Từ văn học truyền thống

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác phẩm văn học việt nam trong chương trình trung học cơ sở nhìn từ giá trị đạo đức (Trang 40 - 53)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.1. Từ văn học truyền thống

Tình yêu dành cho quê hương đất nước là một tình cảm luôn thường trực trong mỗi con người, tình yêu ấy xuất phát từ tình yêu gia đình, nhà cửa, xóm làng. Đó là tình cảm gắn bó với nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Đúng như nhà văn Nga I-li-a Ê-ren-bua đã từng nói: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von-ga, con sông Von-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc” (Ngữ văn 6, tập 2). Nhà văn cho rằng lòng yêu đất nước được hình thành trên cơ sở biểu hiện hết sức cụ thể, từ những việc làm nhỏ nhặt nhất góp lại. Nói một cách đơn giản hơn, yêu Tổ quốc, quê hương chính là yêu từ những điều giản dị, gần gũi nhất xung quanh cuộc sống chúng ta. Điều này có sự gặp gỡ với ý thơ trong bài Quê hương của Đỗ Trung Quân: “Quê hương là chùm khế ngọt/ Cho con trèo hái mỗi ngày/ Quê hương là đường đi học/ Con về rợp bướm vàng bay/…Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người.”

Quê hương ấy là nơi cất giữ bao truyền thống văn hóa đẹp của dân tộc Đại Việt: lòng yêu nước, ý chí kiên cường chống giặc ngoại xâm, tinh thần

tương thân tương thân tương ái, đoàn kết, tinh thần lạc quan, sự cần cù dũng cảm, thông minh sáng tạo, quý trọng hiền tài, lòng biết ơn, thành kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ… Đó là ý thức của người Việt gắn liền với giá trị nhân văn sâu sắc, được xuất phát từ mối thiện tâm trong mỗi con người và có sức lan tỏa rộng khắp trong mỗi gia đình, xã hội Việt Nam. Mỗi người dân Việt Nam đều có tình cảm gắn bó với quê hương xứ sở của mình. Với người lao động, nhất là người nông dân, họ đã gắn bó mật thiết với quê hương ngay từ lúc cất tiếng khóc chào đời, rồi tuổi thơ đẹp đẽ, những công việc lao động, rồi cuộc sống gia đình, cho tới lúc chết họ đã sống gắn liền với làng quê. Tình cảm yêu quê hương đất nước là một truyền thống tốt đẹp và đáng quý của dân tộc Việt Nam, dù có ở nơi xa nhưng mỗi người vẫn luôn nhớ về quê nhà của mình. Tình yêu quê hương đã ăn sâu vào máu thịt, đi sâu vào lòng mỗi con người. Vì vậy nếu ai chưa nhận thức, chưa có tình cảm gắn bó với xứ sở của mình thì hẳn họ chưa được coi là trưởng thành. Quê hương đi vào lòng con người một cách rất tự nhiên. Người ta có thể nhớ tới quê hương đất nước của mình chỉ qua một món ăn bình dị hay một địa danh đã gắn liền với những kỷ niệm đẹp… Tình yêu quê hương còn là yêu những gì thuộc về mảnh đất mà mình sinh ra ấy, yêu làng xóm, yêu những con đường sỏi đá, yêu nắng, yêu gió dù thời tiết khắc nghiệt. Hơn hết là yêu những con người thuộc về mảnh đất đó, thương dáng mẹ tảo tần nắng mưa, thương dáng cha nhọc nhằn sớm hôm. Đúng như một nhà văn đã nói: “Người ta có thể tách bước khỏi quê hương, nhưng không thề nào tách rời con tim mình khỏi quê hương được”. Như thế, yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê, là tình cảm hết sức tự nhiên của con người. Tình cảm ấy đã vốn có từ thuở ấu thơ qua những lời ru mẹ hát, qua câu chuyện cổ tích bà thường hay kể, trong những câu dân ca, đặc biệt là ca dao. Có lẽ người ta yêu quê là bắt nguồn từ yêu những điều giản dị gần gũi gắn bó trong sinh hoạt hàng ngày: bờ đê, gốc đa, giếng nước, ao làng…và

thậm chí là yêu cả những món ăn dân giã đậm chất quê mình để rồi người xa quê mãi nhớ nhung: “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương/ Nhớ ai dãi nắng, dầm sương/ Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”. Bao nhiêu cái ở gần thấy giản dị, khi đi xa đã “hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên). Khi đi xa, cái tình con người ta thường gửi lại ở quê nhà. Nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống, nhớ cà, tương, nhớ cha mẹ dãi nắng dầm sương, tất cả vì nhớ, vì thương mà biết ơn và kính trọng! Trong ca dao, ta tìm thấy tất cả những tình thương, nỗi nhớ với cảnh vật, con người ở quê hương. Quả thật, quê hương, gia đình luôn là nơi thiêng liêng, thân thương nhất trong sâu thẳm trái tim của mỗi con người.

