Thời gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm truyện kinh dị việt nam trước năm 1945 (Trang 88 - 93)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.2. Thời gian nghệ thuật

Thời gian nghệ thuật có một vai trò khá quan trọng trong diễn tiến của câu chuyện, góp phần thực hiện những ý đồ tư tưởng của nhà văn. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “Thời gian nghệ thuật là hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó… Khác với thời gian khách quan được đo bằng đồng hồ và lịch, thời gian nghệ thuật có thể đảo ngược quay về quá khứ, có thể bay vượt tới tương lai xa xôi, có thể dồn nén một khoảng thời gian

thuật mang tính cảm tính trong quá trình sáng tạo của nhà văn.

3.1.2.1. Thời gian phi tuyến tính

Thời gian phi tuyến tính là cách thức mà các sự kiện thường được miêu tả theo dòng hồi ức của người kể chuyện. Các sự kiện trong tác phẩm không được kể theo trình tự thời gian lẽ thường: quá khứ- hiện tại– tương lai, mà thường được đảo lộn trật tự. Hay nói cách khác, thời gian phi tuyến tính là kiểu thời gian không theo mạch trình tự nào, bị đảo lộn, xếp chồng lên nhau giữa quá khứ- hiện tại– tương lai, góp phần làm cho câu chuyện thêm thần bí, li kì, ám ảnh người đọc, khiến họ không thể dừng lại khi đã bắt đầu.

Tác phẩm Người con gái tỉnh Bắc của Phạm Cao Củng được kể trong dòng chảy của thời gian phi tuyến tính. Câu chuyện được bắt đầu ở hiện tại với việc chàng thư sinh- Vũ đến học trọ ở hàng cơm bà cụ Đỗ. Tại đây, Vũ đã gặp gỡ với hồn ma Ngọc Bách. Ban đầu, Ngọc Bách ra sức quyến rũ nhưng không lay chuyển được chàng thư sinh. Rồi, hù dọa cũng chẳng ăn thua: “Bộ xương ấy bước vào, tiến đến trước mặt Vũ. Cái đầu nhe bộ răng trắng nhởn như cười một cách rùng rợn. Vũ vẫn ngồi yên học. Thoáng cái, bộ xương đã lại biến mất. Vũ cười, nói một mình: - Mi dọa ai thì được, chớ dọa ta sao nổi”. Nhận được sự đồng cảm của Vũ, Ngọc Bách mới kể cho Vũ nghe về quá khứ bạc phận của mình: “Em chính tên là Ngọc Bách, họ Nguyễn, vốn quê ở

tỉnh Bắc, con một ông tham tá, đã từ trần lúc em mới 15 tuổi...”. Câu chuyện

khép lại với hiện tại, bằng việc làm đầy nhân văn của Vũ: “Vũ lại tìm thang trèo lên trần nhà xem, quả nhiên có một đống xương người, nhện chăng, bụi phủ, riêng lạ một điều là có mấy khúc xương rõ ràng có vấy mực. Bèn nhờ

người chôn cất, cho đúng lời hẹn với hồn ai”. Có thể nói, trật tự thời gian bị

đảo lộn là một trong những yếu tố làm cho câu chuyện trở nên kì bí, hấp dẫn. Nó thôi thúc người đọc dõi theo câu chuyện trong một trạng thái hồi hộp và phấn khích.

Thời gian trong tác phẩm Người lạ của Lan Khai cũng là thời gian phi tuyến tính. Vào một đêm đông, trong buổi gặp gỡ của hai cha con với ông Hội Cảnh. Ông Hội Cảnh đã kể cho họ nghe câu chuyện đã xảy ra hơn hai chục năm. Đó là cái lần vào một buổi trưa hè, ông Hội Cảnh một mình thơ thẩn chòi canh thì bỗng đâu một cô gái lạ xuất hiện với vẻ đẹp dị thường: mặt dài thon thon; da trắng mòng mọng lại có những vân đỏ; lông mày rậm vàng như râu ngô lượn tròn trên cặp mắt sáng quắc. Lạ một điều là lòng đen mắt cô ta đỏ và trong suốt như mắt thỏ trắng. Hai hàm răng thì nhọn hoắt như răng mèo. Toàn thân cô ta có một mùi thơm như hoắc hương. Rồi cô ta lại gần ông Hội Cảnh: “Cô ta đứng dậy xuống chòi, đi lơ lửng ở không trung, như người đi lên một cái thang vô hình. Còn tôi, tôi bắt đầu run bắn người lên. Hai hàm răng tôi đánh vào nhau chan chát. Những giọt bồ hôi trán lạnh như băng…

