Tại Việt Nam hiện nay sự gia tăng của người mắc các bệnh chuyển hóa trong đó có ĐTĐ type 2 đang là vấn đề mang tính thời sự, để quyết định hiệu quả điều trị thì tuân thủ điều trị của người bệnh phải đặt lên hàng đầu. Những năm gần đây đã có những nghiên cứu tại một số bệnh viện nhằm đánh giá mức độ tuân thủ cũng như
xác định các yếu tố ảnh hưởng tới tuân thủ của người bệnh. Tuy nhiên số lượng nghiên cứu chưa nhiều, trong đó một số nghiên cứu chưa đánh giá đầy đủ các yếu tố tuân thủ. Trong quá trình tổng quan nhóm nghiên cứu đã tìm và phân tích những nghiên cứu điển hình sau:
Theo nghiên cứu của Trần Thị Xuân Hòa và cộng sự năm 2012 tìm hiểu sự tuân thủ điều trị ngoại trú của người bệnh ĐTĐ type 2 tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai với mục tiêu đánh giá sự tuân thủ của người bệnh đây là một nghiên cứu điều tra cắt ngang qua phỏng vấn trực tiếp 112 NB tuổi từ 19 đến 97 điều trị ngoại trú. Kết quả chỉ ra tỷ lệ sử dụng thuốc thường xuyên 82%, tái khám định kỳ 89%, tập thể dục thường xuyên 70%, thực hiện chế độ ăn kiêng 83%. Tỷ lệ NB có đường huyết ổn định là 23% đặc biệt có sự chênh lệch đáng kể giữa sự tuân thủ điều trị của NB người đồng bào dân tộc thiểu số và người Kinh. Nghiên cứu cho thấy lệ tuân thủ điều trị ở mức khá cao tuy nhiên mới dừng ở mức khảo sát đơn thuần về tỷ lệ mà chưa đi sâu vào nghiên cứu và phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới việc không tuân thủ ở những đối tượng còn lại[6].
Nghiên cứu của Bùi Thị Khánh Thuận 2009: với mục tiêu xác định mức độ kiến thức, thái độ, hành vi về chế độ ăn và luyện tập ở người bệnh đái tháo đường type 2 tại Bệnh viện Nhân Dân 115 với cỡ mẫu là 100 người. Kết quả cho thấy : 62% người bệnh trả lời đúng trên 52% câu hỏi về kiến thức. Có hơn 90% người bệnh đã đồng ý rằng chế độ ăn và hoạt động thể lực là quan trọng nhưng chỉ có 72% người bệnh có hoạt động thể lực và một số ít người bệnh không tuân thủ chế độ ăn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng có mối ảnh hưởng giữa thái độ và kiến thức, giữa kiến thức và hành vi , không có mối ảnh hưởng giữa thái độ và hành vi. Qua đó thấy rằng kiến thức của người bệnh ĐTĐ về chế độ ăn và luyện tập còn chưa đầy đủ chính vì thế cần tăng cường giáo dục sức khỏe cho người bệnh về hai vấn đề này nhằm nâng cao hiệu quả điều trị [13].
Cũng nghiên cứu về tuân thủ chế độ ăn và luyện tập thể dục nghiên cứu của Nguyễn Mạnh Dũng năm 2007: ở 150 người bệnh tại Bệnh viện đa khoa Nam Định đã chỉ ra một tỷ lệ khá cao NB có kiến thức về việc phải ăn nhiều rau thay cơm,
không nên uống rượu bia và duy trì thời gian ăn trong ngày. Tuy vậy vẫn còn 54% cho rằng có thể ăn nhiều thức ăn chế biến có nhiều mỡ, 20% cho rằng khi đường huyết về bình thường thì có thể ăn thoải mái và gần 50% cho rằng họ có thể tự xây dựng được chế độ hoạt động thể lực, tập càng nhiều càng tốt và có thể hoạt động thể lực khi đường máu cao. Bên cạnh việc xác định kiến thức của người bệnh về chế độ ăn và luyện tập thể lực nghiên cứu này cũng chỉ ra mối ảnh hưởng giữa hiểu biết về tuân thủ điều trị với giới tính, không có mối ảnh hưởng giữa hiểu biết với trình độ học vấn, nơi ở và gia đình có người mắc bệnh[4].
Theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Thảo và cộng sự năm 2009: đã tiến hành đánh giá ảnh hưởng truyền thông giáo dục trên kiến thức, thái độ thực hành và các chỉ số kiểm sóat trên NB ĐTĐ type 2. Nghiên cứu tiền cứu mô tả có can thiệp 161 NB đái tháo type 2 được chọn một cách ngẫu nhiên, hoàn tất câu hỏi phỏng vấn và làm các xét nghiệm theo mẫu lúc đầu và 6 tháng sau khi được truyền thông giáo dục. Nghiên cứu cho thấy chương trình truyền thông giáo dục có cải thiện tốt trên kiến thức, thái độ thực hành và làm giảm có ý nghĩa thống kê HbA1c, đường huyết đói, tiểu đạm đại thể, tiểu đạm vi thể, lipid máu, huyết áp …Các chỉ số vòng eo, cân nặng, béo phì giảm không có ý nghĩa thống kê[11].
Tìm hiểu về mối ảnh hưởng của yếu tố kiến thức của người bệnh về ĐTĐ tới việc tuân thủ diều trị nghiên cứu của Nguyễn Trung Kiên và cộng sự năm 2010bằng phương pháp cắt ngang mô tả trên 130 đối tượng đã cho thấy người bệnh có kiến thức tốt về dinh dưỡng, dùng thuốc và dự phòng biến chứng thì có tỷ lệ thực hành tốt về các lĩnh vực này cao hơn các NB khác cụ thể: tỷ lệ người bệnh có kiến thức tốt về các yếu tố nguy cơ 30,00%,, triệu chứng 68,46%, chế độ dinh dưỡng 16,15%, chế độ tập luyện 88,46%, dùng thuốc 95,38% và các biến chứng của bệnh đái tháo đường 23,08% và tỷ lệ người bệnh có thực hành tốt về chế độ dinh dưỡng 11,54%, tập luyện 95,23%, dùng thuốc 44,62% và phòng ngừa biến chứng 18,46%. Như vậy có thể thấy vai trò không nhỏ việc hiểu biết về bệnh ĐTĐ type 2với việc tuân thủ điều trị. Để tăng cường kiến thức cho người bệnh nhằm tăng tỷ lệ tuân thủ và hiệu quả điều trị việc giáo dục sức khỏe là không thể thiếu[8].
Nghiên cứu này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của giáo dục sức khỏe cho người bệnh đối với việc tuân thủ nâng cao hiệu quả điều trị trong đó việc nâng cao sự hài lòng của người bệnh là yếu tố then chốt .
Kiểm soát đường huyết đóng vai trò quyết định tới hiệu quả điều trị của người bệnh ĐTĐ type 2. Tuy nhiên tình trạng kiểm soát đường huyết kém đã dẫn tới nhiều biến chứng khiến người bệnh phải nhập viện điều trị. Nghiên cứu của Nguyễn Minh Sang và cộng sự năm 2007 về thực trạng kiểm soát đường huyết ở các NB đái tháo đường týp 2 điều trị tại khoa Nội tiết - bệnh viện Bạch Mai dựa vào xét nghiệm HbA1C đã chỉ ra rằng có tới 80,8% số NB kiểm soát đường huyết kém (HbA1C > 7,5%), 12,5% NB được kiểm soát đường huyết tốt (HbA1C < 6,5%).. Từ kết quả có thể thấy đa số các NB đái tháo đường týp 2 kiểm soát đường huyết kém. Nghiên cứu cũng chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến kiểm soát đường huyết là không tuân thủ chế độ điều trị, không theo dõi đường huyết thường xuyên, bị bệnh đái tháo đường lâu năm. Đây là một nghiên cứu thể hiện sự khách quan trong đánh giá sự tuân thủ của người bệnh khi sử dụng kết quả xét nghiệm để phân tích (phương pháp đánh giá trực tiếp)[10].
