Tình cảm xã hộ i

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác phẩm văn học việt nam trong chương trình trung học cơ sở nhìn từ giá trị đạo đức (Trang 100 - 115)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.2. Tình cảm xã hộ i

Từ ngàn xưa, dân tộc Việt Nam đã có truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái dù trong thời chiến hay thời bình. Câu nói “Bà con xa không qua láng giềng gần”, “tối lửa tắt đèn có nhau” vẫn giữ nguyên giá trị. Cuộc sống có thể nghèo về vật chất, nhưng cái tình, cái nghĩa lại đầy ắp trong từng con người Việt Nam. Đọc truyện Lão Hạc, ta bắt gặp bao con người, bao số phận, bao mảnh đời đáng thương, bao tấm lòng đáng trọng. Giữa bóng tối cuộc đời cùng quẫn sau xóm làng quê bùn lầy nước đọng, ta vẫn tìm thấy ít nhiều ánh sáng tâm hồn nhân hậu, chứa chan tình thương yêu. Bên cạnh nhân vật Lão Hạc là ông giáo, một nhân vật để lại bao ấn tượng đối với chúng ta về tình làng nghĩa xóm. Ông giáo là một trí thức có trái tim nhân hậu rất đáng quý. Ông là người bạn sớm hôm, là chỗ dựa tinh thần, là niềm an ủi, tin cậy của Lão Hạc. Ông giáo thường san sẻ bao nỗi đau, nỗi buồn của lão Hạc: khi nhờ đọc hộ một lá thư, nhờ viết hộ một lá thư cho đứa con trai đi phu đồn điền; tâm sự về mảnh vườn và chuyện đứa con trai “phẫn chí” không lấy được vợ; san sẻ về nỗi đau sau khi bán cậu Vàng cho thằng Mục, thằng Xiên,…họ san sẻ cho nhau, lúc thì một điếu thuốc lào, khi một bát nước chè xanh hay một củ khoai lang… họ tắt lửa tối đèn có nhau. Ông giáo đã đồng cảm, đã

thương xót, đã san sẻ với lão Hạc với tất cả tình làng nghĩa xóm. Không chỉ an ủi, mà còn tìm mọi cách để ngấm ngầm giúp khi biết lão Hạc đã nhiều ngày ăn rau, ăn khoai, ăn củ ráy… Trong lúc đàn con của ông giáo cũng đang đói nheo đói nhóc; cái nghĩa cử “lá lành đùm lá rách” ấy mới cao đẹp biết nhường nào! Cái chết dữ dội, đau đớn và bất thình lình của lão Hạc chỉ có ông giáo hiểu… Ông giáo khẽ cất lời than khóc trước vong linh người láng giềng hiền lành tội nghiệp. Trong giọt lệ là những lời hứa của một nhân cách cao đẹp, đáng trọng: “Lão Hạc ơi! Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt! Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão. Tôi sẽ cố giữ gìn cho lão. Đến khi con trai lão về,tôi sẽ trao lại cho hắn và bảo hắn: Đây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn; cụ thà chết chứ không chịu bán đi một sào…”.

Đồng hành với sự trưởng thành của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng là những áng văn thơ hào hùng ghi lại những chiến công hiển hách và tình đồng chí đồng đội của người lính trên tuyến đầu Tổ quốc. Người lính với tinh thần yêu nước, sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Với người lính, núi cao, vực sâu không ngăn được bước chân hành quân của các anh, đói khát, bệnh tật không làm làm các anh nhụt chí: “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh/ Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi/ Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá/ Chân không giày/ Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!” (Đồng chí, Chính Hữu, Ngữ văn 9, tập 1). Tình đồng chí là tình thương, sự cảm thông của những người lính trước khó khăn gian khổ. Dù là manh áo rách, dù là cái buốt lạnh cảm nhận được khi bàn chân không đi giày, nhưng hình ảnh “thương nhau tay nắm lấy bàn tay” đã minh chứng cho một tình đồng chí, tình tri âm, tri kỉ gắn kết sâu sắc. Trong gian khổ, giá rét, các anh vẫn hiên ngang sát cánh bên nhau, sẵn sàng chiến đấu: Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo.

Hình ảnh đó thực sự đặc sắc bởi nó mang ý nghĩa tượng trưng tinh tế và lột tả sự gắn kết với nhau trong khó khăn gian khổ của những anh bộ đội Cụ Hồ.

