4. Cấu trúc của luận văn
2.5.1. Phương pháp bố trí thí nghiệm
(1) Thí nghiệm xác định độ già quả bơ thu hoạch
Quả bơ được lựa chọn đủ tiêu chuẩn, không dập nát, thối hỏng với 3 độ chín:
- Độ chín 1: thu hoạch lúc 14 tuần tính từ khi đậu quả (vỏ quả có màu xanh nhạt, xanh đều toàn bề mặt, độ bóng cao).
- Độ chín 2: thu hoạch lúc 16 tuần tính từ khi đậu quả (vỏ quả có màu xanh khá đậm, đặc biệt thường có nhiều chấm trắng xanh bề mặt, độ bóng ít hơn). - Độ chín 3: thu hoạch lúc 18 tuần tính từ khi đậu quả (vỏ quả màu xanh đậm hơi ngả sang xanh vàng, độ bóng giảm).
Ngay sau khi thu hái, chúng tôi tiến hành phân tích một số chỉ tiêu cơ lý và hóa sinh của mẫu bơ ở 3 độ chín bao gồm:
+ Chỉ tiêu vật lý: Đường kính quả, chiều dài quả, khối lượng quả, độ cứng quả, màu sắc vỏ quả.
+ Chỉ tiêu hóa sinh: hàm lượng chất khô tổng số, chất khô hòa tan, hàm lượng tinh bột, đường tổng số và hàm lượng lipid.
Để có thêm căn cứ khoa học nhằm xác định độ chín thu hoạch, chúng tôi tiếp tục khảo sát sự ảnh hưởng của độ chín thu hoạch đến một số chỉ tiêu chất lượng của quả bơ sau 7 ngày bảo quản ở nhiệt độ 22oC ± 1, độ ẩm 75- 80% để kích thích quả chín tự nhiên. Một số chỉ tiêu chất lượng bao gồm tỷ lệ tổn thất, độ cứng, hàm lượng chất khô hòa tan, hàm lượng lipid tổng số và đánh giá cảm quan.
Mẫu quả bơ được phân thành 3 nhóm theo độ chín, mỗi lần lặp có 10 quả, phân tích lặp lại 3 lần. Dựa vào các chỉ tiêu đã phân tích, chọn độ già quả
bơ phù hợp để tiến hành các thí nghiệm tiếp theo.
(2) Thí nghiệm xác định các chỉ tiêu hóa sinh liên quan quá trình chín và chất lượng thương phẩm của quả bơ sau khi xử lý melatonin ngoại sinh.
- Phương pháp thu mẫu và xử lý melatonin:
+ Thu mẫu: Mẫu quả tươi được lấy theo TCVN 9017:2011. Quả bơ sáp 034 trồng tại vườn thương mại thuộc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai được chọn lọc dựa vào sự đồng nhất về hình dạng, kích thước, không hư hỏng bên trong và bên ngoài, đạt độ già thu hoạch theo các thông số đã xác định ở thí nghiệm 1. Quả bơ sau khi thu hái, được đóng gói trong thùng carton và vận chuyển ngay đến phòng thí nghiệm trong 12 h sau thu hoạch.
+ Xử lý mẫu: Quả bơ đạt yêu cầu về độ chín thu hoạch được lựa chọn và chia thành 3 lô theo 3 nghiệm thức. Hai lô được xử lý melatonin với nồng độ 0,1 mM và 0,5 mM trong 2 h (nồng độ melatonin và thời gian ngâm tối ưu đã được lựa chọn từ dữ liệu của nhóm nghiên cứu đề tài chưa công bố). Lô quả còn lại được xử lý nước cất trong 2 h làm đối chứng. Mỗi công thức có 10 quả, phân tích lặp lại 3 lần.
Quả bơ sau khi thu hái, được rửa dưới vòi nước chảy và làm khô ở nhiệt độ phòng. Sau đó nhúng ngập quả bơ trong dung dịch melatonin 0,1 mM và 0,5 mM trong 2 h. Việc xử lý này được thực hiện trong điều kiện ánh sáng yếu để tránh melatonin phân hủy. Các quả bơ được nhúng trong nước cất dùng làm đối chứng. Kết thúc quá trình xử lý, quả được làm khô không khí và bảo quản ở 22oC ± 1, độ ẩm 75 - 80%. Trong quá trình bảo quản, mẫu bơ từ mỗi công thức xử lý được lấy ngẫu nhiên để theo dõi và phân tích, đánh giá các chỉ tiêu hoá sinh liên quan quá trình chín và chất lượng thương phẩm. Thời gian tiến hành phân tích định kỳ 2 ngày/lần. Các chỉ tiêu hóa sinh được theo dõi từ lúc thu hoạch (0 ngày) và kết thúc cho đến khi quả bơ đã chín
hoàn toàn (2,5 - 5 N) (12 ngày sau thu hoạch).