Tác phẩm văn học – Những điển hình về lẽ sống làm người

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác phẩm văn học việt nam trong chương trình trung học cơ sở nhìn từ giá trị đạo đức (Trang 32 - 38)

6. Cấu trúc luận văn

1.2.3. Tác phẩm văn học – Những điển hình về lẽ sống làm người

Văn chương không chỉ có chức năng nhận thức thế giới mà còn có chức năng cải tạo thế giới. Tác dụng cải tạo của văn chương là một thuộc tính tất yếu, là một đặc điểm mang tính quy luật, tính bản chất. Tính giáo dục của văn chương là làm thay đổi hoặc nâng cao tư tưởng, quan điểm, nhận thức của con người theo chiều hướng tiến bộ, giúp con người từ chỗ tán thành đến hành động theo lí tưởng nhân vật hoặc lí tưởng tác giả bằng những hình tượng nghệ thuật sinh động và hấp dẫn, giúp con người phân biệt được tốt xấu, đúng sai, từ đó xác định cho mình một thái độ một lập trường nhất định theo những điều đã hấp thụ qua tác phẩm. Chức năng giáo dục của văn chương được thể hiện ở tư tưởng của nhà văn trong việc nhận thức và phản ánh hiện thực. Tác phẩm văn chương là sản phẩm ý thức nhà văn, là kết quả hoạt động có mục đích của nhà văn, qua tác phẩm người sáng tác bao giờ cũng gửi gắm ký thác, truyền đạt một cái gì đó cho người đọc. Ðó là quan điểm, tư tưởng và những lời giải đáp trước hiện thực cuộc sống. Những gửi gắm ấy làm rung động người đọc, giúp họ nhận thức được đúng đắn cuộc sống và khiến họ đi đến những suy nghĩ, hành động đúng. Giáo dục đạo đức ở sáng tạo văn chương mang một đặc trưng riêng khác với các lĩnh vực khác, văn chương phản ánh đạo đức qua lăng kính thẩm mĩ, bằng chất liệu ngôn từ nên nó không còn là những bài giáo huấn khô khan mà là những thưởng thức mang phong cách nghệ thuật.

Văn học dân tộc nào cũng vậy, nội dung nhân đạo là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi thời kì, giai đoạn. Văn học Việt Nam cũng không nằm ngoài đặc

điểm ấy. Có thể thấy ở mỗi bộ phận văn học dân tộc, tính nhân văn luôn được kể đến. Từ khi có con người và xã hội loài người thì những mối quan hệ giữa con người với con người, con người với tự nhiên, con người với chính bản thân mình luôn nảy sinh và “Đạo làm người” là một trong những vấn đề cốt lõi trong nội dung nhân đạo của nền văn học Việt Nam là vì vậy. Nguyễn Trãi có câu thơ: “Trừ độc, trừ tham, trừ bạo/ Có nhân, có trí, có anh hùng”. Đó chính là “Đạo làm người” của người quân tử. Nguyễn Trãi vừa cổ vũ cho quan niệm đạo đức phong kiến, nhưng đồng thời thơ ông còn đặt ra trách nhiệm cho người quân tử: luôn hành đạo giúp đời, diệt trừ cái xấu, cái ác để “yên dân”.

Đại thi hào Nguyễn Du đã từng nhấn mạnh và khẳng định tư tưởng sáng tác của mình: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Truyện Kiều). Nguyễn Đình Chiểu cũng từng viết: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Ngòi bút sáng tạo nghệ thuật của các tác gia văn học đều hướng đến chân – thiện – mĩ, phải biết “chở đạo, đâm gian”, “trừ tà, nâng trí”. Bằng cách này hay cách khác, văn học luôn hướng con người đến những tình cảm đạo đức cao đẹp. Nhiều tác phẩm lên tiếng ca ngợi vẻ đẹp của con người, sẻ chia với nỗi thống khổ của những con người bất hạnh, lên tiếng tố cáo các thế lực chà đạp lên giá trị của con người và bênh vực quyền sống của con người qua các tác phẩm tiêu biểu như

Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ, Sở kiến hành, Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh, Long Thành cầm giả ca của Nguyễn Du, Văn tế Trương Quỳnh Như của Phạm Thái...

