên một không gian lạ thường để làm nền cho sự xuất hiện những việc lạ. Đó là thời khắc mà oan hồn của người đàn bà hiện ra quấy phá, trả thù bằng cách làm hỏng kì thi của ông Đầu Xứ Anh và ông Đầu Xứ Em được tái hiện bằng một không gian kì dị hòa trộn giữa sự sống và cái chết mà âm khí đang bủa vây khắp nơi: “Trời đất tối sầm xuống. Ông đầu xứ em thấy bãi trường thi hình như rộng lớn hơn cả

kiếp người. Trường thi âm u và mông quạnh…”. Trong không gian đó, con

người như bị dồn đẩy về cõi vô thức. Hiện thực cuộc sống bỗng trở nên “mờ nhòe”. Và đó cũng là một trong những chất xúc tác làm nên cái ma mị của truyện kinh dị.

Bên cạnh những không gian ma quái trong truyện của Thế Lữ, còn xuất hiện nhiều những không gian mang chất bồng lai tiên cảnh. Trong tác phẩm

linh hồn các hiền sĩ: Mạnh Kha, Hoa Đà, Tào Tháo, Trương Tử Phòng. Đó là không gian của chốn non bồng tiên cảnh, với một vẻ đẹp tôn nghiêm, thanh tịnh đầy mê hoặc: “Ánh sáng nơi đây mờ mờ như lúc bình minh. Những cây thông đứng nghiêm nghị hơn mấy buổi hội tiên nữ, và không reo hát vang lừng như mấy buổi ấy. Thỉnh thoảng có gió nhẹ, màu xanh lợt và mát mẻ của lá đong đưa se sẽ. Dòng suối trong hơn mọi khi và chậm rãi chỗ nước quanh mình đá. Liễu bên dòng buông tơ êm ái như ru, in bóng lặng lẽ trên dòng suối

trong veo”. Một không gian nên họa nên thơ đẹp như tranh vẽ. Không gian ấy

góp phần biểu lộ cốt cách thanh cao của các hiền sĩ đồng thời biểu lộ sự trân trọng, tôn kính trước các bậc hiền nhân.

Cuộc gặp gỡ giữa Vũ và linh hồn cô gái xinh đẹp- Ngọc Bách trong tác phẩm Người con gái tỉnh Bắc của Phạm Cao Củng cũng diễn ra trong một không gian đầy ám ảnh:“Vũ vừa toan gác bỏ những ý nghĩ vẩn vơ ấy để chuyên tâm ngồi học, thì chợt cơn gió mạnh ào ào, làm cho ngọn nến tắt phụt. Vũ định sờ lấy bao diêm châm, nhưng không thấy. Gió như lạnh hơn lúc trước, làm cho Vũ bật rùng mình. Ngoài trời không đến nỗi tối lắm. Những

lùm cây rung động như những bóng đen hình dáng to lớn lạ kì…”. Chính cuộc

gặp gỡ đó mà Vũ mới biết được số phận đầy oan trái và mong ước của Ngọc Bách: “Em chỉ mong anh vì thương người bạc phận, ra tay tế độ, chôn cất cho yên đẹp nắm xương tàn của em mà thôi. Như vậy, em không còn phải oán hận gì nữa… Vũ nhận lời, Ngọc Bách sụp lạy tạ ân, nhưng Vũ giục nàng hãy ra

đi, vì âm dương cách biệt, lần lữa lâu lai, cũng e hại cho cả hai bên”.

Thế Lữ trong tác phẩm Trại Bồ Tùng Linh đã khéo léo chọn khung cảnh biệt tịch của trại Bồ để làm nền cho câu chuyện tình yêu lãng mạn và vô cùng thần bí giữa Tuấn và Hoàng Lan Hương. Không gian tĩnh lặng, đẹp nhưng lại gợi trong lòng người một cảm giác sờ sợ: “một cái trại rộng ngót hai mẫu và rậm như một khu rừng. Cây toàn là cây cỗi. Gần hết là nhãn,

mười gốc mít, và mấy thứ cây ăn quả mà người ta không nghĩ đến sự lấy hoa lợi; lại thêm hai gốc đa cổ kính, buông từng súc rễ chằng chịt xuống lối đi.

Trên là bóng lá rườm rà, dưới là cỏ và hoa…”. Và chính bối cảnh ấy đã nảy

nở một cuộc tình nồng nàn, cháy bỏng giữa một oan hồn xinh đẹp và người nghệ sĩ đa cảm: “Tuấn chợt nghĩ đến cái tên Hoàng- Lan– Hương, để ý đến cái hương riêng phảng phất bên mình… Anh rùng rợn khắp tâm hồn và thấy ghê người một cách êm đềm, rất đằm thắm và rất mới lạ… Cảnh tượng lúc đó có một vẻ văn hoa- một vẻ văn chương kiểu cách- đem lại cho tâm hồn Tuấn một thứ cảm động cổ kính cũng như ở nhân vật sống trong truyện hoang đường. Tuấn nghĩ đến hiện tại bây giờ và thấy nó như lùi lại rất xa. Anh nhìn anh với người đẹp như ở trong một bức tranh quí giá. Anh thoáng nghĩ thầm:

Lan Hương ơi, hai ta trong khoảng khắc này là hư đấy hay là thực đấy?”.

Phải chăng ẩn đằng sau chuyện tình là khát vọng hạnh phúc vô biên của con người trước những nghịch cảnh của cuộc sống?

