Con người mang phẩm chất tốt đẹp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm truyện ngắn hoàng khánh duy (Trang 78 - 84)

6. Cấu trúc của luận văn

2.2.3. Con người mang phẩm chất tốt đẹp

Một nhân vật văn học thành công cũng như một con người sinh động ngoài đời vậy. Đó là “con người này” trong sự phân biệt với “con người khác”. Nó có tính cách riêng, số phận riêng không thể lẫn. Bởi thế, suy cho cùng, nhân vật trong tác phẩm tự sự là một tính cách, một số phận, một cuộc đời… Song vấn đề là nhà văn không trực tiếp bước vào tác phẩm để nói lên điều ấy mà chỉ mô tả, tái hiện và xây dựng dựa trên quan điểm, suy nghĩ, cảm nhận của riêng mình.Trong thế giới nhân vật của Hoàng Khánh Duy, biết bao kiểu dạng nhân vật được anh quan tâm khắc hoạ. Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật nhất của hệ thống các nhân vật của anh từ những đứa trẻ đến những thanh

niên, cụ già; từ người phụ nữ đến những người đàn ông…tất cả dường như đều mang trong mình những phẩm cách tốt đẹp, chân tình, chí nghĩa của phong thái con người Nam bộ. Nhà văn đã đi sâu vào tâm lí, suy nghĩ và tính cách của nhân vật, khai thác, mổ xẻ nó qua tâm trạng nhân vật, từ đó thể hiện quan niệm của mình về con người đồng thời cũng thể hiện quan niệm của mình về nghệ thuật. Nghệ thuật đối với anh chỉ đơn giản là làm sao thể hiện được cho chân thực và sinh động nhân vật trong tác phẩm của mình.

Trong thế giới nhân vật của Hoàng Khánh Duy, ngoài hình ảnh những con người bi kịch, con người tha hoá, người đọc dễ dàng bắt gặp hình tượng con người có những phẩm chất tốt đẹp đáng trân quý. Trước hết, đó là những con người giàu tình nghĩa, dù cho cuộc sống có nhiều nghịch cảnh, dù cho tình người có nhiều biến chuyển nhưng họ vẫn một lòng bên nhau, thứ tha cho nhau để cùng bước đi trên quãng đời còn lại như những người bạn tri âm tri kỉ.

Trong truyện Điều em chưa nói, người đọc không khỏi cảm động trước sự rộng lượng, bao dung của Toàn đã dành cho Diệp và con của cô khi Diệp lâm vào một nghịch cảnh trớ trêu nhất của cuộc đời mình. Thiên truyện là một khúc ca, một trích đoạn đẹp nhất trong hành trình đi tìm và khắc hoạ phẩm cách con người tốt đẹp mà Hoàng Khánh Duy đã nhiệt tâm thể hiện. Sự phụ bạc của Yên đối với Diệp là một sự trốn chạy trong tình yêu khi chưa đủ độ chín chắn, nhưng hậu quả của nó lại là một nghịch cảnh đáng thương. Khi đến với Toàn, Diệp cũng sợ anh giống như Yên - người yêu cũ của Diệp ngày trước. Diệp chỉ e ngại Toàn vì sự thương hại mà cưu mang mẹ con Diệp. Bí mật của Điều em chưa nói là một sự nghi ngờ và hành trình đi tìm những minh chứng, trải nghiệm để có thể giải quyết mối nghi ngại trong lòng của Diệp. Con người ta đôi khi cũng biết đặt vấn đề trước sự quan tâm của người khác mà mình chưa hề rõ được nguồn cơn lý do tại sao họ lại tốt với mình. Khi cô tâm sự thật với Toàn về sự lầm lỡ, câu chuyện về đứa con mà cô đã giấu Toàn và mong sự thứ tha của Toàn, nhưng bất ngờ cô lại nhận lấy sự

“trách móc” của Toàn:

Diệp kéo ống tay áo lau nước mắt đang đầm đìa trên má.

“Còn đứa con, bây giờ nó ở đâu hả em?” Toàn vừa hỏi vừa nắm chặt đôi bàn tay vừa run vừa lạnh của Diệp.

“Nó đang ở với một người họ ngoại của em, dưới quê. Thi thoảng em vẫn lén anh trở về thăm con. Toàn à! Em… em xin lỗi vì đã giấu anh chuyện này!”

“Em thật ích kỉ,” Toàn trách. “Em để con một mình chịu khổ, chịu cảnh sống chung với kẻ lạ người xa”. “Có bao giờ lòng em được bình yên...?”. Toàn ôm Diệp vào lòng. Trong nước mắt, Diệp nghe tiếng Toàn thủ thỉ bên tai vỗ về hạnh phúc: “Nín đi em, chúng ta sẽ đón con trở về, chúng ta sẽ không để con phải chịu khổ.” [16, tr.16].

