8. Kết cấu luận văn
2.3.2. Hạn chế và nguyên nhân
Công tác lập dự toán thu, chi NSNN tại Sở Tài chính tỉnh Salavanh đã đạt được những kết quả đáng kể nhưng vẫn tồn tại những hạn chế nhất định:
Thứ nhất, tại CHDCND Lào, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện dự toán thu, chi NSNN hàng năm của Bộ Tài chính thường xuyên được ban hành muộn hơn thời điểm lập dự toán vào tháng 3 hàng năm. Do đó, các Sở Tài chính nói chung và Sở Tài chính tỉnh Salavanh ban hành thông báo lập dự toán thu, chi NSNN năm sau cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh chỉ mang nội dung chỉ đạo chung căn cứ vào các quy định của Luật NSNN mà chưa có các hướng
dẫn trực tiếp, cụ thể. Chính việc chưa có hướng dẫn cụ thể nên các cơ quan, đơn vị lập và nộp dự toán thu, chi đến Sở Tài chính còn chậm, chưa khoa học, chưa hoàn toàn chính xác và phù hợp với kế hoạch ngân sách của quốc gia trong năm tới. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dự toán, mà còn tốn kém về thời gian, công sức của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đối với công tác lập dự toán thu, chi NSNN.
Thứ hai, về vấn đề con người, các cơ quan, huyện thiếu hụt nhân sự nên nhiều cán bộ phải kiêm nhiệm các công việc khác nhau; đồng thời còn thiếu cả các nhân sự có trình độ chuyên môn phù hợp và có kinh nghiệm trong công tác lập dự toán thu, chi NSNN. Một trong các lí do dẫn đến thiếu hụt nhân sự chính là do hiện nay tại CHDCND Lào chưa có UBND cấp xã nên khối lượng công việc tập trung hết tại các văn phòng UBND huyện. Chính những vấn đền này, đã dẫn đến việc lập dự toán thu, chi NSNN chưa thực tế, chưa chính xác và đôi lúc chậm tiến độ.
Thứ ba, công tác lập dự toán ngân sách chưa đồng bộ với công tác xây dựng các kế hoạch, dự án như kế hoạch đào tạo, dự án bảo vệ môi trường,… Điều này dẫn tới công tác lập dự toán ngân sách đối với các lĩnh vực này không có cơ sở vững chắc, không sát với thực tế, định tính nhiều hơn định lượng, không phân bổ đúng đến từng cơ quan đơn vị sử dụng ngân sách.
Thứ tư, việc quy định công tác lập dự toán thu, chi rời rạc đã làm chậm tiến độ lập dự toán:
- Một là, công tác lập dự toán thu, chi NSNN của Sở Giáo dục và Thể thao và Sở Y tế được quy định thực hiện riêng biệt và trực tiếp với các Bộ chủ quản, không thông qua Sở Tài chính tỉnh, dẫn đến một số trở ngại cho công tác lập dự toán thu, chi NSNN của Sở Tài chính tỉnh Salavanh như phối hợp cung cấp thông tin không kịp thời làm kéo dài thời gian lập dự toán, Sở Tài chính thiếu thông tin về dự toán của từng khoản thu, chi của 2 Sở này khi thực hiện cân đối tổng dự toán thu, chi NSNN toàn tỉnh;
- Hai là, dự toán chi đầu tư của tỉnh được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập và giao về cho tỉnh, do đó Sở Tài chính tỉnh Salavanh chậm xác định tỷ lệ thâm hụt NSNN của tỉnh vì không nắm được kịp thời số dự toán chi đầu tư. Vì vậy, việc cân đối dự toán các khoản thu, chi NSNN của toàn tỉnh cũng bị chậm và không được chủ động.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Trên cơ sở lý luận đã trình bày tại chương 1, tác giả đã tiến hành nghiên cứu thực trạng lập dự toán thu, chi NSNN tại Sở Tài chính tỉnh Salavanh. Việc nghiên cứu thực trạng đã cho thấy, nhìn chung công tác lập dự toán thu, chi NSNN tại Sở Tài chính tỉnh Salavanh đã đáp ứng được các yêu cầu cơ bản, bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương và có tác động tích cực đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như các văn bản chỉ đạo còn chưa kịp thời, nhân sự còn thiếu hụt, lập dự toán chưa đồng bộ với kế hoạch, một số khoản chi được giao cho các đơn vị khác quản lý thực hiện. Từ các hạn chế này, tác giả sẽ đề xuất một số giải pháp hoàn thiện lập dự toán thu, chi NSNN của Sở Tài chính tỉnh Salavanh trong chương 3.
Chương 3
GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN LẬP DỰ TOÁN THU, CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TẠI SỞ TÀI CHÍNH TỈNH SALAVANH –
CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO
3.1. SỰ CẦN THIẾT VÀ QUAN ĐIỂM HOÀN THIỆN LẬP DỰ TOÁN THU, CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TẠI SỞ TÀI CHÍNH TỈNH SALAVANH