3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ Ý NGHĨA THỰC TIỄN
3.3.2. Thực trạng cơ sở hạ tầng của khu tái định cư
3.3.2.1. Thực trạng cơ sở hạ tầng của khu tái định cư xã Hồng Thượng
Khu tái định cư dự án thủy điện A Lưới tại xã Hồng Thượng được xây dựng từ năm 2007. Theo Quyết định số 526/QĐ-UBND ngày 03 tháng 3 năm 2008 của ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt dự án thì khu tái định cư được cam kết
xây dựng hệ thống hạ tầng bao gồm các hệ thống đường giao thông, hệ thống điện trung hạ thế, hệ thống thoát nước, hệ thống cấp nước sinh hoạt, hệ thống thủy lợi, nhà ở, trường học mẫu giáo, trường học tiểu học, trường trung học cơ sở, nhà họp thôn, trạm y tế, chợ, sân thể thao và nghĩa trang….Tính đến năm 2019, sau 12 năm xây dựng thì cơ sở hạ tầng của khu tái đinh cư đã có nhiều hạng mục công trình. Điều này được thể hiện qua bảng 3.7.
Bảng 3.7. Thực trạng hệ thống cơ sở hạ tầng của khu tái định cư xã Hồng Thượng
STT Tên công trình Đơn vị tính
Số lượng
Năm xây
dựng Ghi chú
1 Đường giao thông Km 5 2010 Chiều rộng 3 m và đã được bê tông hóa
2 Hệ thống điện Km 2 2010 Điện đến tận hộ dân và có hệ thống điện chiếu sáng dọc đường 3 Hệ thống cấp nước sinh hoạt Km 2,5 2010 Đường ống về đến tận nhà các hộ dân 4 Hệ thống thoát nước Km 2,5 2010 Đường cống làm bằng bê tông 5 Nhà ở Nhà 259 2010 Nhà xây cấp 4, lợp tôn
6 Trường mẫu giáo Trường 01 2010 3 phòng/ 48m2/ phòng 7 Trường tiểu học Trường 01 2010 5 phòng/ 48m2/ phòng 8 Trường trung học
cơ sở Trường 01 2010 5 phòng/ 48m2/ phòng 9 Nhà họp thôn Nhà 03 2010 Nhà xây, lợp tôn 10 Trạm y tế Trạm 1 2010 Nhà xây, lợp tôn
11 Chợ Cái 0
Trong Quyết định phê duyệt có 1 chợ nhưng chưa được xây dựng.
12 Sân thể thao Sân 0
Trong Quyết định phê duyệt có 1 sân thể thao nhưng chưa được xây dựng
13 Nghĩa trang cái 0
Trong Quyết định phê duyệt có 1 nghĩa trang nhưng chưa được xây dựng
Số liệu bảng 3.7 cho thấy, hiện tại khu tái định cư xã Hồng Thượng đã có 10 công trình được triển khai thực hiện và 3 công trình đến nay vẫn chưa được xây dựng là chợ, sân thể thao và nghĩa trang. Thông tin của các công trình tại khu tái định cư được thể hiện cụ thể như sau:
- Đường giao thông: Hệ thống đường giao thông của khu tái định cư có 15 tuyến đã được xây dựng từ năm 2010 với chiều dài là hơn 5 km và chiều rộng mặt đường là 3 m. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế hiện nay cho thấy nhiều tuyến đường đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng cần được khắc phục, nâng cấp và sửa chữa.
- Công trình điện và nước: Tại khu tái định cư có 1 trạm hạ thế 100 KVA với tổng chiều dài điện cao thế là 1000 m, điện đã kéo về tận nhà của các hộ dân đảm bảo có điện chiếu sáng và phục vụ sinh hoạt là 100%. Năm 2018 được sự quan tâm của huyện đoàn A Lưới, công ty thủy điện Miền Trung và của chính quyền địa phương đồng thời có sự đóng góp của người dân nên khu tái định cư đã xây dựng được hệ thống điện chiếu sáng dọc các trục đường chính với chiều dài là hơn 2 km, tổng kinh phí đầu tư là 54 triệu.