Yêu quê hương không chỉ là sự gắn bó, gần gũi mà còn phải có trách nhiệm với quê hương, đó là trách nhiệm bảo vệ, gìn nước và giữ nước, xây dựng đất nước. Trách nhiệm ấy không của riêng ai mà của tất cả mọi người.

Truyền thuyết Thánh Gióng (Ngữ văn 6, tập1) với giá trị nội dung và nghệ thuật lớn lao đã làm rung động trái tim yêu nước của bao thế hệ. Thánh Gióng là một hình tượng nghệ thuật tuyệt đẹp, là truyện cổ tràn đầy tinh thần yêu nước. Với sự dẫn dắt tài tình, truyện đưa từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về cậu bé làng Gióng. Đầu tiên là sự kì lạ về quá trình ra đời của Gióng. Đến việc cậu bé đang nằm trên chõng, nghe sứ giả gọi loa báo tin nhà vua tìm người tài giỏi ra giết giặc cứu nước, Gióng bỗng cất tiếng nói và tiếng nói đầu tiên của cậu bé là tiếng nói nhận sứ mạng cứu nước. Cậu nhờ sứ giả tâu với vua xin cung cấp cho đủ phương tiện như nón sắt, giáp sắt, roi sắt, ngựa sắt để cậu tiêu diệt quân xâm lược. Để cho Gióng ba năm câm lặng, để cho Gióng nói lời nói đầu tiên là lời cứu nước, người xưa đã gửi gắm vào đó hình bóng của chính mình-những người dân cần cù, lam lũ, nói ít làm nhiều. Đã nói là lời nói hay, đã làm thì làm việc ích nước lợi nhà. Việc gặp sứ giả là cái mốc quan trọng trong đời Gióng. Sau đó, Gióng lớn nhanh như thổi, cơm

ăn bao nhiêu cũng không đủ no, áo vừa may xong đã chật. Mẹ không đủ gạo nuôi Gióng, cả làng phải xúm lại góp gạo, góp khoai nuôi cậu. Khi nhà vua cho mang đầy đủ các thứ đến, Gióng bỗng vươn vai trở thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ mặc giáp sắt, đội nón sắt, cầm roi sắt, cưỡi lên mình ngựa sắt. Ngựa sắt hí vang, phun lửa và phi như bay ra chốn trận tiền. Gióng dùng roi sắt quật, khiến giặc chết như ngả rạ. Ngựa phun lửa thiêu cháy quân thù. Roi gãy, Gióng nhổ từng khóm tre bên đường đánh tiếp. Giặc Ân tan tác phải tìm đường tháo chạy. Gióng đã chiến đấu và chiến thắng oanh liệt không chỉ bằng vũ khí mà cả bằng cây cối quen thuộc của quê hương. Sức mạnh của Gióng còn được nhân lên gấp bội bởi nhân dân đã truyền cho chàng sức mạnh vô song. Có thể nói truyền thuyết Thánh Gióng là một bài ca yêu nước nồng nàn và hình tượng Thánh Gióng là kết tinh truyền thống yêu nước của dân tộc ra. Không phải ngẫu nhiên mà tiếng nói đầu tiên của Gióng là tiếng nói yêu nước, hành động đầu tiên của Gióng là hành động cứu nước. Tất cả những chi tiết ấy đều nhằm vào mục đích ca ngợi tinh thần bất khuất chống xâm lăng của cả cộng đồng dân tộc Việt. Sức mạnh vô địch của Gióng cũng chính là sức mạnh vô địch của nhân dân trong chiến tranh giữ nước. Sau khi Gióng về trời, nhà vua phong chàng danh hiệu cao quý là Phù Đổng Thiên Vương. Còn dân chúng biết ơn chàng đã lập miếu thờ và suy tôn là Thánh Gióng.

