Thực nghiệm khảo sát hoạt tính quang xúc tác phân hủy TC bằng các vật liệu khác nhau được tiến hành theo Mục 2.3.2.1, kết quả quét phổ UV-Vis của dung dịch TC ứng với thời gian xử lí khác nhau được trình bày ở Hình 3.11.
Kết quả từ Hình 3.11 cho thấy, các vật liệu BiOI (Hình 3.11a) và TiO2 (Hình 3.11b) có khả năng quang phân hủy TC khá thấp. Trong khi đó, mẫu vật liệu C0.15 (Hình 3.11c) cho thấy sự phân hủy TC gần như triệt để, các pic đặc trưng của TC hầu như không còn. Kết quả từ Hình 3.11c cũng cho thấy,
quá trình quang phân hủy TC diễn ra khá nhanh trên vật liệu C0.15, sau 60 phút chiếu sáng thì các pic đặc trưng của TC hầu như mất hẳn. Vân phổ vùng 250-300 nm cũng bị giảm dần về cường độ sau 60 phút xử lí tiếp theo. Điều này có thể được giải thích do TC bị phân hủy thành các hợp chất như phenol, nitrobenzene, octanoic acid, trimethylammonium, oxalic acid, … và cuối cùng là CO2, H2O, NH4+ [44], [38], [62].
Hình 3.11. Phổ UV-VIS của các dung dịch TC ứng với thời gian chiếu sáng khác nhau bằng đèn LED 220V-60W
Hình 3.12. (a) Sự phụ thuộc C/Co theo thời gian chiếu xạ và (b) hiệu suất chuyển hóa TC của các mẫu vật liệu
Kết quả từ Hình 3.12 cho thấy, tất cả các vật liệu đều có khả năng quang phân hủy TC sau 120 phút chiếu xạ. Các kết quả đánh về giá hiệu suất quang phân hủy phản ánh tốt tính chất hấp thụ quang của các vật liệu. Hiệu suất chuyển hóa TC trên vật liệu composite BiOI/TiO2 là cao nhất (84,55%), tiếp đến là BiOI (20,05%) và cuối cùng là TiO2 (11,14%).
Như vậy, các kết quả về đặc trưng vật liệu và đánh giá khả năng quang phân hủy TC đã khẳng định, vật liệu composite BiOI/TiO2 được điều chế thành công và vật liệu này có khả năng xử lí tốt TC khi sử dụng nguồn photon kích thích từ ánh sáng khả kiến