6. Cấu trúc của luận văn
3.2.1. Giọng điệu mộc mạc, chân thành
Sau những năm 2000, do những thay đổi cơ bản của hiện thực cuộc sống, cảm hứng sáng tác, tư duy nghệ thuật của văn học cũng có nhiều thay đổi. Tiếp cận hiện thực, các nhà văn đi sâu vào cuộc sống đời tư, đến gần hơn với số phận, với cuộc đời từng con người cụ thể hơn là những biểu tượng chung chung. Vì vậy, tác phẩm văn chương cũng tìm đến một thứ ngôn ngữ mang đậm tính hiện thực hơn, giản dị và đầy chất đời thường. Đa số truyện ngắn của Hoàng Khánh Duy, cũng tuân theo quy luật đó. Điều dễ nhận thấy nhất trong giọng điệu truyện ngắn Hoàng Khánh Duy, đó là giọng dân dã, bình dị và mộc mạc, chân thành. Miêu tả cuộc sống và con người, các nhà văn đã thể hiện một giọng điệu giản dị, mộc mạc, tự nhiên như chính cuộc sống một nắng hai sương, như chính hương vị ngọt ngào của hạnh phúc, như chính những khó khăn thử thách của cuộc đời.Cũng tương tự như một số nhà văn trẻ Nam bộ khác, Hoàng Khánh Duy cũng có xu hướng thể hiện ngôn ngữ giản dị, đời thường. Không miêu tả và phản ánh bằng những gì cao siêu, các nhà văn chỉ dùng những lời kể bình dị, tự nhiên, thấm thía như là cuộc sống. Và chính vì thế văn học gần với cuộc sống hơn, cuộc sống trong văn học dễ được tiếp nhận hơn.Đây là đoạn miêu tả những xúc cảm bình dị, thân thương của cuộc sống đời thường ở vùng miệt thứ, đồng hành với nhân vật Sương, nhà văn đã cảm và miêu tả một cách rất dung dị trong Ngọn sóng sông quê:
Chiếc máy koler đã quá tuổi khọt khẹt khịt ra từng ngụm khói đưa chiếc ghe xuôi về miệt thứ. Dòng kênh hiền hoà băng mình chia cách rừng làm hai nửa. Hai bên bờ kênh, bần ổi toả tán lá xanh rì lô nhô ra mặt sông. Mùa bần ổi chín muồi, thơm lựng, ong mật từng bầy kéo nhau bay về chọn nơi nghỉ cánh. Giữa rừng, ai đó đốt củi ung than nực nồng mùi gỗ mặn toả khói bay lên trời. Ráng chiều lơ lửng... Sương ôm chặt thằng Chu ngồi trước mũi ghe đăm đăm nhìn từng vạt lam chiều rớt trên mặt sông, lòng ngẩn ngơ buồn. Sương định bụng về quê chuyến này vợ chồng Sương sẽ trụ lại mảnh đất quê hương, sẽ không để đất phải bơ vơ những ngày tháng há cổ đòi một giọt phù sa hiếm hoi trôi vào lòng đất mẹ [15, tr.115 – 116].
Bằng giọng điệu chân tình mộc mạc, người đọc như thấy hiện ra trước mắt mình hình ảnh cuộc sống bình thường rất đỗi bình dị, dân dã, tuy vất vả, thiếu thốn nhưng có hơi ấm của tình người. Tác giả đã đề cập đến những điều bình thường nhất của cuộc sống. Giọng văn của anh như phơi trải ra những gì vốn có của cuộc sống và chính điều đó làm cho người đọc dễ tiếp nhận hơn.
Giọng điệu dân dã, bình dị và mộc mạc, chân thành trong truyện ngắn Hoàng Khánh Duy còn được thể hiện qua một lối kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn. Đọc tập truyện Hoàng hôn màu đỏ của anh, dường như độc giả quên rằng nhà văn đang vẽ nên một thế giới hư cấu, mà có cảm tưởng như chính mình đang nghe được những thanh âm, tận mắt chứng kiến những hình ảnh ấy:
Bầu trời ngả dần sang màu vàng mỡ gà nhợt nhạt, những cơn gió bắt đầu rít nhẹ. Gió băng băng tắt qua cánh đồng trống không người, xô ngã vạt lúa đồng vừa vàng bông nặng hạt. Trí thoáng lo âu. Thằng Hiếu trở mình trên võng, Trí nhìn con rồi nhìn ra bờ sông. Trời âm u, gió mạnh hơn và mưa bắt đầu tưới nhẹ trên miền quê hoang vắng. Hình như triều dâng. Những con sóng bắt đầu nổi lên và nước ở đau lũ lượt tràn về . Mắt Trí đỏ lựng, sốt ruột, Trí chạy ra sân nhìn con đường nhỏ. Tuệ
vẫn chưa về, Trí nhìn lên bầu trời, mây đen kìn kịt kéo đến. Trời thì gió to mà đài thì liên tục đưa tin dự báo về cơn bão đổ bộ vào miền hạ. [17, tr.93].
