Giọng điệu nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm truyện kinh dị việt nam trước năm 1945 (Trang 106 - 119)

6. Cấu trúc luận văn

3.3.2. Giọng điệu nghệ thuật

Mỗi nhà văn phải có tiếng nói của mình, đó chính là giọng điệu trong tác phẩm. Nó thể hiện một cách nhìn đồng thời chi phối cả hệ thống ngôn từ mà nhà văn sử dụng. Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kín hay suồng sã, ngợi

ca hay châm biếm ” [10; tr.135].

3.3.2.1. Giọng điệu mượt mà, bay bổng

Truyện kinh dị Việt Nam trước năm 1945, chúng ta thường bắt gặp những câu văn với giọng điệu mượt mà, bay bổng. Tựa hồ như những bài thơ được viết bằng văn xuôi vậy. Nhất là, những đoạn văn miêu tả thiên nhiên như trong tác phẩm Tiền mất lực của Lan Khai: “Ánh sáng lộng lẫy soi xuống một cảnh tượng thần tiên. Quanh mình nàng, rừng cây man mác, chỗ nấp trong bóng tối mát dịu màu xanh, chỗ phơi ra ánh nắng rực rỡ vàng hoe. Trên nền trời phơn phớt hồng, những chỏm núi xanh những nét thiên thanh dịu. Giọt sương mai long lanh trên ngọn cỏ như nghìn vạn hạt pha lê. Ẩn hình trong bụi rậm, con hoàng anh chào

đón Chiêu Dương…”. Ngòi bút trữ tình của các nhà văn khi diễn tả tâm trạng

của con người được tái hiện với một giọng điệu đầy cảm xúc như nhân vật Tuấn trong tác phẩm Trại Bồ Tùng Linh: “Tuấn càng nghĩ càng bối rối trong lúc trí anh, lòng anh và các giác quan anh còn rung động một thứ tình cảm li kì và thơm dịu… Màu đen sáng của đôi mắt nhìn. Miệng cười son thắm. Cái thân hình óng muốt lả lướt, ân ái. Tất cả cái cử chỉ tin cẩn, vâng chịu của người đàn bà trong cái khoảnh khắc gần gũi… Tuấn nhắm mắt lại và lần nào cũng như còn

ngửi thấy mùi hương phấn ở cạnh mình. Bên vai anh còn thấy nặng êm đềm dưới một đầu tóc đã ngả lên. Trong cánh tay anh đã ẩn náu hình vóc nồng nàn của một tấm lưng thon. Bàn tay anh còn mát rợi cái kỉ niệm một bàn tay nhò

muốt anh đã nắm giữ”.

Trong tác phẩm Suối Đàn của Lan Khai, tác giả cho thấy vẻ đẹp bình yên, mơ màng của cảnh sơn lâm khi chiều xuống. Giọng điệu bay bổng, mượt mà của lời văn càng làm cho buổi chiều thu hiện ra thật gợi cảm: “Từ góc trời phía tây, qua những rèm mây vàng hoặc da cam, ánh nắng vàng còn để vương lại trên sự vật những màu rất mong manh, những màu phấn kim nhũ pha màu tím mỗi lúc một phai, một tắt dần. Trên cao, hơi thoảng gió làm cho những ngọn dừa rung động rì rào tựa hồ kể lể cùng nhau những niềm tưởng nhớ xa xôi. Bên kia những cánh rừng thấp nhòa bụi phấn sương, một vài chỏm núi in hình trên nền mây rực rỡ, như những bóng tương tư thiên vạn cổ. Khắp mặt đồng phủ kín lớp hơi lam trong đó nổi lập lờ những mùi hương

không tên những mùi hương gợi nhớ nhiều nỗi u hoài”. Cảnh vật như một

tuyệt phẩm hội họa của đất trời với sự hài hòa của những gam màu hư ảo, dưới lớp sương bảng lảng, thoang thoảng những mùi hương không tên đã gợi trong lòng người những cảm xúc mơ hồ, khó tả, cùng bao nỗi vấn vương, nồng nàn.

Còn đây là giọng điệu mượt mà bay bổng mà Tchya Đái Đức Tuấn sử dụng khi miêu tả vẻ đẹp mĩ miều của nàng Oanh Cơ: “Con người ấy chả kém gì Tây Thi, Muội Hỉ, Đát Kỷ, Qúy Phi, nàng đẹp một vẻ đẹp oái ăm, huyền bí oanh liệt lại dịu dàng tựa hồ đấng thiêng liêng đem hết cả bao nhiêu tinh túy của non sông cây cỏ mà chung đúc vào nhan sắc ấy. Tóc nàng là một đám mây thu chan chứa những vẻ êm đềm thơ mộng; mỗi lần làn tóc ấy xõa tung chấm gót, thì rõ ràng một dải hắc tuyền cuồn cuộn, óng ả, nhẹ nhàng; nét bút họa công khi vẽ đến phải cả quyết, lại ngập ngừng, làm thế nào cho suối tóc

