Thực trạng phát triển kinh tế, xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng quản lý sử dụng đất tại các mỏ khai thác đá xây dựng, đất san lấp và đất sét trên địa bàn huyện thạch hà, tỉnh hà tĩnh (Trang 61 - 65)

3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN

3.1.2. Thực trạng phát triển kinh tế, xã hội

3.1.2.1. Thực trạng phát triển kinh tế

Theo kết quả thống kê năm 2016, tổng giá trị sản xuất của các ngành sản xuất chính đạt 1.189,163tỷ đồng (theo giá hiện hành). Trong đó:

- Nông nghiệp: 645,073 tỷ đồng, chiếm 54,2%;

- Ngư nghiệp: 100,201 tỷ đồng, chiếm 8,5%;

- Lâm nghiệp: 9,636 tỷ đồng, chiếm 0,8%;

- Công nghiệp - điện: 434,253 tỷ đồng, chiếm 36,5%;

Cơ cấu giá trị sản xuất giữa các ngành không đều, Nông nghiệp và công nghiệp - điện là 2 lĩnh vực chiếm tỷ trọng giá trị sản xuất cao nhất (97,7%), trong khi đó sản xuất lâm nghiệp chỉ chiếm 0,8%.

3.1.2.2. Thực trạng sản xuất của một số ngành kinh tế nông nghiệp

- Trồng trọt:

Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, cùng với tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng nên sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá toàn diện. Tổng diện tích lúa 15.349,2 ha, đạt 104% kế hoạch, năng suất 50,9 tạ/ha, sản lượng 78.127,4 tấn, đạt 104,2% kế hoạch, trong đó lúa hàng hóa chất lượng cao 10.600 ha (chiếm 69,1% tổng diện tích), năng suất 52,5 tạ/ha (cao hơn bình quân chung 1,6 tạ/ha). Rau quả thực phẩm các loại 2.034,9 ha; tiếp tục thực hiện có hiệu quả 34 vùng sản xuất rau, củ, quả theo hướng Vietgap với diện tích 92,4 ha, mở rộng mới 4 vùng sản xuất với diện tích 11 ha, đặc biệt đã liên doanh liên kết với một số doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm. Diện tích lạc 1.443 ha, năng suất 24,16 tạ/ha, sản lượng 3.486,74 tấn.

- Chăn nuôi:

So với các huyện trong tỉnh, Thạch Hà là huyện có ngành chăn nuôi khá phát triển, nhất là chăn nuôi gia súc, gia cầm (lợn, gà vịt…), đã hình thành các khu chăn nuôi tập trung với quy mô và đầu tư khá lớn. Chăn nuôi có bước phát triển khá, giá trị

sản xuất chiếm tỷ lệ 51,7% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Tổng đàn trâu bò 28.146 con, tổng đàn lợn gần 80.000 con, tổng đàn gia cầm 903.560 con. Công tác tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm và hoạt động kiểm soát giết mổ được tăng cường, hoàn thành 6/6 lò giết mổ tập trung tại: Việt Xuyên, Thạch Tân, Thạch Hương, Thạch Lạc, Thạch Thắng, Thị trấn Thạch Hà.

- Thuỷ hải sản:

Cũng như một số huyện giáp biển trong tỉnh, Thạch Hà có tiềm năng lớn về phát triển thuỷ sản (có mặt nước ven biển, ao đầm nhiều, bãi cát ven biển…). Sản phẩm thuỷ sản chủ yếu là cá, tôm. Triển khai thí điểm mô hình nuôi cá mú cho năng suất hiệu quả cao. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 956 ha, đạt 101%, trong đó diện tích nuôi tôm thâm canh 139 ha; tổng sản lượng thủy sản 6.030 tấn, bằng 100,5% kế hoạch, thể tích nuôi cá lồng bè 20.916m3, đóng mới 7 tàu có công suất 90CV trở lên (nâng tổng số lên 18 chiếc).

3.1.2.3. Dân số và lao động, việc làm và thu nhập

- Dân số:

Dân số trung bình của huyện năm 2016 là 134.368 người; mật độ dân số là 263 người/km2; trong đó nam 66.002 người, chiếm 49,12%; nữ 68.366 người, chiếm 50,88%. Hàng năm dân số của huyện không ngừng tăng lên cả về tăng cơ học và tăng dân số tự nhiên (tăng từ 0,86% năm 2010 lên 0,95% năm 2016).

