Nghĩa biểu trưng của một số hình ảnh động vật trong thành

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) từ ngữ chỉ sự vật và hiện tượng tự nhiên trong thành ngữ tiếng việt (Trang 63 - 70)

7. Bố cục của luận văn

2.2.4. nghĩa biểu trưng của một số hình ảnh động vật trong thành

phổ biến, chẳng hạn: “Xấu như con ma”, “Xấu ma chê quỷ hờn”, “Bẩn như ma lem”, “Đi như ma đuổi”, “Như ma xó”, “Hang ma động quỷ”… Có tới 50 thành ngữ xuất hiện hình ảnh ma. Và “quỷ” xuất hiện 21/93 lần chiếm 22.58%, phần lớn ma, quỷ biểu thị tâm linh của con người.

2.2.4. Ý nghĩa biểu trưng của một số hình ảnh động vật trong thành ngữ tiếng Việt tiếng Việt

Không phải ngẫu nhiên mà các loài động vật lại xuất hiện rất nhiều trong thành ngữ tiếng Việt. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các đặc điểm, thuộc tính của loài vật được phản ánh trong thành ngữ đều nhằm nói về thế giới loài người. Vì vậy, khảo sát nhóm thành ngữ tiếng Việt có chứa hình ảnh động vật không thể không tìm hiểu phân tích ý nghĩa biểu trưng của chúng bởi lẽ qua đó chúng ta thấy được quan niệm, nhìn nhận, đánh giá của người Việt Nam về thế giới loài vật. Vì lý do này, trong phần dưới đây, chúng tôi sẽ phân tích ý nghĩa biểu trưng của một số hình ảnh loài vật trong thành ngữ tiếng Việt.

Ở mỗi nhóm, chúng tôi sẽ lựa chọn một số loài vật tiêu biểu, điển hình. Đó là những loài vật xuất hiện nhiều nhất trong thành ngữ tiếng Việt, đồng thời có mối quan hệ gắn bó, mật thiết với đời sống tinh thần và vật chất của con người Việt Nam.

Trước hết là hình ảnh con trâu. Từ bao đời nay, con trâu gắn bó, gần gũi với con người, là người bạn thân thiết của người nông dân Việt Nam. Với những đức tính hiền lành, chăm chỉ, nhẫn nại, trâu được xem là biểu tượng

57

của nền văn hóa nông nghiệp Việt Nam. Những cách nói “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, tậu trâu, lấy vợ, làm nhà… đã cho chúng ta thấy vai trò quan trọng của con trâu đối với đời sống tinh thần và vật chất của con người Việt Nam. Với ý nghĩa quan trọng như vậy, hình ảnh trâu được sử dụng rất nhiều trong thành ngữ tiếng Việt. Theo thống kê của chúng tôi có 29 thành ngữ (chiếm 5.4%) sử dụng hình ảnh con trâu làm chất liệu biểu trưng.

Trong thành ngữ tiếng Việt, trâu mang nhiều ý nghĩa biểu trưng khác nhau tùy thuộc vào người Việt khai thác những đặc điểm, thuộc tính nào của loài động vật này. Trong quan niệm của người Việt, con trâu là một tài sản có giá trị, “là đầu cơ nghiệp”. Quan niệm này được phản ánh vào thành ngữ: “Ba bò chín trâu”, “Chín đụn mười trâu”, “Ruộng sâu trâu nái”… Trâu lúc này biểu trưng cho cuộc sống no đủ, dư giả về kinh tế. Là loài động vật to, khỏe, từ đây, trâu được dùng để biểu trưng cho sức khỏe phi thường của con người như, “Khỏe như trâu”, “Hùng hục như trâu húc mả”, “Béo như trâu trương”… Do đặc tính nặng nề, chậm chạp, trong thành ngữ tiếng Việt, trâu còn biểu trưng cho sự đần độn, kém hiểu biết, không biết thưởng thức cái hay cái đẹp, qua thành ngữ “Đàn gảy tai trâu”.