Từng đi qua hai cuộc kháng chiến, từng gắn bó keo sơn cùng nhau vượt qua hoàn cảnh ác liệt nơi chiến trường nên nhân vật anh Sáu Thu và bác Ba trong truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng đã để lại trong lòng người đọc tình cảm yêu mến. Là đồng đội của nhau nên họ chứng kiến và thấu hiểu cảnh ngộ của nhau, bác Ba rất hiểu cho nỗi khổ tâm của anh Sáu khi về thăm con: muốn được gần con, ôm lấy con, muốn được nghe con gọi tiếng “ba” cho thỏa lòng mong nhớ nhưng nào được. Bác Ba muốn giúp anh Sáu và bé Thu nên tìm cách gợi chuyện, khuyên nhủ, thậm chí dồn bé Thu vào việc buộc phải cất tiếng gọi “ba” nhưng bé Thu đáo để, cứng đầu chẳng những không gọi mà còn sáng kiến nghĩ ra cách lấy cái vá múc từng vá nước cơm ra khỏi nồi để cơm khỏi nhão và cũng để khỏi nhận anh Sáu là ba của mình. Bác ba cũng là người hiểu rõ nguyên nhân mọi hành động của anh Sáu lúc đánh bé Thu vì bé Thu hất cái trứng cá ra khỏi chén cơm để từ chối thẳng thừng sự chăm sóc của anh Sáu. Lúc chia tay, nhìn thấy cảnh hai cha con anh Sáu mới nhận ra nhau, quyến luyến không rời, bác Ba xúc động đến rơi nước mắt và nghĩ cách khuyên anh Sáu ở lại nhà với con vài hôm, nhưng vì công việc cấp bách của Cách mạng, họ đã phải chia tay trong lưu luyến, bùi ngùi. Lúc ở chiến khu, có lẽ bác Ba là người hiểu tâm trạng dằn vặt đau đớn của anh Sáu khi nghĩ mình đã lỡ tay đánh con. Nhìn thấy bạn mình mừng rỡ khi tìm được khúc ngà và tỉ mỉ ngồi cưa từng chiếc răng lược, mài bóng lên tóc và gò lưng khắc dòng chữ “thương nhớ tặng Thu, con của ba” lên chiếc lược, bác Ba càng thương anh Sáu nhiều hơn nữa. Họ dành cho nhau niềm tin tưởng sâu sắc. Một ánh nhìn của người bạn trong giây phút cận kề cái chết, bác Ba đã hiểu rõ ý nguyện rằng bạn muốn trao gửi kỉ vật cho đứa con gái thân yêu của mình. Mang trong lòng di nguyện của bạn, suốt bao năm ròng, bác Ba luôn

tìm tin tức về gia đình anh Sáu nhưng vô vọng, để rồi trong một lần tình cờ cùng đoàn cán bộ vượt sông, bác Ba đã được một cô giao liên dũng cảm, gan dạ giúp đỡ. Nghe kể lại câu chuyện, cô giao liên, bé Thu ngày nào đã nhận ra bác Ba, thế là kỉ vật đã được trao gửi tận tay. Dường như tình đồng đội thiêng liêng cao cả, thủy chung son sắt đã giúp hai bác cháu nhận ra nhau và bác Ba đã nhận bé Thu làm con nuôi, xem con của đồng đội như con của chính mình! Thế là bác Ba đã sống trọn vẹn nghĩa tình với người đồng chí đồng đội của mình, nơi suối vàng anh Sáu cũng sẽ mỉm cười hạnh phúc trước nghĩa cử cao đẹp này của đồng đội mình.

Nối tiếp bản anh hùng ca về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, với tài năng, tâm huyết và sự từng trải của mình, Lê Minh Khuê đã góp thêm một bản nhạc rất đẹp về đề tài chiến tranh, về tình đồng chí đồng đội của những nữ thanh niên xung phong trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi (Ngữ văn 9, tập 2). Ba nữ thanh niên xung phong cùng có cùng mục đích, lí tưởng chiến đấu, cùng chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn. Những gian khổ, hiểm nguy trong những ngày sống dưới chân cao điểm trong một không khí chiến tranh tàn khốc, nên không biết tự bao giờ cả ba người con gái ấy Nho, Thao, Phương Định đã coi nhau như chị em ruột thịt trong gia đình. Họ hiểu được những sở thích tính tình của nhau: “Thao rất hay làm dáng, áo lót của chị cái nào cũng thêu chỉ màu và lông mày thì tỉa nhỏ như que tăm”, còn Nho thì trong con mắt của Phương Định cô rất trẻ con “trông nó nhẹ và mát mẻ như một que kem trắng”. Họ đặc biệt quan tâm, lo lắng cho nhau. Một lần, Thao cùng với Nho đi phá bom, Phương Định ngồi ở nhà một mình mà trong lòng vô cùng lo lắng lỡ như bạn mình không quay về: “Những gì đã qua, những gì sắp tới... không đáng kể nữa. Có gì lí thú đâu, nếu các bạn tôi không quay về”. Rồi một lần khác, cả ba chị em cùng đi phá bom nhưng lần đó chẳng may Nho bị thương, cái hầm cô nấp bị bom nổ sập. Nhìn máu túa ra từ cánh tay Nho, chị Thao, con người hằng ngày rất cương quyết và táo bạo cũng

