Tác phẩm văn học nơi cái xấu, cái ác bị phê phán, phủ nhận

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác phẩm văn học việt nam trong chương trình trung học cơ sở nhìn từ giá trị đạo đức (Trang 27 - 32)

6. Cấu trúc luận văn

1.2.2. Tác phẩm văn học nơi cái xấu, cái ác bị phê phán, phủ nhận

Như trên đã nói, văn chương chân chính là văn chương vì con người, phục vụ người, văn chương ấy “ra đời trong những buồn vui của loài người và sẽ ở lại với loài người cho đến ngày tận thế” (Hoài Thanh). Văn chương ấy phải mang giá trị nhân đạo sâu sắc bởi nhà văn cũng chính là nhà nhân đạo. Những cây bút chân chính bao giờ cũng sáng tác dưới ánh sáng của tình cảm nhân đạo ấy. Thạch Lam từng giãi bày: “Đối với tôi, văn chương không phải mang đến sự thoát ly hay sự quên. Nó là thứ khí giới thanh cao và đắc lực để tố cáo một xã hội giả dối và tàn ác làm cho lòng người thêm thanh sạch”. Còn Nam Cao lại đưa ra quan niệm: một tác phẩm văn học có giá trị “phải vượt

lên mọi bờ cõi và giới hạn, nó ca ngợi tình thương, bác ái, sự công bình. Nó làm cho người gần người hơn”.

Bên cạnh việc phát hiện khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của con người, văn chương cần phải chỉ ra, lên án cái ác, cái xấu. Bởi vì trong sự muôn mặt của đời sống cái ác cái xấu là điều mà dẫu chúng ta không thích nó vẫn luôn tồn tại, có tác hại xấu đến đời sống. Văn học, với tư cách là một hình thái ý thức, không bỏ qua sự “phản chiếu”, ghi lại cuộc sống ở cả mặt tối. Có một điều chắc chắn rằng từ khi xã hội loài người bị phân chia thành giai cấp thì các xã hội luôn phải đương đầu với cái ác của con người. Và cũng từ khi văn học ra đời, thì một trong những nhiệm vụ đầu tiên của nó là phải chống lại cái ác. Những câu chuyện ngụ ngôn và những tác phẩm hài kịch từ thời cổ đại chính là một hình thức tham gia chống cái ác. Nhiều tác phẩm văn học thời Phục Hưng và cổ điển cũng tập trung chống cái ác, cảnh báo về sự hoành hành của cái ác và cái xấu…..

Đến thời cận hiện đại và hiện đại, văn học bắt đầu đi sâu lý giải cái ác. Tất nhiên ở đây là sự lý giải bằng hình tượng văn học - nghệ thuật, Balzac được coi là điển hình của dòng văn học này. Thời đại của Balzac là thời đại của chủ nghĩa tư bản đang lên. Trong thời đại đó, Balzac nhìn thấy rõ tác hại của thế lực đồng tiền. Đó là nguyên nhân về kinh tế - xã hội. Nhà văn Thuỵ Sĩ hiện đại Durrenmatt cũng phê phán thế lực đồng tiền cộng với thái độ vô cảm trong xã hội hiện đại.

Cái xấu, cái ác thời nào cũng có. Sức sống của chúng như cỏ dại, sống dai dẳng, diệt trừ không phải dễ. Trong văn học Việt Nam, từ truyện cổ tích, ca dao đến thơ ca ngày nay đều mang đặc tính ấy. Lý Thông trong truyện

Thạch Sanh là một hình tượng về cái xấu gian manh, xảo trá. Người anh trong truyện Cây khế đại diện cho lòng tham như cái thùng không đáy… đã trở thành những điển hình trong văn học dân gian. Mô-tip cuộc đấu tranh giữa cái

thiện và ác, tốt đẹp và xấu xa có nhiều trong truyện cổ nhân loại, như: Lọ Lem, Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn cũng là những bài học cảnh báo và răn dạy người ta tránh xa điều ác. Truyện Tấm Cám xây dựng hai tuyến nhân vật đối lập thuộc hai thái cực hoàn toàn trái ngược nhau. Mẹ con Cám là các nhân vật phản diện, là hiện thân của cái ác. Ở đây, tác giả dân gian khai thác, thể hiện sự tăng tiến của cái ác. Từ việc đối xử không công bằng với Tấm đến những âm mưu và hành động hãm hại Tấm, thậm chí lấy mạng cô Tấm. Chính sự gia tăng tội ác này mới đáng sợ. Qua quá trình gia tăng ấy, tác giả dân gian muốn hình thành ở người đọc sự căm ghét và phản đối ngày một quyết liệt hơn. Mặc dù trong phần lớn câu chuyện, cái ác, cái xấu liên tục thắng thế, chèn ép cái thiện, cái đẹp. Nhưng khi truyện kết thúc, độc giả vẫn hài lòng với sự bất diệt tất yếu của cái đẹp.

Mọi người khinh ghét Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến trong

Truyện Kiều vì nhận ra được bộ mặt thật của chúng qua các động tác thoáng qua: “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng” hay “Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào”. Nhờ sự yêu, ghét hay thương cảm cho các nhân vật mà từ đó, nhân cách dần được hình thành trong người đọc một cách tự giác, dần biến tư tưởng, tình cảm thoáng qua ấy thành nhận thức của người đọc.

Văn học chân chính qua bao thời đại vẫn giữ nguyên lập trường về cái xấu, cái ác, không bao giờ và không ở đâu cái xấu, cái ác lại được đề cao, trân trọng. Văn chương Trung đại đã có biết bao bản cáo trạng bằng thơ đanh thép tố cáo tội ác của quân xâm lược như Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”, đó là những tội ác “Trúc Lam Sơn không ghi hết tội”, nghìn đời không thể dung thứ. Tác giả của áng thiên cổ hùng văn đã thể hiện rất rõ thái độ căm hận đối với tội ác quân thù, giống như Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn khi xưa mang mối hận “chưa xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu” quân thù.

