Khi những NB hiểu biết về cách phòng ngừa bệnh tật, họ sẽ chủ động tham gia vào việc phòng bệnh, đóng góp ý kiến để giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khoẻ của họ, cũng như công tác chăm sóc sức khoẻ. Để làm được việc đó, NB phải có hiểu biết cơ bản về sức khoẻ và phòng ngừa bệnh tật. Những hoạt động nhằm cung cấp cho NB kiến thức, kỹ năng để phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khoẻ cho họ và cộng đồng xung quanh chính là những hoạt động giáo dục sức khoẻ.
GDSK không thay thế được các dịch vụ y tế khác, nhưng nó rất cần thiết để đẩy mạnh việc sử dụng đúng các dịch vụ này. GDSK khuyến khích những hành vi lành mạnh, làm sức khoẻ tốt lên, phòng ngừa ốm đau, chăm sóc và phục hồi sức khoẻ.
GDSK giúp cho NB nâng cao được kiến thức, đồng thời hướng dẫn cho họ những kỹ năng cần thiết, giúp cho họ có khả năng lựa chọn giải pháp thích hợp nhất và đưa ra được các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của họ, tạo ra được những hành vi đúng đắn; giúp NB tự giác chấp nhận và duy trì lối sống lành mạnh, từ bỏ thói quen có hại cho sức khoẻ góp phần bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho chính họ và cộng đồng, làm giảm tỉ lệ mắc bệnh, tỉ lệ tàn tật, tỉ lệ tử vong do bệnh
gây ra. Vì vậy, nếu làm tốt công tác TT – GDSK thì hiệu quả của công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân sẽ đạt được hiệu quả. TT – GDSK là một công tác khó làm, nhưng nếu làm tốt sẽ mang lại hiệu quả cao, chi phí lại thấp so với các dịch vụ y tế khác, nhất là ở tuyến y tế cơ sở. Kinh nghiệm trên thế giới, cũng như ở Việt Nam cho thấy nhờ làm tốt công tác TT-GDSK mà nhiều vấn đề về sức khoẻ đã trở thành mối quan tâm chung của toàn xã hội, đẩy lui được nhiều dịch bệnh, cải thiện đáng kể tình trạng sức khoẻ cho NB.