6. Cấu trúc của luận văn
2.2.1. Con người bi kịch
Hoàng Khánh Duy trẻ về tuổi đời lẫn tuổi nghề nhưng anh đã dần chinh phục được độc giả bởi phong cách đặc sệt Nam bộ vừa quen mà rất lạ. Cái mới trong truyện chính là cái cũ, cái quen thuộc, cái lạ ở tài khui mở những sinh hoạt, những thói quen, nếp văn hoá và những con người sống thân thuộc bên hông nhà mình. Anh đã tạo ra một tấm gương sáng, để chúng ta nhìn thấy những sinh hoạt hàng ngày. Lạ thay, qua tấm gương lại nhìn thấy sự cộng hưởng văn chương và cuộc đời, ở đó ta khám phá mọi ngõ ngách tâm hồn của chính cuộc đời ta. Đặc biệt khi Hoàng hôn màu đỏ ra đời, anh đã nhận được sự quan tâm của giới phê bình với những lời động viên chân thành, nhất là từ phía các đàn anh đàn chị trong nghề cầm bút. Văn chương của Hoàng Khánh Duy về cơ bản giản dị, gần gũi mà sâu sắc, nhẹ nhàng. Các truyện ngắn của anh luôn tạo những ấn tượng nhất định đối với bạn đọc. Nhiệm vụ của nghệ thuật là phải phản ánh được đối tượng mà nó hướng đến một cách sâu sắc nhất, với Hoàng Khánh Duy quan niệm về nghệ thuật của anh là một cái gì đó rất giản dị, không hề cao siêu; nghệ thuật trong văn chương là hướng ngòi bút của mình đến con người, những con người của đời thực. Với Hoàng Khánh Duy, thế giới nhân vật mà anh tập trung thể hiện trong truyện ngắn của mình rất gần gũi, đó là những người dân Nam bộ mà anh đã gặp và tiếp xúc hàng ngày, nhưng ở họ dường như lại mang những nỗi ám ảnh, những nỗi buồn, những bi kịch, cô đơn, tha hoá và có cả những nhân vật mang phẩm chất hiền lương, thân thiện, khoáng đạt của vùng văn hoá sông nước miền Tây.
Bi kịch là chủ đề quen thuộc của văn học đông tây kim cổ. Văn học thế giới đã để lại những tác phẩm bất hủ dù chỉ viết về cái cô đơn riêng lẻ của mỗi con người. Con người bi kịch giữa những mối mâu thuẫn, bi kịch giữa cộng đồng là một trong những cảm hứng chủ đạo cho nhiều cây bút có tiếng vang trên văn đàn Nam bộ hiện đại, tiêu biểu như: Trần Bảo Định, Trang Thế
Hy, Dạ Ngân, Nguyễn Ngọc Tư... Tiếp nối mạch chủ đề bi kịch con người của những nhà văn đi trước, truyện ngắn Hoàng Khánh Duy, ở những tác phẩm được đánh giá cao đều là những tác phẩm tạo dựng được một cách chân thực những dạng thức khác nhau của kiểu nhân vật bi kịch.
Trong thế giới nhân vật bi kịch của Hoàng Khánh Duy, người đọc nhận thấy đại đa số là những con người bi kịch trong tình yêu, tình thân - gia đình, bi kịch tha hoá và phải ly hương trốn chạy chính quê hương của mình. Đó là nỗi đau của những nạn nhân phải chịu những định kiến hay hủ tục mơ hồ, không có căn cứ của làng. Mở đầu thiên truyện Lạc nhau giữa dòng, Hoàng Khánh Duy đã đưa ra một mệnh đề mang tính dự báo: “Bờ bãi và dòng sông, cách nhau có một bước chân mà trong đoạn đời nào đó người ta ngỡ như cách xa vời vợi” [15, tr.05]. Câu mệnh đề này là lời mào đầu cho một thiên truyện đong đầy nước mắt giữa Biển (chàng trai) và Hân (cô gái), họ quý mến nhau nhưng với Hân sự quý mến ấy chỉ dừng lại trong khuôn khổ của tình bạn. Và không gian diễn ra câu chuyện lại được tác giả định danh là làng Miên Viễn. Đó là là một không gian mà “dải đất dài bên kia bờ sông vắng tanh, lại được phù sa sông Thu bồi đắp nên màu mỡ trù phú. Bãi đất vô chủ, không ai chịu rời làng qua sông khai phá, trồng trọt. Người làng Miên Viễn bao đời nay giữ làng giữ đất, yêu tha thiết bóng mát của luỹ tre xanh, âm thầm lưu truyền những giá trị văn hoá xưa cổ được hình thành dưới mái chùa cổ kính...” [15, tr.6]. Trong ngôi làng Miên Viễn ấy, Hân là một cô gái xinh đẹp nên cô được nhiều người để ý, trong đó có Biển. Nhưng Hân lại yêu Lư:
Hân thương Lư từ thuở còn cắp sách đến trường, ngày ngày Hân ra bến sông Thu đợi đò dọc thấy Lư vác cuốc đi làm đồng ngang qua chỗ Hân đang đứng. Lư không buông lời chọc ghẹo, thi thoảng nhìn Hân rồi khe khẽ cười hay gửi cho Hân khi cành hoa dại, khi chùm bồ kết để dành gội đầu. Tình yêu của Hân đẹp như cải trổ hoa vàng, như nhành lúa trổ đòng đợi ngày quằn bông nặng hạt[15, tr.8].