Trước năm 2015 các hộ dân của khu tái định cư sử dụng nước tự chảy (miễn phí) tuy nhiên, chất lượng nước kém, thường xuyên thiếu nước. Với tình hình đó, đến năm 2015 công ty cổ phần cấp nước Thừa Thiên Huế đã đầu tư lắp đặt đường ống dẫn nước và trạm cấp nước cho các hộ dân để đảm bảo có nước sinh hoạt cho các hộ dân.
- Hệ thống thoát nước: khu tái định cư có 4 tuyến đường cống thoát nước với chiều dài là 2,5 km dẫn nước thoát ra sông A Sáp.
- Nhà ở: Tại khu tái định cư có 259 nhà xây, lợp tôn được bàn giao cho các hộ dân sử dụng từ năm 2011. Tuy nhiên, chất lượng nhà ở không được tốt, không sàn lấp mặt bằng xung quanh nhà ở, không múc đất ta luy sát nhà, nhà bị nứt nẻ, dột và bị thấm nước vào mùa mưa do vậy đã gây rất nhiều khó khăn cho đời sống của người dân.
- Trường học: Tại khu tái định cư có trường mầm non với 03 phòng học rộng 144 m2, trường tiểu học với 05 phòng học rộng 240 m2, trường trung học cơ sở có 03 phòng học rộng 240 m2. Các trường này được bàn giao sử dụng từ năm 2011. Tuy nhiên, tại thời điểm bàn giao các trường học đều thiếu sân bê tông, thiếu hàng rào. Riêng trường trung học cơ sở không đưa vào hoạt động (năm 2015 đã chuyển cho hội người mù huyện A Lưới làm nơi tổ chức các lớp dạy nghề cho người mù trên địa bàn toàn huyện) nên con em của các hộ dân nơi đây phải đi học ở trường xa hơn 7 km so với nơi ở.
- Nhà họp thôn: Khu tái định cư có 3 nhà họp thôn, trong đó ở thôn A Xáp có 1 nhà và thôn A Đên có 02 nhà. với tổng diện tích là 216 m2
bàn giao và đưa vào sử dụng từ năm 2011. Tuy nhiên, tại thời điểm bàn giao cả 3 nhà họp thôn đều thiếu công trình vệ sinh, sân bê tông và thiếu hàng rào. Riêng nhà họp thôn A Xáp đã bị hư hỏng, nứt nẻ, sụt lún và xuống cấp nghiêm trọng không đưa vào sử dụng từ năm 2016 để đảm bảo an toàn cho người dân. Với tình hình thực tế và điều kiện cần phải có nhà họp thôn để phục vụ nhu cầu họp hành, sinh hoạt của các hộ dân trên địa bàn, vào năm 2017 từ nguồn vốn 135, huyện A Lưới đã đầu tư xây mới 1 nhà họp thôn có đầy đủ sân bê tông và hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn, tổng diện tích là 150 m2 cho thôn A Xáp với tổng vốn đầu tư là 500 triệu đồng.
- Trạm y tế: Tại khu tái định cư xã Hồng Thượng có 1 trạm y tế với 4 phòng và tổng diện tích là 200 m2. Tuy nhiên, từ khi bàn giao công trình chưa đưa vào sử dụng, do trạm y tế này luôn bị thiếu trang thiết bị y tế cần thiết và thiếu đội ngũ y, bác sĩ khám, điều trị và chữa bệnh tại trạm. Điều này đã gây khó khăn rất lớn cho người dân của khu tái định cư trong việc khám và chữa bệnh. Cụ thể, khi cần khám và chữa bệnh người dân phải đến trạm y tế xã Hồng Thượng cách khu tái định cư hơn 6 km hoặc về khám, chữa bệnh tại trạm xã Phú Vinh (cách khu tái định cư hơn 4 km). Từ năm 2015 trạm y tế đã bàn giao cho thôn làm nơi sinh hoạt cho các ngành trong thôn.