nõn nà đen mượt kia cũng phảng phất giống một đám lục vân nặng trĩu những

niềm u ẩn, mà phủ lên một hình hài tiên nữ, muôn phần yểu điệu”. Có thể nói,

với biện pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, hệ thông từ ngữ giàu giá trị biểu cảm và nhất là giọng văn mượt mà sâu lắng, nhà văn đã cho người đọc cảm nhận vẻ đẹp thanh tú và phảng phất nỗi niềm u uẩn của nhân vật Oanh Cơ.

3.3.2.2. Giọng điệu li kì, rùng rợn

Giọng điệu chủ đạo trong truyện kinh dị Việt Nam trước năm 1945 là giọng rùng rợn. Chính giọng điệu này mà dường như tất cả các câu chuyện của thế giới kinh dị đều đem lại cho người đọc cảm giác sợ hãi, bất an. Trong truyện Trại Bồ Tùng Linh, Thế Lữ đã tạo ra không khí rờn rợn, huyền bí của trại Bồ bằng cách kể lại những lời đồn đại của những người sống quanh trại Bồ: “Tôi cũng có nghe thấy mấy người tôi thuê đến quét dọn nói bóng nói gió đến sự bỏ không của trại này. Hình như trong gia đình cụ lớn có người chết oan, hoặc tự tử, hoặc hóa điên, không rõ lắm… Tôi còn thoáng bắt chợt được

những tiếng oan hồn, con ma gốc đề”.

Trong tác phẩm Am culy xe của Thanh Tịnh, người đọc cảm giác ớn lạnh trước cảnh linh hồn của ông già mù kéo xe tay cũng hiện về. Và cái quang cảnh ấy được nhà văn ghi lại bởi giọng điệu li kì, rùng rợn: “vào khoảng 11 giờ khuya, sau chuyến tàu suốt ra Bắc một giờ, những người ở quanh vùng đó đều thấy một cái bóng xe tay loang loáng chạy về phía làng Thanh Trúc. Người làm giữa ruộng dưới đêm trăng, các em mục đồng và sư cụ chùa Linh Hải đều nhận thấy nhiều lần như thế. Và giữa đêm mưa lạnh,

ông Từ làng Thanh Trúc còn nghe tiếng nhạc xe trước cổng đình nữa…”.

Bằng giọng điệu rùng rợn, kì bí, các nhà văn viết truyện kinh dị đã tạo nên một không khí, bối cảnh huyễn hoặc và đầy mãnh lực cho câu chuyện. Giọng điệu đó dựng nên một không khí riêng, đưa người đọc chìm sâu vào câu chuyện mà không dứt ra được. Đó chính là tài năng của các nhà văn viết

truyện kinh dị trước năm 1945.

3.3.2.3. Giọng điệu thương cảm

Trong các truyện kinh dị Việt Nam trước năm 1945, người ta còn thấy các nhà văn đã thể hiện một giọng điệu đầy thương cảm khi kể lại câu chuyện. Đó là sự thương xót, đồng cảm với cuộc sống khó nhọc và số phận bất hạnh của những người lao động nghèo trong các sáng tác của Thanh Tịnh như truyện: Am culy xe, Làng, Ngậm ngải tìm trầm; Bùi Hiển với Chiều sương,

Một trận bão cuối năm. Thương cảm, xót xa trước những bất hạnh, bạc bẽo, trái ngang của người phụ nữ như trong tác phẩm: Tiếng hú ban đêm, Một đêm giăng của Thế Lữ; Phạm Cao Củng với Người con gái tỉnh Bắc. Giọng điệu đó tạo nên sự đồng cảm mạnh mẽ nơi người tiếp nhận với câu chuyện được kể. Trong tác phẩm Ngậm ngải tìm trầm của nhà văn Thanh Tịnh, người đọc cảm nhận rõ giọng điệu thương cảm của tác giả khi kể lại câu chuyện đầy quái lạ: người biến thành hổ. Không thể chung sống với những người thương yêu, bác Diệm trai dù đã hóa hổ nhưng tình cảm thương nhớ, luyến vương gia đình, vợ con vẫn luôn dâng trào. Người đọc không cầm được nước mắt trước cảnh người vợ nước mắt tràn mi, nén nỗi đau nhìn người chồng yêu quí cất lên tiếng rú từ biệt: “Đoạn con vật quay mình lẳng lặng đi

vào phía núi truồi, rồi biến dần trong ánh trăng xanh nhạt”. Nhất là lời kết

của tác phẩm đã gieo vào lòng người đọc nỗi buồn thương man mác và những nỗi niềm trăn trở về tình đời, tình người trong cuộc sống: “Dãy núi Truồi từ đó đã như một bức thành kiên cố chia đôi tình nhân loại với cảnh huyền bí

của sơn lâm”.