Bảng 3.1. Tổng dân số và cơ cấu dân số phân theo giới tính và khu vực

Năm Tổng số (Nghìn người) Tỷ lệ tăng (%) Cơ cấu theo giới tính (%) Cơ cấu theo khu vực (%)

Nam Nữ Thành thị Nông thôn

2013 131,43 99,95 49,42 50,58 9,66 90,44

2014 131,56 100,10 49,27 50,73 9,83 90,17

2015 132,75 100,90 49,18 50,82 9,87 90,13

2016 134,37 101,22 49,12 50,88 9,89 90,11

(Nguồn: Niên giám thống kê, năm 2017)

Dân số khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ cao (từ 92 - 93%), dân số khu vực thành thị (thị trấn) chỉ chiếm từ 7,7 - 7,75% dân số của huyện. Năm 2016 dân số thị trấn là 10.425 người, chiếm 7,75%.

- Lao động, việc làm và thu nhập:

Dân số trong độ tuổi lao động năm 2016 là 83,712 người, chiếm 62,3% dân số toàn huyện. Cơ cấu lao động đã có hướng chuyển dịch tích cực, lao động đang làm việc khoảng 77,8 nghìn người, chiếm 93% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên. Lao động trên lĩnh vực nông lâm - ngư nghiệp chiếm 56%, công nghiệp - xây dựng 17%, thương mại - dịch vụ 27%.

Lực lượng lao động có chuyên môn được đào tạo năm 2016 là 43,08 nghìn người; chiếm 52,09% tổng số lao động; còn lại là lao động phổ thông vì vậy cần chú trọng nâng cao chất lượng lao động thông qua đào tạo trong thời gian tới.

Năm 2016 đã tạo việc làm mới cho 2.600 người, trong đó xuất khẩu lao động 500 người, tạo việc làm mới tại chỗ 1.500 người, lao động ngoại tỉnh 600 người; mở 26 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 1076 học viên. Tổ chức điều tra lao động xây dựng kế hoạch đào tạo.

Triển khai kịp thời, đồng bộ các chế độ, chính sách về giảm nghèo;giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,2% xuống còn 5,84%, bằng 90,6%; hộ cận nghèo từ 11,36% xuống còn 9,11%.

3.1.2.4. Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng

* Giao thông:

Giao thông huyện Thạch Hà chủ yếu là giao thông đường bộ, còn các loại hình giao thông khác như giao thông đường sông và giao thông ven biển còn hạn chế.

Tổng chiều dài đường bộ hiện có trên địa bàn huyện Thạch Hà là 271,19 km và 1.097,4 km đường trục chính xã và thôn xóm; trong đó: Đường Quốc lộ 1A dài 23,31 km; tỉnh lộ có 5 tuyến, dài 56,13 km; đường huyện có 3 tuyến, dài 35,27 km; đường liên xã gồm 15 tuyến với tổng chiều dài 122,27 km; đường trục xã có 9 tuyến với chiều dài 26,25 km; đường du lịch Thạch Hải - Đền Lê Khôi có chiều dài 8,02 km.

Quốc lộ:Thạch Hà có QL1A qua thị trấn và QL1A đoạn tránh TP.Hà Tĩnh, đây là đường trục quan trọng nhất nối liền huyện với TP. Hà Tĩnh và các huyện khác trong tỉnh. Tuyến và mặt đường QL1A mới được nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp III, hoàn chỉnh mặt đường bê tông nhựa.

Tỉnh lộ và huyện lộ: Đạt tiêu chuẩn cấp V, VI (trừ vài đoạn cấp III và IV). Đường tỉnh lộ có mặt đường chủ yếu là láng nhựa và cấp phối, hiện nay xuống cấp nhiều, riêng đường huyện tỷ lệ mặt nhựa chiếm 60% còn lại là cấp phối. Trong những năm qua toàn huyện đã mở rộng, nâng cấp được 416 km đường nhựa, đường bê tông, đến nay đã có 31/31 xã, thị trấn có đường nhựa, đường bê tông đi qua.

Đường liên xã: Các tuyến đường liên xã có bề mặt rộng từ 2 - 5 m, đa số mặt láng nhựa nhưng tình trạng kỹ thuật xấu.

