Hợp tác hóa nông nghiệp tại vùng miền nú

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong trào hợp tác hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh khánh hòa giai đoạn 1977 1988 (Trang 55 - 58)

TỪ NĂM 1977 ĐẾN NĂM

2.2.3. Hợp tác hóa nông nghiệp tại vùng miền nú

Vùng miền núi của tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 1977 - 1988 có 10 xã, thuộc hai huyện Diên Khánh và Cam Ranh (nay thuộc hai huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn). Bởi tháng 3/1977, huyện Khánh Sơn nhập vào Cam Ranh thành huyện Cam Ranh, hai huyện Khánh Xương và Khánh Vĩnh nhập lại lấy tên là huyện Diên Khánh. Riêng huyện Diên Khánh có 6 xã: Khánh Bình, Khánh Minh, Khánh Thành, Khánh Phú, Khánh Lê và Khánh Thượng; huyện Cam Ranh có 4 xã: Sơn Hiệp, Sơn Tân, Thành Sơn và Trung Hạp.

Các xã thuộc vùng miền núi nằm ở phía tây của tỉnh Khánh Hòa, dân cư sinh sống đa số là đồng bào dân tộc Raglai, Ê đê... Khu vực này có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế và quốc phòng. Riêng về kinh tế, khả năng các xã vùng miền núi rất dồi dào, có điều kiện để phát triển cây lương thực, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả, nghề rừng, chăn nuôi.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 - 1975), các xã vùng miền núi là căn cứ kháng chiến của tỉnh Khánh Hòa, nơi đóng cơ quan đầu não của tỉnh. Đồng bào nơi đây có truyền thống cách mạng lâu đời, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Qua quá trình cách mạng và qua nhiều cuộc vận động cải cách dân chủ, vấn đề ruộng đất và vấn đề xây dựng chính quyền nhân dân căn bản đã được giải quyết; những hình thức bóc lột tàn bạo và đặc quyền, đặc lợi của tầng lớp phong kiến căn bản đã bị xóa bỏ. Trên cơ sở đó, nông dân các dân tộc miền núi bắt đầu được tổ chức lại để lao động tập thể. Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, vùng miền núi còn rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất đó là diện tích rộng, người dân sống phân

56

tán, giao thông còn khó khăn. Nhận thức chính trị của quần chúng còn thấp; có nơi nhân dân không biết tiếng Việt và chưa biết viết. Trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho quần chúng là người dân tộc thiểu số có nhiều hạn chế, hình thức chưa phù hợp trình độ và tập quán của người dân. Nhiều nơi, chi bộ đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân chưa vững mạnh. Có một số xã chưa có tổ chức đảng, lực lượng cán bộ còn thiếu và yếu về nhiều mặt. Thêm vào đó, khu vực này lại là trọng điểm hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, vì đồng bào trình độ thấp nên rất dễ tin theo.

Trước khi tiến hành hợp tác hóa, các xã miền núi do thực trạng kinh tế yếu kém, chủ yếu là sản xuất cá thể, tự cung tự cấp, du canh, du cư. Vì vậy, nhiệm vụ của các xã miền núi là tập trung vận động định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời thực hiện giãn dân, lập các vùng kinh tế mới; hình thức tổ chức sản xuất đơn giản là lập tổ đoàn kết tương trợ nhau trong sản xuất, biện pháp chủ yếu là vần công, đổi công.

Khi chủ trương mở rộng phong trào hợp tác hóa trong toàn tỉnh, Tỉnh ủy Phú Khánh nhận định rằng nhiệm vụ của các xã vùng miền núi hiện nay là phải vận động bà con vào hợp tác xã, đẩy mạnh hợp tác hóa nông nghiệp, phát triển sản xuất. Nhận thức tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp ở vùng miền núi là công tác vô cùng khó khăn nên Tỉnh ủy đã đề ra chủ trương tiến hành từng bước. Ở miền núi, chăm lo củng cố các tập đoàn sản xuất đã có và có thể phát triển thêm ở những vùng có ruộng đất, chú ý đảm bảo vững chắc đối với vùng cao, vùng đất rẫy thì nên tổ chức tốt các tổ đoàn kết sản xuất hoặc tổ hợp tác lao động. Các vùng kinh tế mới chủ yếu là tổ chức tổ đoàn kết và tổ hợp tác sản xuất, hình thức cao là tập đoàn sản xuất.

