6. Cấu trúc của luận văn
3.1.2. Ngôn ngữ đậm chất hiện đại
Chất hiện đại trong ngôn ngữ nghệ thuật của thế giới truyện ngắn Hoàng Khánh Duy được thể hiện qua các đối thoại và độc thoại nội tâm của nhân vật. Các tập truyện của anh sử dụng nhiều kiểu ngôn ngữ khác nhau, có ngôn ngữ người kể chuyện,có ngôn ngữ nhân vật. Đa phần các nhân vật của Hoàng Khánh Duy ít hành động nên lời đối thoại chiếm số lượng ít hơn so với lời của người kể chuyện và lời độc thoại nội tâm của nhân vật.
Đây là lời đối thoại của nhân vật Biển và mẹ trong truyện ngắn Lạc nhau giữa dòng:
- Hay mẹ qua hỏi cưới con Hân về cho mày? Mày cũng lớn rồi Biển, bộ tính ở vậy hoài sao? Tao với ba mày già rồi, cũng muốn có cháu ẵm bồng lắm mày còn đợi gì nữa mà ừ với hử hoài hả con?
- ... Thôi mẹ, thong thả hẳn tính chuyện trăm năm. Lòng Hân sao con biết được.
- Mày cứ như vậy hoài, không nói sao con Hân nó biết? - Mẹ gạt phắt. [15, tr.09].
Những lời đối thoại kiểu này thường kèm với những từ nghi vấn“vậy sao”,“hả con?”, “vậy hoài”…vừa thể hiện được tính chất đối thoại dân dã mang màu sắc địa phương, vừa bộc lộ tâm trạng của các nhân vật.
Trong Cánh đồng mùa nước nổi, chúng ta có thể nhận thấy có khi lời nhân vật và lời người kể chuyện gắn với nhau. Qua lời cắt nghĩa của người kể chuyện - nhân vật “tôi” thì việc bộc lộ tâm trạng của các nhân vật trở nên sâu sắc hơn, từng cử chỉ, nét mặt của người tham thoại như được tái hiện trước mắt:
Tôi hỏi: “Má nhìn cái gì dữ vậy má?”. Má không trả lời, má lại nhìn ba tôi rồi ra hiệu bảo tôi lấy nói đồi lên đầu rồi bước ra ghe với má. Rồi má trỏ tay về phía ngôi nhà nằm giữa liếp mía mênh mông. Trước cửa nhà, người má tóc bạc bắc ghế đứng chồm tay sửa lại cái máng xối tơ tả, cũ kĩ. Má thều thào: “Bà nội con đó!”. Tôi đứng trân nhìn má, hình như má sợ tôi nghĩ má nói đùa nên má nói: “Má nói thiệt. Ngày xưa ba má lấy nhau, mấy năm trời má làm dâu nhà này, tay má quen việc đồng áng, trồng mía, trồng rau... còn bây giờ...”[15, tr.09].
Không gai góc, sắc sảo, quyết liệt hay nhiều triết lí như ngôn ngữ đối thoại của nhân vật trong truyện Tạ Duy Anh, Nguyễn Huy Thiệp, ngôn ngữ đối thoại của Hoàng Khánh Duy mang màu sắc tâm lí, biểu cảm. Có những lời đối thoại tưởng như rời rạc, vô nghĩa, không ăn nhập gì với nhau nhưng lại cho thấy khía cạnh khác của nội tâm nhân vật. Có những đối thoại mang tính chất độc thoại, người nói sao nhãng người nghe hoặc người nghe không hồi đáp một phát ngôn cụ thể nào. Người nói phát ngôn như một nhu cầu bộc lộ cảm xúc, giãi bày tâm trạng mà không quan tâm đến việc có hay không đối tượng tiếp nhận. Ví dụ trong thiên truyện Chiều cuối năm, cuộc độc thoại của
Nữ đã thể hiện rõ điều ấy:
Mỗi lần dọn cơm ra cái vạc sau nhà, gió chiều lồng lộng. Nữ thổn thức: “Mình ơi, sao mãi vẫn chưa chịu về với em. Em nhớ mình đứt ruột”... Nữ vừa trải qua một cơn mộng mị. Huy về. Nữ bàng hoàng: “Đúng là Huy về... mà về trong mơ”. Nữ bật khóc. [17, tr.109]
Nhìn chung, ngôn ngữ đối thoại của nhân vật trong Triền sông con nước vơi đầy, Hoàng hôn màu đỏ, Biết khi nào gặp lại nhau, Cỏ dại, Đời sông như đời người trên sông... không nhiều nhưng được tác giả lựa chọn, cân nhắc kĩ càng nên rất đắc địa, thể hiện được đặc trưng giao tiếp và bộc lộ được chiều sâu tâm lí, trạng thái tình cảm của nhân vật.