Truyện Thánh Gióng mang nhiều yếu tố kì ảo, hoang đường nhưng những yếu tố ấy làm nên vẻ đẹp lấp lánh, cuốn hút của truyện. Đó chính là tác phẩm của trí tưởng tượng bay bổng của người xưa. Người xưa muốn gửi gắm vào hình tượng Thánh Gióng lòng yêu nước nồng nàn và khát vọng chiến thắng ngoại xâm dù chúng đông và mạnh đến chừng nào. Đồng thời, truyện cũng biểu lộ quyết tâm không gì lay chuyển nổi của nhân dân ta trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của non sông yêu dấu. Chính điều đó đã làm nên một Thánh Gióng bất tử đi vào tâm thức người Việt một cách tự

nhiên dẫu thời gian biến đổi vạn vật. Gióng - Phù Đổng Thiên Vương là anh hùng văn hóa sinh từ thời cổ đại, tiền sử. Trong quá trình phát triển của cư dân Việt, vị anh hùng văn hóa ấy thường được gắn với các sự kiện lớn, được sử hóa bất tử trong tâm tưởng người Việt. Huyền thoại ấy đã và đang sống hiện hữu trong cuộc sống hiện đại. Mỗi người Việt Nam hẳn không quên huyền thoại bất tử này. Trong tâm thức của người dân đất Việt, Thánh Gióng là hào khí của bản hùng ca hoành tráng từ ngàn xưa vọng lại; là niềm tự hào, kính trọng về sức mạnh đoàn kết của dân tộc trong việc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.

Thực tiễn lịch sử mấy nghìn năm gìn nước và giữ nước của dân tộc ta đã cho thấy tâm hồn và bản lĩnh, tình yêu thương và ý chí người Việt trong những tác phẩm văn học dân gian truyền thống hay trong những trang văn thơ ngời ngời khí chất cha ông trong văn học thời trung đại. Trải qua bao biến thiên thời đại, lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam vẫn sừng sững những hình ảnh đẹp về những con người mang chí khí nam nhi tỏ rõ lòng yêu nước: Lí Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi…

Cách đây hơn một thiên niên kỉ, năm 1077, khi quân xâm lược nhà Tống hùng hổ kéo sang xâm lược nước ta, người anh hùng Lí Thường Kiệt cùng quân dân ta chặn đánh quyết liệt trên trận tuyến sông Như Nguyệt, kết thúc với chiến thắng vẻ vang. Bài thơ “Thần” (Nam quốc sơn hà, Ngữ văn 2, tập 1) ra đời như một bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên khẳng định chủ quyền độc lập, ý chí và quyết tâm giữ nước của người Việt:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Mở đầu tác phẩm, tác giả đã khẳng định một cách sắt đá. Điều đó đã trở thành bất di bất dịch: nước Nam là của vua Nam, của dân Nam “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”, một sự quả quyết chắc chắn. Lí Thường Kiệt đã rất khéo léo trong việc lấy uy quyền của trời để xác nhận một cách vững chắc chủ quyền độc lập của dân tộc. Thực chất là ông mượn tư tưởng phong kiến để biện hộ cho ý tưởng của mình. Trên cơ sở đó rõ ràng quyền lợi của dân tộc, của đất nước đã được đặt lên trên hết. Tác giả đứng ở tư thế của những người chiến thắng, tư thế của một dân tộc quật cường mà dồn kẻ thù vào chân tường của sự phi lí. Chúng là phi nghĩa, chúng đã làm trái lẽ trời; vậy trời sẽ không dung tha và sự thất bại cuối cùng của chúng là không tránh khỏi: “Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”- đó là sự định đoạt số phận của kẻ xâm lược. Kẻ thù sẽ bị tiêu diệt vì chúng dã tâm làm một việc phi nghĩa, xâm phạm đến một đất nước có chủ quyền. Bài thơ vang lên tiếng nói của công lí, của chính nghĩa, tiếng nói tự lập tự cường hào hùng của dân tộc ta, là bản anh hùng ca bất diệt của non sông đất nước toát lên khí phách quật cường của hào khí tiến công. Bài thơ xứng đáng là một bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc, đã chứng tỏ rằng một dân tộc dù nhỏ bé nhưng anh dũng, can trường và có một truyền thống đấu tranh bảo vệ độc lập thì luôn đủ sức mạnh chiến thắng kẻ thù to lớn, bất kể chúng từ phương nào tới.