Đường trục chính xã: Có bề mặt rộng khoảng 3 m, tình trạng kỹ thuật từ trung bình đến xấu.

* Thuỷ lợi, nước sinh hoạt:

Công tác thủy lợi được đầu tư nâng cấp 15 trạm bơm, cải tạo 38 hồ chứa nhỏ và cơ bản kiên cố hóa hệ thống kênh mương. Đến nay đã kiên cố hóa được trên 50% số km kênh mương và nâng cấp 13 km đê trên địa bàn.

Nhìn chung hệ thống thủy lợi đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất và phục vụ tưới cho hầu hết diện tích gieo trồng của huyện. Nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp chủ yếu là từ hồ Kẻ Gỗ, Bộc Nguyên và trên 10 đập lớn, nhỏ (đập Cầu Trắng, đập Xá, đập Vịnh, đập Khe Chiện, hệ thống sông Già...) tưới ổn định trên 7.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn huyện hiện có trên 140 km kênh mương kiên cố và hơn 68 trạm bơm điện, bơm dầu phục vụ sản xuất vào mùa khô hạn.

* Điện:

Hệ thống điện trên địa bàn huyện khá hoàn chỉnh, toàn huyện có 170 km đường dây trung thế (cấp điện áp 35KV và 22KV), có 600 km đường dây hạ thế và 124 trạm biến áp với tổng công suất 22.200 KVA. Tỷ lệ hộ dùng điện là 100%.

* Giáo dục, đào tạo:

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chiến lược và các nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Giáo dục toàn diện và mũi nhọn phát triển và đạt kết quả khá; triển khai thực hiện các mô hình dạy học mới có hiệu quả; huyện được công nhận hoàn thành chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 (được Bộ GD-ĐT phúc tra, đánh giá cao); phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục THCS được duy trì và đạt ở mức bền vững; các kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2015 và thi tuyển sinh lớp 10 được tổ chức an toàn và đúng quy chế. Tiếp tục rà soát, kiểm tra các trường đạt chuẩn, nâng cao chất lượng, có 8 trường được công nhận mới đạt chuẩn quốc gia; 04 trường được công nhận lại đạt chuẩn quốc gia sau 5 năm. Phong trào khuyến học khuyến tài được đẩy mạnh ở nhiều địa phương.

* Y tế:

Chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân chuyển biến tích cực; công suất giường bệnh đạt 144%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT 81%. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho Trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế cơ sở (Thạch Thắng, Thạch Văn, Thạch Ngọc, Thạch Thanh, Thạch Kênh, Thạch Hải); Thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Các chương trình mục tiêu

quốc gia về y tế triển khai đạt hiệu quả đảm bảo các mục tiêu và một số chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tiếp tục được đẩy mạnh, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,95%, tỷ lệ sinh trên hai con 18,4%.

3.1.2.5. Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 15%; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng; cơ cấu kinh tế đến năm 2015: nông - lâm - ngư 22%, công nghiệp và xây dựng 35%, thương mại, dịch vụ 43%. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt: 65.000 - 70.000 tấn; giá trị sản xuất đạt trên 60 triệu đồng/ha/năm; thu ngân sách năm 2015 đạt trên 100 tỷ đồng. Làm mới 20 km đường nhựa, bê tông; 50 km kênh mương bê tông; 100% xóm có đường nhựa, bê tông; 100% xã có trụ sở cao tầng, trường Tiểu học và THCS có nhà học cao tầng và đạt chuẩn quốc gia.

Tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 giảm xuống dưới 5%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 10%; đào tạo nghề bình quân 3000 người/năm, đến 2015 có 45% số lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề, phổ cập vững chắc THCS, phổ cập mầm non 5 tuổi và hoàn thành phổ cập THPT; gia đình văn hoá 80%; xây dựng trên 100 làng văn hoá; 100% xóm có hội quán; xây dựng 6 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; 100% số xã quy hoạch xây dựng nông thôn mới và có bãi thu gom xử lý rác thải.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng quản lý sử dụng đất tại các mỏ khai thác đá xây dựng, đất san lấp và đất sét trên địa bàn huyện thạch hà, tỉnh hà tĩnh (Trang 61 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)