Sự bao dung và thương yêu của Toàn là động lực để Diệp tiếp tục bước đi trên con đường dài của đời mình trong những ngày sắp tới. Đó là ngày mẹ con trùng phùng, gia đình đoàn viên. Đó là ngày mà tất cả những nỗi đau của quá khứ sẽ dần ngủ yên trong dĩ vãng và “Diệp sẽ giữ chiếc hộp gỗ lại bên mình, sẽ gói kí ức vui vẻ lẫn đau buồn rồi thả trôi giữa miền yêu thương vô định” [16, tr.17].

Viết về những con người giàu phẩm cách, tốt bụng, vị tha, bao dung và luôn hướng thiện, Hoàng Khánh Duy như một lần nữa chứng minh cho người đọc nhận thức rõ hơn về phẩm giá của con người miền Tây Nam bộ rất đỗi chân tình, nhân ái. Tình yêu thương gia đình, đồng loại, bao dung không cố chấp, chấp nhặt đã toát lên tâm hồn phóng khoáng của con người ở mảnh đất Nam bộ dung dị, thoáng đạt và ngọt ngào như những câu hò trên Đồng Tháp Mười vào mùa gặt, như những chuyến phà đầy ắp tiếng cười rộn rã khi qua bến Bắc Cần Thơ năm nào trong các câu hát, lời thơ và ký ức của con người miền Tây.

chân chất, hiền lành và chịu thương chịu khó. Ngay cả trong những lúc khốn khó hay dư dả, anh cũng luôn suy nghĩ và san sẻ với vợ - Uyên, mặc dù đó là người đàn bà đã bỏ anh mà đi trong những năm tháng khó khăn nhất. Sau khi bán được vụ lúa trúng đậm sau những ngày tháng cần mẫn chăm sóc, vụ trồng, anh thẩn thơ:

Ghe đi, Trung cầm xấp tiền trên tay mà lòng dạ bời bời, nghĩ bụng: “Phải chi có Uyên ở nhà, nhìn thấy số tiền lớn như vầy chắc Uyên mừng rớt nước mắt! Nhưng mà...”. Trung bùi ngùi nhìn về phía con đường mòn lõm dẫn ra đầu xóm... “Giá mà Uyên về!”, Trung lẩm bẩm, nhất định Trung sẽ kêu thằng út xe ôm chở Trung ra chợ sắm cho Uyên sợi dây chuyền vàng sáng lóng lánh mà Uyên thích, Uyên chỉ trỏ mỗi lúc đi chợ cùng Trung [17, tr.42]

Trước nghịch cảnh của đời mình,“đôi lần Trung nằm vắt tay lên trán và nghĩ về cái ngày Uyên bỏ Trung theo người đàn ông khác” nhưng tình thương và sự chân chất bao dung của con người miền Tây trong Trung đã khiến anh càng thêm “thương chứ không có trách Uyên, chạnh lòng chứ không hờn dỗi, thù hằn người đàn bà mà Trung rất mực yêu thương [17, tr. 42-43].

Nhiều khi cái lý lẽ để dễ dàng tha thứ cho người đã phụ bạc mình cũng rất giản đơn, bởi tất cả đều được toát ra từ một tâm hồn cao thượng, giản đơn và rất đỗi “quê mùa” mà “chân chất” của con người miền Tây đơn sơ và ngọt ngào tình cảm của Trung, anh luôn suy nghĩ rằng: “Chắc Uyên khổ nhiều nên Uyên mới làm thế! Mình mà lo nổi cuộc sống sung sướng cho Uyên thì Uyên đâu có bỏ mình mà đi” [17, tr.43]. Tấm lòng và sự chân tình của Trung “rộng như dòng sông chảy qua trước nhà, như cánh đồng mùa lênh láng nước” [17, tr.43].

Tương tự như vậy là hình ảnh người đàn ông lạ mặt mà Thoa gặp trong rẫy dưa. Anh rất đỗi chí tình đạt lí khi đã động viên Thoa trong những ngày

lưu lạc. Trước đó, Thoa triền miên trong kí ức:

Thoa vẫn nhớ cái ngày Đạt bỏ Thoa đi. Tình yêu và trách nhiệm chẳng còn có ý nghĩa gì khi đôi tay buông nhau mãi mãi. Đạt chọn hạnh phúc mới, chọn người mà anh có thể dang rộng vòng tay ra bảo vệ, chở che [18, tr.87].

