6. Cấu trúc của luận văn
1.1.2. …đến truyện ngắn đương đại của các nhà văn trẻ Nam bộ
Cũng như lịch sử vùng đất này, văn học nghệ thuật hội tụ ở ngôi nhà chung tại đồng bằng sông Cửu Long. Với sự góp mặt của 13 tỉnh thành: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long. Hội văn học nghệ thuật Đồng bằng sông Cửu Long đã cho ra mắt bạn đọc trong cả nước 2460 tác phẩm với khoảng 715 tác giả. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, văn học Nam bộ có những cây bút tiêu biểu: Sơn Nam, Hoàng Văn Bổn, Trần Kim Trắc, Phạm Tuân,… người ta nhìn thấy thành tựu ấy qua một giải thưởng khá quy mô lúc đó, giải thưởng Văn nghệ Cửu Long Nam bộ năm 1952. Sang chống Mỹ dòng văn học Nam bộ bình lặng chảy cùng văn học cả nước trong không khí hào hùng “tất cả cho tiền tuyến”. Tuy nhiên, đứng trên bình diện khách quan mà xét, văn học Nam bộ nghèo nàn hơn so với hai miền Bắc, Trung. Điều dễ nhận thấy nhất, lực lượng sáng tác mỏng, bị dàn trải trên một địa hình rộng lớn, thiếu được chăm nom, đầu tư thoả đáng, hơn nữa hạn chế về mặt thông tin, đất rộng, người đông mà chỉ có 29 thành viên nằm trong Hội nhà văn Việt Nam. Hiện nay văn học khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước thực trạng mang tính thời sự. Ngày 10/9/2004, Hội nhà văn
tổ chức Bàn tròn văn xuôi Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tìm ra phương hướng để thúc đẩy văn học nghệ thuật phát triển, đẩy văn học miền này bắt nhịp được với văn học hai miền Bắc và Trung. Tại đây, nhiều ý kiến được đưa ra bàn luận, nhà văn Nguyễn Thị Diệp Mai đã bộc lộ chân thật về con đường văn chương: Say mê cuồng nhiệt khi nhập hồn vào trang viết cùng trạng thái tâm lý hụt hẫng khi “đẻ” xong một “đứa con tinh thần”. Say mê, háo hức là vậy nhưng cái gánh nặng áo cơm xưa như trái đất đã làm cho giới viết văn trẻ cảm thấy viết là “viết chơi theo kiểu tài tử” vì “chưa thể sống bằng nghề viết văn”. Vũ Hồng phát biểu về đội ngũ viết văn trẻ như sau: số lượng ngày càng phát triển, mỗi cây bút đều tạo được dấu ấn phong cách riêng, có sự nối tiếp giữa các thế hệ, mà điển hình gần đây nhất có Nguyễn Thị Diệp Mai, Nguyễn Ngọc Tư,…Một trong những hạn chế của các cây bút trẻ là tính chuyên nghiệp chưa cao.
Khách quan mà xét, lực lượng sáng tác văn học Nam bộ nói chung, truyện ngắn nói riêng, tác phẩm ít lại sơ sài, còn nhiều mặt hạn chế, truyện ngắn chưa đáp ứng kịp với sự phát triển ồ ạt về kinh tế, văn hoá và xã hội diễn ra trên đất lục tỉnh. Mặt khác, đội ngũ phê bình, lý luận văn học trống vắng kéo dài từ hàng chục năm nay. Họ là những người tiên phong “tiếp thị” văn học ra thị trường, nhưng sao văn học Nam bộ ít tự giới thiệu mình cho bạn đọc cả nước biết. Nam bộ cũng cần quan tâm đến vấn đề này, biết rằng công việc “tiếp thị” trong văn chương khác trong kinh tế, không thể “lăng - xê” cho oách để bán lấy tiền. Vì vậy, công tác nghiên cứu, phê bình, lý luận và cả giới thiệu, dịch thuật về văn chương được xem là công việc cần kíp và vô cùng quan trọng, vì muốn hội nhập “văn học cần phải mạo hiểm” (Sơn Nam). Vì thế, truyện ngắn Nam bộ đang trải qua bước chuyển mình đầy trăn trở trước hiện thực xô bồ của đời sống. Một dòng chảy trầm lặng cần được khơi thông để đưa văn học Nam bộ lên tầm cao mới, sánh vai cùng văn học nước nhà và vươn mình ra nước bạn.