Từ ngữ ngắn gọn, hình ảnh quen thuộc nhưng đoạn văn có sức khái quát cao: vừa cung cấp một thông tin mang tính hiển ngôn là sự lo lắng của Trí mà cũng là của tất cả bà con ở miền hạ trước mùa lũ về, vừa gợi một hàm ý sâu xa về số phận, niềm mong ước và cả tâm linh của con người bằng mọi giá phải vượt qua những giông gió của thiên nhiên cũng như của con người. Ngôn ngữ của tác giả như ngôn ngữ trò chuyện của cuộc sống đời thường. Chính cái bình thường ấy làm cho người đọc dễ tiếp nhận thông tin mà không phải thông qua lăng kính của hình tượng nghệ thuật.
Bằng ngôn ngữ bình dị, truyện ngắn của Hoàng Khánh Duy đã thực sự đưa sinh hoạt đời thường của người dân vào trong tác phẩm, tạo được mối quan hệ gần gũi giữa văn học với cuộc sống. Qua đó, người đọc sẽ cảm nhận cuộc sống trong tác phẩm như chính cuộc đời của mình ở bên ngoài.
Ở ngôn ngữ nhân vật bình dân của anh, giọng văn hoàn toàn phù hợp với lôgích nội tại, nhân vật trong truyện là những người dân quê chân chất, lớn lên từ vùng sông nước nên ngôn ngữ miêu tả nhân vật cũng được lấy và sử dụng những chất liệu ngôn ngữ từ chính cuộc sống của người dân sông nước, vùng miệt thứ của miền Tây Nam bộ. Nhiều thiên truyện đưa nguyên những lời nói ngoài đời vào trong tác phẩm, làm cho quá trình tiếp nhận văn học của người đọc dường như rút ngắn lại. Người đọc bỏ qua giai đoạn tri giác ngôn từ nghệ thuật, cảm thụ tác phẩm. Trong truyện ngắn Bờ lau, người đọc như đang được trực tiếp chứng kiến và tham gia cuộc thoại với nhân vật như những con người ở ngoài đời để từ đó nắm bắt ý tưởng được chuyển tải từ thông điệp nội dung nhân văn của tác phẩm:
Đến bây giờ mà bé Gái cũng không chịu gọi Dừng là “má”. Dừng bảo: - Gái ơi, Gái, vô đây má thắt tóc cho nè con.
Gái vẫn ngồi trơ ngoài thêm ba. Dừng gọi thêm tiếng nữa mà Gái vẫn không động đậy. Tương quát:- Gái, không nghe má gọi hay sao mà ngồi lì ra đó vậy hả? Lì ba đánh đòn à nghen.
Bị ba mắng, mặt con bé đỏ lựng, sụt sùi. Nó bảo:
- Má con chưa chết sao ban bắt con kêu người ta bằng má?
Mắt Dừng buồn buồn. Tương giận dỗi vung roi định đánh vào mông con bé một cái đau điếng, nhưng khi giơ tay lên, có cái gì đó nhọn hoắt đâm thẳng vào tim Tương nhói đau[18, tr.156].
Trong cuộc thoại và lời dẫn, mô tả của tác giả, dường như chúng ta không hề bắt gặp nhân vật thốt lên những gì cao siêu, không có những phát ngôn mang tính chân lí, chỉ là một giọng điệu bình thường, mộc mạc như chính lời nói mà ta bắt gặp hàng ngày trong cuộc sống. Nhân vật nói với nhau bằng phản ứng tự nhiên, bằng suy nghĩ bộc phát của cảm xúc. Cách nói này đã phản ánh chân thực tình cảm của con người. Nhân vật sử dụng những câu nói cực ngắn, một thứ ngôn ngữ trần trụi, nói toạc ra không cần mọi sự mĩ hóa ngôn từ. Đây là một đoạn đối thoại rất sống động khi miêu tả suy nghĩ cũng như cảm xúc qua lời thoại của nhân vật Bèo - cô Hai trong Đêm chờ đò:
Thương thằng Ruộng ... Đêm. Đồng vắng lặng như tờ. Hơi lạnh bay ra vồ lấy Bèo, chui khẽ vào vết thương hở ra trong tim chịu nhiều mảnh vá. Nhức nhối...Đám cỏ lau ướt mềm dưới đôi chân chai sần nứt nẻ, thủ thỉ: “Có ai trong đó không?”.