Biểu trưng cho kẻ lề mề, chậm chạp, thiếu nhanh nhẹn, tháo vát thì sẽ bị thiệt thòi trong cuộc sống, người Việt ta dùng cách nói hình ảnh “Trâu chậm uống nước đục”. Biểu thị quá trình biến đổi từ chất này thành chất khác, người Việt cũng mượn hình ảnh con trâu qua cách nói “Cứt trâu để lâu hóa bùn”. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, tuy là loài vật được con người đánh giá cao nhưng trong thành ngữ tiếng Việt hình ảnh trâu chỉ mang sắc thái tiêu cực, chẳng hạn “Hùng hục như trâu húc mả”, “Đầu trâu mặt ngựa”, “Trâu buộc ghét trâu ăn”, “Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”… Những thành ngữ về trâu mang sắc thái tích cực chiếm số lượng ít, chẳng hạn, “Khỏe như trâu”, “Ruộng sâu trâu nái”,“Ba bò chín trâu”,…

58

Loài vật tiếp theo gắn bó mật thiết với cuộc sống đồng ruộng của người nông dân Việt Nam là hình ảnh con cò. Loài chim có thân hình nhỏ bé, mảnh khảnh và yếu đuối này xuất hiện khá nhiều trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao của người Việt và trở thành biểu tượng của những người nông dân hiền lành, chất phác, thấp cổ bé họng hoặc biểu trưng của những người phụ nữ cần cù, lam lũ, chịu khó như, “Cái cò lặn lội bờ sông, gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non” (ca dao).

Thống kê của chúng tôi cho thấy có 13 thành ngữ (chiếm 2.41%) xuất hiện hình ảnh con cò. Khi xuất hiện trong thành ngữ tiếng Việt, hình ảnh con cò mang nhiều nghĩa biểu trưng. Trước hết, “cò” là biểu tượng gắn với những cánh đồng mênh mông, rộng lớn: “Thẳng cánh cò bay”. “Cò” còn biểu trưng cho thân phận nhỏ bé, hèn mọn của người nông dân trong xã hội cũ, qua thành ngữ “Thân cò cũng như thân chim”.

Để chỉ sự uổng công vô ích, làm cho người khác hưởng, người ta dùng hình ảnh “Cốc mò cò xơi”. Hay được dùng để chỉ những kẻ cơ hội, lợi dụng tình hình rối ren để trục lợi như, “Đục nước béo cò”. Con cò sớm hôm mò tép ngoài đồng lúc này biểu trưng cho kẻ cơ hội, mang nét nghĩa đánh giá tiêu cực. Cũng là con cò nhưng với người Tày, hình ảnh này lại mang ý nghĩa khác: “Nước đục cò chết đói”. Cò trong thành ngữ này chỉ kẻ đáng thương, đục mang nghĩa bóng không có điều kiện sống. Trong thành ngữ tiếng Việt, “đục” lại biểu trưng cho hoàn cảnh tranh tối tranh sáng, điều kiện có lợi nếu biết tranh thủ.

Như vậy, rõ ràng là, sự liên tưởng tương đồng về các loài động vật ở các dân tộc khác nhau cũng rất khác nhau. Nhìn chung những con vật xuất hiện trong thành ngữ tiếng Việt thường là những con vật quen thuộc, gắn bó, gần gũi với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Việt. Từ con trâu, con gà, con lợn, con chó cho đến những con vật hết sức nhỏ bé như con cua, con cáy,

59

con giun, con ốc, con kiến, con chấy, con rận… đều có thể trở thành chất liệu biểu trưng trong thành ngữ tiếng Việt.