Truyện Lá rụng trôi về được Hoàng Khánh Duy lựa chọn điểm nhìn trần thuật qua nhân vật “tôi”. Những dòng tâm trạng của nhân vật trong truyện đều được phác họa qua lớp ngôn ngữ độc thoại, chủ yếu là độc thoại nội tâm. Đây là một biện pháp nghệ thuật được nhiều nhà văn sử dụng khi cần phân tích thế giới nội tâm nhiều day dứt của nhân vật. Trước đây Nam Cao, Thạch Lam…đã rất thành công với việc vận dụng ngôn ngữ độc thoại của nhân vật. Hoàng Khánh Duy cũng vận dụng nó hiệu quả và thiết thực trong truyện ngắn của mình.Đây là ngôn ngữ độc thoại của nhân vật người mẹ xen lẫn với lời kể của tác giả và hồi ức của nhân vật “tôi” trong thiên truyện Lá rụng trôi về cho thấy nỗi khao khát tình cảm và sự dằn vặt về món nợ năm xưa của gia đình với bà Sáu hàng xóm:
Ba tôi thở dài, rít thuốc. Ba vỗ nhẹ lên bờ vai của mẹ, trấn an: “Mộ mẹ mình nhờ hàng xóm chăm sóc ít năm, ở lại đây sao mà sống nổi, còn thằng cu, còn tương lai...”.
Nhiều đêm mẹ tôi thổn thức, mẹ sợ đời gieo cho mẹ tiếng “giật nợ, bỏ xứ mà đi”. Mẹ sợ. Bị chửi, bị xỉ vả mẹ cũng cam lòng miễn sao lòng mẹ sạch trong như nước sông tháng sáu... Đêm ấy, cả nhà bồng chống xuống ghe rời xa miền quê chỉ còn lại trong kí ức, xa mộ ngoại. Trước
khi đi, mẹ quỳ sụp xuống trước mộ ngoại: “Má ở lại, tụi con đi. Chừng nào trả đủ số nợ cho bà Sáu, tui con lại về với má’. Mẹ ôm khư khư cái lư hương của ngoại bước xuống ghe.... Tiếc thay, khi mẹ trở về thì bà Sáu đã qua đời... Mẹ trở về, lặng lẽ đốt nhang khấn vái, giọt nước mắt âm ấm lăn dài trên đôi gò má teo tóp của mẹ. Mẹ chột dạ: “Sáu ơi, tụi con làm đủ tiền trả nợ cho Sáu rồi nè! Sáu về chứng giám, tụi con không có ăn giật Sáu đâu. Yên nghỉ nghen Sáu...”. Mẹ đốt thêm giấy tiền vàng mã trước mộ bà rồi lặng lẽ ra đi. [16, tr.70 – 71]
Ngôn ngữ độc thoại nội tâm của nhân vật chiếm số lượng lớn, qua đó cho thấy thế mạnh, sở trường của Hoàng Khánh Duy trong nghệ thuật viết truyện ngắn là miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật- những nét tâm lí mang đậm khí chất của người Nam bộ. Qua các đoạn hội thoại trong các thiên truyện ngắn của anh, nhân vật tham gia còn sử dụng khẩu ngữ. Những từ như: “lạnh trơ”, “lãng òm”, “sạch trơn”, “đói rã ruột”,“buồn dữ lắm”... là những khẩu ngữ được người dân Nam bộ sử dụng quen thuộc và lớp từ này cũng phần nào thể hiện được những cung bậc tình cảm, sắc thái đối với sự vật, sự việc và với con người. Ngoài việc sử dụng khẩu ngữ ở dạng thức thêm yếu tố vào từ gốc, Hoàng Khánh Duy còn sử dụng những từ ngữ có cấu tạo lặp lại bộ phận của từ gốc như: “nhớ đau nhớ đớn”, “ngán thấy ông thấy cha”, “nghèo rơi nghèo rớt"... Nó nhấn mạnh vào tính chất sự vật, sự việc được đề cập đến trong ngữ cảnh. Điều này đã cho thấy sự vận dụng khá thuần thục và sáng tạo hệ thống từ ngữ thuộc phương ngữ Nam bộ trong truyện ngắn của anh. Đây cũng là điểm mạnh, sự vượt trội và khá mới mẻ của anh so với những nhà văn cùng thế hệ.
