KIỂM SOÁT CHI TRONG CÁC CƠ QUAN THỐNG KÊ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện kiểm soát chi tại chi cục thống kê huyện phù cát, tỉnh bình định (Trang 25)

7. KẾT CẤU CỦA ĐỀ TÀI

1.2. KIỂM SOÁT CHI TRONG CÁC CƠ QUAN THỐNG KÊ

1.2.1. Khái quát về các khoản chi trong cơ quan thống kê 1.2.1.1.Khái quát về cơ quan thống kê

* Quá trình hình thành và phát triển của Cục Thống kê tỉnh Bình Định:

- Ngày 6/5/1975, Tổng cục Thống kê ra Quyết định số 93/QĐ điều động 6 cán bộ tiếp quản và xây dựng ngành Thống kê Bình Định.

- Ngày 30/10/1975, tỉnh Nghĩa Bình được thành lập. Ngày 5/11/1975 Chủ tịch UBND cách mạng tỉnh Nghĩa Bình ký Quyết định số 01/UB tách bộ phận thống kê trong Ủy ban kế hoạch tỉnh, thành lập Chi cục Thống kê Nghĩa Bình.

- Ngày 22/11/1976, UBND tỉnh Nghĩa Bình chuyển giao ngành Thống kê Nghĩa Bình cho Tổng cục Thống kê quản lý theo ngành dọc.

- Ngày 1/7/1988, Cục Thống kê Nghĩa Bình là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, thực hiện theo tinh thần Thông báo 46/TB-TW ngày 12/12/1987 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

- Ngày 1/7/1989, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Quyết định tách Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi; Ngành Thống kê được tách thành Cục Thống kê Bình Định và Cục Thống kê Quảng Ngãi.

- Ngày 22/10/1994, UBND tỉnh Bình Định bàn giao Cục Thống kê Bình Định cho Tổng cục Thống kê quản lý theo ngành dọc.

- Ngày 20/01/2004, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành Quyết định số 60/QĐ-TCTK quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức Cục Thống kê Bình Định; gồm có 6 phòng; mỗi huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh có 1 phòng Thống kê.

- Ngày 04/01/2007, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định 01/NĐ-CP về việc chuyển Tổng cục Thống kê vào Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Ngày 05/10/2010, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ra Quyết định thành lập Chi cục Thống kê huyện, TP trên cơ sở phòng Thống kê huyện, TP.

- Ngày 14/01/2011, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành Quyết định số 53/QĐ-TCTK quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức Cục Thống kê tỉnh Bình Định; Gồm có 6 phòng và Thanh tra; mỗi huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh có 1 Chi cục Thống kê;

- Ngày 14/01/2011, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành Quyết định số 20/QĐ-TCTK quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Chi cục Thống kê quận, huyện, thị xã, thành phố;

- Ngày 18/01/2012, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành Quyết định số 07/QĐ-TCTK về việc thành lập Chi cục Thống kê thị xã An Nhơn trực thuộc Cục Thống kê Bình Định.

* Chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Cục Thống kê tỉnh Bình Định:

1. Vị trí và chức năng

Cục Thống kê tỉnh Bình Định là cơ quan trực thuộc Tổng cục Thống kê, giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động thống kê trên địa bàn tỉnh Bình Định; tổ chức các hoạt động thống kê theo chương trình công tác của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê giao; cung cấp thông tin kinh tế - xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của lãnh đạo Đảng, Chính quyền tỉnh Bình Định và cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Cục Thống kê tỉnh Bình Định có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, có trụ sở làm việc và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Thực hiện báo cáo thống kê tình hình kinh tế - xã hội tháng, quý, năm và nhiều năm; đánh giá mức độ hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phân tích thống kê chuyên đề theo chương trình, kế hoạch công tác của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê giao; cung

cấp thông tin kinh tế - xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của lãnh đạo Đảng, Chính quyền tỉnh Bình Định và cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức thu thập, xử lý, tổng hợp thông tin từ báo cáo thống kê cơ sở và các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê theo phương án và hướng dẫn của Tổng cục Thống kê. Thực hiện các cuộc điều tra Thống kê do Chủ tịch UBND tỉnh giao và sử dụng ngân sách địa phương sau khi có thẩm định về chuyên môn của Tổng cục Thống kê.

3. Tổng hợp các báo cáo Thống kê và báo cáo kết qủa điều tra thống kê do các Sở, Ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn tỉnh cung cấp.

4. Biên soạn, xuất bản Niên giám thống kê và các sản phẩm thống kê khác. 5. Quản lý và thực hiện công bố, cung cấp thông tin thống kê kinh tế - xã hội thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê tỉnh, huyện, xã cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và phân cấp của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

6. Truy cập, khai thác, sao lưu, ghi chép các cơ sở dữ liệu thống kê ban đầu và hồ sơ đăng ký hành chính của các Sở, Ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để sử dụng cho mục đích thống kê theo quy định của pháp luật. Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu thống kê kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

7. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thống kê; thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành, phê duyệt.

