Tình cảm gia đình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác phẩm văn học việt nam trong chương trình trung học cơ sở nhìn từ giá trị đạo đức (Trang 83 - 88)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.1. Tình cảm gia đình

Tình cảm gia đình là một tình cảm đặc biệt thiêng liêng đối với mỗi con người. Gia đình chính là điểm tựa quan trọng, là môi trường để con người nuôi dưỡng và rèn luyện nhân cách. Ngay từ xa xưa, ông cha ta vẫn luôn dặn dò nhắc nhở con cháu muôn đời về giữ gìn truyền thống tình thương yêu chia sẻ trong gia đình, trong cộng đồng dân tộc. Hệ thống bài ca dao, tục ngữ giáo dục tình yêu thương, lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình được thể hiện rất nhiều: “Bà con vì tổ vì tiên, không ai bà con vì tiền vì

gạo”; “Ngó lên nuộc lạt mái nhà, bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”; “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”; “Anh em như thể tay chân, rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”; “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”; “Anh em nào phải người dưng, cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân” (Ca dao - dân ca Việt Nam, Ngữ văn 7, tập 1).

Với cách nói dân dã, dễ hiểu, với âm điệu thiết tha, sâu lắng cùng lối ví von so sánh đặc trưng, những câu thơ lục bát đã thể hiện nỗi vất vả mà cha mẹ phải chịu đựng để nuôi dưỡng các con trưởng thành, nhớ đến cơm cha áo mẹ chăm chút cho các con từ ngày bé cỏn con đến khi lớn khôn thế này, nhắc nhau lòng kính trọng, biết ơn, sự hòa thuận sum vầy. Lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà không khô khan, khuyên nhủ mà không giáo huấn, ca dao chính là tiếng lòng mang chở cả tư tưởng, triết lý đạo đức của nhân dân, trở thành viên ngọc quý trong kho tàng văn học Việt Nam.

Bên cạnh việc gián tiếp nêu lên những hiện thực bất công phi lý của xã hội phong kiến, Truyện Kiều của Nguyễn Du (các trích đoạn trong Ngữ văn 9, tập 1) còn là những bài học hay về lòng hiếu thảo, về ứng xử khoan dung, độ lượng đậm tình người qua nhân vật Thúy Kiều. Nàng Kiều của Nguyễn Du đã bán mình cứu cha cho vẹn chữ hiếu: “Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha”. Mười lăm năm lưu lạc, Thúy Kiều vẫn không nguôi thương nhớ song thân: “Xót người tựa cửa hôm mai/ Quạt nồng ấp lạnh lấy ai đó giờ?/ Sân Lai cách mấy nắng mưa/ Có khi gốc tử đã vừa người ôm”. Trong cảnh ngộ đau đớn nhất, nơi cất khách quê người, số phận mình không biết sẽ ra sao, tại họa sẽ ấp đến lúc nào nhưng Kiều như quên đi nỗi đau của chính mình chỉ để nghĩ đến công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, lo lắng cho cha mẹ tuổi già sức yếu không lấy ai là người chăm sóc chu toàn. Ngay cả hiện tại lúc bị nhốt tại lầu Ngưng Bích lẫn sau này khi dấn thân làm kĩ nữ chốn lầu xanh, lúc nào nàng cũng lo nghĩ về đấng sinh thành: “Nhớ ơn chín chữ cao sâu/ Một ngày

một ngả bóng dâu tà tà/ Dặm nghìn nước thẳm non xa/ Nghĩ đâu thân phận con ra thế này?”. Nàng Kiều quên đi hiện tại tủi nhục của thân mình để nghĩ đến người thân. Qủa thật, trong bất cứ cảnh ngộ nào, Kiều vẫn đặt nặng chữ tình, sống vị tha, chưa bao giờ vị kỉ sống riêng cho cá nhân mình, nàng đã từng cân nhắc “bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn”. Viết về chữ hiếu trong văn học có rất nhiều song có lẽ chữ hiếu trong Truyện Kiều của Nguyễn Du thì thật đặc sắc và khác biệt. Dù vận dụng những điển cố, ước lệ nhưng chữ hiếu của nhân vật Thúy Kiều vẫn rất thật, rất chân tình và gây bao xúc động, không gây khó hiểu cho người đọc. Dạy Truyện Kiều là dạy cho học sinh lẽ hiếu thuận, sự chung thủy, sự khoan dung ấy. Bởi hiếu thuận là đạo đức hàng đầu của con người, nếu ta không hiếu thuận với bậc làm cha mẹ của chính chúng ta thì ta sẽ không thể làm được điều gì khác cho tốt đẹp hơn. Tương tự vậy, làm người nếu thất tín, thiếu thủy chung có lẽ sẽ không có lấy một người bạn tâm ý.

Tấm lòng trọn tình vẹn nghĩa của nàng Vũ Thị Thiết trong Chuyện người con gái Nam Xương, trích Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ (Ngữ văn 9, tập 1) cũng đã giáo dục sâu sắc lòng hiếu kính cha mẹ đến HS THCS. Các em hiểu rõ sự tận tâm, tận lực, hết lòng chăm sóc phụng dưỡng, thuốc thang, lễ bái thần phật, lo liệu ma chay tế lễ với người mẹ chồng vắn số ở nhân vật Vũ Nương. Cái tình ấy quả có thể cảm thấu cả trời đất cho nên trước lúc chết người mẹ già ấy đã trăng trối những lời yêu thương, động viên, trân trọng con dâu. Lời trăng trối của bà mẹ trước khi nhắm mắt chính là lời ghi nhận nhân cách và đánh giá cao công lao của nàng đối với gia đình nhà chồng “Sau này trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã không phụ mẹ”. Với quan hệ mẹ chồng - nàng dâu như vậy, Vũ Nương thực là một nàng dâu hiền thảo! Nàng đã làm tất cả không phải chỉ vì trách nhiệm mà còn vì xuất phát từ chữ