Mọi việc những tưởng sẽ sụp đổ cho đến khi Thoa gặp người đàn ông này và biết được câu chuyện gia đình của anh thì cô lại cảm thấy có một nghị lực mới để vượt qua chính nghịch cảnh của mình. Thoa đã suy tư và tự vấn:

Thoa im thinh, thấy ngực mình như bị nén chặt làm cho nghẹn ngào. Thoa thầm nghĩ: “Chao ôi! Người ta vì sang giàu mà nhân tâm dứt bỏ tình thâm ruột thịt, bỏ cả đạo nghĩa vợ chồng chăn gối mấy năm. Còn mình... - Thoa xốn xang - Mình cũng chọn sự nghiệp, chọn giàu sang mà đánh mất người mình yêu thương trọn vẹn bằng cả tuổi thanh xuân cuộc đời. Lời hứa theo gió. Tình nghĩa không còn. Thứ mà cả hai nhận về suy cho cùng vẫn là trái tim thương tổn...”. Thoa tự trách mình là người ích kỉ, nhỏ nhen. Sự lạnh lùng sẽ giết chết đi tình yêu mà cả hai từng nghĩ rằng đó là mãi mãi... [18, tr.95].

Và Thoa quyết định: “Đem hạnh phúc đến cho người khác là cách để chuộc lại lỗi lầm thời thanh xuân...” [18, tr.96].

Thật vậy, phẩm cách của con người có nhiều chuẩn mực khác nhau để đánh giá. Mỗi một tiêu chuẩn đều có những thang đo riêng với nhiều góc cạnh khác nhau. Song hơn hết là con người biết tự vấn, nhận ra những lỗi lầm của mình và quyết tâm sửa đổi. Đó là sự dũng cảm và cũng là giá trị chân chính nhất. Hoàng Khánh Duy không ngợi ca một chiều đối với những con người tốt bụng, chân chất mà anh còn lưu tâm đến những con người biết hướng thiện, biết nhìn nhận sai sót, biết sửa đổi và từ đó mang lại hạnh phúc cho người khác. Sửa đổi chính mình là làm đẹp cho người khác. Viết về những con người có phẩm cách cao đẹp, Hoàng Khánh Duy muốn trao gửi nhiều

thông điệp quan trọng đến với thế giới này. Con người cần bao dung, cần son sắt, cần chân thành và cần nhận thức rõ chính mình trong tấm gương xã hội đầy bụi nhơ. Biết về mình, tự vấn mình, hiểu người và thứ tha cho người là phẩm chất cao đẹp nhất mà Hoàng Khánh Duy đã thể hiện trong các tập truyện của mình. Theo chúng tôi, đây là điểm khác biệt của nhà văn trẻ khi thể hiện chủ đề này.Điều đó cũng tạo nên dấu ấn khó phai mờ và những đóng góp nhất định của anh đối với dòng chảy truyện ngắn miền Tây Nam bộ những thập niên đầu thế kỉ 21.

Tiểu kết Chương 2.

Từ góc nhìn hệ thống chủ đề và thế giới nhân vật, truyện ngắn Hoàng Khánh Duy cũng có những nét đặc sắc và hấp dẫn. Trước hết, đó là một hệ thống chủ đề tương đối đa dạng và đan xen nhiều phức cảm trong quá trình thể hiện. Tình yêu quê hương xen kẽ với những trăn trở về cuộc sống lao động vất vả chốn ruộng đồng, sông nước. Tình yêu tuổi trẻ lãng mạn, đằm thắm lại đan xen với những trăn trở cơm áo gạo tiền và những nhục dục do thế giới hoa lệ thử thách. Thân phận con người được khai thác từ nhiều cạnh khía để thấy được góc nhìn của tác giả luôn mở và bao quát. Đây là một trong những điều mà Hoàng Khánh Duy đã trải nghiệm. Nhà văn quan tâm đến những con người bi kịch và lý giải một cách cặn kẽ những bi kịch của cuộc đời họ. Anh trăn trở với sự tha hoá của con người trong hành trình làm người. Ai cũng có lý do riêng của mình, nhưng thật sự, để giữ mình và đứng hiên ngang được trong cuộc mưu sinh thì đó là bản lĩnh của mỗi cá nhân. Anh luôn mong mỏi sự hướng thiện, khao khát vươn đến chân thiện mỹ trong đời sống qua hình tượng những con người mang phẩm chất tốt đẹp. Nó là sự truy cầu đến những vẻ đẹp nhân văn mà con người bao đời nay luôn gìn giữ.

Chương 3

ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN HOÀNG KHÁNH DUY NHÌN TỪ PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm truyện ngắn hoàng khánh duy (Trang 78 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)