8. Thẩm định chuyên môn, nghiệp vụ thống kê theo phân cấp của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ Thống kê đối với thống kê sở, ngành; thống kê doanh nghiệp và thống kê xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh.

9. Thực hiện nhiệm vụ Thanh tra chuyên ngành Thống kê; giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng chống tham nhũng.

10. Thực hiện công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học tiên tiến vào hoạt động thống kê, ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình họat động thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích, dự báo, phổ biến, lưu trữ thông tin thống kê và hoạt động quản lý hành chính theo chương trình, kế hoạch của Tổng cục Thống kê.

11. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cộng tác viên thống kê, thực hiện chế độ tiền lương, chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề thống kê và các chế độ, chính sách đãi ngộ khác; thi đua, khen thưởng, kỷ luật; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức thống kê thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật và phân cấp của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

12. Lập dự toán, tổ chức thực hiện dự toán và quyết toán kinh phí hàng năm theo hướng dẫn của Tổng cục Thống kê; quản lý tài chính, tài sản và các dự án đầu tư xây dựng được giao theo quy định của pháp luật.

13. Thực hiện cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng và lãng phí; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các hành vi, vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

14. Thực hiện cung cấp dịch vụ công về thống kê theo quy định của pháp luật. 15. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê giao.[2]

1.2.1.2. Khái quát về các khoản chi trong cơ quan thống kê

* Khái niệm: Các khoản chi trong cơ quan thống kê là các khoản chi liên quan đến việc phân bổ, sử dụng thu nhập từ các quỹ tài chính công nhằm đáp ứng các nhu cầu chi của các cơ quan thống kê, qua đó thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn được giao. Hay nói các khác, chi trong cơ

quan thống kê là quá trình phân bổ, sử dụng quỹ ngân sách để đáp ứng nhu cầu chi gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị [1,tr14]

* Phân loại: Căn cứ vào tính chất kinh tế, các khoản chi trong cơ quan thống kê bao gồm 4 nhóm cụ thể như sau:

- Các khoản chi thanh toán cá nhân: Gồm chi về tiền lương; phụ cấp lương; phúc lợi tập thể; tiền tàu xe nghỉ phép năm, kinh phí công đoàn.

- Khoản chi nghiệp vụ chuyên môn: Gồm chi tiền điện, văn phòng phẩm; cước phí điện thoại, bưu phí; công tác phí; hội nghị và các khoản chi cho nghiệp vụ chuyên môn của đơn vị.

* Đặc điểm các khoản chi:

- Nguồn lực tài chính trang trải cho các khoản chi trong cơ quan thống kê thường được phân bố tương đối đều giữa các quý trong năm, giữa các tháng trong quý, giữa các năm trong kỳ kế hoạch.

- Việc sử dụng kinh phí thường xuyên chủ yếu chi cho con người, sự việc nên nó không làm tăng thêm tài sản hữu hình của quốc gia.

- Hiệu quả của các khoản chi trong cơ quan thống kê thường không thể đánh giá, xác định cụ thể như chi cho đầu tư phát triển. Hiệu quả của nó không đơn thuần về mặt kinh tế mà được thể hiện qua sự ổn định chính trị - xã hội từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

- Các khoản chi trong cơ quan thống kê được phân bổ theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao.

* Vai trò các khoản chi:

- Chi trong cơ quan thống kê có vai trò trong nhiệm vụ chi của NSNN, đã giúp cho bộ máy nhà nước duy trì hoạt động bình thường để thực hiện tốt chức năng QLNN, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội, đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

- Thực hiện tốt nhiệm vụ chi trong cơ quan thống kê còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phân phối và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính

của đất nước, tạo điều kiện giải quyết tốt mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng. Chi trong cơ quan thống kê hiệu quả và tiết kiệm sẽ tăng tích lũy vốn NSNN để chi cho đầu tư phát triển, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao niềm tin của nhân dân vào vai trò quản lý điều hành của nhà nước.

1.2.2. Kiểm soát chi trong các cơ quan thống kê

1.2.2.1. Khái niệm và sự cần thiết kiểm soát chi

- Khái niệm: Kiểm soát chi trong cơ quan thống kê là việc các đơn vị sử dụng các công cụ nghiệp vụ của mình thực hiện thẩm định, kiểm tra, kiểm soát các khoản chi NSNN nhằm đảm bảo các khoản chi đó được thực hiện đúng đối tượng, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do Nhà nước quy định và theo những nguyên tắc, hình thức, phương pháp quản lý tài chính của Nhà nước.

