Ẩn dụ bản thể vật chứa là con người, cơ thể con người

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Ẩn dụ tri nhận trong thơ Hoàng Nhuận Cầm (Trang 84 - 89)

Mỗi con người là cái chứa đựng bị hạn chế bởi bề mặt của thân thể tạo nên thế giới bên trong cơ thể và bên ngoài cơ thể. Con người là những thực thể vật lý hạn chế trong một không gian nhất định và tách biệt thế giới còn lại bởi bề mặt. Ta cũng nhận thấy rằng, con người là vật thể khép kín, chứa những kênh liên lạc với thế giới ngoại cảnh sẵn sàng phản ứng tác động lại thế giới bên ngoài nhờ các cơ quan cảm giác.

Với Thơ Hoàng Nhuận Cầm, nhiều ẩn dụ bản thể không gian hạn chế được nhà thơ sử dụng là một biện pháp tạo nên những giá trị nghệ thuật đa dạng. Con người là vật chứa của thế giới bên trong và tạo giới hạn với thế giới bên ngoài. Nhưng mỗi bộ phân bên trong cơ thể lại tiếp tục trở thành vật chứa của của những thế giới khác theo những sự tri nhận về thế giới của các dân tộc khác nhau để thể hiện những nét nghĩa biểu trưng. Khi đề cập về lĩnh vực này chúng tôi nhận thấy có nhiều ẩn dụ bản thể và ẩn dụ cấu trúc có sự kết hợp với nhau.

Xét dưới góc độ này chúng là ẩn dụ cấu trúc nhưng dưới góc độ khác, khi lấy con người làm trung tâm của sự tri nhận thì chúng lại là ẩn dụ bản thể. Tuy vậy, nghĩa biểu trưng mà các ẩn dụ này mang lại thì không khác xa nhau, chỉ là một số sự khác biệt bộ phận chứ không phải là khác biệt tổng thể. Chẳng hạn.

(87)

“Nhưng giọt mực thứ ba em ơi không thể lỡ Xin trải lòng ta đón chấm xanh rơi.”

(Viên xúc xắc mùa thu)

Ẩn dụ bản thể Giọt mực thứ ba có ý nghĩa biểu trưngcho tâm tình, giọt mực ấy cũng chính là tình yêu tuổi ô mai mãi mãi còn in trong tâm thức của chàng sinh viên Hoàng Nhuận Cầm thủa còn ngồi trên ghế nhà trường. Ẩn dụ vật chứa: Lòng ta là chất liệu vật chứa và Chấm xanh tươi là đối tượng vật chứa. Chúng thể hiện nhu cầu đối thoại cảm xúc. Hoàng Nhuận Cầm luôn cần một người để tâm sự, để đối thoại, và may mắn trong suốt hành trình thơ. Nhu cầu đối thoại và cần được đối thoại xuất hiện nhiều trong thơ Hoàng Nhuận Cầm. Tất nhiên không phải bất cứ lúc nào nhân vật mà Hoàng Nhuận Cầm hướng tới cũng hiển hiện rõ nét, có khi nó chỉ xuất hiện, lướt qua một vài câu thơ nhưng cũng là một tiếng nói song đôi, cũng ấm áp chia sẻ thân tình. Rõ ràng theo ý tứ lời thơ ta tri nhận được nỗi cô đơn, với không gian bó hẹp là nỗi lòng của thi sĩ, nhưng nếu như tri nhận qua lăng kính của ý niệm, thì có lẽ ở trong thơ Hoàng Nhuận Cầm không bao giờ thấy sự cô đơn vì “lòng ta” đã hòa vào “lòng bạn”, hòa vào đất trời để lấy nguồn cảm xúc, nuôi dưỡng tâm hồn thơ cứ thế ngây ngất theo thời gian.

Trong ẩn dụ cấu trúc, lòng là biểu trưng cho những cung bậc tình cảm của con người. Trong ví dụ, lòng biểu trưng cho tình cảm thuỷ chung trọn vẹn của tác giả về những kỉ niệm tuổi thơ. Với ẩn dụ bản thể, lòng là vật chứa cho những “giọt mực em”, tức là vật chứa cho những miền kí ức không bao giờ nhạt phai của tuổi thơ Hoàng Nhuận Cầm.

(88)

“Giọt mực em thong thả đến trong đời Không giấu được trong lòng tay nhỏ bé”

(Viên xúc xắc mùa thu)

(89)

“Thôi đành tạm biệt ta đi Xác thân cát bụi từ khi lọt lòng”

(Gió linh cảm)

Nhà thơ chịu nhiều ảnh hưởng của cõi Phật và luôn hướng tới sự trong trẻo, thanh tịnh ở cõi Phật. “Hoàng Nhuận Cầm thường nắm bắt được cái nhỏ nhoi của kiếp người”. Thơ và đời thơ được Hoàng Nhuận Cầm nhắc tới với nhiều sắc thái thể hiện cảm xúc. Điều mà nhà thơ thường hay nói tới là sự đối diện của thơ mình, của con người với chính bản thân mình.