- Chợ, sân thể thao và nghĩa trang: Hiện tại các công trình này đều chưa được xây dựng tại khu tái định cư. Nguyên nhân là do khi bố trí quỹ đất đã được thu hồi để tái định cư, chủ dự án chưa quy hoạch đất giành riêng để xây dựng chợ, sân thể thao, nghĩa địa dẫn đến hiện nay không có quỹ đất để xây dựng, chưa có sự phối hợp giữa chủ dự án và địa phương trong quy hoạch đất đai và nguồn kinh phí để xây dựng, điều đó thể hiện sự thiếu trách nhiệm, chưa quan tâm của chủ dự án và địa phương, trong khi đó thì phương án quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt là có các công trình này nhưng thực tế khi triển khai thực hiện đã bị bỏ qua.
Với việc các công trình gồm chợ, sân thể thao và nghĩa trang chưa được xây dựng đã tạo nên những khó khăn rất lớn đến sinh kế của người dân. Cụ thể, người dân phải tốn nhiều kinh phí, thời gian đi lại để di chuyển hơn 7 km để đến chợ mua các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cho đời sống hằng ngày. Điều này gây khó khăn cho các hộ dân ở khu TĐC, đặc biệt là đối với những hộ gia đình không có phương tiện đi lại (xe máy), người già phải nhờ người thân, hàng xóm hay phụ thuộc những người bán hàng rong mới có được nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cho đời sống hằng ngày của gia đình.
Do thiếu sân thể thao nên người dân của khu tái định cư bị thiếu nơi tập luyện và thiếu địa điểm tổ chức các hoạt động thể thao. Điều này chưa đảm bảo cho việc rèn luyện sức khỏe, giải trí. Đây là sự thiếu hụt rất lớn đối với đời sống, sức khỏe của mỗi người dân, gia đình tại khu TĐC.
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số việc an táng người thân trong khu nghĩa địa tập trung rất quan trọng với họ, bởi sẽ thuận lợi trong việc trông coi, tảo mộ. Tuy nhiên do ở khu tái định cư không có nghĩa địa nên trong nhiều năm qua khi có người thân qua đời người dân vẫn an táng, chôn cất tại nơi ở cũ. Điều này đã gây khó khăn cho việc đi lại, chăm sóc và bảo vệ, người dân cảm thấy không an tâm. Bên cạnh đó, do nơi ở của người dân và nơi chôn cất khác nhau nên điều này cũng đã gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý của cả 2 xã Hồng Thượng và Hồng Thái.
Nhìn chung, hiện nay cơ sở hạ tầng của khu TĐC xã Hồng Thượng như đường, trường, trạm và nhà họp thôn đã bị hư hỏng, xuống cấp và không đưa vào sử dụng; công trình như chợ, sân thể thao và khu nghĩa địa vẫn chưa được xây dựng như phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Điều này gây nhiều bức xúc trong người dân, gây nhiều khó khăn, trở ngại trong việc đi lại, giao lưu buôn bán, trong sinh hoạt hằng ngày, gây khó khăn rất lớn đến đời sống và việc phát triển kinh tế của mỗi gia đình và của địa phương. Vì thế mà tình trạng chung hiện nay có nhiều hộ đã bán đất, nhà cửa để sinh sống nơi khác… Bên cạnh đó nhân dân trong khu tái định cư có sự khác biệt về dân tộc, ngôn ngữ cũng như tôn giáo nên gây khó khăn cho họ trong việc hòa nhập với cộng đồng dân cư.
3.3.2.2. Thực trạng cơ sở hạ tầng của khu tái định cư xã Hồng Hạ
Khu tái định cư xã Hồng Hạ được xây dựng từ năm 2014. Theo Quyết định số 1821/QĐ-UBND, ngày 28 tháng 9 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt dự án, khu tái định cư được cam kết xây dựng hệ thống hạ tầng bao gồm các hệ thống đường giao thông, hệ thống điện trung hạ thế, hệ thống thoát nước, hệ thống cấp nước sinh hoạt, hệ thống thủy lợi, nhà ở, nhà họp thôn, trường mầm non…Tính đến năm 2019, sau 5 năm xây dựng thì cơ sở hạ tầng của khu tái định cư đã có nhiều hạng mục công trình. Điều này được thể hiện qua bảng 3.8.
