TỪ NĂM 1977 ĐẾN NĂM
2.2.2. Hợp tác hóa nông nghiệp tại vùng đồng bằng và ven biển
Sau khi kết thúc tiến hành đợt thí điểm xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp Diên An (Diên Khánh), Ninh Quang (Khánh Ninh), Cam Tân (Cam Ranh). Đầu năm 1979, phong trào hợp tác hóa được mở rộng thực hiện tại vùng đồng bằng và ven biển thuộc địa phận các thành phố, huyện: thành phố Nha Trang và các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Ranh. Với lợi thế về diện tích trồng trọt, vùng đồng bằng rộng lớn, dân cư tập trung sống quây quần thành xóm, thôn... là những thuận lợi cơ bản cho việc tiến hành hợp tác hóa. Nhận thấy công tác hợp tác hóa nông nghiệp là vô cùng khó khăn, do đó ban lãnh đạo các huyện đã tiến hành thực hiện từng bước.
Trước hết là công tác vận động nông dân tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp. Đây là bước chuẩn bị để thành lập hợp tác xã đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Vì mới làm thí điểm ở một số xã phần đông người dân còn chưa tin tưởng vào hợp tác xã, tư tưởng phổ biến là sợ vào hợp tác xã đói, sợ không có lao động làm không đủ ăn, sợ không trả được nợ... Thêm vào đó, các thế lực thù địch tuyên truyền, xuyên tạc nên một số người dân khai báo không đúng tình hình, dấu ruộng, dấu máy, bán chạy bò, trâu. Chính vì vậy, khắp các huyện, thành phố vùng đồng bằng và ven biển trên địa bàn Khánh Hòa đều thành lập ban vận động thành lập hợp tác xã nông nghiệp. Riêng huyện Ninh Hòa và Vạn Ninh lập ban vận động gồm 44 thành viên; huyện Cam Ranh ban vận động có 35 thành viên [40, tr.15]. Ban vận động ở xã cũng được thành
48
lập, vận động nông dân dưới nhiều hình thức khác nhau. Tổ chức các lớp học ngắn hạn cho người dân và đến vận động từng gia đình, từng cá nhân, thậm chí còn thông qua dòng họ, người thân để vận động nông dân tham gia vào hợp tác xã. Bên cạnh đó, các đội tuyên truyền ở xã còn tích cực hướng dẫn bà con trong sản xuất. Điển hình như Đội tuyên truyền xã Diên Tân (Diên Khánh) đã hướng dẫn bà con dùng thuốc Toxa 75ĐC trừ rầy nâu, cứu được hàng chục mẫu lúa; Đội tuyên truyền xã Ninh Quang (Ninh Hòa) góp phần vận động dân trong xã tổ chức tốt việc phân phối, điều hòa nước, tưới nước và tiêu nước theo phương pháp khoa học. Nhờ đó, năm 1977 năng suất lúa địa phương tăng từ 3 tấn/ha lên 5 - 6 tấn/ha. Những hoạt động này góp phần củng cố niềm tin của nông dân khi vào sản xuất trong các hợp tác xã nông nghiệp. Hơn nữa, tại khu vực đồng bằng và ven biển còn tổ chức các lớp học cho các đoàn thể, kết hợp thăm dò đăng ký vào hợp tác xã nông nghiệp, vừa tổ chức học chung vừa phát động cá biệt, kịp thời biểu dương người tốt, việc tốt nên sau một thời gian, tỷ lệ đăng ký chung trong nhân dân tại các huyện, thành phố vùng đồng bằng, ven biển trên địa bàn Khánh Hòa đạt 96%.
Trong quá trình vận động hợp tác hóa, các huyện đồng bằng và thành phố Nha Trang rất coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phục vụ phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và nghiệp vụ được tiến hành bằng cách mở trường và đào tạo tại chỗ ngay ở các hợp tác xã điển hình tốt. Đồng thời, trong thời kỳ đầu còn có sự hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ từng bước của những cán bộ có kinh nghiệm, đi sâu vào quần chúng, sát thực tế giúp đỡ từ việc nắm tình hình cơ bản, xác định phương hướng sản xuất quy hoạch đến công tác kế toán, định mức lao động... Đến tháng 5/1979, tính riêng các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Ranh và thành phố Nha Trang có 18.720 cán bộ được đào tạo, trong đó có 1.516 cán bộ nghiệp vụ, 10.447 cán bộ xây dựng tổ đổi công, tập đoàn sản xuất [3, tr.44]. Các lớp ngắn ngày do huyện tổ chức, đào tạo được 6.757 cán bộ tại chỗ gồm đội trưởng, đội phó, cán bộ nghiệp vụ, kế toán...[3, tr.44].
