Thân phận phụ nữ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề giới trong ca dao việt (Trang 51 - 58)

5. Bố cục của luận văn

2.2.2. Thân phận phụ nữ

Thần thoại Hi Lạp kể rằng: “Thượng đế đã lấy vẻ đầy đặn của mặt trăng, đường uốn cong của loài dây leo, dáng run rẩy của các loài cỏ hoa, nét mềm mại của loài lau cói, màu rực rỡ của nhị hoa, điệu nhẹ nhàng của chiếc lá, cảm giác tinh vi của vòi voi, cái nhìn đăm chiêu của mắt hươu, cái xúm xít của đàn ông, ánh rực rỡ của mặt trời, nỗi xót xa của tầng mây, luồng biến động của cơn gió, tính nhút nhát của con hươu rừng, sắc lộng lẫy của con chim công, chất cứng rắn của ngọc kim cương, vị ngọt ngào của đường mật, khí lạnh lẽo của băng tuyết, đức trung trinh của chim uyên ương, đem mọi thứ ấy hỗn hợp lại nặn thành người phụ nữ”. Vẫn tin rằng, phái yếu là những điều ngọt ngào nhất của Tạo hóa, nên chăng hình tượng của họ hóa bất tử trong văn chương? Khi chưa có chữ viết, người phụ nữ xuất hiện trong văn học dân gian nói chung và ca dao nói riêng như những nét vẽ hết sức chân xác. Có thể nói rằng, ca dao đã làm tròn sứ mệnh của nó trong việc lưu giữ

những nỗi lòng của người phụ nữ bình dân và mang đến cho ta cái nhìn toàn diện về họ, trong khổ đau cũng như những vẻ đẹp tâm hồn ngời sáng.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, tạo hóa có biết bao biến thiên, nhưng người phụ nữ Việt Nam trong lam lũ vẫn giữ được những nét đẹp sáng ngời. Công – dung – ngôn – hạnh, ngắn gọn trong bốn chữ nhưng gói gọn hết thảy vẻ đẹp của họ. Xuất phát từ một nền văn minh lúa nước, không thể thiếu tay cấy tay cày của người phụ nữ. Bên cạnh việc đồng áng, họ còn chu toàn trong quán xuyến gia đình, tề gia nội trợ.

Ra ngoài giúp nước, giúp non, Về nhà tận tụy chồng con một lòng.

Lại nói về chữ dung, người phụ nữ Việt tuy khắc khổ nhưng vẫn giữ được những nét đẹp mà tạo hóa ban tặng:

Tóc em dài em cài bông hoa lý, Miệng em cười anh để ý anh thương.

Hay như:

Tóc chấm lưng vừa chừng em bối Để chi dài cho bối rối lòng anh.

Ca dao phác họa những người đẹp đồng quê có dáng đứng không phải liễu rũ, mềm mại, yếu đuối như tiểu thư khuê các mà là:

Trúc xinh trúc mọc đầu đình, Em xinh em đứng một mình cũng xinh.

Vẻ đẹp của họ không chỉ toát lên từ sự đảm đang, từ vẻ đẹp hình thể mà vẻ đẹp còn tiềm ẩn trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Những lời nói vừa nhã nhặn vừa kín đáo:

Chồng giận thì vợ làm lành Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì?

Muốn cưới vợ bé em thì cưới cho.

Họ còn là những người giàu lòng nhân hậu, thủy chung son sắt, giàu tình yêu thương, giữ trọn nề nếp gia phong…

Anh về hái đậu chày cà Để em đi chợ kẻo mà lỡ phiên, Chợ lỡ phiên tốn công thiệt của, Miệng tiếng người cười rõ sao nên,

Lấy chồng phải gánh giang sơn, Chợ phiên còn lỡ, giang sơn còn gì.

Haynhư:

Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non. Nàng về nuôi cái cùng con

Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.

Khi nhắc đến vai trò của người phụ nữ đều gắn với những mỹ từ: đảm đang, vị tha, đức hạnh, giàu lòng hy sinh... Nhưng đặt bên cạnh những mỹ từ ấy khi nói về cuộc đời của họ, thì như một hằng số bất biến, như một công thức chung, một mô tuýp quá đỗi quen thuộc “thân em”- một thân phận của cây tầm gửi.

Thân phận người phụ nữ từ lúc sinh ra đã nếm mùi cay đắng. Nguyễn Xuân Sanh từng bộc bạch:

"Cô gái Việt Nam ơi, từ buổi sơ sinh lận đận rồi.

Tôi muốn nạm muôn vàn khổ cực, cho lòng cô gái Việt Nam vui".