Ma!... Đích ma, ông ạ!... Nếu chẳng phải yêu ma thì là cái gì?...”. Khi con

chó vàng chẩu mõm lên không cắn rú một thôi dài, ông Hội Cảnh như bừng tỉnh và đưa ra kết luận: “Về sau, tôi dặn con cháu có đi rừng chớ giắt lá hoắc hương trong mình, tôi vẫn nhớ cái mùi thơm ấy. Chưa hẳn là một điều hữu lý,

song gọi là một cách đề phòng”. Cách bố trí thời gian phi tuyến tính trong câu

chuyện kể làm nó trở nên hấp dẫn. Nó có khả năng khơi gợi sự tò mò, mong muốn tìm được câu trả lời về những điều bí ẩn. Và khi trở lại với thực tại, người đọc mới vỡ òa về những hư ảo mà câu chuyện mang đến.

Thời gian phi tuyến tính trong mỗi tác phẩm sẽ làm cho câu chuyện có những “ngã rẽ” bất ngờ. Sự đan xen giữa: hiện tại- quá khứ- hiện tại, làm cho câu chuyện thêm phần ma quái, mang màu sắc liêu trai. Nó tạo nên ấn tượng về một thế giới đầy bí ẩn, khó giải thích, không tuân theo những quy luật thông thường, ở đó tồn tại những câu chuyện hết sức quái lạ. Và đó cũng là nét đặc sắc trong nghệ thuật truyện kinh dị Việt Nam trước năm 1945.

3.1.2.2. Thời gian – phi thời gian

Trong truyện kinh dị, vấn đề xử lý thời gian được coi là một thủ pháp nghệ thuật quan trọng. Một trong những điều hấp dẫn của thế giới truyện kinh dị là đem đến những cảm giác mạnh về sự rùng rợn, nỗi hồi hộp, sự căng thẳng tột cùng của người đọc, người nghe. Bởi vậy, nhà văn phải tạo ra các hiệu ứng đặc biệt qua cách sử dụng thời gian trần thuật. Sự vận động của cốt truyện trong truyện kinh dị khác với sự vận động của cốt truyện trong các truyện thông thường khác ở chỗ nó đặc biệt tô đậm các tình huống li kỳ, những sự kiện làm nghẹt thở độc giả. Hay nói như Tzvetan Todorov trong

Thi pháp văn xuôi gọi là biện pháp gây “nghẽn” thời gian tự sự. Thời gian như bị đông cứng, đứng yên, mất cảm giác chảy trôi. Như cái khoảnh khắc Văn Quản và Huyền Cơ bị hổ ăn thịt ngay trước mặt Oanh Cơ dường như làm ngất xỉu ngay cả những người gan dạ khi dõi theo mạch truyện: “Vừa buộc cho Oanh Cơ xong, bỗng thấy một mùi hôi thối ở đâu xông lên sặc sụa, rồi nghe tiếng một đàn chim khướu ríu rít kêu, bay đậu cả vào cây cổ thụ. Tráng sĩ đứng trên cây, ra sức kéo Oanh Cơ lên tận nhà sàn dựng ở đầu ngọn. Oanh vừa sắp tới nơi, một quang cảnh bi đát, khủng khiếp và thê thảm bỗng hiện ra trước mắt nàng và tráng sĩ. Một con hổ vàng to, từ đâu không rõ, hình như ở rừng sậy, nhảy xổ lại phía gốc cây, giữa lúc xuất kì bất ý, Văn Quản và Huyền Cơ vừa buộc dây xong, đương ngước mắt nhìn theo Oanh Cơ không biết rằng có tai nạn ở ngay cạnh mình. Hổ xông lại chỉ trong nháy mắt, đã thấy dưới gốc cây cổ thụ có hai xác người đương giãy giụa máu me đầm đìa.”. Cái tình huống kịch tính ấy, không chỉ như làm cho câu chuyện bị nghẽn lại mà nó còn ám ảnh, hiển hiện mãi không thôi trong tâm tưởng người chứng kiến.

