Các công trình nghiên cứu cảnh quan ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tiềm năng sinh thái tự nhiên dựa trên cơ sở GIS phục vụ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp ở huyện sơn hà, tỉnh quảng ngãi (Trang 25 - 27)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

1.2.2. Các công trình nghiên cứu cảnh quan ở Việt Nam

Ở nước ta từ những năm 80, 90 trở lại đây các công trình nghiên cứu cảnh quan cũng đã tập trung vào những vấn đề đánh giá tổng hợp tiềm năng tự nhiên, TNTN ở các vùng và các địa phương nhằm mục đích tìm ra các giải pháp để sử dụng hợp lý nguồn TNTN và bảo vệ môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Có thể kể đến các công trình đánh giá đất FAO (1993), Trần An Phong (1993), Nguyễn Đình Kỳ, Nguyễn Anh Hoành (2004); Các công trình nghiên cứu về phương pháp luận và đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên, TNTN của các nhà khoa học : Phạm Hoàng Hải, Nguyễn Thượng Hùng, Nguyễn Ngọc Khánh (1997); Nguyễn Thị Kim Chương (2001), Nguyễn Viết Thịnh (2002), Lại Vĩnh Cẩm, Trần Xuân Ý, Nguyễn Xuân Độ (2003); Nguyễn Cao Huần, Nguyễn An Thịnh, Phạm Quang Tuấn (2004), Trương Quang Hải (2004)...và rất nhiều luận án, luận văn đã thực hiện nghiên cứu, đánh giá cảnh quan ở từng lãnh thổ cụ thể.[6]

Có thể khẳng định rằng, tất cả các công trình nghiên cứu cảnh quan ở nước ta chủ yếu đều dựa trên nền tảng lý luận khoa học cảnh quan của trường phái nước Nga Xô Viết. Tuỳ vào từng giai đoạn phát triển và để đáp ứng nhu cầu thực tiễn mà nội dung các công trình nghiên cứu cảnh quan được thể hiện dưới các tiêu đề: "Phân vùng địa lý tự nhiên", "Cảnh quan địa lý", "Nghiên cứu cảnh quan", "Cơ sở cảnh quan", "Sinh thái cảnh quan", "Phân vùng cảnh quan", "Phân tích cảnh quan". Dựa vào sản phẩm phân hoá lãnh thổ thành các đơn vị cảnh quan theo tính cá thể chia ra hai giai đoạn phát triển cảnh quan học ở Việt Nam như sau:

Giai đoạn từ năm 1954 – 1980

Đặc điểm của giai đoạn này là phát hiện sự phân hoá lãnh thổ theo hệ thống phân vị theo hướng phân vùng địa lý tự nhiên, nghĩa là đi tìm các cá thể của các địa tổng thể. Đầu tiên phải kể đến công trình "Việt Nam" của T. N. Sêglova (1957). Tác giả đã chia các khu vực tự nhiên của Việt Nam theo một hệ thống phân vị đơn giản gồm 2 cấp vùng và á vùng, trong đó vùng được phân chia theo yếu tố khí hậu có kết hợp với yếu tố địa hình, kiến tạo, thực vật, còn chỉ tiêu cấp á vùng chủ yếu dựa vào yếu tố địa mạo. Tiếp theo là công trình "Thiên nhiên miền Bắc Việt Nam" của V.M. Fridlan (1961).

Sau 2 công trình phân vùng của tác giả nước ngoài nói trên là một loạt các công trình của các tác giả trong nước. Đầu tiên là " Địa lý tự nhiên Việt Nam " của Nguyễn Đức Chính - Vũ Tự Lập, trong đó các tác giả đã phân vùng với hệ thống phân vị gồm 6 cấp: đới → xứ → miền → khu → vùng → cảnh.

Trong giai đoạn này, có một công trình rất đáng chú ý về mặt lý luận và là giáo trình cơ bản cho sinh viên chuyên ngành cảnh quan, đó là tác phẩm "Cảnh quan địa lý miền Bắc Việt Nam" của Vũ Tự Lập (1976), trong đó tác giả đã đưa ra một hệ thống phân vị riêng, khá đầy đủ từ cấp lớn nhất đến cấp nhỏ nhất. Ưu điểm của hệ thống phân vị này là có sự kết hợp nhuần nhuyễn tính địa đới và phi địa đới trong sự phân chia các cấp phân vị. Lần đầu tiên ở Việt Nam, mỗi một cấp được xây dựng dựa trên những chỉ tiêu xác định. Đối với cấp cảnh địa lý - cấp quan trọng nhất, có sự đồng nhất cả về tính địa đới và phi địa đới.