Trong tác phẩm Người hóa hổ của Lan Khai, giọng điệu thương cảm được nhà văn thể hiện rõ khi biểu lộ nỗi buồn cô đơn cùng những ưu tư về kiếp người trong cuộc sống. nhà văn sử dụng nhiều thán từ, nhiều câu văn liệt kê gây ấn tượng không dứt với người đọc về một thiên nhiên tàn độc đang bủa

vây, bóp ghẹt cuộc sống của con người: “Trời ơi, cuộc đời con người ta sống giữa thiên nhiên mà sao gieo neo, đơn độc, luôn luôn bị những bệnh não, những lo sợ nó giày vò... Nắng to làm khô cạn cả ngòi lạch, vàng úa cả hoa màu; mưa lớn tràn ngập cả đồng áng, lở sụt cả núi non; bão táp vặn đổ cả cây cối, xiêu vẹo cả nhà cửa; sấm chớp làm ù tai, hoa mắt, chết người, cháy rừng, hết thảy đều được anh coi như những vật có linh hồn, có cảm giác, rất huyền bí, rất hung tàn, đáng cho loài người phải kinh khiếp. Ngoài ra thì nào hùm gấu, sài lang, rắn rết, đỉa vắt là những kẻ thù hàng ngày người ta phải

đối địch để giữ lấy sinh mệnh của mình”.

Ngoài ra, trong những tác phẩm kinh dị Việt Nam sáng tác trước năm 1945 còn mang nhiều sắc thái giọng điệu khác nhau, góp phần tạo nên sự phong phú, hấp dẫn cho câu chuyện. Đó là giọng trân trọng ngợi ca khi nói về những giá trị cao đẹp, về nhân cách con người. Trong tác phẩm Một truyện không nên đọc lúc giao thừa của Nguyễn Tuân, độc giả cảm nhận được thái độ trân trọng của tác giả dành cho tấm lòng thơm thảo, nhân hậu của vợ chồng ông Bá. Hay tác phẩm Loạn âm của Nguyễn Tuân là sự ngợi ca tấm lòng ngay thẳng, liêm chính của con người. Khi đặt vào hoàn cảnh có thử thách, phẩm giá con người được bộc lộ. Câu chuyện kể về vị Quan Ôn ở cõi âm vì nể tình riêng mà muốn châm chước cho người nhà của họ Trịnh. Nhưng ông Kinh Lịch nhất quyết không vì tình riêng mà chữa lại mệnh trời: “Thưa Quan Lớn, trong cái đời liêm chính của tôi, chưa lúc nào tôi có làm điều gì khuất tất trong lòng. Nay Quan Lớn hành tạt qua đây, lại nghĩa cái tình đồng song cũ và thứ nhất có nghĩ đến cha tôi mà vào chơi, thế là quí rồi. Việc Quan Lớn gia ơn cho làng Phú Giang này, tôi rất thâm tạ, nhưng thực không dám xin cho ai. Việc sống chết của chung quanh tôi, xin quan lớn cứ phải mà

làm và người áo vải này không dám nói thêm vào lấy nửa lời”. Tác phẩm Xác

giấy Chu Hồ và cây dó thần. Qua câu chuyện đó, nhà văn Nguyễn Tuân đã khám phá và ngợi ca những thiên tính đẹp đẽ của con người. Đó là một câu Năm nhà họ Chu học rộng và đầy khí phách. Một cô Dó sâu nặng nghĩa tình, với giọng hát “trong trẻo như pha lê và vui như tiếng thông reo giữa trời nổi gió”… Trong một vài tác phẩm, giọng điệu nhiễu nhại, hài hước thể hiện sự phản ứng chống lại hiện thực cay đắng và những khuôn sáo trong cách nhìn của con người về cuộc sống. Đọc tác phẩm Ma xuống thang gác của Thế Lữ,

Tết trên Mường của Đỗ Huy Nhiệm, không khí truyện mất dần tính trang nghiêm, huyền bí mà thay vào đó câu chuyện được kể bằng giọng điệu hài hước, mỉa mai. Chính giọng điệu này, làm cho hiệu ứng của những yếu tố kỳ ảo phai nhạt dần đồng thời, tạo ra những cái nhoẻn cười ý vị.

Có thể nói, giọng điệu là tiếng nói riêng của nhà văn trong tác phẩm. Giọng điệu không chỉ góp phần chuyển tải nội dung tư tưởng của tác phẩm mà còn cho thấy nét riêng trong cá tính sáng tạo của nhà văn. Giọng điệu và ngôn ngữ nghệ thuật đặc trưng đó đã góp phần khẳng định tài năng của các nhà văn trong hành trình hiện đại hóa văn học dân tộc nửa đầu thế kỉ XX.