(90)

“Thơ tôi viết xin mời em cứ đọc

Đang gọi đám mây lại nói chuyện quả cà Đừng lo lắng theo tâm hồn rong ruổi Đói bụng, thơ tôi sẽ trở lại nhà”

(Thơ màu xanh)

(91)

“Đôi vai im chiếc lá hè run rẩy, Trước cuộc đời nghiêng ngả mấy buồn lo”

(Em ơi, chín giờ)

Nhà là không gian hạn chế mà mắt của con người có thể nhìn thấy được. Nhà cũng là vật chứa cho tâm hồn rong ruổi, thứ mà chính bản thân ta tưởng tượng. Cuộc đời chính là vật chứa, là không gian hạn chế mà con người tưởng tượng ra nhưng chẳng bai giờ nhìn thấy, ước lượng được trọng vẹn cho chính bản thân đôi vai, chiếc lá hè là chất liệu. Ở đây, Hoàng Nhuận Cầm

muốn người đọc liên tưởng đến những hình ảnh đối lập giữa “đôi vai im” và “chiếc lá hè run rẩy” trong cái cuộc đời nghiêng nghả để thấy những cung bậc của cuộc sống. Dùng những biểu tượng tri nhận này, có lẽ Hoàng Nhuận Cầm muốn nhắn nhủ tới người đọc cái thú vui của cuộc đời, lúc lặng im, lúc sôi động, lúc hiên ngang nhưng có lúc cũng run rẩy trước phong ba, sóng gió.

Bởi thế nên Hoàng Nhuận Cầm yêu thơ và yêu luôn màu xanh của lá: (92)

“Không có thơ người ta không thở được Sẽ chết dần như lá hết màu xanh”

(Thơ màu xanh)

Câu thơ trên chứa ẩn dụ bản thể: người ta – cuộc đời là vật chứa, nó cũng tương đương với cây đời. Trong cây đời đó với bạt ngàn lá xanh. Thơ là chất liệu vật chứa và cũng chính là hơi thở của cuộc đời, là lá xanh trên cành. Màu xanh của lá khiến thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng mang màu xanh, xanh của sự sống, của hi vọng và niềm tin. Và những chiếc lá mang linh hồn ấy đã làm nên một bản nhạc của thiên nhiên, của núi rừng:

(93)

“Tiếng nhạc lá trên cổ la rung rung Đã sáu năm là bài hát của rừng”

(Anh bộ đội và tiếng nhạc la)

Hoàng Nhuận Cầm luôn mơ ước chiếc lá trong thơ mình sẽ mãi là chiếc lá màu xanh, bởi anh luôn mong muốn mình được coi là nhà thơ trẻ, được viết về tuổi trẻ dù đã qua sáu chục mùa xuân trong cuộc đời. Bởi với anh “mùa xuân nào cũng háo hức phập phồng như mùa xuân thứ nhất”

Con người và thơ Hoàng Nhuận Cầm, như Phạm Khải đã viết: “...Với thơ Hoàng Nhuận Cầm, nhiều chỗ ta chẳng cần phải giải thích dài dòng mà chỉ đơn thuần đọc lên thôi - đọc đúng như giai điệu mà tác giả quy ước trong bài thơ của anh, là bạn đọc có thể cảm được cái hay, cái đẹp của nó. Với nội

dung luôn hướng về tuổi trẻ, cách diễn đạt nhuần nhị, trong sáng, cộng với cái du dương, quặn siết của giai điệu, thật dễ dàng để thơ Hoàng Nhuận Cầm chinh phục được đông đảo độc giả. Hoàng Nhuận Cầm luôn suy tưởng về thơ như tiếng vọng của đời, như tiếng lòng vu vơ bất định:

(94)

“Viên xúc xắc xoay tròn trong gió xé Sáu mặt đời lắc cắc tiếng thơ anh”

(Viên xúc xắc mùa thu)

(95)

“Thành phố lạnh hôm nay gió chuyển Dòng thơ nào lốm đốm chim bay”

(Vé trở về)

Như vậy, ta thấy ở đây, có lúc thơ là vật chứa, có lúc thơ lại là chất liệu. Tơ vương với nghiệp thơ. Có lúc, Hoàng Nhuận Cầm thấy thơ mình như vô nghĩa - mặt trái của sự khắc khoải, thao thức, dằn vặt vì những điều không dễ biểu đạt bằng lời, vì muốn xoá bỏ cả con người thể chất của mình để hoà nhập, chứng nghiệm trong những gì thơ thật thơ.

Với Hoàng Nhuận Cầm, thơ là những chiêm nghiệm về cuộc đời, về nhân sinh quan cao đẹp, về những gì con người phải đối mặt vượt qua để sống có nghĩa hơn vươn tới “chân, thiện, mỹ”; nâng niu giữ gìn nguồn cội, trân trọng vẻ đẹp tiềm ẩn trong bề sâu tâm hồn.

(96)

“Dòng thơ viết âm thầm trong bóng tối Mỗi đêm trường toé loé một bình minh”

(Giai điệu lạc quan)

Hoàng Nhuận Cầm là nhà thơ luôn mang cảm xúc tươi trẻ, sôi nổi của lứa tuổi sinh viên, của chàng lính trẻ đầy nhiệt huyết cách mạng và thơ mộng. Và chính lòng yêu tha thiết cuộc sống đã chi phối cách thức tổ chức không

gian trong các bài thơ Hoàng Nhuận Cầm sáng tác. Dường như cả mặt đất và bầu trời cũng chỉ muốn hòa quyện vào thế giới nội tâm của nhân vật. Mà trong cái thế giới ấy, mỗi người có một cách tri nhận khác nhau để tìm ra những ý vị lung linh sắc màu.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Ẩn dụ tri nhận trong thơ Hoàng Nhuận Cầm (Trang 84 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)