- Sự cần thiết kiểm soát chi: Tính tất yếu của kiểm soát chi trong cơ quan thống kê được thể hiện trên các khía cạnh sau:

+ Thứ nhất: Kiểm soát chi cho phép phát hiện nhằm ngăn chặn các sai lầm trước khi chúng trở nên nghiêm trọng để mọi hoạt động của các cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước nói chung cũng như các cơ quan thống kê nói riêng thực hiện theo đúng định hướng của kế hoạch và pháp luật;

+ Thứ hai: Kiểm soát chi giúp nhà nước theo sát và đối phó được với sự thay đổi của môi trường, tạo ra sự phù hợp của hệ thống kinh tế với môi trường;

+ Thứ ba: Kiểm soát chi cho phép hoàn thiện các quyết định quản lý của nhà nước, của hệ thống kế hoạch, đường lối và chính sách của pháp luật nhà nước;

+ Thứ tư: Kiểm soát chi cho phép phát hiện những cơ hội mới cho phát triển kinh tế đất nước để kịp thời khai thác chung.

1.2.2.2. Mục tiêu kiểm soát chi

Mỗi một cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan thống kê nói riêng đều có các mục tiêu kiểm soát cần đạt được để từ đó vạch ra kế hoạch, chiến lược mà đơn vị cần thực hiện, đó có thể là mục tiêu chung cho toàn đơn vị hay là mục tiêu cụ thể cho từng hoạt động hoặc từng bộ phận trong đơn vị cần thực hiện.

Có thể chia ra các mục tiêu kiểm soát chi trong cơ quan thống kê thành 3 nhóm như sau:

- Nhóm mục tiêu về hoạt động: Nhấn mạnh đến sự hữu hiệu và hiệu quả của các khoản chi trong cơ quan thống kê bao gồm việc sử dụng nguồn lực, lập dự toán của đơn vị, tổ chức.

- Nhóm mục tiêu về báo cáo: Nhấn mạnh đến tính trung thực, kịp thời và đáng tin cậy của các thông tin liên quan đến các khoản chi trên báo cáo tài chính mà đơn vị, tổ chức cung cấp. Mục tiêu này dựa trên những yêu cầu, kỳ vọng của đơn vị, tổ chức.

- Nhóm mục tiêu về tuân thủ: Việc chi tiêu trong cơ quan thống kê cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Mục tiêu này phụ thuộc chủ yếu vào cách thức tổ chức các hoạt động nằm trong sự kiểm soát của đơn vị, tổ chức.

1.2.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến kiểm soát chi trong cơ quan thống kê

1.2.3.1. Nhân tố bên ngoài

Việc ứng dụng công nghệ tin học vào trong cuộc sống ngày nay đã và đang thực sự chứng tỏ vai trò không thể thiếu được của nó. Thực tế đã chứng minh với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác kiểm soát chi nói và kiểm soát chi tại các đơn vị sự nghiệp trong các cơ quan thống kê nói riêng sẽ giúp tiết kiệm được thời gian xử lý công việc, đảm bảo được tính chính xác, nhanh chóng và thống nhất về mặt dữ liệu, tạo tiền đề cho những quy trình cải cách về mặt nghiệp vụ một cách hiệu quả. Chính vì lẽ đó mà công nghệ tin học là một trong những nhân tố ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kiểm soát chi tại các đơn vị sự nghiệp trong các cơ quan thống kê.

* Điều kiện tự nhiên

Mỗi vùng, mỗi lãnh thổ có điều kiện tự nhiên khác nhau, do vậy cần phải có những thiết kế, kiến trúc phù hợp với điều kiện tự nhiên ở nơi xây dựng công trình. Chẳng hạn, ở địa phương có nhiều người sinh sống, lại hay xảy ra

lũ lụt thì chi NSNN sẽ tập trung vào xây dựng đê, kè, và tu sửa đê, khi xây dựng công trình phải tránh mùa mưa, bão và có những biện pháp hữu hiệu để tránh thiệt hại xảy ra nhằm đảm bảo chất lượng công trình; hoặc địa phương có địa hình chủ yếu là đồi núi, dốc thì chú ý đầu tư cho giao thông thuận lợi để có thể phát triển kinh tế và phát triển các ngành nghề phù hợp với điều kiện địa hình đó. Vì vậy, kiểm soát chi trong các đơn vị sự nghiệp nói chung và trong cơ quan thống kê chịu ảnh hưởng nhiều từ các điều kiện tự nhiên ở địa phương.

* Điều kiện kinh tế - xã hội

Kiểm soát chi trong các cơ quan thống kê đều chịu ảnh hưởng bởi điều kiện kinh tế xã hội.Với môi trường kinh tế ổn định, vốn đầu tư sẽ được cung cấp đầy đủ, đúng tiến độ. Ngược lại nền kinh tế mất ổn định mức tăng trưởng kinh tế chậm Nhà nước sẽ thắt chặt tín dụng kìm chế lạm pháp, các dự án sẽ bị điều chỉnh cơ cấu đầu tư, chi NSNN giảm. Lạm pháp cũng làm cho giá cả nguyên vật liệu tăng, làm chi phí công trình tăng điều này có thể hoãn thực hiện hiện dự án vì không đủ vốn đầy tư để thực hiện. Vì vậy, có thể nói các yếu tố về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng không nhỏ đến kiểm soát chi trong các đơn vị sự nghiệp trong các cơ quan thống kê.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện kiểm soát chi tại chi cục thống kê huyện phù cát, tỉnh bình định (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)