Dựa vào đặc điểm ngoại hình, tập tính của các loài động vật này mà người Việt đã chiêm nghiệm, phản ánh vào thành ngữ nhằm nói lên những chuyện của thế giới loài người. Một trong số những loài động xuất hiện nhiều nhất trong thành ngữ tiếng Việt là hình ảnh con chó. “Chó” là một trong những loài vật sống gần gũi nhất với con người. Nếu trong văn hóa Châu Âu, chó là con vật được cưng chiều, được nuôi dưỡng chăm sóc chu đáo bao nhiêu thì dưới cái nhìn của người Việt, chó lại bị coi thường, khinh bỉ bấy nhiêu. Có lẽ vì vậy, những thói hư tật xấu của con người đều được người Việt Nam ví như chó. Chúng tôi thống kê được 71 thành ngữ tiếng Việt có hình ảnhchó. Nhóm thành ngữ này chiếm tỉ lệ cao nhất (13.2%) trong số các loài động vật gần gũi với con người. Dựa vào tập tính ăn ở của các loài động vật này, người Việt đã tạo nên những thành ngữ so sánh như: “Ngu như chó”, “Bẩn như chó”. Đặc tính hay sủa và hay cắn người của chó là chất liệu tạo nên thành ngữ “Chó cậy gần nhà”, “Chó dại cắn càn”, ở đây, chó biểu trưng cho thói hung hăng. Ở một số thành ngữ khác, chó lại được dùng để biểu trưng cho những thân phận hèn kém: “Chó có váy lĩnh”, “Chó chui gầm chạn”, “Chó cắn áo rách”… để chỉ mối quan hệ không hòa thuận, người Việt Nam cũng dùng hình ảnh chó qua các thành ngữ “Như chó với mèo”, “Chó chê mèo lắm lông”… Phần lớn các thành ngữ này được chuyển nghĩa dựa vào mối liên tưởng tương đồng giữa con người và loài vật.

Điểm thú vị là, hầu hết các thành ngữ này đều biểu thị thái độ mỉa mai, chê bai, chế giễu, coi thường, thậm chí là khinh bỉ. Những phân tích trên đây cho thấy, với mỗi loài động vật người Việt Nam có thể quan sát nhiều đặc điểm, thuộc tính khác nhau của chúng, từ đó phản ánh vào thành ngữ tiếng Việt tạo nên các hình ảnh biểu trưng tương đồng.

60

Bên cạnh đó, người Việt còn quan sát những loài động vật khác nhau và phát hiện ra những thuộc tính giống nhau của chúng, từ đó tạo nên những thành ngữ đồng nghĩa biểu trưng. Chẳng hạn, cùng chỉ hoạt động chậm chạp, người Việt có thể nói “Hay chậm như sên”, “Thái độ nhút nhát”, sợ sệt có thể ví “Nhát như thỏ đế”, song có thể nói “Nhát như cáy”; hay “Run như cầy sấy” và “Run như dẽ”, “Nhanh như sóc” và “Nhanh như điện”, “Nhanh như gió”,…

Trên đây là vài nét phát họa của chúng tôi về thế giới động vật trong thành ngữ tiếng Việt. Những nét phát họa này tuy chưa thật đầy đủ song cũng giúp chúng ta hình dung thế giới động vật vô cùng phong phú, sinh động trong thành ngữ tiếng Việt. Qua việc sử dụng chất liệu biểu trưng là hình ảnh động vật, chúng ta càng khẳng định chắc chắn hơn về bản sắc văn hóa nông nghiệp của dân tộc Việt Nam thể hiện trong thành ngữ.

Qua khảo sát các thành ngữ có chưa hình ảnh động vật, chúng tôi cũng nhận thấy, người Việt Nam đã quan sát khá chi tiết, cụ thể đặc điểm, thuộc tính của từng loài động vật, từ đó phản ánh vào trong thành ngữ tiếng Việt. Các đặc điểm, thuộc tính của các loài động vật đã trở thành chất liệu cấu tạo nên thành ngữ tiếng Việt, điều này khiến cho thành ngữ tiếng Việt mang một đặc trưng riêng biệt, khó lẫn với thành ngữ của các dân tộc khác. Tuy nhiên, không phải thuộc tính nào của động vật cũng trở thành chất liệu cấu tạo nên thành ngữ tiếng Việt, mà đó thường là những thuộc tính tiêu biểu, điển hình của từng loài. Qua khảo sát, thống kê, chúng tôi nhận thấy một số đặc điểm thuộc tính sau đây của các loài động vật được phản ánh nhiều trong thành ngữ tiếng Việt.