49
Ngoài ra, các huyện, thị đồng bằng trên địa bàn Khánh Hòa còn thường xuyên cử cán bộ đi học các lớp nâng cao chuyên môn do tỉnh Phú Khánh tổ chức.
Sau khi vùng đồng bằng và ven biển đã nắm chắc tình hình, đại bộ phận quần chúng tán thành tham gia hợp tác xã, chuyển sang giai đoạn phát động nộp đơn. Mỗi xã lấy một thôn làm thôn điểm, như xã Diên Tân (Diên Khánh) lấy thôn Láng Nhớt làm điểm. Ở đây, 230 hộ (đạt 99,4%) nộp đơn tham gia hợp tác xã, gồm 728 xã viên, sau này qua 1 vụ sản xuất có thêm 12 hộ làm đơn gia nhập hợp tác xã [7, tr.45]. Đến 5/1979 chỉ còn một người (bị bệnh tâm thần) chưa vào hợp tác xã. Lễ kết nạp xã viên được tổ chức trọng thể tạo ra bước ngoặt trong đời sống người nông dân thôn Láng Nhớt.
Từ đầu năm 1979, tùy thuộc vào tình hình của từng địa phương, công tác thành lập các hợp tác xã được tiến hành. Thông qua đại hội, các xã viên đã bầu ra ban quản trị, chủ nhiệm, ban kiểm soát và trưởng ban kiểm soát. Tại huyện Diên Khánh, trên 95% xã viên đi bầu, các ứng cử viên được bầu với số phiếu tín nhiệm cao. Tiêu biểu như xã Diên Điền, tiến hành thành lập hai hợp tác xã nông nghiệp ở 2 thôn: hợp tác xã nông nghiệp Diên Điền I (thôn Đại Điền Trung) do ông Đặng Đức Lý làm chủ nhiệm, hợp tác xã nông nghiệp Diên Điền II (thông Đại Điền Đông) do ông Lương Định làm chủ nhiệm. Đội ngũ cán bộ của cả hai hợp tác xã gồm 147 người, trong đó xuất thân trung nông chiếm 67,3%, bần nông chiếm 32,7%, đảng viên chiếm 4,4%, đoàn viên chiếm 10,2%, tuổi đời dưới 30 chiếm 38,6% [9, tr.47]. Hợp tác xã Diên Điền I và Diên Điền II đã tổ chức được 24 đội sản xuất cơ bản, 31 tổ đội chuyên môn, gồm 6 đội chuyên làm đất, 2 đội thủy nông và bảo vệ đồng ruộng, 2 đội chuyên mua và chế biến phân bón, 2 đội chuyên chăn nuôi vịt, 2 đội sản xuất vật liệu xây dựng, 2 độ xây dựng cơ bản, 1 đội cơ khí, 2 đội ươm trồng cây, 2 đội khai hoang, 2 đội chăn nuôi tập thể, 2 đội kiến thiết đồng ruộng, 2 đội chuyên làm dân công nghĩa vụ nhà nước, 2 tổ bảo vệ thực vật, 2 tổ vận chuyển, 1 tổ thợ máy hớt tóc, 1 tổ đan lát, chằm nón [9, tr.47]. Cán bộ phụ trách các tổ đội đều qua lớp bồi dưỡng tại chỗ, do đoàn cán bộ Nghệ Tĩnh hướng dẫn tận tình trong thời gian 10 - 15 ngày.
50
Bên cạnh đó, việc tập thể hóa tư liệu sản xuất được tiến hành một cách kỹ lưỡng, có sự chuẩn bị, phân loại xếp hạng rồi đưa ra bà con xác định giá. Đến tháng 5/1977, toàn bộ tư liệu sản xuất chủ yếu đều được tập thể hóa. Riêng đối với máy cày vì phần nhiều hư hỏng, khó xác định giá trị nên các hợp tác xã tổ chức quản lý sử dụng theo định mức, nhờ đó huy động được máy phục vụ sản xuất. Trên cơ sở tư liệu sản xuất đó, hợp tác xã nông nghiệp xác định cổ phần tập thể hóa với 60 đồng/1 xã viên và cổ phần sản xuất 30 đồng/1 xã viên. Sau khi hóa giá, hợp tác xã tiến hành vừa thu cổ phần, vừa vay một phần của nhà nước thanh toán được 1/3 giá trị nên xã viên rất phấn khởi. Những người nhẹ dạ đem bán bò bây giờ mới hối tiếc. Việc thu giống có nhiều phức tạp, phải phân tích kỹ xã viên mới chịu nộp dư ra để dự phòng, nhưng cơ cấu giống không đúng theo tỉ lệ. Vì vậy phải dùng giống lúa IR8 với tỉ lệ nhiều, dẫn đến hậu quả nhiều diện tích lúa bị rầy nâu phá hoại.