Làng Miên Viễn có một lời nguyền và định kiến rất oái ăm đối với những người phụ nữ của làng:
Có những người đàn bà đến già, đến chết cũng chưa một lần rời khỏi cổng làng, thế giới bên ngoài hiện lên bằng mường tượng trong những chiều ngồi giặt đồ bên ngoài bến sông, thả mắt về bên kia bờ có con đường mòn dẫn lối ra thị trấn ồn ào, nhộn nhịp... Lời nguyền của làng đã phũ phàng giết chết bao mối tình vừa chớm nở,đẹp như hoa cải cuối mùa rực rỡ bến sông quê... [15, tr. 8].
Và trong những ngày tháng đẹp nhất của đời Hân thì Biển cũng là người chứng kiến. Khác với Lư, anh là người cùng làng, cũng thầm yêu Hân:
Nhà Hân và nhà Biển chỉ cách nhau một con mương nho nhỏ mọc đầy rau muống. Biển thương Hân từ thuở còn thơ ấu, lúc Hân chân trần xắn quần nhảy dây hay chơi sậm chơi sụi dưới luỹ tre làng. Chiều nào về nhà Biển cũng mang cho Hân một chùm sim tím ngọt ngây, Hân biết ngắt hoa cài lên mái tóc làm duyên khi ánh trăng non đầu tháng khẽ khàng soi lên khuôn mặt trắng trẻo và bầu ngực đầy đặn của người con gái. [15, tr. 8-9].
Hân từ chối Biển vì xem anh như anh trai. Điều ấy đã tạo nên một cú sốc lớn trong đời Biển. Biển buồn bã và tuyệt vọng. Biển bỏ làng đi làm ăn xa, biền biệt không về. Còn Hân đến với Lư thì lại bị làng ghẻ lạnh: “Người trong làng ghẻ lạnh Hân từ khi Hân theo Lư qua sông bằng những con thuyền hoa phủ đầy xác pháo” [15, tr.6]. Sự lựa chọn ấy đã khiến Hân đánh đổi nhiều thứ, xa gia đình, mất quê hương và nhận lấy sự ghẻ lạnh của người đời. Mẹ Hân từng nói: “Mày bước chân ra khỏi cổng làng thì mãi mãi mày không còn là người làng Miên Viễn, sướng khổ mày tự liệu lấy” [15, tr.10]. Ngày cưới của Hân cũng chính là ngày mà cô phải chấp nhận xoá tên mình trong tâm thức của làng Miên Viễn, người con gái ấy phải ngậm ngùi ra khỏi cánh cổng đá phủ đầy rêu phong như đã khuất lấp hết tất cả những nỗi đau, ký ức đẹp đẽ
để đón chờ những ngày mới chưa được định hình thành nét. Ở ngã ba của cuộc đời, Hân đã chọn một hướng rẽ. Những tưởng, sự lựa chọn ấy sẽ mang lại cho Hân một mái ấm đẹp đẽ, vẹn toàn. Con tạo trớ trêu, cuộc sống mưu sinh và những bộn bề lo toan đã đưa đẩy cuộc sống của Hân và Lư đến chỗ không ai có thể hình dung được. Tất cả đều là số phận của họ, đúng như lời Hoàng khánh Duy đã trình bày:
Sóng. Gió. Và số phận. Chiếc xuồng nhỏ lênh đênh trên ngã ba sông rộng lớn mà ngỡ như đang bồng bềnh trên biển bao la. Nửa đêm trời nổi gió giông, chiếc xuồng bé nhỏ và khát vọng mưu sinh vật lộn với thiên nhiên giận dữ. Sóng gió thét gào úp ngược chiếc xuồng xuống sông. Lư chới với bấu víu vào thành xuồng, chiếc xuồng hụp lặn giữa dòng sông u tối. Vô biên là mây đen kìn kịt kéo đến. Vô thanh là sóng gió xô đẩy chiếc xuồng... Lư cứ trôi. Trôi. Mải miết. Rồi bến bờ xa lạ...