Về tốc độ phát triển của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở vùng miền núi, nói chung chậm hơn phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở vùng đồng bằng và ven biển, vì miền núi cơ sở tổ chức của Đảng và của chính quyền ở một số xã đang còn yếu. Cho nên ở những xã đó, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp tiến chậm hơn. Khi tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp ở

57

vùng miền núi, tỉnh đã chú ý rất nhiều đến việc bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số về chính trị, văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ, nhất là tổ chức việc học văn hóa cho cán bộ lãnh đạo của xã và hợp tác xã.

Với đặc điểm là vùng miền núi, đất rộng, người thưa, đa số là đồng bào dân tộc ít người sinh sống nên việc thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đến cuối năm 1979, cả 10 xã miền núi tổ chức 20 tập đoàn sản xuất, với 65% hộ nông dân vào làm ăn tập thể. Cơ cấu tổ chức của tập đoàn sản xuất còn giản đơn, điều hành tập đoàn là Ban Quản lý tập đoàn gồm 3 thành viên, đối với tập đoàn có nhiều thôn thì Ban Quản lý có 5 - 6 thành viên. Tập đoàn chia làm các tổ, đội sản xuất theo biện pháp là vòng công, đổi công được nông dân tán thành và hăng hái thực hiện. Ví như xã Khánh Bình huyện Diên Khánh (nay là huyện Khánh Vĩnh) tổ chức được 3 tập đoàn sản xuất với quy mô trung bình là 165 ha đất [8, tr.25], hoạt động sản xuất chủ yếu là trồng mì. Với việc thành lập các tập đoàn sản xuất đã đưa đồng bào dân tộc thiểu số từ chỗ sản xuất tự phát, du canh, du cư chuyển sang bước đầu sản xuất có tổ chức và định canh, định cư. Đến năm 1980, các tập đoàn sản xuất ở miền núi đã khai hoang được 642 ha đất, sản lượng cây trồng ngắn ngày tăng như cây mía năm 1980 đạt 10.900 tấn, thuốc lá đạt 3,36 tấn [8; tr.25].

Nhìn chung, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở vùng miền núi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn và còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng yếu kém trên là do các xã trong công tác tổ chức chưa lường hết được những khó khăn, phức tạp, chưa phân tích đúng tình hình, tâm lý của nông dân nên thực hiện chưa tốt và chưa đồng bộ. Vì nhận thức chưa hết, điều tra nghiên cứu chưa sâu nên chủ quan trong việc tập thể hóa tư liệu sản xuất; chưa nghiên cứu và phân tích đúng tình hình thực tế khách quan về khả năng của từng xã nên có phần nôn nóng, đề ra một số chỉ tiêu quá cao và không thực hiện được. Hơn nữa, việc bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác hợp tác hóa nông nghiệp chưa đảm bảo về chất lượng, trình độ năng lực yếu nên không làm tốt phong trào. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện chưa thật tập

58

trung để tạo ra cho được mô hình mẫu về tập đoàn sản xuất làm cơ sở cho việc nhân rộng và tạo niềm tin cho quần chúng. Mặt khác, các xã miền núi cũng chưa huy động được các ngành kinh tế có biện pháp hỗ trợ đắc lực cho các tập đoàn, tạo điều kiện thúc đẩy các tập đoàn làm ăn hơn hẳn cá thể; việc tổ chức đào tạo và bồi dưỡng đội cán bộ ngũ ban quản lý các tập đoàn sản xuất cũng chưa tốt, nên tổ chức quản lý và điều hành sản xuất còn nhiều lúng túng, va vấp. Bên cạnh đó, một số cán bộ quản lý tập đoàn có phẩm chất đạo đức không tốt, thậm chí có người chưa thật nhất trí với chủ trương của Đảng nên làm ảnh hưởng đến phong trào và lòng tin của quần chúng nhân dân.

2.3. Hợp tác hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn đầu đổi mới cơ chế quản lý (1981 - 1988)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong trào hợp tác hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh khánh hòa giai đoạn 1977 1988 (Trang 55 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)