Không gian đa tầng, đa diện của những tác phẩm kinh dị sáng tác trước năm 1945 làm cho hiện thực câu chuyện được phản ánh vô cùng phong phú, đa dạng. Mọi khuất nẻo của cuộc sống đều được khai phá một cách độc đáo, huyễn hoặc với sự tham gia của yếu tố kì ảo. Chính trong không gian đó, nhân vật, sự kiện được diễn ra, được kể lại vô cùng rùng rợn và ám ảnh người đọc.

3.1.1.2. Không gian đồng hiện

Truyện kinh dị trước năm 1945 thường miêu tả không gian đồng hiện làm nền cho các câu chuyện kể. Đó là không gian cõi âm mang màu sắc kỳ bí đan xen với không gian thực thông qua cấu trúc song hành thực– ảo, âm– dương. Không gian đồng hiện trong nhiều tác phẩm là không gian hiện thực- tâm linh được tạo nên bởi sự giao hòa hai cõi âm– dương. Như vậy, thấy có tương giao giữa cõi trần và cõi âm trong một không gian kì bí, quái lạ. Đó cũng là một trong những nét đặc trưng trong không gian nghệ thuật của truyện

kinh dị Việt Nam trước năm 1945.

Không gian nghĩa địa trong tác phẩm Ngủ với ma của Đỗ Huy Nhiệm được miêu tả làm cho cuộc thăm viếng của nhân vật Sa, khi đến nhà mồ bà Célina, khiến người đọc toát bồ hôi vì sợ hãi. Không gian ấy, chỉ được phác họa qua lời kể của Sa nhưng mãi đeo đuổi trong lòng người đọc: “Bà ở căn nhà nhỏ xinh đẹp ở ven Hồ Tây. Nhà lối cổ vuông vắn như cái khu tang giấy tịch mịch lạ lùng. Đối với người đau ốm có lẽ thích hợp lắm. Tôi đến lúc chiều tối nên chưa đi xem xét kĩ hết được, nhưng biết rằng cảnh vườn chung quanh buồn tẻ quá, buồn hơn cảnh một bãi tha ma. Không một luống hoa hay một cây cảnh. Toàn cỏ xanh rì và những cây trắc bách diệp, những cây thông cao vút như ta vẫn thấy ở các mộ địa. Tôi không hiểu làm sao bà lại ở nổi một căn nhà lạnh lẽo như căn này. Ban đêm chỉ có một ngọn đèn dầu ta leo lét”.

Bằng cách tạo nên những không gian xen lẫn hiện thực - ma quái như vậy, các nhà viết truyện kinh dị mới phá vỡ những giới hạn của cõi âm và cõi dương. Và những sự tương giao ấy không chỉ đem lại ấn tượng về sự rùng rợn khác thường mà còn đem lại nhiều suy ngẫm về kiếp nhân sinh.

Trong tác phẩm Ai hát giữa rừng khuya của Tchya Đái Đức Tuấn, nhà văn đã tạo ra một không gian đồng hiện đầy ma mị. Đó là cảnh nhân vật tôi cùng người bạn được chứng kiến cảnh đấu võ của hai oan hồn nhà họ Lê: Lê mạnh Khôi và Lê Mạnh Việt: “Đó chỉ là hai cái bóng, nhưng quái dị làm sao! Hai cái bóng giống hệt như hai người, có tay chân, biết cử động, song chỉ vị không có đầu! Hai cái bóng ma cụt trốc! Đứng mé xa trông lại, tuy hình ảnh mình được thấy không lấy gì làm đích xác, nhưng cũng rõ rệt vô cùng. Mới trông thấy chỉ thấy lờ mờ hai vệt xám, hiện rõ trên màu hung đỏ của nương khoai; để ý nhìn lâu tý nữa, thì rõ ràng là hai thân thể đàn ông, đương đấm đá nhau hùng dũng lắm. Hai cái bóng ấy màu xám thẫm, xanh biếc, như màu khói đặc tụ lại. Không thấy rõ quần áo mặc ra làm sao, chỉ hình như

cùng mặc áo chẽn mà quần thì xắn tận đùi. Đó là một thứ y phục tôi tưởng tượng ra, vì tôi trông na ná như thế: sự thực thì chỉ có hai cái bóng chập chờn như hai hình ảnh nhấp nháy trên màn chớp bóng. Ngắm kĩ quái trạng hiện ra đó, ta có thể vừa trông vừa đoán, nhận ra rằng hai bóng ma kia là hai thân thể vạm vỡ cường tráng mà cũng lanh lẹn phi thường. Chúng nó tuy không đầu, song đánh nhau chả kém gì người có mắt, lại có phần giỏi giang, sắc sảo, hơn những người có mắt nhiều. Chúng diễn những đường võ cực kì bí

hiểm, trông ngoạn mục và lí thú vô cùng.”. Chính không gian đồng hiện đó

làm cho câu chuyện thêm li kì và không kém phần rùng rợn. Một hiện thực ma quái lại diễn ra giữa ban ngày. Thật khó tin khi hai hiện thực âm - dương lại song hành trong một thời khắc kì quái. Tái hiện những không gian đặc biệt như vậy, tác giả đem đến cho người đọc những ấn tượng kì thú trước những hiện tượng kì bí diễn ra trong đời sống con người, tưởng chứng xa lạ mà gần ngay trước mắt. Đồng thời tác phẩm đã để lại những trăn trở về số phận con người trong xã hội cũ.

Không gian đồng hiện là không gian đem lại cho con người những cảm giác lạ về sự tồn tại của yếu tố tâm linh. Ở đó, thần linh, ma quỷ có thể xuất hiện trong cuộc sống thường nhật và người sống, kẻ người chết có thể gặp gỡ nhau. Tất cả góp phần tạo nên sự li kì cho truyện kinh dị.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm truyện kinh dị việt nam trước năm 1945 (Trang 82 - 88)