Lời hội thoại của nhân vật trong các tập truyện ngắn, đặc biệt là ở tập
Lưng chừng nỗi nhớ, Hoàng hôn màu đỏ, Đời sông như đời người trên sông còn sử dụng hệ thống những từ chêm xen như: “á”,“à”, “hen”, “hôn”, “vậy nghe”, “nghen”, “vầy”, “chớ bộ”, “mắc gì”, “vậy cà”,“hả”, “bộ”,
“thiệt hả”, “phải hôn”... một cách uyển chuyển đã góp phần tạo nên đặc trưng ngôn ngữ mang đậm dấu ấn văn hóa Nam bộ. Cái mới và sáng tạo ở đây là Hoàng Khánh Duy đã phát huy một cách tối đa giá trị ngữ dụng của lớp từ này nhằm diễn tả cảm xúc của nhân vật. Nó tạo cho câu văn Hoàng Khánh Duy một trạng thái cảm xúc rõ rệt. Đó cũng là dấu ấn của phong cách tác giả. Sắc màu văn hóa phương Nam được khẳng định ở đây khiến cho lời văn sinh động hơn, giàu ngữ điệu hơn và đặc biệt là thể hiện sinh động lời ăn tiếng nói hàng ngày của con người vùng sông nước. Trong thiên truyện Hai chuyến tàu xuôi ngược, anh đã thể hiện rất rõ đặc điểm sáng tạo này: “Sau những đêm khắc khoải, một chiều cuối năm, Lộc ngồi sau nhà múc nước bưởi xối lên mái tóc để Nga gội đầu, nói khẽ: “Về đi em, về với chồng với con”. Nga chưng hửng: “Còn anh? Sao anh kỳ quá hà?”. “Anh chỉ là tạm bợ, gia đình mới là vĩnh hằng”. [16, tr.139]. Những từ như chưng hửng, kỳ quá hà? góp phần làm tăng thêm giá trị biểu cảm của câu thoại, giúp cho người nói đạt được mục đích khi giao tiếp. Nó vừa thể hiện sự ngạc nhiên của Nga khi nghe Lộc nói, vừa cho thấy sự dằn vặt trước những điều đã xảy ra với Nga và cuộc tình chóng vánh với Lộc trong thời gian qua.
Ngoài ra khi nhân vật sử dụng những từ chêm xen trong giao tiếp và những từ đó thường được đặt ở cuối câu cảm thán hay câu nghi vấn với mục đích để hỏi và cũng thể hiện sắc thái biểu cảm của người nói. Đây là lời của Xoàn trong Chuyến đò sông Trẹm: “Anh Mộng nè! Anh hổi nào đến giờ anh có để ý đến ai chưa dẫy?” [21,tr.127] hay “Mẹ, bộ ba con đen lắm sao mà sanh con ra không giống ai hết, đám bạn bảo con là con Lai. Mà... con lai là gì hở mẹ?” trong truyện Nằm yên trên cỏ [17,tr.57]. Lối sử dụng cách thức từ ngữ trong những phát ngôn như thế thể hiện được thái độ tình cảm của người phát ngôn và khiến cho câu văn trở nên sinh động hơn. Đôi lúc, tác giả còn sử dụng nhiều từ láy để miêu tả vẻ đẹp của nhân vật Mén, trong truyện ngắn Một người bến Hạ, đó là: đôi mắt lóng lánh đen của nàng chớp chớp đầy vẻ quyến
rũ. Dáng điệu tha thướt, uyển chuyển. Tiếng cười lóng lánh vang vọng cả mười phương sóng biển.
Nói tóm lại, sáng tạo và đặc sắc của nghệ thuật ngôn từ trong truyện ngắn Hoàng Khánh Duy cho thấy tư duy nghệ thuật về cách tiếp cận đời sống của nhà văn đã xuất phát từ góc nhìn văn hóa. Nhà văn đã phát huy một cách tối đa khả năng vận dụng sáng tạo lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân Nam bộ. Sử dụng hiệu quả phương ngữ Nam bộ, đặc biệt là lớp ngôn ngữ định danh vùng sông nước và hệ thống mang tính hiện đại qua ngôn ngữ đối thoại và độc thoại của nhân vật,Hoàng Khánh Duy đã đem đến cho người đọc một cái nhìn chân thực, sinh động về cảnh và người vùng sông nước nơi này. Đồng thời, góp phần khẳng định phong cách riêng của nhà văn sinh viên có nhiều khát vọng đổi mới sáng tạo. Có thể khẳng định, Hoàng Khánh Duy đã mang một hơi thở riêng, rất lạ cho văn học Việt Nam đương đại và tạo cho mình một thế giới riêng - thế giới đặc quánh chất miệt vườn sông nước miền Tây Nam bộ.