Trạng thái của Đèo Lầm Khẳng trong tác phẩm Thần Hổ của Tchya Đái Đức Tuấn cũng vậy. Nhà văn như để thời gian ngưng đọng trong cuộc

gặp gỡ giữa người và hồn ma. Giữa đường chạy trốn khỏi sự báo thù của thần hổ, Đèo Lầm Khẳng trong cuộc ân ái với ma nữ xinh đẹp - Peng Slao chàng như quên đi hết mọi thứ. Cái hiện hữu duy nhất trong con người Đèo Lầm Khẳng lúc nay là những đê mê nhục dục, là cảm giác tê dại bởi những cuộc ân ái cuồng si: “Chàng được cùng nàng say đắm trong một cuộc ân ái mê ly. Chàng không thấy lạnh lẽo nữa, dẫu rằng ngủ không chăn, không đệm. Thiếu nữ tựa hồ cũng như chàng được biết khoái lạc chung tình lần thứ nhất. Nàng yêu đương chàng một cách nồng nàn thân thiết, sẽ vuốt ve chàng và lên giọng nỉ non hát ru cho chàng ngủ, khiến hồn chàng phút chốc như chia tan ra, như bay bổng lên một tầng thế giới xa xăm. Gối lên cánh tay ngọc ngà của người yêu, chàng thiu thiu buồn ngủ. Giọng hát âm thầm tỏa trong không khí gian phòng một điệu ca Mường buồn bã, nửa não nuột, nửa dịu dàng, một điệu âm thanh khi nhẹ nhàng, khi ai oán, khiến cho chập chờn trong giấc điệp, chàng thiếu niên lánh nạn còn phảng phất nghe tiếng ru văng vẳng bên tai, tiếng ru

xa lắc lơ, từ cõi u minh đưa lại”. Phải chăng bằng chính cách “hãm phanh”,

đóng băng thời gian đó, nhà văn một mặt phản ánh một thế giới đầy rẫy những điều kì ảo, mặt khác như muốn nhấn mạnh những cảm xúc nồng cháy, mãnh liệt của tình yêu, những khát vọng hạnh phúc đong đầy mà hiện thực cuộc sống khó có thể có được?

Trong tác phẩm Bữa rượu máu của Nguyễn Tuân, câu chuyện về đao phủ Bát Phẩm Lê có lối chém “treo ngành” sắc ngọt vẫn luôn ám ảnh mãi trong lòng người đọc. Thời gian như ngưng lại, sự cao trào của xúc cảm sợ hãi như được đẩy đến vô cực trước cảnh tượng hãi hùng. Đó là cảnh Bát Lê được quan Đổng lý quân vụ sai chém mười hai dư đảng giặc Bãi Sậy cho quan công sứ Nam kì xem: “Viên công sứ Pháp chăm chú nhìn Bát Lê múa lượn giữa hai hàng tử tù và múa hát đến đâu thì những đầu tội nhân bị quỳ kia chẻ ngục đến đấy. Những tia máu phun lên kêu phì phì, vọt cao lên nền

trời chiều. Mà trên áng cỏ hoen ố, không một chiếc thủ cấp nào rụng xuống”. Cách kể chuyện của nhà văn trong những tác phẩm kinh dị theo kiểu thời gian- phi thời gian là một sự sáng tạo đặc sắc. Tác phẩm như bị dồn nén đến tận cùng bởi một cảnh huống đặc biệt nào đó. Và từ sự “hãm phanh” thời gian ấy sẽ tạo ra những hiệu ứng vô cùng mạnh mẽ, có sức ám ảnh trong lòng người đọc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm truyện kinh dị việt nam trước năm 1945 (Trang 88 - 93)