Lúc cất tiếng khóc chào đời, cũng chính là lúc bắt đầu cho chuỗi ngày bất hạnh nơi trần ai. Người ta chào đón, hoan hỉ một bé trai ra đời, chứ chẳng ai lại đi chúc tụng sinh linh là một bé nữ. Thậm chí họ còn cay nghiêt, bĩu môi một “lũ vịt giời”, con gái vốn dĩ có cũng như không. Sinh ra làm thân con gái

là cả một chế độ xã hội hùa vào đành hanh, dè bỉu.

Có thể nói thân phận người phụ nữ sống trong những chuỗi dài bi kịch, xã hội hắt hủi họ từ lúc cất tiếng khóc chào đời. Lớn lên lại xoay vần sang một bi kịch khác, sống cuộc đời của lam lũ, vất vả Ruộng sâu trâu nái, không bằng con gái đầu lòng. Song xã hội lại cứ mặc định đàn bà chẳng qua “chân yếu, tay mềm” “đái không qua ngọn cỏ”:

Đàn bà yếu chân mềm tay Làm ăn chẳng được, lại hay nỏ mồm

Sự đời nào đâu phải như vậy, ngay từ khi còn nhỏ những em gái bé bỏng chưa trưởng thành đã phải gánh chịu nhiều trái ngang:

Em như quả bí trên cây

Dang tay mẹ bứt những ngày còn non.

Hay:

Mẹ ơi đừng đánh con đau Để con bắt ốc, hái rau mẹ nhờ

Trường lớp, sách vở, chữ nghĩa hoàn toàn không xuất hiện trong từ điển cuộc đời của họ. Bởi xã hội quy định khuyến khích nam giới học hành, đỗ đạt làm quan. Còn nữ giới xe chỉ, thêu thùa:

Con ơi muốn nên thân người Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha

Gái thời dệt gấm thêu hoa Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa

Trai thời đọc sách ngâm nga Dùi mài kinh sử để chờ đại khoa

Nữa mai nối đặng nghiệp nhà Trước là mát mặt sau là hiển thân.

Trai thời đèn sách nghiệp thường Gái thời kim chỉ hiểu đường vá may

Sau này trong cuốn Tân Việt Nam (1907), Phan Bội Châu diễn đạt nỗi đau “Tôi tủi hổ thay cho nữ đồng bào ta, mà tôi còn tủi hổ cho mình tôi, bởi vì tôi là con cưng ở nước Nam, mẹ tôi đã không danh giá gì, thì tôi còn mặt mũi nào mà sống được. Tôi suy đi, nghĩ lại, muốn rửa sạch cái xấu hổ nầy, chỉ còn một sự làm sao cho chị em học hành được như người các nước. Người con gái các nước vì nhiều học mà cao quý như kia, chắc là con gái nước ta vì không học mà ti tiện như thế”. Sắc xuân chôn vui nơi đồng áng, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, sắc xuân cháy tàn nơi góc bếp, trôi vô định trên những dòng sông chỉ để mò cua bắt ốc tìm miếng ăn cho cả gia đình.

Thuở xuân thì là thời khắc đẹp đẽ nhất của người con gái lại phải hứng chịu muôn vàn cay đắng. Đó là tình duyên dang dở, đó là nỗi đau phụ tình, nỗi đau bị gả bán. Người phụ nữ dầu ý thức được giá trị của bản thân vẫn không quên buông tiếng thở dài cho số phận của mình. Ta bắt gặp nhan nhản trong ca dao những cặp lục bát. Câu lục là hai vế đối sánh A (Thân em) - như B, còn câu bát chính là những mảng màu cuộc đời của họ được hé lộ: Thân em như tấm lụa đào/Phất phơ giữ chợ biết vào tay ai hạnh phúc hay khổ đau họ không tự định đoạt được mà hoàn toàn phụ thuộc vào người chồng của mình. Cuộc đời người phụ nữ như một dấu hỏi lớn, mà đáp án nằm ở người chồng của mình.

Trong ca dao Việt Nam, tiếng hát than thân chiếm số lượng nhiều nhất và chủ yếu là bài ca phản ánh thân phận người phụ nữ (khảo sát trong Kho tàng ca dao người Việt có 4.486 bài ca than thân thì có 3.217 bài phản ánh thân phận phụ nữ). Thân phận người phụ nữ trong ca dao thể hiện rõ nét trong phạm vi gia đình. Những dòng tâm tình họ nhắn gửi vào ca dao nhòa trong

dòng lệ. Hai tình cảm nổi bật trong lời ca than thân của người phụ nữ tập trung trong hai từ “than” và “thương”. Chúng ta bắt gặp nhiều hơn cuộc sống không mấy thoải mái, vui vẻ, hạnh phúc của người phụ nữ, mà họ vốn đã từng kì vọng có một cuộc sống hạnh phúc. Đến nỗi họ nhận thức cuộc sống không hạnh phúc là điều họ phải chấp nhận:

Chàng ơi phụ thiếp làm chi Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng.