Về công tác quản lý sản xuất, phân bố sử dụng lao động và việc quản lý lao động trong những ngày đầu mới xây dựng hợp tác xã gặp nhiều khó khăn. Vừa phải động viên giáo dục, vừa đăng ký nghĩa vụ lao động, nhưng kết quả đạt được hạn chế. Một số xã viên chạy đi làm ngoài, thu hoạch sản phẩm của gia đình, hoặc làm một buổi nghỉ một buổi... Do đó, các hợp tác xã buộc phải tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, giao mức kết hợp với kiểm tra, đôn đốc, dùng lợi ích vật chất để khuyến khích lao động, thực hiện thưởng, phạt rõ ràng. Ví dụ tại hợp tác xã nông nghiệp Diên Phú (Diên Khánh) vụ đông xuân năm 1979, nhiều xã viên làm giỏi, nhiều công, thu nhập cao nên sang vụ hè thu việc quản lý lao động có thuận lợi hơn. Từ chỗ chỉ huy động được 50 - 60% lao động, vụ hè thu huy động được 75 - 80% và đến cuối năm 1979 huy động được 90 - 95% lao động tham gia sản xuất trong hợp tác xã [11, tr.115]. Bình quân một lao động vụ 3 là 80 công, thì đến vụ tiếp theo là 100 công. Một năm bình quân một lao động làm cho hợp tác xã 180 công, nhiều xã viên đạt số công gấp rưỡi, cá nhân một số lao động đạt 180 công/vụ. Bình quân lao động trồng trọt bảo đảm 0,7 ha gieo trồng. Trong bố trí lao động, hợp tác xã
51
chú ý đến bố trí xã viên có tay nghề giỏi vào đúng nghề của họ, những xã viên nào chưa biết lao động được bố trí vào những việc giản đơn để tập dượt dần.
Tóm lại, công tác quản lý lao động, phân bổ lao động là một trong những nội dung quản lý được chú ý ngay từ đầu nên mau chóng đi vào nề nếp, bước đầu hình thành sự phân công lao động theo hướng chuyên môn hóa. Tuy vậy, đây là một vấn đề trọng yếu hợp tác xã còn đang tiếp tục cải tiến, việc khuyến khích lao động chưa rõ, định mức lao động ở một số nơi chưa sát, việc phân bổ lao động đi khai hoang còn chưa mạnh, quản lý lao động ở một số ngành nghề chưa triệt để...
Với sản xuất ngành nghề, từ chỗ phân tán các gia đình, tự túc, sau khi hợp tác xã được thành lập đã đi vào tổ chức quản lý ngành nghề. Nhiều hợp tác xã đã xây dựng lò gạch, nung vôi,... Hợp tác xã nông nghiệp Ninh Quang (Ninh Hòa) đã xây dựng được 2 lò gạch, vụ 3 sản xuất 370.000 viên, vụ hè thu sản xuất 870.000 viên, nhờ sản xuất được gạch, hợp tác xã chủ động trong việc xây dựng cơ bản, ngoài ra còn bán cho xã viên 148.860 viên [56, tr.2]. Về vôi, hợp tác xã Ninh Quang mới xây dựng được 1 lò, sản xuất được 48 tấn. Hợp tác xã còn tổ chức hoạt động các đội ngành nghề khác như cơ khí, đội chuyên xây dựng cơ bản, đội đan lát, rèn. Ngoài ra, hợp tác xã còn quản lý các hoạt động vận chuyển xe bò, hớt tóc, máy may, xay xát với kiểu khoán công theo thu nhập thực tế, vừa có việc cho lao động vừa quản lý chặt chẽ giá cả. Sản xuất ngành nghề hoạt động tương đối tốt, đã tập trung vào ngành chính, phát huy được tinh thần tự lực của xã viên trong việc huy động vốn cho hợp tác xã. Ví dụ như hợp tác xã Cam Đức huyện Cam Ranh, bà con xã viên đã cho hợp tác xã vay 50.000 đồng để mua xe ben và máy đập gạch [56, tr.2].
