6. Cấu trúc luận văn
1.2.1. Tác phẩm văn học nơi tôn vinh những phẩm chất tốt đẹp
Từ bao đời nay, văn học luôn lấy con người làm tâm điểm phản ánh và vẻ đẹp con người kết tinh nên tác phẩm hay. Có phải vì thế mà có ý kiến cho rằng: “Tác phẩm văn học chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo”. Hay “Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi đến của văn học” (Tố Hữu). Đích đến của cuộc hành trình văn chương muôn thuở chính là cuộc sống của con người. Ra đời từ đời sống, văn học chân chính mang thiên chức lớn lao cao cả – đó là trở về bồi đắp thêm phần phù sa màu mỡ cho cuộc đời, làm đẹp thêm con người.
Tác phẩm Những người khốn khổ của V. Huy-gô vượt qua thời gian vẫn đã cho người đọc biết rằng: Bao nhiêu con người khốn khổ kia đang kêu đòi một cuộc sống tốt đẹp hơn, dù khốn khổ nhưng họ vẫn khát khao được sống lương thiện, được cứu giúp người khác. Chẳng phải V. Huỵ-gô đã nâng con người lên khỏi những nghèo đói tăm tối để thắp sáng cho họ tình yêu thương cao cả sao?
Chúng ta đồng cảm cùng Đỗ Phủ nỗi đau cao cả trong Mao ốc vị thu phong sở phá ca (Bài ca nhà tranh bị gió thu phá). Tuy nhà thơ có nỗi đau cho riêng mình vì nhà bị gió thu tốc mái, mình cùng vợ con phải chịu cảnh mưa lạnh suốt đêm trường nhưng trên tất cả là nỗi đau chung: Ước có ngôi nhà chắc chắn ngàn vạn gian để không chỉ cho riêng ông mà cho tất cả người dân nghèo hèn, đói rách đều không phải chịu cảnh đói rét. Một tấm lòng vị tha, một tinh thần nhân đạo cao cả vĩ đại đã làm nên một ao ước vĩ đại mà ngàn đời trân trọng.
Trở về văn học dân tộc, ta thêm yêu kính Nguyễn Du, người đã bằng kiệt tác Truyện Kiều nâng con người khỏi những ràng buộc khắt khe của lễ
giáo phong kiến vô hình đang ngăn cản con người đến với tình yêu, đưa con người vượt qua bao đau khổ với vẻ đẹp của chữ tình, chữ nghĩa, chữ hiếu, chữ nhân, vẻ đẹp của một trái tim nhân đạo lớn. Tài năng của Nguyễn Du không phải chỉ là thành công trong miêu tả cảnh, tả người hoặc ở chỗ phản ánh chân thực những nỗi đau đứt ruột của con người mà là yêu thương, sẻ chia, đồng cảm, trân trọng, nâng đỡ, làm đẹp thêm cho tấm lòng nàng Kiều, cho Kim Trọng, cho Từ Hải…cho con người nói chung. Giá trị của tác phẩm nghệ thuật này là kết quả sáng tạo của người nghệ sĩ bậc thầy, có tấm lòng nhân đạo lớn lao.
Xã hội cũ có nhiều cái tốt, nhất là trong cuộc sống của người lao động, người trí thức, viên chức, dù bị cuộc sống xô đẩy, vùi dập họ vẫn giữ được nhân cách. Trên cơ sở những mẫu người rất thật, các nhà văn đã tái hiện, miêu tả được nhiều nhân cách trong văn học. Đó là thầy giáo Thứ trong Sống mòn
của Nam Cao, trong cảnh chết mòn vẫn là người cần mẫn trong sạch, tin vào ngày mai. Đó là nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, nhân vật khí phách không chịu khuất phục cường quyền. Đó là chị Dậu, người phụ nữ nông dân nghèo đức hạnh và có bản lĩnh. Đó là một Chí Phèo điển hình cho những người nông dân đau khổ sau lũy tre làng Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Chí Phèo của Nam Cao không chỉ bị dồn vào “bước đường cùng”, mà buộc phải bán cả linh hồn và thể xác của mình để trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, bị cướp cả nhân tính, nhân cách, bị đẩỵ ra ngoài cộng đồng người. Từ một anh canh điền hiền lành chất phác trở thành một thằng sắn đá, một con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Chí Phèo chính là linh hồn đau khổ của làng Vũ Đại. Tình người được Nam Cao thể hiện rất sâu nặng qua cuộc tình Thị Nở - Chí Phèo. Có ai đó từng nói: Chỉ với năm ngày thôi nhưng Chí Phèo đã sống rồi chết như một con người. Thị Nở xấu ma chê quỷ hờn lại mang trong mình một tình yêu lạ lùng dành cho Chí Phèo - con quỷ dữ
của làng Vũ Đại. Người ta cứ cho rằng tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-ét mới thực sự là tình yêu. Nhưng sẽ vẫn là tình yêu dẫu cho người đàn ông có là Chí Phèo – từng chỉ biết uống rượu cho say và đập đầu, rạch mặt ăn vạ và dẫu cho người đàn bà có là Thị Nở – vừa xấu ma chê quỷ hờn, vừa xác xơ nghèo lại vốn có dòng mả hủi. Năm ngày yêu đương kia là một phép thử để nhận ra trong Chí Phèo vẫn còn khát khao làm người lương thiện. Hương cháo hành do Thị Nở tự tay nấu và bón cho Chí trong buổi sáng đầu của chuỗi ngày quấn quýt là minh chứng cho khát vọng trở lại làm người lương thiện của Chí. Nam Cao đã nâng Chí Phèo lên, tôn vinh sự nỗ lực sống của con người.
Tóm lại, thời nào cũng vậy, sứ mệnh cao cả của văn học nghệ thuật, của người nghệ sĩ là thông qua tác phẩm nghệ thuật kết nối muôn triệu trái tim phát hiện những phẩm chất thánh thiện, thức tỉnh lương tri, hướng con người đến những giá trị cao đẹp. Tuy nhiên không phải chỉ tôn vinh con người, có những tác phẩm văn học trào phúng, nhười ta chỉ nói đến những điều xấu xa của con người, vạch trần bộ mặt giả dối của một lớp người nhưng đó vẫn là những tác phẩm chân chính tôn vinh những phẩm chất tốt đẹp, hướng cho con người đến cái đẹp, đến chân – thiện – mĩ.