Một trong các nghiên cứu đầy đủ 4 yếu tố của tuân thủ điều trị là nghiên cứu của Đỗ Quang Tuyển năm 2012:Mô tả kiến thức, thực hành và các yếu tố ảnh hưởng đến tuân thủ điều trị ở NB đái tháo đường type 2 điều trị ngoại trú tại phòng khám, Bệnh viện Lão khoa Trung Ương. Nghiên cứu được tiến hành theo phương pháp cắt ngang mô tả, kết hợp nghiên cứu định tính với nghiên cứu định lượng trên cỡ mẫu 330 người bệnh ngoại trú. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người bệnh tuân thủ chế độ dinh dưỡng là 78,8%; rèn luyện thể lực 62,1%; thuốc 71,2%; tự theo dõi glucose máu tại nhà và tái khám định kỳ 26,4%; tỷ lệ tuân thủ được 1 biện pháp điều trị 15,2%; 2 biện pháp là 32,7%; 3 biện pháp 33,6%; 4 biện pháp là 14,2%; không thực hiện được bất kỳ một biện pháp nào là 4,3%. Bên cạnh đó nghiên cứu cũng chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng tới việc thực hành tuân thủ dinh dưỡng với tuổi, thời gian mắc bệnh, tuân thủ chế độ hoạt động thể lực với tuổi, giới và thời gian mắc bệnh; thực hành tuân thủ thuốc với số lần dùng thuốc trong ngày; việc
thực hành tuân thủ theo dõi đường huyết và tái khám định kỳ với tuổi, giới và thời gian mắc bệnh, mức độ thường xuyên nhận thông tin từ nhân viên y tế. Bên cạnh đó nghiên cứu cũng chỉ ra mối ảnh hưởng giữa kiến thức về tuân thủ điều trị với việc thực hành tuân thủ thuốc, dinh dưỡng, hoạt động thể lực, tự theo dõi đường huyết tại nhà và tái khám định kỳ. Như vậy nghiên cứu này cho thấy cần đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục sức khỏe cho người bệnh trong đó nhân viên y tế đóng vai trò nòng cốt[16].
Trong một nghiên cứu tương tự, nghiên cứu của Lê Thị Hương Giang năm 2013 ngoài nghiên cứu về thực hành tuân thủ điều trị ở 4 nhóm yếu tố đã bổ sung thêm một yếu tố nữa là tuân thủ hạn chế bia/ rượu, không hút thuốc, đông thời tách riêng nội dung tuân thủ tự theo dõi đường huyết và tái khám định kỳ. Đây là điểm mới so với các nghiên cứu khác giúp cho việc đánh giá được toàn diện hơn. Kết quả: có 79% tỷ lệ người bệnh tuân thủ chế độ ăn; 63,3% tuân thủ rèn luyện thể lực; 78,1% tuân thủ dùng thuốc, 63% tuân thủ hạn chế bia/ rượu, không hút thuốc; 48,6% tuân thủ tự theo dõi glucose máu tại nhà; 81% tái khám đúng lịch hẹn. Tuân thủ điều trị đầy đủ 6 tiêu chí là 10%. Nghiên cứu cũng chỉ ra một số yếu tố ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê đến tuân thủ chế độ ăn là: giới tính; trình độ học vấn; được hướng dẫn chế độ điều trị, hài lòng về thái độ trình độ của NVYT; ảnh hưởng đến tuân thủ thuốc là: không tự theo dõi glucose máu tại nhà và người bệnh ở xa bệnh viện[5].
Như vậy cần tiến hành nhiều nghiên cứu phân tích sâu hơn nữa nhằm cung cấp các giải pháp tăng tỉ lệ tuân thủ và năng cao hiệu quả điều trị cũng như chất lượng cuộc sống cho người bệnh
1.7 Một số yếu tố ảnh hưởng tới tuân thủ điều trị của người bệnh đái tháo đường type 2 ngoại trú.