Màu sắc của động vật: “Mắt đỏ như mắt cá chày”, “Mặt đỏ như mặt gà chọi”, “Mặt đỏ như gạch cua nướng”, “Đen như cuốc”, “Đen như quạ”, Mặt tái như gà cắt tiết”,

61

Đặc điểm ngoại hình: “Cao như hạc thờ”, “Cao như sếu vườn”, “Thẳng ruột ngựa”, “To như voi”, “Béo như con trâu trương”, “Gầy như hạc”, “Lộc ngộc như chó cộc đuôi”,…

Tiếng kêu: “Rống như bò”, “Ra rả như cuốc kêu”, “Cấm cẳn như chó cắn ma”, “Hót như khướu”, “Ngáy như bò rống”, “Giọng như vịt đực”,…

Mùi: “Hôi như cú”, “Hôi như chuột chù”, “Chuột chù đòi có xạ hương”,…

Bộ phận cơ thể: “Mồm cá ngão”, “Có sừng có mỏ”, “Nói toạc móng heo”, “Chó chê mèo lắm lông”, “Cổ ngẩng như cổ cò”, “Đầu gà hơn đuôi trâu”, “Giơ nanh múa vuốt”, “Hàm chó vó ngựa”, “Nọc rắn miệng hùm”

Đặc điểm vận động: “Te tái như gà mái nhảy ổ”, “Chậm như rùa”, “Chậm như sên”, “Nhanh như sóc”, “hùng hục như trâu húc mả”, “Lạch bạch như vịt bầu”, “Lò dò như cò bắt tép”, “Lủi như cuốc”, “Nhảy như choi voi”, “Leo như vượn”

Đặc điểm trạng thái: “Lấc láo như quạ vào chuồng lợn”, “Lúng túng như gà mắc tóc”, “Tiu nghỉu như mèo bị cắt tai”, “Ủ rũ như diều hâu tháng chạp”, “Yếu như sên”, “Dai như đỉa đói”, “Ngoe nguẩy như cua gẫy càng”, “Nhũn như con chi chi”

Đặc điểm sinh sản: “Đẻ như gà”, “Gà đẻ gà cục tác”, “Trâu sanh chó đẻ”…

Đặc điểm nhận thức: “Ngu như bò”, “Ngu như lợn”, “Mặt ngây như ngỗng ỉa”, “Tỉnh như sáo”, “Ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm”, “Nước đổ đầu vịt”, “Ngang như cua bò”, “Đàn gãy tai trâu”,…

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2

Qua quá trình khảo sát và phân tích tổng hợp ở chương này. Chúng tôi thu thập được những số liệu thống kê cho từng nhóm loài xuất hiện trong

62

thành ngữ. Từ đó, ta thấy thành ngữ chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Bên cạnh đó, việc xuất hiện các từ ngữ chỉ sự vật mà rộng hơn là thế giới thực vật và thế giới động vật trong thành ngữ tiếng Việt. Chúng biểu thị những nét chân thực trước những hiện tượng khách quan trong đời sống con người. Từ đó, việc sử dụng các thành ngữ và bối cảnh làm tăng tính biểu đạt và giá trị hiện thực thêm đậm nét hơn và sinh động hơn. Từ các loài thực vật, cây lương thực thực phẩm, các động vật là vật nuôi trong gia đình, các loài thủy hải sản, đến những động vật hoang dã, chúng đều góp mặt trong thành ngữ tiếng Việt.

Khi đi vào thống kê, chúng tôi nhận thấy được sự đa dạng của thành ngữ, những chuyển biến ý nghĩa trên bề mặt câu chữ để diễn đạt những yếu tố cần nói đến trong thực tế thông qua thành ngữ. Thế giới thực vật và động vật muôn hình muôn vẻ, được hiện lên sinh động thông qua cách nhìn so sánh, ẩn dụ tỉ mỉ của con người trong thành ngữ.

63

CHƯƠNG 3

TỪ NGỮ CHỈ HIỆN TƯỢNG TỰ NHIÊN TRONG THÀNH NGỮ TIẾNG VIỆT

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) từ ngữ chỉ sự vật và hiện tượng tự nhiên trong thành ngữ tiếng việt (Trang 63 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)