không khỏi nghẹn ngào, lo lắng, cuống quýt. Thấy Nho nằm bất động, Thao sốt ruột đề nghị gọi điện về đơn vị báo tình hình yêu cầu cho người đến hỗ trợ, cấp cứu cho Nho. Còn Phương Định, tuy không nói gì nhưng trong lòng rất lo lắng cho bạn, cô cố làm mọi cách chăm sóc, băng bó vết thương của Nho, sợ nó bị nhiễm trùng sẽ khiến cho Nho càng thêm đau đớn. Cô “rửa cho Nho bằng nước đun sôi trên bếp than. Bông băng trắng. Vết thương không sâu lắm, vào phần mềm… Nho bị choáng, liền tiêm cho Nho, thay quần áo rồi đặt Nho nằm tinh tươm, sạch sẽ trên chiếc giường ghép bằng những thanh gỗ to”.

Những cô gái thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi hay các nhận vật trong Chiếc lược ngà, họ đã cháy hết mình ở tuổi thanh xuân cho đất nước với niềm tin và lí tưởng, họ đã sát cánh bên nhau trong những giây phút ở chiến trường khốc liệt. Điều gì đã giúp họ sống đẹp đến như vậy? Phải chăng sống trong một hoàn cảnh gian khổ nơi chiến trường họ đã tự bồi đắp cho mình bằng tình đồng chí đồng đội cao đẹp, giúp nhau có sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn. Gian lao thử thách khiến tình đồng chí đồng đội thêm keo sơn sâu sắc.

Những ai đã đi qua trong chiến tranh, họ thực sự sẽ rất trân quý tình đồng chí đồng đội, họ tự nhắc nhở nhau phải sống nghĩa tình với quê hương với những người bạn cùng chung lưng sát cánh nơi chiến trường. Đó là lời của người lính trong tác phẩm Ánh trăng (Nguyễn Duy, Ngữ văn 9, tập 2):

Trần trụi với thiên nhiên hồn nhiên như cây cỏ ngỡ không bao giờ quên cái vầng trăng tình nghĩa

Hình ảnh vầng trăng ấy là biểu tượng của những năm tháng nghĩa tình trong cuộc đời người lính, đó là vầng trăng tri kỉ, vầng trăng tình nghĩa trong cái không gian êm đềm và trong sáng của tuổi thơ, có cả cánh đồng, dòng

sông và bãi bể là nhưng nơi cất giữ bao kỉ niệm của một thời khó quên. Khi lớn lên, vầng trăng đã theo tác giả vào chiến trường để “chờ giặc tới”. Trăng luôn sát cánh bên người lính, cùng họ trải nghiệm sương gió, vượt qua những đau thương và khốc liệt của bom đạn kẻ thù. Người lính hành quân dưới ánh trăng dát vàng con đường, ngủ dưới ánh trăng, và cũng dưới ánh trăng sáng họ tâm sự để vơi đi bớt nỗi cô đơn, nỗi nhớ nhà. Trăng đã thật sự trở thành “tri kỉ” của người lính trong nhưng năm tháng máu lửa. Một tình bạn thật đẹp, thật cao cả trong suy nghĩ của người lính:

ngỡ không bao giờ quên cái vầng trăng tình nghĩa.

Nhưng rồi năm tháng gian khổ qua đi, người lính năm nào đã xa làng quê thanh bình của tuổi thơ về với thành phố cùng với những tiện nghi sinh hoạt:

Từ hồi về thành phố quen ánh điện cửa gương vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường.

Những kỷ niệm tuổi thơ hồn nhiên, những ngày khó khăn trong chiến trường cùng vầng trăng đã đi vào dĩ vãng. Người lính năm xưa đã vô tình lãng quên quá khứ, quên người bạn tri kỷ của mình. Dẫu bạn - đồng chí, có đi ngang qua ngõ thì cũng chỉ là một thoáng lướt qua. Một phần vô tâm của con người đã lấn át lí trí người lính. Nhưng trong một hoàn cảnh đặc biệt “Đèn điện tắt”, người lính phải giật mình sững sờ: “Đột ngột vầng trăng tròn”. Vầng trăng lại tìm đến và đối mặt với người lính, một sự xuất hiện không dự báo trước. “Người bạn ấy” không bao giờ bỏ rơi con người, không bao giờ oán giận hay trách móc con người vì họ đã quên đi mình. Vầng trăng ấy vẫn

rất vị tha và khoan dung, sẵn sàng đón nhận tấm lòng của một con người biết sám hối, biết hoàn thiện:

Trăng cứ tròn vành vạnh Kể chi người vô tình Ánh trăng im phăng phắc Đủ cho ta giật mình.