Mỗi tác phẩm là một khúc, là một hồi chuông kêu cứu thống thiết cất lên tự đáy lòng của nhà văn trước những mảnh đời bất hạnh, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Lòng nhân, đạo làm người được thể hiện đầy đủ, hàm súc qua hai câu mở đầu Truyện Kiều: “Trải qua những cuộc bể dâu/

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Đó là những tấm gương sáng của đức nhân trong văn học. Bên cạnh chữ “Nhân”, chữ “Nghĩa” cũng là một trong những điều quan trọng mà đức Khổng Tử cho là hết sức cần thiết của mỗi người. Nghĩa là ân nghĩa, ân tình, nghĩa khí (nhân nghĩa, nghĩa vua tôi, nghĩa tào khang), tri ân (trả ơn), thi ân (làm ơn, phước) có tình nghĩa và cư xử tử tế với mọi người...Điều này thể hiện khá rõ qua thơ văn Nguyễn Trãi và trong ý một nhà thơ “ngất ngưởng” như Nguyễn Công Trứ, ông vẫn không quên cất lên lời ca trong lối hát nói: “Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung”. “Đạo làm người” trong văn học Trung đại cũng phản ánh các mối quan hệ trong xã hội, định hình làm thước đo phẩm chất của con người, đặc biệt là người quân tử. Văn học nói nhiều đến chữ “Trung”, coi đây là phẩm chất quan trọng bậc nhất của người quân tử, nhà Nho, văn nhân... Họ lĩnh hội quan niệm “trung quân ái quốc” - trung với vua là yêu nước. Nguyễn Trãi có nhiều câu thơ nói về đạo trung, trung quân: “Bui một tấc lòng trung với hiếu/ Mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen”; “Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuộn cuộn nước triều đông/ Hằng lấy đạo trung làm nghĩa cả/ Qua ngày qua tháng được an nhàn”. Khi xã hội đã mục nát, vai trò của người đứng đầu không thực hiện được trách nhiệm chăm lo cho con dân, con dân thống khổ, chiến tranh xảy ra, chữ “trung” nghiêng về cách hiểu khác: “Người trung thần, tòng đạo bất tòng quân”, hoặc phủ nhận tư tưởng “trung quân ái quốc”: “Dân là dân nước, nước là nước dân” (Phan Bội Châu). Hình tượng Từ Hải trong Truyện Kiều, ngoài ý nghĩa là mơ ước tự do và công lí của Nguyễn Du, nó còn có tác dụng khơi dậy ở người đọc ý chí độc lập tự do, ý thức không cam tâm làm nô lệ, ý thức tháo củi sổ lồng đạp bằng mọi bất công ở con người.

Sáng tác thơ văn không chỉ để chở đạo đức, đạo lý mà còn làm ra thứ vũ khí để chiến đấu với kẻ gian tà, độc ác trong xã hội. Đó là chính đạo trong

văn chương. Càng về cuối thời kì văn học Trung đại, quan niệm về “Đạo làm người” của các nhà văn càng gần gũi với quan niệm của người bình dân. “Đạo làm người” xa dần các tiêu chí của kinh điển Nho gia và đạo lý phong kiến, giảm dần tính chính trị, tính quan phương. Thay vào đó, trong tư tưởng của các nhà văn, tư tưởng Nho giáo dần được mài giũa, thẩm thấu qua lớp lọc văn học dân gian. Từ đó, trong sáng tác của họ, “Đạo làm người” là hướng đến cuộc sống đề cao chữ “Nghĩa” coi trọng chữ “Tình”.

Hình tượng Thúy Kiều (Truyện Kiều), Lục Vân Tiên (Lục Vân Tiên), Vũ Nương (Truyền kì mạn lục) giáo dục con người ta lòng hiếu nghĩa với cha mẹ, lòng chung thủy vợ chồng, ý thức luôn luôn khơi dậy trong cuộc sống. Hiếu thảo với ông bà cha mẹ là một truyền thống đạo đức đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, không chỉ văn học dân gian mà ngay cả văn học Trung đại đều thể hiện đức hiếu với những nội hàm giống nhau. Biểu hiện của chữ “hiếu” trong văn học hết sức phong phú, đa dạng.