[15, tr.14].
Chồng mất, tất cả những ước mơ tan vỡ. Lối về làng cũ cũng bị khoá chặt. Cha mẹ Hân mặc dù đã nghĩ đến phương án “quỳ xuống xin làng tha thứ cho mày”. Nhưng điều làm Hân đau đớn hơn cả là tình cảm mà cô đã dành cho Lư không đổi thay: “Lư đi rồi trong lòng con vẫn mãi sống trong cái nhà này. Sáng đi làm đồng, chiều ra sông câu cá tôm, tối lại về nhà với con” và đồng thời lời nguyền của làng mãi vẫn không được phép giải thiêng: Ngày con đi con cũng hứa với ba mẹ là không bao giờ trở lại làng này một lần nào nữa. Khổ đau này là con tự chọn lấy, con chịu được. Con ở đây sống cho trọn kiếp người. [15, tr.17].
Bi kịch của đời Hân dường như là một sự “trả thù” của lời nguyền mà nàng đã vi phạm. Nhưng điều quan trọng hơn là bi kịch ấy lại khởi phát từ một tình yêu đẹp, một sự lựa chọn rất nhân văn, rất “người”. Hân - Lư - Biển, mỗi người mỗi số phận. Trong hành trình “Miên Viễn”, dáng hình ai rồi cũng sẽ “xa xôi trong miền thương nhớ, mờ mờ rời rạc giữa sương khói hoàng hôn
bảng lảng trên dòng...” [15, tr.19].
Tập truyện Cỏ dại là một bộ sưu tập của những tấn bi kịch mà Hoàng Khánh Duy muốn gửi đến những độc giả thân yêu của mình. Anh đã chia sẻ:
Cỏ dại là tập truyện ngắn thứ ba, sau Triền sông con nước vơi đầy viết về
cuộc đời và con người gánh thời gian đi qua chông chênh bi kịch, cuối cùng cũng tìm được cho mình một hướng đi... Hãy nhắm mặt lại và nghe âm thanh của cỏ, của bình an và thanh yên trong tâm hồn mình... [18, tr.5]
Trong truyện ngắn Cỏ, người đọc xúc động trước bi kịch gia đình mà hai chị em Phụng và Nhơn đã gánh chịu trong chuỗi ngày tuổi thơ của mình. Câu chuyện bắt đầu từ một không gian buồn và cô quạnh:
Những chiều buồn đổ dài xuống bến sông, con nắng nhạt nhoà như sắp tắt, buồn bã rớt lại vài vạt cuối cùng trước khi tan vào màn đêm. Phụng ngồi bên bờ sông, nghĩ vẩn vơ không biết chừng nào mình mới vượt sông qua được bên kia bờ. Mà nghĩ cũng lạ, chiếc xuồng gỗ neo trên bến sông này gần mười năm nay mà Phụng có ngó ngàng gì tới? Thời gian mưa nắng và những đợt nước mặn tràn vào làm chiếc xuồng mục ruỗng, tay chèo bong ra, mối mọt rủ nhau ăn hết lớp gỗ dưới lườn. Chiếc xuồng chưa kịp buông bờ đã chìm xuống đáy nước, mũi chếch lên, nằm chỏng chơ trên mấy cội rễ bần. [18, tr.6]
Chiếc xuống - một kỉ vật đã chứng kiến và dõi theo những biến cố cuộc đời Phụng. Cha bỏ đi biệt xứ, mẹ không rõ tung tích, hai chị em nương tựa vào nhau mà sống. Chị không muốn ai nhắc đến câu chuyện thương tâm đó, chị gắt gỏng khi Nhơn nhắc lại chuyện xưa:
- Đừng có nhắc nữa, tao nói bao nhiêu lần rồi, nhắc hoài tao đau gần chết!- Phụng thoáng liếc về phía dòng nước lặng lờ sóng sánh những giọt buồn trong bóng chiều quạnh quẽ, nói trổng - Gió thổi cay muốn tét con mắt [18, tr.7].
nhân vật chính. Họ đã đi qua đời nhau, nhưng lại làm cho nhau đau khổ. Giấc mơ gia đình đã hoen màu cùng đôi dép cũng phai màu “vĩnh viễn nằm yên trong ngăn kín thời gian”. Phụng ái ngại, lo sợ và cuối cùng “Phụng không lấy chồng”, ở vậy nuôi em. Trước một nghịch cảnh đau thương ấy, Phụng vẫn nuôi một ước mơ một ngày gia đình hội tụ đoàn viên:
Đến bây giờ, Phụng vẫn không tin rằng má đã âm thầm lìa xa cõi nhân gian, như lúc ngồi trên bến sông buồn Phụng đều thả mắt về phía bờ bên kia. Ngóng vọng.
