Một số nghiên cứu về năng lực trí tuệ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng suy dinh dưỡng, béo phì và năng lực trí tuệ của học sinh THCS huyện đak pơ, tỉnh gia lai (Trang 31 - 35)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài

1.3.3. Một số nghiên cứu về năng lực trí tuệ

1.3.3.1. Một số nghiên cứu về năng lực trí tuệ trên thế giới

Đánh giá năng lực trí tuệ của con người là một vấn đề phức tạp đã có từ rất lâu đời. Để nghiên cứu và đánh giá năng lực trí tuệ có nhiều phương pháp khác nhau như quan sát điều tra, thực nghiệm, trắc nghiệm, xác định trạng thái tâm sinh lý thần kinh hay tìm hiểu biến đổi điện - hoá trong hệ thần kinh và cơ thể [11]. Tuy nhiên, phương pháp phổ biến hơn cả là dựa vào trắc nghiệm tâm lý. Trong đó trắc nghiệm trí tuệ (intelligence test) được dùng phổ biến để xác định chỉ số thông minh, mức trí tuệ và chỉ số thông minh được coi là thông số quan trọng để đánh giá trí tuệ.

Tác giả tiêu biểu trong lĩnh vực này là F. Galton (1822 - 1911). Ông cho rằng, trí thông minh do di truyền quyết định và có thể đo đạc được. Ông là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ "test" có nghĩa là "thử" hay "phép thử" [25]. Thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi khi cuốn sách “Các trắc nghiệm về đo lường trí tuệ” của học trò Galton, nhà tâm lý học G.Mc. Cattell, xuất bản năm 1890 tại New Yord [26].

Năm 1905, A. Binet và T. Simon [50] đã công bố phương pháp trắc nghiệm có thể đánh giá năng lực trí tuệ tổng quát. Thang điểm của Binet – Simon được áp dụng khá phổ biến ở trường học cho phép đánh giá mức trí tuệ hay tuổi trí tuệ. Tuổi trí tuệ (mental age) thể hiện những đặc trưng về năng lực trí tuệ của một đứa trẻ ở tuổi thực (actual age). Nếu tuổi trí tuệ thấp hơn tuổi thực của đứa trẻ thì bị xem là kém thông minh và ngược lại. Đến năm 1916, trắc nghiệm của Binet và Simon đã được sửa vài lần. Thang điểm của Binet cũng được Terman Lewis [70] và các tác giả khác cải tiến thành thang điểm Standfor - Binet. Từ đó, trắc nghiệm này trở nên nổi tiếng thế giới và trở thành công cụ chuẩn trong tâm lý lâm sàng, tâm thần học và tư vấn giáo dục [25].

Năm 1912, nhà tâm lý học V. Stern (Đức) lần đầu tiên đưa ra khái niệm “Hệ số thông minh” (Intelligence Quotient), viết tắt là IQ. IQ là chỉ số đo nhịp độ phát triển trí tuệ đặc trưng cho cá thể. Giá trị IQ cho biết sự vượt lên trước hay chậm lại của trí khôn so với tuổi thực.

Sau đó, hàng loạt các trắc nghiệm trí tuệ ra đời. Đó là trắc nghiệm phân tích nghiên cứu trí tuệ của Richard Meili (1928) phục vụ cho nghề nghiệp và tư vấn học đường; Trắc nghiệm khuôn hình tiếp diễn của J.C. Raven (1936); Trắc nghiệm trí tuệ đa dạng của R. Gille (1944); Trắc nghiệm trí tuệ dùng cho người lớn WAIS (1939) và dùng cho trẻ 6 - 12 tuổi WISC của Wechsler D. (1949) [71]; Trắc nghiệm cấu trúc trí tuệ của Amthauer (1953) [26], [50].

Cho đến nay, đã có rất nhiều trắc nghiệm được sử dụng cho nhiều đối tượng nghiên cứu khác nhau như test Wiss (1987), test Gills (1989)… nhưng trắc nghiệm khuôn hình tiếp diễn (Test Raven) của J.C. Raven [71] được sử dụng phổ biến để đo năng lực trí tuệ.

Trên thế giới, đã có nhiều công trình nghiên cứu về cảm xúc. Darwin (1872, 1877), Ekman (1971) và Izard (1971), đã nghiên cứu về bản chất và cách biểu hiện của xúc cảm nền tảng. Daniel Goleman [7] nghiên cứu về năng lực trí tuệ và cảm xúc đã cho thấy, cảm xúc có thể được cải thiện và giúp con người khai thác những lợi thế của mình kể cả về mặt năng lực trí tuệ. Ông đặc biệt đề cao vai trò của cảm xúc trong hoạt động tư duy của con người, đồng thời phân biệt trí tuệ thành hai loại là trí tuệ lý trí và trí tuệ cảm xúc. Trong đó, trí tuệ cảm xúc có vai trò cực kỳ quan trọng đối với tư duy.

1.3.3.2. Một số nghiên cứu về năng lực trí tuệ ở Việt Nam

Ở Việt Nam, những nghiên cứu về trí tuệ và các vấn đề có liên quan bắt đầu muộn hơn so với thế giới, chỉ được tiến hành trong vài chục năm gần đây. Trước năm 1975, các công trình nghiên cứu về trí tuệ còn hạn chế, chưa dược quan tâm nhiều, chủ yếu có trong ngành y tế do các cán bộ ngành y

thực hiện, nhằm mục đích chẩn đoán bệnh tâm thần ở một số bệnh viện lớn như Bạch Mai và Nhi Thụy Điển [50], [51] .