Cái ác trong văn chương hiện lên làm bất cứ người dân Việt Nam nào cũng phải trào sôi nỗi căm hận quân thù và xót thương cho số phận nhân dân ta.

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có hai tuyến nhân vật. Một bên là Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, bên kia là Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh... Cuộc đời Kiều long đong, tủi nhục, đau khổ vô cùng cũng là do sự vô nhân tính, độc ác của những kẻ xấu. Mối tình với Kim Trọng tan vỡ, Từ Hải bị hại, Kiều phải hứng chịu “biết bao gió dập sóng dồn”. Thông qua bản cáo trạng xã hội đặc biệt, Nguyễn Du lên án xã hội phong kiến và những thối nát, xấu xa của nó, bày tỏ lòng đồng cảm, xót thương với con người tài hoa, bạc mệnh. Bất cứ ai cũng không khỏi day dứt trước sự thiếu công bằng mà xã hội phong kiến dành cho người phụ nữ mà nhất là người phụ nữ tài hoa.

Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu ra đời năm 1983. Truyện viết về đời sống của những người lao động nghèo thời kì đất nước mới ra khỏi lửa đạn. Giai đoạn ấy, bóng đen thực dân đế quốc đã không còn, nhưng lại có những bóng đen khác đang đè nén con người: Nhà nhiếp ảnh Phùng tận mắt chứng kiến cảnh một người chồng đánh vợ mình bằng chiếc thắt lưng một cách tàn bạo. Lão chồng quật liên tiếp vào lưng vợ, vừa đánh vừa nghiến răng ken két, vừa đánh vừa nguyền rủa: “Mày chết đi cho ông nhờ! Chúng mày chết đi cho ông nhờ”, không phải chỉ một lần, người đàn bà còn bị đánh ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Với những lí do: thứ nhất là cái khổ “vụ bắc, cả gia đình toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối” và cứ khi nào cảm thấy khổ quá là lão lôi vợ ra đánh: thứ hai là sự bế tắc, vì không biết giải quyết cái khổ thế nào nên lão đàn ông tìm cách đánh vợ như một sự giải tỏa đối với anh ta; quan trọng nhất là lí do thứ ba, sự u mê về ý thức làm người, trong hoàn cảnh gian khổ khó khăn, đáng ra cả gia đình phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau thì đằng này họ lại hành hạ nhau. Bởi gã đàn ông đó cả đời lênh đênh trên biển, xa cách khỏi xã hội, hắn

không hiểu thế nào là sống cho ra con người. Từ sự lí giải đó, nhà văn đề nghị một cái nhìn thẳng thắn vào tình trạng xã hội, qua đó thể hiện mong muốn cải tạo đời sống con người trước hết là làm cho no ấm đời sống vật chất, sau đó hướng đời sống tinh thần đến cái thiện, cái đẹp.

Là một người nghệ sĩ, nhà văn phải có con mắt tinh đời để phát hiện ra bản chất cuộc sống nhưng bản chất vốn không thường lộ ra ngoài dễ thấy. Việc khai thác những mặt trái của xã hội đôi khi là thứ thuốc đắng dã tật. Khi phản ánh những “góc khuất”, những phương diện tiêu cực của đời sống, để có được những sản phẩm nghệ thuật chân chính, nhà văn phải đứng ở đỉnh cao của lí tưởng thẩm mĩ để soi chiếu. Nhà văn lấy tâm hồn cao đẹp của mình để nhìn vào bóng tối, vạch trần nó, phán xét nó, giống như Vũ Trọng Phụng bởi được giáo dục trong một môi trường gia giáo của người mẹ nên khi viết về cái dâm cái đểu có lẽ không ai sánh bằng là vì vậy. Ở một góc độ khác, cần phải nhớ rằng, một trong bốn biểu hiện quen thuộc nhất của chủ nghĩa nhân đạo (humanism) là lên án, tố cáo những thế lực đen tối chà đạp lên quyền sống, lên thân phận con người. Cố nhiên, khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện. Nếu viết về cái tiêu cực mà không có điểm tựa lí tưởng thẩm mĩ và nhất là định hướng thẩm mĩ, tác phẩm sẽ rơi vào chủ nghĩa dung tục. Có lẽ vì vậy mà chức năng nhận thức luôn gắn liền với chức năng thẩm mĩ là vì vậy.

Tác phẩm văn học là nơi cái đẹp được ngợi ca, cái xấu, cái ác bị phê phán, phủ nhận. Từ việc chỉ ra cái xấu, cái ác và sự xâm hại của nó đến cái đẹp, đến những giá trị cao cả, văn học giúp người ta yêu mến cái thiện, cái tốt, ghê tởm cái xấu, đồng thời giúp con người tránh xa cái xấu, vươn tới cái đẹp, cái thiện. Trong dòng chảy của nền văn học Việt Nam từ xưa đến nay, dù ở thời đại nào chăng nữa, có lẽ chức năng giáo dục đạo đức, đạo lí là yếu tố nổi trội nhất. Sở dĩ văn học gánh vác sứ mệnh này là vì trong mỗi tác phẩm văn

học thường chứa đựng những ý tứ về xây dựng nhân cách con người. Nền văn học Việt Nam cũng không nằm ngoài định hướng chung đó, vừa có những nét tương đồng, vừa có sự độc đáo, vừa có sự ảnh hưởng, kế thừa, vừa có yếu tố tiếp biến, đổi mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác phẩm văn học việt nam trong chương trình trung học cơ sở nhìn từ giá trị đạo đức (Trang 27 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)