Hiếu đễ là đức tính đặc trưng của nền văn hóa phương Đông, là nền tảng của đạo lý làm người được diễn tả trong phương châm: “Bách hạnh dĩ hiếu vi tiên” (Trăm tính nết, hiếu đứng đầu). Đối với người Việt Nam từ xa xưa, hiếu vừa là một tình cảm tự nhiên vừa là một giá trị thiêng liêng được giao kết hài hoà trong tâm thức dân Lạc Việt, hun đúc nên đạo lý và tâm tình cao quý của con Lạc cháu Hồng. Do đó, hiếu không chỉ là một nhân đức mà là đạo Hiếu. Đạo Hiếu trong truyền thống gia đình và văn hoá Việt Nam có một vị trí cao trọng. Năm 1407, quân nhà Minh (Trung Hoa) khiêu chiến thắng trận, hoàng tử Hồ Quý Ly cùng triều thần trong đó có thân phụ của Nguyễn Trãi là Phi Khanh bị bắt đưa sang Trung Quốc. Nguyễn Trãi đi theo cha để giữ tròn đạo Hiếu. Đến biên thùy là Ải Nam Quan, Nguyễn Phi Khanh khuyên con trở về tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha, mới là hiếu thảo! Nguyễn Trãi vâng lời cha, trở về tham gia nồng nhiệt phong trào khởi

nghĩa Lam Sơn, thu phục nhân tâm, lật đổ nhà Minh, ra đời bản Bình Ngô Đại Cáo - bản Anh hùng ca kiêm Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc Đại Việt.

Tiểu kết chương 1.

Qua tìm hiểu phần lí thuyết chung về đặc trưng của văn học và vấn đề giáo dục trong văn học, chúng tôi nhận thấy rằng: văn học rất cần thiết với đời sống con người nhưng càng có vai trò vô cùng to lớn hơn nữa trong việc giáo dục toàn diện nhân cách trẻ em, cả về đạo đức, trí tuệ và thẩm mĩ. Vì sao vậy? Bởi xuất phát từ đặc điểm lứa tuổi, tính giáo dục được coi là một trong những đặc trưng cơ bản của văn học dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Nhà văn Tô Hoài đã khẳng định tầm quan trọng của chức năng này: “Nội dung một tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi bao giờ cũng quán triệt vấn đề xây dựng đức tính con người…một tác phẩm chân chính có giá trị đối với tuổi thơ là một tác phẩm tham dự mạnh mẽ vào sự nghiệp nên người của bạn đọc ấy”. Hay nhà văn Võ Quảng, người đã để tâm sức cả đời sáng tác cho lứa tuổi thanh thiếu niên cũng tâm niệm: “Văn học cho thanh thiếu niên còn đặt ra vấn đề chính yếu thứ hai, đó là vấn đề giáo dục: giáo dục cái hay, cái đẹp. Người viết cho thanh thiếu niên là một nhà văn nhưng đồng thời cũng là một nhà giáo muốn các em trở nên tốt đẹp. Quan điểm sư phạm và văn học thiếu nhi là hai anh em sinh đôi”. Để thực hiện tốt chức năng giáo dục, tác phẩm văn học phải thực sự là người bạn đồng hành, người đối thoại với các em. Nhà văn không thể nói với các em những lời thuyết giáo khô khan mà phải bằng những hình tượng nghệ thuật, bằng ngôn ngữ giản dị trong sáng để khơi gợi, dẫn dắt các em tìm hiểu, khám phá thế giới. Văn học phải mang lại cho các em cái đẹp, cái chân, cái thiện. Nên biết rằng những ảnh hưởng của văn học tới các em là một quá trình lâu dài và bền bỉ, nó tác động từ từ; những giá trị nhân văn của nó có thể tạo nên sức mạnh, ảnh hưởng sâu sắc tới sự hình thành và phát triển nhân cách, giúp trẻ có những tình cảm, thái độ và hành vi đúng đắn. Xuất phát

từ mục đích giáo dục nhân cách trẻ, những nhà giáo dục, những nhà biên soạn SGK chương trình Ngữ văn THCS đã ưu tiên cho tiêu chí giáo dục đạo đức (tình cảm công dân, tình cảm cá nhân) nhằm định hướng sự phát triển nhân cách cho HS trong xu thế mới của thời đại.

Chương 2

TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM

TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG HỌC CƠ SỞ VỚI VẤN ĐỀ GIÁO DỤC CON NGƯỜI CÔNG DÂN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác phẩm văn học việt nam trong chương trình trung học cơ sở nhìn từ giá trị đạo đức (Trang 32 - 38)