Bởi vì đây là thế giới của nam giới. Người đàn ông có quyền sở hữu tài sản, phụ nữ chẳng qua là thay họ quản lí và vun đắp cho tài sản ấy. Người đàn ông có quyền tìm đến sự nghiệp ngoài xã hội, người phụ nữ phải tận tuỵ chăm lo cho hoài bão ấy của người đàn ông. Nếu người đàn ông của họ đạt được công danh, người phụ nữ may ra được vui lây. Người đàn ông có thể ăn to nói lớn, thô lỗ cục cằn với vợ con, người phụ nữ lại phải chịu nhịn, dịu dàng khuyên bảo chồng, luôn phải giữ nét hiền thục, nhã nhặn, nuốt nước mắt trong ứng xử:

Sông sâu thuyền phải theo bè Làm thân con gái phải nghe lời chồng.

Đó là thái độ ứng xử kinh điển của người phụ nữ, xuất phát từ vận mệnh của họ trong xã hội nam quyền. Cho dù họ là “cành vàng lá ngọc” thì cũng phải cúi đầu, không được làm trái với luân thường của xã hội nam quyền:

Con vua lấy thằng đốt than Nó lên trên ngàn cũng phải đi theo;

Lấy chồng thì phải theo chồng Thôi đừng theo thói cha ông nhà mình.

Thân em như con hạc đầu đình, Muốn bay không cất nổi mình mà bay.

và liên tưởng rất cao. Con hạc đầu đình là một vật dụng để thờ, thường được làm bằng gỗ hay bằng đồng, được đặt ở nơi đền, miếu, đình, chùa... Nhìn những con hạc ấy rồi ngẫm đến thân phận của mình, người phụ nữ thấy có những nét tương đồng. Con hạc kia dẫu có muốn bay thì cũng không thể cất nổi mình mà bay. Trong suốt cuộc đời, người phụ nữ phải cắn răng chịu đựng bao đau thương, tủi nhục. Nếu có thở than thì tiếng thở than của họ cũng không thể thấu tới trời xanh. Cái vòng luẩn quẩn, nghiệt ngã của số phận trói buộc họ, khó bề thoát khỏi. Dù họ có muốn vùng dậy để cắt đứt, phá bỏ những xiềng xích vô hình ấy thì cũng không dễ dàng gì. Câu ca dao chứa đựng niềm khát khao cháy bỏng và một nỗi bất bình sâu sắc.

Trong chế độ nam quyền, người phụ nữ phải biết lấy gia đình làm trọng, phải biết nhẫn nhịn cầu toàn, chỉ biết dựa vào chồng, mong chồng thương hại: Chàng ơi phụ thiếp làm chi/Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng. Họ luôn đồng cam, cộng khổ cùng chồng, luôn làm một người vợ hiền, chung thủy, dù chân trời, góc bể, khó khăn cũng không sờn lòng: Có chồng thì phải theo chồng/Nắng mưa cũng chịu, mặn nồng cũng theo. Họ biết đứng đằng sau ủng hộ cho thành công và làm chỗ dựa khi người đàn ông của mình gặp những trở ngại hay thất bại trong cuộc sống:

Một trăm chìa khoá em đeo

Việc giang sơn anh gánh, sự đói nghèo mặc em.

Người vợ trong gia đình bình dân thời xưa luôn nêu tấm gương hiền thục, biết hy sinh, chịu đựng vất vả, nhọc nhằn để chồng thoả chí “tang bồng” “đua chen với đời”. Họ ý thức bản thân là phái yếu nhưng vẫn tự mình quản tốt việc tề gia nội trợ, giữ cho cuộc sống gia đình êm ấm… Thậm chí không chỉ biết chăm lo cho gia đình mà khi cần họ sẵn sàng xả thân vì nước:

Cũng toan gánh vác sơn hà Cho Ngô biết mặt đàn bà Việt Nam.

Để rồi người đàn ông không thể không trân trọng họ:

Làm trai lấy được vợ hiền

Như cầm đồng tiền mua được của ngon.

Khi về nhà chồng là những tháng ngày nhớ mong mòn mỏi những người thân ruột thịt, nhớ nơi chôn rau cắt rốn mà nào đâu dễ về.

Con gái mà lấy chồng xa Một là mất giỗ hai là mất con.

Nên họ chỉ biếu nương náu nỗi nhớ ấy vào ca dao:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

Hay

Vẳng nghe chim vịt kêu chiều

Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.

Dù hoàn cảnh sống như thế nào đi chăng nữa thì nhân vật trữ tình trong ca dao đều bộc lộ cảm xúc không chỉ là tiếng lòng của một cá nhân riêng biệt mà nói như Xuân Diệu đó là tâm trạng “muôn thuở của những con người muôn đời”. Thế nên đằng sau lời than thân trách phận ấy là khát khao chảy bỏng về một cuộc sống tự do, bình đẳng và hạnh phúc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề giới trong ca dao việt (Trang 51 - 58)