Hoàn cảnh phát hiện bệnh: Có tới 50% NB phát hiện bệnh do bị đợt cấp, NB mới đến cơ sở khám bệnh để khám mới phát hiện mình mắc BPTNMT. Kết quả này cũng phù hợp thu nhập kinh tế của người Việt còn chưa cao, và thói quen của người dân là ngại đi khám bệnh định kỳ, chỉ khám khi bệnh đã diễn biến nặng. Kết quả này thấp hơn so với nghiên cứu của Trần Thị Hằng (2011) có tới hơn 83,6% đối tượng được phát hiện mắc BPTNMT do có biểu hiện triệu chứng của bệnh hoặc do bị đợt cấp của BPTNMT mới phải đi khám bệnh và điều trị [8].
Bảng 3.2 ghi nhận: Hơn 80% NB tham gia nghiên cứu có phân loại bệnh ở giai đoạn 3 và giai đoạn 4 của BPTNMT. Kết quả này cũng phù hợp với kết quả của các nghiên cứu trước đây được tiến hành tại cơ sở khám chữa bệnh như nghiên cứu của Trần Thị Hằng (2011) NB tham gia nghiên cứu có phân độ bệnh ở giai đoạn 3 và giai đoạn 4 là 81,8% [8]. Kết quả có khác biệt với những nghiên cứu của Dương Thị Thu Cúc và cộng sự (2014) đa số là BPTNMT độ 1 báo cáo tỷ lệ BPTNMT độ 2 là 63,1% do nghiên cứu thực hiện để xác định tỷ lệ mắc BPTNMT của các NB tham gia khám chữa bệnh tại bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang [7], còn đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là những NB đã nằm trong chương trình quản lý NB mắc BPTNMT của khoa Khám bệnh – bệnh viện Đa Khoa Tỉnh Nam Định.
Đặc điểm thời gian điều trị bệnh: BPTNMT là một bệnh mạn tính cần phải điều trị kéo dài. Có tới 48,9% NB trong nghiên cứu của chúng tôi có thời gian điều trị ngoại trú tại viện từ 1 đến 3 năm, và 28,9% NB điều trị ngoại trú trên 3 năm. Kết quả này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của Dariusz Wisniewski (2013) tại Ba Lan ghi nhận thời gian điều trị quản lý BPTNMT của NB thường kéo dài trên 3 năm chiếm tới 32,5% số NB trong chương trình quản lý [31].
Đặc điểm các bệnh khác đồng mắc BPTNMT: Nhóm bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp chiếm tỷ lệ cao đến 42,2%, ngoài ra các nhóm bệnh lý khác đồng
mắc cũng chiếm tới 22,2%. Vì đối tượng nghiên cứu có độ tuổi >60 tuổi chiếm đến hơn 90% đối tượng nghiên cứu nên các đối tượng này cũng xuất hiện nhiều bệnh lý kèm theo. Kết quả nghiên cứu tương đương với những nghiên cứu của Trịnh Mạnh Hùng (2012) được tiến hành tại khoa khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai hiện nay cũng ghi nhận tình trạng ngoài mắc BPTNMT, NB còn mắc các bệnh khác như các bệnh lý tim mạch chiếm tỷ lệ 48,93% [10]. Tuy nhiên trong nghiên cứu của chúng tôi thì tỷ lệ NB không mắc các bệnh khác ngoài BPTNMT chiếm 35.6%, trong khi đó tỷ lệ này ở nghiên cứu của Trịnh Mạnh Hùng chỉ chiếm 8,51 % [10]. Bệnh viện Bạch Mai cơ sở khám chữa bệnh uy tín và là tuyến cuối cùng về nội khoa nên tình trạng bệnh tật của NB thường nặng hơn và có thể mắc nhiều các bệnh đồng mắc khác gây khó khăn trong điều trị và chăm sóc hơn so với tình trạng phức tạp bệnh lý của những NB trong chương trình quản lý BPTNMT tại bệnh viện Đa khoa Tỉnh Nam Định.
Nghiên cứu được thực hiện tại khoa khám bệnh - bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, nơi có điều kiện chăm sóc y tế tốt, NB có trình độ học vấn tương đối cao được tiếp xúc nhiều với các phương tiện truyền thông giáo dục sức khỏe lại tham gia vào các tổ chức xã hội hỗ trợ những kiến thức liên quan đến BPTNMT qua các nguồn thông tin từ cán bộ y tế 56,7%, phương tiện truyền thông, sách báo là 10%, bạn bè là 32,2%. NB rất mong muốn được nhân viên y tế tiếp tục tư vấn và hỗ trợ trong quá trình điều trị, chăm sóc BPTNMT nhu cầu này lên đến 78,9% khi được hỏi mong muốn được cung cấp thông tin từ nguồn nào. NB cho rằng chỉ từ nguồn cung cấp thông tin từ người nhân viên y tế là chính xác, toàn diện và hiệu quả nhất đối với NB. Và kết quả này cũng tương tự kết quả thu được từ nghiên cứu Nguyễn Minh Phúc và cộng sự ghi nhận nguồn cung cấp thông tin từ nhân viên y tế chiếm tới 85,2% [16]. Qua đây thấy được vai trò và nhiệm vụ của nhân viên y tế (bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên khác...) có ý nghĩa rất lớn trong việc hình thành và phát triển ý thức tuân thủ điều trị của NB, giúp nâng cao hiệu quả điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống của người mắc BPTNMT.