Nhìn chung, lĩnh vực truyện ngắn có khởi sắc và phát triển liên tục, hết sức tự nhiên, có đóng góp tích cực vào việc hình thành một mảng văn học vùng miền mang màu sắc Nam bộ, đồng thời, hòa quyện và bổ sung vào dòng văn học chung cả nước. Thế nhưng chưa có tác giả nào tạo ra sự đột biến, phải đợi đến Nguyễn Ngọc Tư văn học Nam bộ mới thực sự có “đỉnh núi cao”, tạo ra “cú hích” mạnh cho truyện ngắn hôm nay.Ở hai thập niên đầu của thế kỉ XXI, dưới sự tác động của nhiều luồng tư tưởng, phương pháp sáng tác và sự biến động khá phức tạp của đời sống văn hoá, đời sống nhân sinh, văn học của giai đoạn này cũng được vận động trong một lộ trình khá phức hợp. Sự xuất hiện và khẳng định của một số hiện tượng sáng tác, một số thể loại trội bật đã góp phần quan trọng đối với việc kiến tạo nên bức tranh đa dạng của văn học đương đại. Trong đó, khu vực sáng tác của các nhà văn trẻ Nam bộ đã nổi lên với tư cách là một nhóm đi đầu trong công cuộc đổi mới, sáng tạo.
Truyện ngắn Nam bộ những thập niên đầu thế kỉ XXI được sáng tạo theo một kiểu tư duy khá mới, truyện có thể kể về cả một cuộc đời hay một đoạn đời, một sự kiện hay một “chốc lát” trong cuộc sống nhân vật. Tác giả thường hướng tới khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người. Xây dựng nhân vật là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc là trạng thái tồn tại của con người. Truyện ngắn đương đại Nam bộ được thể hiện với hình thức ngắn, tái hiện cuộc sống đương thời, phản ánh cuộc sống hiện thực một cách sinh động, khách quan thông qua lăng kính chủ quan của nhà văn. Ở đó, mỗi tác giả có thể mang đến cho độc giả một đời tư, một thế sự nào đó. Do đó, chúng ta có thể khẳng định rằng: Truyện ngắn Nam bộ đầu thế kỉ XXI có những nét khởi sắc và phát triển liên tục một cách tự nhiên, có đóng góp tích cực vào hình thành một mảng văn học vùng miền mang màu sắc của nhiều khu vực khác nhau của vùng văn hoá Nam bộ, đồng thời hòa quyện và bổ sung vào
dòng văn học đương đại của cả nước. Bên cạnh những thành tựu chung của văn học, văn hoá nghệ thuật Nam bộ thì bộ phận truyện ngắn nói riêng trong những năm qua cũng đã thu được những thành tựu đáng ghi nhận, tạo nên bức tranh đa dạng của truyện ngắn đương đại đầu thế kỉ XXI của văn học Việt Nam. Sự đa dạng đó được thể hiện qua các phương diện như: Lực lượng sáng tác, chủ đề - đề tài, góc nhìn và tiếp cận văn hoá của các tác giả trẻ đối với các vấn đề của cuộc sống hiện đại.
Về lực lượng sáng tác, trong văn học đương đại Nam bộ, bộ phận sáng tác truyện ngắn so với những giai đoạn trước, đội ngũ sáng tác hiện nay khá đa dạng về độ tuổi, trình độ chuyên môn nhưng mỗi một cây bút đều để lại dấu ấn và phong cách riêng của mình. Giữa sự phong phú về nội dung, ý tưởng, phương thức thể hiện,…người đọc sẽ dễ dàng nhận ra tác giả ngay bởi chất giọng miền Nam khó lẫn vào đâu được. Với truyện ngắn Nam bộ,nếu không tính sự kết nối từ thế hệ khai sáng như Trương Vĩnh Ký, Hồ Biểu Chánh, Trần Quang Nghiệp rồi thế hệ tạo dựng nền móng vững chắc như Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng, Lý Văn Sâm, Nhật Huy, Bình Nguyên Lộc, Đoàn Giỏi… thì thế hệ kiến tạo nên bức tranh đời sống sinh hoạt, văn hoá và tâm lý khá kì vĩ và độc đáo trong truyện ngắn Nam bộ hiện đại phải kể đến Trang Thế Hy, Phan Trang Hy, Ngô Khắc Tài, Dạ Ngân, Phạm Công Luận, Hồ Tĩnh Tâm, Lade Nguyễn...Tuy nhiên, trong hai thập niên trở lại đây, văn học Nam bộ rất may mắn đã xuất hiện một thế hệ nhà văn trẻ, giàu tâm huyết và luôn nỗ lực trải nghiệm để đổi mới, thúc đẩy truyện ngắn phát triển đến những trình độ cao, hấp dẫn hơn và vươn tầm được với khu vực như Nguyễn Ngọc Tư, Lý Lan, Trầm Nguyên Ý Anh, Nguyễn Thị Diệp Mai, Lâm Thị Thanh Hà, My Lăng, Phan Thanh Lệ Hằng, Đỗ Tuyết Mai, Nguyễn Ngọc Thuần,Iris Cao, Hamlet Trương, Hoàng Khánh Duy,…Trong thời đoạn này, không khí văn chương được nóng lên bởi hiện tượng Nguyễn Ngọc Tư - Cánh đồng bất tận. Mỗi tác giả Nam bộ đã có một bút pháp riêng tạo nên “hiệu ứng” truyện
ngắn hay và được gắn với các tên gọi “bội thu”, “thăng hoa”, “được mùa”, “lên ngôi”, điều đó chứng tỏ truyện ngắn đã thực sự được đổi mới và bắt đầu gặt hái những thành công cụ thể. Do vậy, từ những thực tế sáng tác và các khuynh hướng sáng tạo, có thể khẳng định, sự góp mặt của đông đảo đội ngũ nhà văn trẻ đã tạo nên một diện mạo mới sôi nổi và tạo nên tiếng nói quyết liệt trong dòng chảy trầm lặng của nền văn học đương đại Nam bộ.
