Lập tài khoản tiền gửi cho các hộ tham gia dự án

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá kết quả thực hiện dự án kfw6 trên địa bàn huyện tây sơn, tỉnh bình định (Trang 52 - 54)

3. Ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn

3.3.3. Lập tài khoản tiền gửi cho các hộ tham gia dự án

Để khích lệ, đồng thời cũng là sự ràng buộc về trách nhiệm của nông dân tham gia thực hiện dự án, dự án đã mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng cho các hộ nông dân. Hình thức mở tài khoản tiền gửi thanh toán tiền hỗ trợ công lao động thiết lập cho người dân tham gia thực hiện dự án. Đây là một ưu việt của dự án so với nhiều dự án đầu tư cho ngành lâm nghiệp khác.

Tài khoản tiền gửi được mở tại Chi nhánh ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện. Tài khoản tiền gửi (sổ tiết kiệm) sẽ được áp dụng để trả công lao động mà họ đã đầu tư. Các chi tiết về vận hành của các tài khoản tiền gửi được đề cập trong một hợp đồng ký giữa Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp và ngân hàng Chính sách xã hội trung ương.

Ngay sau khi các hộ tham gia dự án hoàn thành các khâu xử lý thực bì và phát băng cuốc hố, đánh dấu sơn cây mục đích... BQLDA huyện tiến hành nghiệm thu và làm thủ tục để mở tài khoản cho các hộ tham gia dự án. Chủ tài khoản là những chủ hộ tham gia trồng và KNXTTS rừng do dự án đầu tư, Kinh phí trong tài khoản được chia thành 6 lần rút và kéo dài trong 6 năm. Với thời gian này đảm bảo rằng buộc chủ rừng thực hiện trách nhiệm cho 1 diện tích thực hiện thành rừng. Đối với diện tích rừng thiết lập năm 2006, 2007: Lần rút thứ nhất, thứ hai, chủ tài khoản được rút 20% số tiền gốc và tiền lãi theo lãi suất từng năm; lần rút thứ 3, thứ 4, thứ 5 và thứ 6 mỗi lần được rút 15% gốc và lãi. Để tạo điều kiện cho các hộ dân có tiền đầu tư chủ yếu trong năm đầu tiên, từ năm 2008 dự án có sự điều chỉnh số tiền rút hàng năm: Lần rút thứ nhất 40% gốc và lãi, lần rút thứ 2 và thứ 3 mỗi lần 15%, lần rút thứ 4, thứ 5 và thứ 6, mỗi lần rút 10%.

Quá trình rút tiền định kỳ của các hộ nông dân tham gia dự án được BQLDA theo dõi chặt chẽ, thể hiện tại kết quả nghiệm thu của BQLDA huyện và phúc kiểm của BQLDA Tỉnh và TW về mức độ hoàn thành trồng, KNXTTS và chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng hằng năm của từng hộ làm cơ sở cho việc rút tiền từ TKTGCN. Như vậy, TKTGCN được mở và rút theo định kỳ khi các hộ hoàn thành nghĩa vụ của mình và được nghiệm thu đạt yêu cầu. Các hộ nông dân không hoàn thành nghĩa vụ sẽ bị tạm đình chỉ việc rút tiền (số tiền này vẫn được tính lãi theo lãi suất huy động vốn của Ngân hàng tại thời điểm đó). Trong thời gian đó, các hộ này vẫn phải tiến hành trồng và chăm sóc theo hướng dẫn của dự án, kết quả của các hoạt động đó sẽ được tiếp tục nghiệm thu đánh giá làm cơ sở cho rút tiền. Trong hai năm liên tiếp nếu hộ dân chăm sóc không đạt yêu cầu thì sổ tài khoản tiền gửi cá nhân của họ sẽ bị đóng vĩnh viễn.

Mức hỗ trợ công lao động biến động tuỳ thuộc vào từng đối tượng và chia thành 2 mức như sau:

- Đối với diện tích rừng thiết lập năm 2006, 2007:

+ Rừng trồng mới: Keo lá tràm lập địa D1 là 2.900.000 đồng/ha; Sao đen (Lập địa C và B), Xoan ta, Bời lời, Dó trầm là 3.400.000 đồng/ha.

+ Rừng Khoanh nuôi có trồng bổ sung và khoanh nuôi không trồng bổ sung: 2.000.000 đồng/ha ( Trên lập địa A1, A2).

- Đối với diện tích rừng thiết lập từ năm 2008 trở về sau:

+ Rừng trồng mới: Keo lá tràm lập địa D1 là 3.000.000 đồng/ha; Sao đen (Lập địa C) là 6.500.000 đồng/ha; Sao đen (lập địa B) là 5.000.000 đồng/ha.

+ Rừng Khoanh nuôi có trồng bổ sung là 3.500.000 đồng/ha; khoanh nuôi không trồng bổ sung: 3.000.000 đồng/ha.

Theo số liệu tổng hợp báo cáo của BQLDA huyện, tổng kinh phí đầu tư trực tiếp cho công thiết lập rừng thông qua tài khoản tiền gửi cho các hộ tham gia Dự án từ 2006 - 2014 được thể hiện cụ thể trong bảng 3.3 như sau:

Bảng 3.3. Thống kê TKTGCN của các hộ tham gia dự án huyện Tây Sơn từ năm 2006 đến

năm 2014

Diện tích

(ha)

Số hộ có tài khoản

Số tiền gốc trong tài khoản (đồng)

Tây Phú 606,23 397 1.537.514.000

Bình Nghi 772,88 417 2.341.435.000

Tây Thuận 343,06 186 1.053.165.000

Tổng 1.722,17 1.000 4.932.114.000

Nguồn: BQLDA huyện Tây Sơn, năm 2015

Theo bảng 3.3 tổng số TKTGCN đã được mở tại Ngân hàng Chính sách xã hội tại 3 xã của huyện Tây Sơn cho các hộ thiết lập rừng là 1000 tài khoản với tổng số tiền là 4.932.114.000 đồng. Bình quân mỗi tài khoản là trên 4,9 triệu đồng.

Việc chi trả tiền hỗ trợ công thiết lập rừng bằng việc mở tài khoản cá nhân tại Ngân hàng đã tạo cơ hội thuận lợi cho các hộ nông dân và đặc biệt là nông dân xã miền núi, vùng cao (xã Tây Phú và Tây Thuận) tiếp cận được với hệ thống ngân hàng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá kết quả thực hiện dự án kfw6 trên địa bàn huyện tây sơn, tỉnh bình định (Trang 52 - 54)