“Tới rồi đó hả? Vào đây nè cô Hai. Cấp rày gió máy quá!”
... “Coi nè, tui bưng chén mắm sống qua cho anh Bảy lai rai đỡ buồn nè...”. Hắn nhìn Bèo, cười lộ hàm răng. Tự dưng Bèo thấy ngượng nghịu vô cùng, vội vã ngoái mặt nhìn về phía đồng nước bao la, nước lấp lánh như lân tinh khi được tương phản bởi màu mây đêm bàng bạc.
“Làm gì nhìn tui dữ vậy? Ngại gần chết!”
Bèo trề môi: “Vậy chứ mấy bữa trước tui xấu à?”.
“Mấy bữa rồi cô Hai có ra đồng đâu mà tui thấy. Biệt tăm. Tưởng cô Hai không ra đây nữa chứ? Tui rầu thúi ruột”.
... Hắn lẩm bẩm, với cánh tay duy nhất trên cơ thể để cầm bát mắm sống đưa lên mũi ngửi lấy ngửi để, khen ngon, bảo Bèo rang thính ngửi vào muốn chết một cuộc đời. Bèo cười híp mắt. Mà chắc là Bèo đang lâng lâng trong lòng... [18, tr.123 – 124]
Đoạn trích trên được diễn tả qua một giọng văn giản dị, nhưng rất thành thật được thể hiện qua những lời đối thoại mà người đọc cảm thấy nhẹ nhàng, thân thuộc. Hoặc giả, với giọng kể tự nhiên, đậm chất dân dã làm cho người đọc có cảm giác như đang được trực tiếp nghe người Nam bộ kể chuyện. Trong Ký ức người con gái, Hoàng Khánh Duy đã bắt đầu thiên truyện một cách giản đơn, dung dị nhưng những người dân Nam bộ đang kể cho nhau nghe mỗi khi tán thán chuyện đời với nhau:
Gà gáy chập đầu. Út Ngư choàng tỉnh giấc. Chong đèn cho sáng, Út lom khom dọn mới trái cây xuống xuồng rồi hì hụp bơi ra cho kịp giờ họp chợ. Trười chớm lạnh, Út Ngư ngồi khúm núm sau lái bơi xuồng, thi thoảng lại ngước mắt lên trời cao ngóng xem có vì sao nào bỗng dưng trôi tuột xuống trần gian. Người ta kháo nhau hễ có vì sao nào rớt xuống là có một người vừa ra đi. Út thoáng chạnh lòng... Sông nước buồn tênh, chợ vắng người và ghe xuồng cũng ít, chỉ có còn lại những con người khuôn mặt tảo tần và vóc dáng lam lũ, đi dọc cuộc đời là thân phận bể dâu... [16, tr.165 – 166].
Trong thế giới truyện ngắn của Hoàng Khánh Duy, thông qua nhiều kiểu giọng điệu khác nhau, nhưng âm điệu chủ yếu vẫn là giọng điệu giản dị mộc mạc rất đỗi chân tình, gần gũi với phong cách của con người Nam bộ. Có thể nói, điều này đã tạo nên một trường tiếp nhận nghệ thuật và trường văn hoá giúp người đọc dễ tiếp nhận và đồng cảm với nội dung tác phẩm. Mặt khác,
qua chất giọng rất đỗi nhẹ nhàng, giản dị gắn liền với sự mộc mạc ấy, người đọc vẫn dễ hình dung được hiện thực ngồn ngộn của cuộc sống và văn hoá của phương Nam được nhà văn khảo tả một cách sinh động trong tác phẩm. Nhờ vậy, rút ngắn khoảng cách giữa nhà văn với người đọc, người đọc với tác phẩm, nhân vật trong tác phẩm với con người ngoài đời. Và, nhà văn có thể trao gởi tâm tư của mình đến cho người đọc. Quá trình tiếp nhận văn học thuận lợi hơn, khiến cho văn chương và cuộc sống gần gũi nhau hơn.