Với cách xây dựng hệ thống phân vị như đã nói ở trên, tác giả nhấn mạnh việc nghiên cứu cảnh quan có thể tiến hành theo cách từ trên xuống bằng con đường phân vùng, hoặc theo cách từ dưới lên (hoạ đồ cảnh quan), nghĩa là công tác nghiên cứu cảnh quan không chỉ là sự kế thừa, phân tích có chọn lọc các kết quả nghiên cứu của các chuyên ngành, mà còn là công việc độc lập của các nhà cảnh quan từ quá trình khảo sát ngoài thực địa cho đến phân tích các tài liệu, tài liệu đã thu thập được trong các phòng thí nghiệm.

Cũng trong giai đoạn này, một công trình phân vùng khác mà ý nghĩa thực tiễn đối với việc định hướng sản xuất cho đến nay, mặc dù đã trải qua trên 20 năm nhưng vẫn còn có những giá trị. Đó là công trình phân vùng địa lý tự nhiên Tây Nguyên của tập thể tác giả do Trần Quang Ngãi, Hoàng Đức Triêm làm chủ biên tiến hành trong giai đoạn 1976 - 1980 và được công bố chính thức vào năm 1984 trong Tuyển tập báo cáo khoa học của Chương trình điều tra tổng hợp Tây Nguyên 1976 - 1980.

Giai đoạn sau 1980 đến nay

Tại Việt Nam, nghiên cứu tài nguyên phục vụ phát triển KT-XH theo hướng tiếp cận cảnh quan được thực hiện từ những năm 60 của thế kỷ trước.

Qua một thời gian ngắn, nó thực sự trở thành một lĩnh vực nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao, đặc biệt trong nghiên cứu sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Năm 1997, trong cuốn “Cơ sở cảnh quan học của việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường lãnh thổ các tác giả Phạm Hoàng Hải ”, Nguyễn Thượng Hùng, Nguyễn Ngọc Khánh đã đề cập khá đầy đủ về những biến đổi của tự nhiên dưới các tác động của con người, đưa ra một cách khái quát phương pháp đánh giá cảnh quan với các lãnh thổ cụ thể cũng như các giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Tiếp theo có nhiều nhà khoa học đã ứng dụng tiếp cận nghiên cứu cảnh quan trong nhiều lĩnh vực khác nhau: Nghiên cứu, đánh giá các hệ sinh thái (Phạm Quang Anh và ctv, 1985; Nguyễn Văn Trương, 1992; Đào Thế Tuấn, 1984; Nguyễn Cao Huần, 2005; Phạm Hoàng Hải, 1997); Nghiên cứu xây dựng bản đồ (Nguyễn Thành Long và ctv, 1992; Nguyễn Thơ Các 1999); Ứng dụng cảnh quan trong nghiên cứu lập qui hoạch phát triển KT-XH và qui hoạch bảo vệ môi trường (Nguyễn Cao Huần và ctv, 2003, 2004, 2005; Phạm Quang Anh, 1996; Nguyễn Văn Vinh, 1996; Nguyễn Trọng Tiến, 1996; Hà Văn Hành, 2001; Phạm Quang Tuấn, 2004)...

Phần lớn các nhà cảnh quan học của Việt Nam được đào tạo hoặc chịu ảnh hưởng bởi các quan điểm khác nhau về cảnh quan nên đến nay các quan điểm về cảnh quan cũng chưa được thống nhất, trong đó có quan điểm đi theo sự phân loại (classification) cảnh quan, có quan điểm theo sự phân vị (taxonomy) cảnh quan trên cơ sở các quy mô khác nhau của các tổng thể lãnh thổ tự nhiên. [15]

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tiềm năng sinh thái tự nhiên dựa trên cơ sở GIS phục vụ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp ở huyện sơn hà, tỉnh quảng ngãi (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)