tình, chữ nghĩa thực sự trong lòng. Mẹ chồng chứng kiến và trời xanh kia chứng giám cho tấm lòng hiếu hạnh của nàng. Chừng đó đã đủ cho nàng thành gương sáng của đạo Hiếu. Với con, nàng làm tròn trách nhiệm là người mẹ hiền, sinh con và chăm sóc con một mình khi chồng chinh chiến xa nhà. Với chồng, Vũ Nương sống trọn vẹn chữ tình, dù xa chồng nhưng Vũ Nương chờ chồng, thủy chung trước sau như một, không một chút tà tâm, hay thay lòng đổi dạ, yếu lòng với ai đó. Nàng luôn thấu hiểu cho những gian nan vất vả của chồng nơi chiến trận, nghĩ đến chồng không phút giây ngơi nghỉ: “mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi thì nỗi buồn góc bể, chân trời không thể nào vơi được”. Tác giả đã diễn tả thật tinh tế chân thực nỗi niềm nhớ nhung, mong mỏi kín đáo, âm thầm mà da diết của Vũ Nương. Chính vì thương nhớ người đi xa, sợ con thiếu vắng tình cha nên luôn cố gắng bù đắp cho con bằng cái bóng. Vũ Nương đã nói dối con, chỉ vào cái bóng của nàng hằng đêm xuất hiện trên vách là cha bé. Trẻ con thơ ngây tin lời mẹ. Việc làm ấy của nàng đâu chỉ là đơn thuần chỉ để chơi đùa nói với con mà còn là lời nói với lòng mình để tự an ủi mình, nàng tưởng tượng ra trong căn nhà nhỏ bé của hai mẹ con lúc nào cũng có hình bóng của Trương Sinh, ý nghĩ ấy làm vơi đi nỗi cô đơn trống trải trong lòng nàng. Vì nhớ chồng nên nhìn đâu cũng thấy bóng dáng chồng - đây là quy luật tâm lí của tình yêu lứa đôi, khi đã nhớ thương thì “hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình” (Nguyễn Du).

Nhớ chồng, thủy chung với chồng là chính chuyên, là tiết hạnh. Chỉ vì chuyện hiểu lầm mà Trương Sinh đã đẩy vợ vào cái chết oan nghiệt với tội danh thất tiết. Thanh danh của nàng đã không còn, không có cơ hội thanh minh cho danh dự, Vũ Nương đành lựa chọn, tìm đến cái chết để bày tỏ nỗi oan khiên, để minh chứng sự trong sạch của mình. Bản năng con người vốn là ham sống. Hẳn Vũ Nương đã rất tha thiết với cuộc sống, nàng đang ở tuổi thanh xuân, lại càng không muốn chết, nàng lựa chọn chết chứ không muốn

tiếp tục sống trong sự nghi ngờ, phải mang tiếng là thất tiết. Hành động trẫm mình xuống sông Hoàng Giang của nàng được xem là minh chứng cho tấm lòng trọn nghĩa vẹn tình của nàng với người thân, sự phản kháng quyết liệt cuối cùng của nàng với thói gia trưởng của người đàn ông trong gia đình xưa.

Nhân vật Lục Vân Tiên lại cũng là người con hiếu thuận với mẹ hiền. Vì chữ hiếu, chàng bỏ cả cơ hội thi cử, quay về thọ tang mẹ dù cơ hội công danh đang đến gần. Tiếc thương mẹ, khóc đến mù đôi mắt... Được sống sót từ sông sâu, hố thẳm, về bên mộ mẹ, chàng cất lên những lời nghẹn ngào đến đứt ruột: “Tưởng bề nguồn nước cội cây/ Công cao ngàn trượng ngãi dày chín trăng”. Học gương người xưa, chàng tưởng nhớ chín chữ cù lao. Ơn nghĩa sinh thành như nguồn nước cội cây, người quân tử sao quên báo hiếu. Giữa đường gặp chuyện bất bình, chàng sẵn lòng ra tay cứu giúp dù chỉ tay không trong khi đối phương là đảng cướp Phong Lai hung dữ khét tiếng, người đông, vũ khí nhiều. Cảm tấm lòng của chàng, Kiều Nguyệt Nga cũng nguyện sống rất trọn tình vẹn nghĩa. Trước khi biết đến chàng Lục, nàng thực sự đã là người con hiếu thảo với cha mình “Làm con đâu dám cãi cha/ Ví dầu ngàn dặm đường xa cũng đành”. Bởi hiếu hạnh, nàng đâu ngại đường xa nguy hiểm cho tấm thân ngà ngọc. Bởi trọng chữ tình, nàng tự họa bức chân dung chàng trai họ Lục và luôn mang cạnh mình; khi bị ép đi cống xứ Ô Qua, nàng chọn cách quyên sinh để giữ tròn trinh tiết, thủy chung cùng người yêu…

Tóm lại, trong xu thế hiện nay của xã hội, đạo đức gia đình đang có nguy cơ rạn nứt, các giá trị truyền thống, các chuẩn mực xã hội đang bị lệch chuẩn thì việc giáo dục lối sống trọn nghĩa vẹn tình với người thân trong gia đình là cần thiết nhằm hạn chế những cảm xúc tiêu cực của các em, uốn nắn các em thành những đứa con hiếu thảo, thành những công dân có đạo đức. Mỗi cá nhân đều là thành viên của một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, được giáo dục tốt sẽ là nền tảng để xây dựng một xã hội văn minh và bền vững.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác phẩm văn học việt nam trong chương trình trung học cơ sở nhìn từ giá trị đạo đức (Trang 83 - 88)