Bảng 3.8. Thực trạng hệ thống cơ sở hạ tầng của khu tái định cư xã Hồng Hạ
STT Tên công trình Đơn vị tính Số lượng Năm xây dựng Ghi chú
1 Trường mầm non Nhà 1 2014 Nhà xây, lợp tôn
2 Hệ thống điện Km 3,158 2014
Đường dây điện về các hộ dân và có điện chiếu sáng trục đường chính của thôn 3 Hệ thống cấp nước sinh hoạt Km 1,50 2014 Ống dẫn nước tự chảy đến các hộ dân 4 Nhà ở Nhà 26 2014 Nhà gỗ, nhà tạm, nhà xây
5 Đường giao thông Km 1,0 2016
Đã được bê tông hóa với chiều rộng bề mặt đường là 4 m
6 Nhà họp thôn Nhà 0
Trong Quyết định phê duyệt dự án có, nhưng hiện tại chưa có
7 Sân thể thao Cái 0
Trong Quyết định phê duyệt dự án có, nhưng hiện tại chưa có
Nguồn: Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và số liệu khảo sát thực địa
Qua số liệu tại bảng 3.8 cho thấy, hiện tại khu tái định cư xã Hồng Hạ đã có 5 công trình đã triển khai thực hiện và đang đưa vào sử dụng, cụ thể.
- Công trình cấp điện: Khu tái định cư có hệ thống đường dây 35KV với tổng chiều dài là 3,158 km. Bên cạnh đó, tuyến đường chính vào khu tái định cư đã được đầu tư hệ thống chiếu sáng với chiều dài là 1 km.
- Hệ thống đường giao thông liên thôn: Được xây dựng vào năm 2016 với chiều dài 1 km bề rộng 4m, tổng mức đầu tư 2,1 tỷ đồng. Đến giai đoạn 2017 - 2018, khu tái
định cư đã được xây dựng mới đường giao mang cá Cu Mực – Kăn Hoa có chiều dài 1 km với tổng kinh phí 2 tỷ đồng từ nguồn vốn 135 của huyện A Lưới.
- Trường mần non: Trên địa bàn khu tái định cư có trường mầm non Cu Mực – Kăn Hoa có diện tích 40 m2
/1 phòng với tổng kinh phí đầu tư 651 triệu đồng .
- Nước sinh hoạt: Hiện tại khu tái định cư có hệ thống ống dẫn nước tự chảy đến các hộ dân với chiều dài 1,5 km.
- Nhà ở: 26 hộ ở khu TĐC đều tự xây dựng nhà ở, dự án có hỗ trợ 5 triệu (hình thức là hỗ trợ cột để làm nhà) và hỗ trợ vay vốn 12 triệu từ nguồn vốn của ngân hàng chính sách xã hội thuộc chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Qua khảo sát thực địa cho thấy đa số nhà ở ở đây là nhà tạm (lợp tôn, tường bằng phên với gỗ), nền đất và nền bê tông là chủ yếu, rất ít nhà có lát gạch hoa. Nhà xây kiên cố chiếm tỷ lệ dưới 15%.
- Nhà họp thôn, sân thể thao: Theo Quyết định phê duyệt dự án thì khu tái định cư xã Hồng Hạ được xây dựng 01 nhà họp thôn và 01 sân thể thao. Tuy nhiên hiện nay tại khu TĐC vẫn chưa có các công trình này.
Nhìn chung sau khi người dân được bố trí vào ở khu tái định cư, tuy đường sá đi lại thuận lợi, các công trình phục vụ đời sống được trang bị đầy đủ nhưng vì là nơi ở mới, xóm giềng mới chưa thân thiện, nơi ở mới còn lạ lẫm, vắng vẻ, cách xa trung tâm xã, biệt lập với các khu vực dân cư khác của xã, các dịch vụ mua bán còn thưa thớt, đất đai còn thiếu nên một số người dân vẫn thường xuyên trở về nơi cũ để sản xuất.