Bờ cỏ lau năm nào giờ không còn nữa. Bần ổi nở hoa, mùi thơm mằn mặn ngan ngát trong không gian.
Chiếc xuồng gỗ vẫn chưa buông bờ. Và sông vẫn chảy... [18, tr.15]
Bi kịch của ba má cũng chính là nguồn cội cho bi kịch của Phụng. Tất cả khởi phát từ tình yêu, tình thân và ước mơ nhỏ nhoi của những con người dân quê chân chất, chỉ mong có một mái ấm đơn sơ. Nhưng dòng sông cuộc đời đã cuốn trôi đi tất cả, chỉ để lại trong lòng họ những dư vị đắng cay và cả một sự ái ngại nếu một ngày nào đó nó lại lặp lại một cách vô tình.
Cũng cần nói thêm rằng, cô độc, lạc lõng trên chính quê hương mình cũng là một xúc cảm khá mãnh liệt, người đọc còn cảm nhận ở nhân vật của Hoàng Khánh Duy một chuỗi những nghịch cảnh xót xa ngay trên chính quê hương của mình. Khác với Hân của làng Miên Viễn,Thu của làng Củi Đước trong Biệt xứ lại là người hiểu rằng cha và chú của mình là những con người gắn liền với quê hương, luôn mong ước được trở về, được nằm trong lòng đất mẹ, nhưng “đến cuối cuộc đời ba và chú vẫn không được gặp nhau, không được nằm với nhau trên mảnh đất hương hoả của tổ tiên, dòng họ. Đời nghiệt ngã trớ trêu” [15, tr.86]. Chứng kiến nghịch cảnh ấy, Thu không khỏi xót xa:
Xa Củi Đước, Thu vẫn còn đứng lặng trên bờ đê, ngoái lại. Củi Đước tiêu điều xơ xác trong nắng gió hanh hao, ngoài đồng không loe
hoe cỏ xước đứng lim dim phơ phất như những thân phận lạc loài giữa dòng đời mênh mông chìm nổi [15, tr. 86 - 87].
Trong cuốn tạp văn Cho ta đôi cánh trắng (2019), Hoàng Khánh Duy cũng không ít lần xót xa, trăn trở cho những thân phận người vì cuộc sống mưu sinh mà họ đã vội lướt qua, bỏ sót những tháng ngày đẹp đẽ của quê hương mình. Hoặc như nhân vật Tôi trong Cánh đồng mùa nước nổi gần như đã đánh đổi cả sinh mệnh của mình để được bám trụ lại trên con sông quê hương. Mặc dù con sông ấy đã lấy đi sinh mạng của cha và em Triết của anh. Là thế, căm giận, xót xa nhưng lại rất đỗi trân quý mảnh đất quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi đã nuôi lớn, đã chất chứa bao kỉ niệm nhưng cũng là nơi đã cướp đi bao người thân yêu quý mến nhất. Hoàng Khánh Duy đã cố gắng thể hiện sự kìm nén tâm trạng của nhân vật Tôi một cách khéo léo:
Đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ từng đường nét trên khuôn mặt của ba, của Triết. Chừng ấy năm má con tôi không gặp lại ba với Triết một lần nào... Tôi an ủi má, mà lòng tôi cũng nhói như kim nhọn đâm vào... [21, tr.16].
Một kết thúc mở được nhà văn lựa chọn ở câu chuyện này, nhưng nó cũng không đủ sức làm cho người đọc có thể vơi đi niềm thương cảm đối với nhân vật Tôi, đối với những trăn trở, dằn vặt mà anh và gia đình anh đã phải trải qua, vượt lên để tiếp tục đi tiếp trên con đường đã chọn.
Khi đi sâu vào thế giới tinh thần của các nhân vật, Hoàng Khánh Duy hay khai thác cái cô đơn, hoài niệm của họ. Những con người đó sống trong thế giới riêng của mình, không thể chia sẻ với ai và không ai có thể làm cho nỗi đau, sự bi thiết ấy với đi được. Mặt khác, các nhân vật con người bi kịch của anh thường được đặt trong một không gian rộng lớn, vắng vẻ (cánh đồng, dòng sông) hoặc giữa một “biển người mênh mông” nên thường xuất hiện cảm giác cô đơn, lưu lạc. Con người có cảm giác gắn bó, tồn tại hiện hữu hơn khi gắn với một quê hương bản quán, giữa những chiều không gian quá khứ,
hiện tại và tương lai; ngược lại, thiếu đi những điều này nhân vật sẽ rơi vào cảnh huống bi kịch và trôi lạc vào cõi cô đơn.