Tiểu kết chương 3

Thế giới nghệ thuật trong truyện kinh dị Việt Nam trước năm 1945 được nhà văn sáng tạo ra để chuyển tải đến độc giả bao thông điệp về cuộc sống và con người. Bên cạnh những khám phá sâu sắc, mới mẻ về nội dung, truyện kinh dị Việt Nam trước năm 1945 còn có những đóng góp và thành công về hình thức nghệ thuật thể hiện. Hầu hết các tác phẩm đều sử dụng không gian đa tầng, đa diện; không gian đồng hiện để làm bối cảnh cho những câu chuyện hư ảo, huyền bí. Thời gian được được các nhà văn sử dụng trong diễn biến của tác phẩm là thời gian phi tuyến tính và thời gian phi thời gian. Chính cách triển khai này, các tác giả đã tạo ra sự lôi cuốn hấp dẫn của truyện

kinh dị. Đặc biệt với cốt truyện dung dị, giàu kịch tính và kết cấu đa dạng, truyện kinh dị Việt Nam trước năm 1945 đã tạo ra những “ma lực” có sức hấp dẫn dị thường đối với người đọc, người nghe. Cùng với đó, với ngôn ngữ biến hóa cùng giọng điệu đa dạng, các nhà văn viết truyện truyện kinh dị đã tạo ra một địa hạt không thể phủ nhận trong tiến trình phát triển của nền văn học dân tộc cũng như góp phần hội nhập vào nền văn học thế giới.

KẾT LUẬN

1. Truyện kinh dị Việt Nam trước năm 1945 là một thể loại mới được hình thành trên cơ sở kế thừa văn học truyền kì trung đại và tiếp biến văn học kinh dị của Trung Quốc và phương Tây. Truyện kinh dị Việt Nam trước năm 1945 có vai trò và giá trị nhất định trong tiến trình phát triển của nền văn học dân tộc. Nó vừa mang những nét đặc trưng riêng về thế giới kì ảo, liêu trai của phương Đông vừa mang những đặc trưng chung của truyện kinh dị phương Tây. Với tính chất hư ảo, huyền bí, truyện kinh dị đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của độc giả. Đồng thời đáp ứng được thị hiếu và phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của người Việt Nam đương thời.

2. Sự hình thành và phát triển của truyện kinh dị Việt Nam trước năm 1945 là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố: từ bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa cụ thể của dân tộc đến sự giao thoa thể loại trong tiến trình hiện đại hóa văn học, nhất là ảnh hưởng từ văn học Trung Quốc và văn học phương Tây. Bởi vậy, truyện kinh dị Việt Nam trước năm 1945 là một khuynh hướng văn học phản ánh hiện thực một cách dị thường xuất phát từ chính thế giới tinh thần, thế giới nội tâm của con người. Truyện kinh dị không chỉ nhằm mục đích tạo ra sự phấn khích, hấp dẫn với những yếu tố hoang đường, rùng rợn, li kì trước sự xâm nhập của cái siêu nhiên, cái không thể xảy ra vào thế giới tự nhiên mà còn là phương tiện để chuyển tải tư tưởng, ước mơ, khát vọng, bài học nhân sinh, đạo lý ở đời. Hơn thế nữa truyện kinh dị còn là chìa khóa mở cánh cửa bí ẩn về thế giới vô thức của con người, giúp con người thỏa mãn trí tưởng tượng siêu việt của mình cả trong sáng tạo và tiếp nhận. Truyện kinh dị Việt Nam một mặt kế thừa những tinh hoa của truyện dân gian, truyện truyền kì truyền thống, mặt khác chịu ảnh hưởng của truyện liêu trai Trung Quốc, truyện kinh dị phương Tây, nảy sinh trong một bối cảnh văn hóa – xã hội đặc

thù nên mang nhiều đặc điểm riêng. Khuynh hướng này phát triển xuyên suốt trong văn học Việt Nam thế kỉ XX và đã đạt nhiều thành tựu.

3. Xét về phương diện nội dung, truyện kinh dị trước năm 1945 đã có những khai phá mới mẻ, đầy hấp dẫn, làm phong phú thêm cho nền văn học Việt Nam. Hiện thực cuộc sống được phản ánh từ cái nhìn lạ hóa đã đem đến một luồng gió mới đối với đời sống văn học. Hình tượng thiên nhiên, hình tượng con người được soi chiếu ở những trạng thái phức hợp, với sự tham gia

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm truyện kinh dị việt nam trước năm 1945 (Trang 106 - 119)