Về xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hợp tác xã nông nghiệp ở khu vực đồng bằng và ven biển tập trung chỉ đạo, củng cố và phát huy tác dụng các công trình thủy lợi đã có, xây dựng mới một số công trình, phát động phong trào làm thủy lợi nhỏ. Ngay từ cuối năm 1977, hầu hết các công trình thủy lợi xây dựng trước giải phóng đã được sửa chữa, khôi phục. Cũng năm này, hai
52
công trình thủy lợi có quy mô lớn được khởi công xây dựng là hồ chứa nước Suối Trầu xã Ninh Xuân, huyện Khánh Ninh năng lực thiết kế tưới 1.000 ha và trạm bơm Cầu Đôi - Diên Khánh năng lực thiết kế tưới 3.200 ha [3, tr.19]. Đến năm 1978, hầu hết các công trình thủy nông cũ được tu bổ, đưa diện tích được tưới nước từ 8.000 ha năm 1976 lên 19.700 ha năm 1980 [3, tr.19]. Tính đến năm 1980, toàn tỉnh đầu tư 30 triệu đồng và xã viên đóng góp 10 triệu ngày công xây dựng nhiều hồ chứa nước, trạm bơm, mương, đập... Tuy nhiên, còn xem nhẹ thủy lợi nhỏ; chất lượng công trình thấp, nhất là tại các đập, hồ chứa nước bằng đất như Hồ Suối Trầu xảy ra hai lần vỡ và một lần rò đập chính, gây thiệt hại lớn cho đời sống người dân vào cuối năm 1977. Xây dựng mới 6 công trình loại vừa, xây đúc 316 hạng mục công trình. Công tác quản lý thủy nông được chú ý, hầu hết các huyện thành lập được tổ quản lý thủy nông, hệ thống lớn do công ty quản lý thủy nông đảm nhận.
Cùng với thủy lợi, phong trào làm phân hữu cơ bón ruộng được chú ý. Năm 1978 - 1979, bình quân 1 ha lúa bón từ 2,5 - 3 tấn phân, đến năm 1980 nhiều hợp tác xã đã bón từ 4-5 tấn phân/ha/vụ. Hợp tác xã Diên An (Diên Khánh) gieo trồng điền canh và cây đậu xanh làm phân bón ruộng sau gặt lúa hè thu. Các biện pháp thâm canh, tăng vụ, sử dụng giống lúa mới có năng suất cao và làm thuốc trừ sâu bệnh bằng thảo mộc được áp dụng vào sản xuất khuyến khích làm phân, dùng phân hữu cơ. Ngoài ra còn tổ chức nung vôi và mua thêm vôi cải tạo đồng ruộng. Nhờ có vôi nhiều cánh đồng của các xã tăng năng suất rõ rệt.
Việc cơ khí hóa trong nông nghiệp được chú ý, do vậy, nhiều huyện đã có trạm máy kéo, số hợp tác xã đã mua được máy kéo, máy tuốt lúa, xe tải nhỏ, một số hợp tác xã tổ chức được mô hình tổ ngành nghề cơ khí. Trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật nông nghiệp đã chú ý đến cải tạo giống nhưng hiệu quả chưa cao. Năm 1980, tỉnh đã nhập giống lúa kháng rầy: IR 36, Long Định 2.... Nhờ đó, tình hình sản xuất lương thực có nhiều tiến bộ, sản lượng lương thực có hạt năm 1980 đạt 93.334 tấn, bình quân đầu người 256,6 kg, cao hơn năm
53
1976: 47,6 kg (bình quân cả nước 286 kg), trị giá 392 đồng người/ năm (giá thời điểm) [1, tr.27]. Ngoài ra, hợp tác xã còn xây dựng hệ thống sân phơi chính thức bằng gạch, xây nhà kho nhằm bảo quản sản phẩm thu hoạch tránh nhiều hư hao mất mát. Hợp tác xã Diên Tân huyện Diên Khánh đã xây được 6 cái sân phơi gồm 13.790 m², nhà kho có 12 cái gồm 1.790 m² có sức chứa 1.872 tấn [66, tr.48]. Ngoài ra, hợp tác xã còn xây dựng nhà máy xay xát, kho phân vô cơ, xưởng rèn, xưởng mộc, lò ấp vịt, kho thuốc sâu, có hợp tác xã còn xây dựng được nhà trẻ mẫu giáo như hợp tác xã Ninh Hưng huyện Ninh Hòa, hợp tác xã Vạn Xuân huyện Vạn Ninh,...
Tính đến tháng 5/1979, vùng đồng bằng và ven biển của tỉnh Khánh Hòa thành lập được 104 hợp tác xã nông nghiệp, 90% hộ nông dân và 83% lao động nông nghiệp vào làm ăn tập thể, trong đó có 57 hợp tác xã quản lý sản xuất kinh doanh và phân phối từ 1 đến 3 vụ [3, tr.44]. Các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh và thành phố Nha Trang căn bản hoàn thành công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp; hơn 85% diện tích đất canh tác và số trâu bò cày kéo của tỉnh được tập thể hóa. Một số hợp tác xã như Cam Đức (Cam Ranh), Ninh Giang (Ninh Hòa), Vạn Lương (Vạn Ninh),... nhanh chóng khắc phục được những mặt yếu kém ban đầu, tổ chức sản xuất, vươn lên đạt nhiều kết quả trong khai hoang, quản lý lao động, tăng năng suất, tăng thu nhập cho xã viên, xây dựng cơ sở vật chất, làm tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước, thể hiện tính ưu việt của cách làm ăn tập thể về cả ba mặt: diện tích, năng suất và sản