Quá khứ khi xưa hiện về nguyên vẹn. Trăng nghĩa tình vẫn tràn đầy, viên mãn, thuỷ chung “Trăng cứ tròn vành vạnh”. Trăng vẫn đẹp, quá khứ vẫn toả sáng đầy ắp yêu thương dẫu con người đã lãng quên. Trăng “im phăng phắc”, một sự lặng lẽ đến đáng sợ. Trăng không hề trách móc con người quá vô tâm nhưng có một sự khoan dung, độ lượng. Ánh trăng hay chính là quan toà lương tâm đang đánh thức một hồn người. Cái “giật mình” của người lính phải chăng là sự thức tỉnh lương tâm của con người? Nó như một hồi chuông cảnh tỉnh cho mỗi con người có lối sống quay lưng lại với quá khứ.

Có thể nói tình đồng chí, đồng đội được tôi luyện, thiết lập vững chắc qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và cho đến nay trở thành nét đẹp truyền thống, thành bản chất không thể phai mờ của các thế hệ chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ. Tình cảm ấy gây xúc động bao trái tim khi đây đó vẫn có hình ảnh những người lính già năm xưa vẫn tiếp tục đi tìm hài cốt đồng chí đồng đội của mình bị thất lạc trên khắp mọi miền Tổ quốc dù chiến tranh đã qua hơn 40 năm, dù tóc đã bạc, sức đã suy. Có lẽ, chính những hành động, tình cảm thiêng liêng ấy đã tiếp thêm cho chúng thế hệ thanh niên ngày nay sức mạnh, tình yêu để họ vững chắc tay súng bảo vệ biên cương, hải đảo trên khắp mảnh đất Việt Nam này.

Quê hương, làng xóm, tình đồng chí đồng đội là nghĩa tình, là nơi chúng ta đi về sau mỗi ấm lạnh của cuộc đời, là chỗ dựa về mặt tinh thần. Thế nhưng có mấy ai hiểu được hết như vậy. Có những người vừa cất bước ra đi

khỏi lũy tre, mảnh ruộng của quê nhà đã vội quên hết nghĩa tình quê hương, làng xóm, thậm chí quay lưng nghoảnh mặt khi gặp lại người quê mình hoặc đang sống trên mảnh đất quê mình nhưng không nhận ra vẻ đẹp của quê mình, thậm chí thờ ơ với sự có mặt của người trong gia đình, quê hương. Nhân vật Nhĩ trong Bến quê của Nguyễn Minh Châu (Ngữ văn 9, tập 2) đã từng có lối sống như thế.

Qua Bến quê, thông điệp Nguyễn Minh Châu đưa ra rất rõ: “Bến quê”- nơi neo đậu cuối cùng của cuộc đời mỗi con người, đó là những giá trị gần gũi, bình dị của quê hương. Cuộc sống có bao lần ta mắc phải cái “vòng vèo”, “chùng chình” của đường đời, hãy sống sao cho thật có ích, phải biết trân trọng những giá trị gần gũi, bình dị của quê hương bởi lẽ dù ta có đi đến nơi nào thì quê hương, gia đình vẫn là điểm dừng chân cuối cùng của cuộc đời mỗi con người. Tình yêu quê hương sẽ là nguồn sinh lực thúc đẩy mỗi chúng ta hướng tới những ước mơ, khát vọng đích thực trong hương thơm lộng gió của cuộc đời.

Tình cảm đạo đức có vai trò quan trọng trong việc thực hiện những hành động đạo đức. Nó vừa là động lực, vừa là năng lực đạo đức của con người, một yếu tố không thể thiếu trong yếu tố cấu thành nhân cách. Nếu không có tình cảm đạo đức thì con người khó mà có ý thức để thực hiện những hành động đạo đức. Lúc đó, con người sẽ không có nhu cầu thực hiện hành vi đạo đức và do vậy, họ sẽ thờ ơ trước cái thiện, vô cảm trước cái ác, thậm chí có thể trở thành kẻ gây ra tội ác, thành những kẻ bất lương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác phẩm văn học việt nam trong chương trình trung học cơ sở nhìn từ giá trị đạo đức (Trang 100 - 115)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)