Thế kỉ XIII, với hào khí Đông A của đời nhà Trần một lần nữa ghi lại những nét son oanh liệt sáng chói trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Trong hào khí ngất trời với quyết tâm “sát thát” một lòng chống giặc ngoại xâm ấy, nổi lên hình ảnh những đấng nam nhi “thời loạn” tuyệt đẹp. Tháng 9 năm 1284, Trần Quốc Tuấn với vai trò vị tổng chỉ huy đã trăn trở và viết Dụ chư tì tướng hịch văn (Hịch tướng sĩ, trích Ngữ văn 8, tập 2) để kêu gọi các binh sĩ nhận thấy trách nhiệm con dân với đất nước, không lơ là việc quân, ngủ quên trong chiến thắng, ra sức rèn luyện binh lực đánh giặc. Trong lời

hiệu triệu, Trần Quốc Tuấn đã sử dụng một giọng điệu, cách viết rất phong phú, phù hợp. Khi thì ông lấy tấm gương của người đời xưa để răn dạy lòng trung quân, khi thì dùng cách “khích tướng”, lúc thì chỉ trích lối sống cầu an hưởng lạc của các tướng sĩ, có khi lại an ủi, vỗ về đối với đối tượng... Đấy chính là nghệ thuật độc đáo của người làm tướng, biết kết hợp lý tình, cương nhu. Mặc dù được cử làm tiết chế thống lĩnh nhưng Trần Quốc Tuấn không dựa vào quyền uy mà lấy việc thu phục nhân tâm làm kế sách, nghĩa là ông muốn phát huy tối đa tinh thần tự nguyện để người cầm vũ khí vì lí tưởng vì đạo lí mà từ bỏ lối sống an nhàn hưởng lạc, sẵn sàng giết giặc lập công. Cách nhìn, cách nghĩ của Trần Quốc Tuấn sâu sắc biết nhường nào.

Với Thuật hoài, hai mươi tám từ đúc gọn trong bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, Phạm Ngũ Lão đã khắc vào lịch sử sừng sững bức tượng đẹp vô cùng về người nam nhi mang lý tưởng yêu nước tuyệt vời:

Hoành sóc giang san cáp kỷ thu Tam quan tỳ hổ khí thôn ngưu Nam nhi vị liễu công danh trái Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

Đỉnh cao của sự chiến thắng không chỉ đối với quân giặc mà còn là chiến thắng của sự đoàn kết, đồng lòng giữa quân và dân, vua, quan và nhân dân cả nước. Trong khí thế hừng hực ấy, Phò giá về kinh (Trần Quang Khải) cũng được ra đời. Bài thơ ca ngợi chiến thắng hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông với những trận đánh lẫy lừng ở Hàm Tử và Chương Dương. Trong chiến trận, có thương vong, quân giặc bị ta tiêu diệt, giết chết, đuổi chạy khá nhiều. Cái hay của bài thơ là không hề nói tới cảnh máu chảy, đầu rơi, mà chỉ nhắc hai hành động “đoạt sáo”, “cầm Hồ”. Cách nói ấy nhẹ mà sâu, biểu hiện rõ mục đích chiến đấu của

dân tộc ta không phải là chém giết mà là giành lại nền độc lập, bắt kẻ thù phải quy thuận, trả lại non sông, đất nước cho ta. Không chỉ vậy, bài thơ còn thể hiện khát vọng thái bình thịnh trị của dân tộc, niềm tin mãnh liệt vào sự ổn định muôn đời của đất nước: “Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ thử giang san”.

Tiếp nối truyền thống quý báu của dân tộc, thế kỉ XV, nhân dân ta đã tiếp tục viết nên những trang sử chói lọi trong sự nghiệp chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc chống lại quân Minh xâm lược. Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã đứng lên lãnh đạo toàn dân làm một cuộc khởi nghĩa ròng rã mười năm trời, và kết thúc thắng lợi vẻ vang. Cuộc khởi nghĩa ấy đã đi vào văn học qua áng văn Đại cáo bình Ngô bất hủ tràn đầy tinh thần tự hào dân tộc.

Ở thiên hùng văn Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi, Ngữ văn 8, tập 2), khái niệm về Tổ quốc, giang sơn không chỉ còn bó hẹp trong khái niệm ông vua và ông trời mà đã bao hàm một nội dung rộng lớn hơn: Tổ quốc là nhân dân. Vì thế, không cần viện dẫn thần linh, Nguyễn Trãi chinh phục lòng người bằng chính lịch sử và bằng chính chiến công trong hiện tại với một quan điểm nhân nghĩa đúng đắn: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”- quan điểm vô cùng nhân đạo và cao thượng thể hiện ở thế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác phẩm văn học việt nam trong chương trình trung học cơ sở nhìn từ giá trị đạo đức (Trang 40 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)