Những vấn đề trọng tâm xuyên suốt trong các chủ đề cơ bản của những tác phẩm truyện ngắn Nam bộ đương đại là cuộc đời và thân phận của những con người chân chất mộc mạc, những cuộc đời với số phận bi kịch của người phụ nữ, đáng thương, vẻ đẹp kỳ vĩ, lạ lùng làm nên sức hấp dẫn độc giả. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thanh Xuân khi tiếp cận bộ tuyển tập Truyện ngắn chọn lọc Nam bộ đầu thế kỉ XXI của Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh những vấn đề về phương pháp chọn lọc tư liệu và xem đó là những trang viết đầy nỗi buồn và nước mắt, nhiều trang viết còn“đề cao lối sống có tinh thần nghĩa hậu, sống đằm thắm có trước có sau...của con người Nam bộ” [75, tr.11]. Đây là một trong những tuyển tập quan trọng sưu tuyển nhiều cây bút trẻ và những tác phẩm của họ được xuất bản từ năm 2001 đến năm 2019. Truyện ngắn đương đại Nam bộ tiếp tục vận hành theo dòng chảy chung của cả nước, văn học bắt đầu cách tân và đạt nhiều thành tựu đáng kể về nội dung và hình thức biểu hiện. Trong xu thế đó, nó đã và đang có sự chuyển mình rõ nét, đội ngũ những cây bút được bổ sung ngày một đông đảo hơn, truyện ngắn phần nào đã đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người đọc nhờ sự chuyền tải nhanh, nhạy những vấn đề trong cuộc sống xã hội. Trong mỗi tác phẩm truyện ngắn Nam bộ của các nhà văn trẻ đầu thế kỉ XXI, một bộ phận dễ nhận thấy bởi tính đa diện, đa sắc, đa động và rất trẻ trung của vùng đất phương Nam. Chính điều này đã giúp cho mỗi tác giả tạo nên một phong cách riêng của mình sau mỗi tác phẩm. Với những bước chuyển mình quan trọng, truyện ngắn Nam bộ đòi hỏi lớp nhà văn trẻ thay đổi quan niệm nghệ
thuật về con người, tìm tòi cho mình một hướng đi mới từ cách chọn đề tài, xây dựng cốt truyện cho đến sáng tạo ngôn từ nghệ thuật…
Trong khoảng hai thập niên trở lại đây, truyện ngắn đương đại Nam bộ đã đạt được thành tựu lớn thông qua kết quả của các cuộc thi viết truyện ngắn do các địa phương và Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Truyện ngắn ở giai đoạn này đã thoát khỏi quán tính của truyện ngắn thuộc giai đoạn trước và bắt đầu có những tiến bộ, thay đổi, đi sâu vào những vấn đề tế vi hơn của cuộc sống hoang sơ, chân chất, mộc mạc của miền sông nước trước sự “xâm lăng” của những cơn lốc hiện đại, của công nghệ và những đổi thay của cuộc sống vật chất khá ‘thừa mứa, đầy đủ” nhưng lại rỗng tuếch, thiếu vắng tình người của một cuộc sống xô bồ, ẩn chứa nhiều xung đột ngầm.
Cùng với một lực lượng trẻ và năng động của các cây bút thuộc thế hệ 7x, 8x, 9x, truyện ngắn Nam bộ đã được mở rộng biên độ, nội dung phản ánh, cách viết và hình thức thể hiện cũng vô cùng phong phú, đa dạng.Nhiều vấn đề khác trong cuộc sống đời thường được tiếp tục khai thác, đó là niềm thông cảm và lòng nhân ái, niềm tin vào cuộc sống tương lai, hãy biết trân trọng niềm hạnh phúc, dù đó là hạnh phúc rất giản dị. Vấn đề thân phận con người được thể hiện từ nhiều phương diện và trong hoàn cảnh khác nhau nhưng điều dễ nhận ra là niềm cảm thông, trân trọng đối với con người đều được khai thác từ góc nhìn giới và nhân học văn hoá.