Từ thập kỉ 80 của thế kỉ XX đến nay, các công trình nghiên cứu trí tuệ ngày càng nhiều. Năm 1989, Trần Trọng Thủy [52] đã nghiên cứu sự phát triển trí tuệ của học sinh THCS bằng test Raven. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự phát triển trí tuệ của học sinh diễn ra theo chiều hướng chung giữa các lứa tuổi, đồng thời cũng đề cập đến mối tương quan giữa sự phát triển thể lực và trí tuệ.

Năm 1991, Ngô Công Hoàn [21] nghiên cứu sự phát triển trí tuệ của học sinh thành phố Huế và Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự chênh lệch về mức độ phát triển trí tuệ giữa học sinh thường và học sinh chuyên toán.

Trịnh Văn Bảo (1997) [2] nhận thấy, có sự phù hợp giữa chỉ số IQ và nhận thức trong quá trình học tập của học sinh. Trong đó, yếu tố di truyền là tiền đề cho sự phát triển trí tuệ của học sinh.

Năm 1993, Nguyễn Thạc, Lê Văn Hồng nghiên cứu sự phát triển trí tuệ của học sinh Hà Nội trong độ tuổi từ 10 – 14. Kết quả cho thấy, sự phát triển trí tuệ tăng theo lứa tuổi và có sự phân hóa từ tuổi 11 trở đi, trong đó trí tuệ của học sinh nam có xu hướng cao hơn của học sinh nữ [60].

Năm 1995, Tạ Thuý Lan và Võ Văn Toàn [28], [29] đã nghiên cứu năng lực trí tuệ của học sinh THCS ở Hà Nội và Quy Nhơn bằng test Raven và điện não đồ đã cho thấy trí tuệ phát triển theo lứa tuổi và năng lực trí tuệ của học sinh ở Hà Nội cao hơn năng lực trí tuệ của học sinh tại Quy Nhơn.

Tạ Thuý Lan và Mai Văn Hưng (1998) [30] nghiên cứu năng lực trí tuệ của học sinh ở Thanh Hóa. Kết quả nghiên cứu cho thấy, năng lực trí tuệ của học sinh tăng dần theo tuổi và có mối tương quan thuận với học lực.

Trần Thị Loan (2002) [36] đã nghiên cứu trí tuệ của học sinh từ 6 - 17 tuổi tại quận Cầu Giấy - Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy quá trình phát

triển trí tuệ của học sinh diễn ra liên tục, tương đối đồng đều và không có sự khác biệt giữa hai giới.

Mai Văn Hưng (2003) [24] nghiên cứu một số chỉ tiêu sinh học và năng lực trí tuệ của sinh viên ở một số trường đại học phía Bắc Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ số IQ trung bình của sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội cao hơn của sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và Đại học Hồng Đức. Theo tác giả, điều này có thể do chất lượng đầu vào của sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội tốt hơn, đây cũng là nơi có môi trường học tập tốt hơn cả. Về mối tương quan giữa trí tuệ và các chỉ số sinh học, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy giữa trí tuệ và các chỉ số thể lực có mối tương quan thuận không chặt chẽ.

Năm 2007, Phan Trọng Nam [42] khi nghiên cứu mức độ trí thông minh và trí tuệ cảm xúc của 240 sinh viên Đại học Sư phạm Đồng Tháp đã rút ra kết luận có sự tương quan giữa mức độ thông minh và kết quả học tập; lứa tuổi không ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số IQ.

Tác giả Nguyễn Quang Uẩn và cs [60], [61] đề cập tới vai trò và sự tương tác gen, văn hóa và môi trường đến sự phát triển trí tuệ của con người. Theo Nguyễn Thị Bích Ngọc (2013) [44], ngoài yếu tố di truyền thì điều kiện môi trường như chế độ dinh dưỡng, tập quán sống, điều kiện kinh tế, văn hóa và giáo dục đã tạo nên sự khác biệt về năng lực trí tuệ giữa học sinh các dân tộc.

Việc nghiên cứu về cảm xúc và các trạng thái của cảm xúc cũng đã được nhiều nhà khoa học quan tâm trong những năm gần đây. Đặng Phương Kiệt (1990) [25] và Phạm Minh Hạc (1998) [16] nghiên cứu về bản chất và cách biểu hiện của cảm xúc. Tạ Thúy Lan (2010) [31] nghiên cứu về bản chất và cơ sở sinh lý thần kinh của cảm xúc. Trong đó, yếu tố ảnh hưởng đáng kể nhất, tạo ra sự khác biệt lớn nhất về sự phát triển nhận thức, tình cảm và các kỹ năng xã hội chính là chất lượng giáo dục trong nhà trường và trong gia đình. Phan Trọng Nam (2007) [42] nhận thấy cảm xúc cũng bị ảnh hưởng bởi

môi trường sống, tăng dần theo lứa tuổi, có mối tương quan thuận với trí thông minh.

Đinh Đức Hợi, Nguyễn Thị Yến [22] khi nghiên cứu biểu hiện về trí tuệ cảm xúc của học sinh trường trung học phổ thông chuyên Thái Nguyên đã nhận thấy trí tuệ cảm xúc có liên quan đến sự cân đối giữa thời gian học tập và thời gian vui chơi, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các hoạt động bổ ích khác.

1.4. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, VĂN HÓA VÀ XÃ HỘI CỦA HUYỆN ĐAK PƠ, TỈNH GIA LAI

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng suy dinh dưỡng, béo phì và năng lực trí tuệ của học sinh THCS huyện đak pơ, tỉnh gia lai (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)