Bảng 2.4. Thống kê ẩn dụ cấu trúc có nguồn biểu trưng là bộ phận bên ngoài cơ thể người
Loại nguồn biểu trưng Số lượng Tỷ lệ (%)
Mắt 12 34,4
Tay/ bàn tay, Chân/bàn chân 8 22,8 Trán, đầu, tai 8 22,8
Tóc, môi 7 20,0
Tổng 35 100
Các bộ phận bên ngoài của cơ thể con người được Hoàng Nhuận Cầm sử dụng khá nhiều trong 2 tập thơ. Chúng tôi thấy có 35 ẩn dụ có chứa bộ phận bên ngoài cơ thể con người, chiếm 36,1 % trong tổng số các ẩn dụng tri nhận có nguồn biểu trưng là cơ thể con người. Qua tư liệu điều tra, trước hết có thể nhận thấy rằng các câu thơ có ẩn dụ cấu trúc trong thơ Hoàng Nhuận Cầm có nguồn là bộ phận cơ thể bên ngoài con người thường có nghĩa biểu trưng hay được quy chiếu sang đích là các trạng thái bên ngoài về công việc, hoạt động, về cách nhìn đời, nhìn người như tay, chân, mắt....
* Chân/ Bàn chân
Hoàng Nhuận Cầm vốn xuất thân từ vùng quê nghèo chân lấm tay bùn, chính vì vậy hình ảnh người nông dân xắn quần, chân lội ruộng đã luôn đi sâu
vào trong tiềm thức của nhà thơ và khi nghĩ đến những nỗi gian truân vất vả của cuộc đời, ông lại nghĩ ngay tới đôi chân khó nhọc của người làng quê dưới ruộng bùn.
Ẩn dụ cấu trúc với miền nguồn là bộ phận cơ thể con người không chỉ biểu trưng cho hoạt động sức mạnh của con người mà còn biểu trưng cho các cung bậc về tâm lý tình cảm, cho nỗi nhớ nhung miên man sâu thẳm mà bước mãi không hết, bước đến cả tới đáy chân trời. Hoàng Nhuận Cầm hay dùng hình ảnh bàn chân để biểu trưng cho các ý nghĩa đó.
(36)
“Ngày đi Văn mất mẹ rồi Mai gầy yếu lắm mà đời mênh mông
Bàn chân Văn lội ngoài đồng
Nhớ thương nước mắt Cầm vòng quanh quanh.”
(Nhớ Vũ Đình Văn)
Hay như trong câu thơ sau, từ miền nguồn bàn chân là bộ phận cơ thể người, nhà thơ đã tri nhận sang hình ành chân trời để làm miền nguồn tri nhận cho tình cảm nhớ nhung:
(37)
“Đáy chân trời sao lên nỗi nhớ Có thu nào áo trắng đã heo may.”
(Giữa hai hàng lục bát)
Màu áo trắng tượng trưng cho tuổi học trò bay bổng, vẫn còn tinh khôi vừa mới chia tay tuổi học trò để đến giảng đường đại học. Màu áo trắng đó nhiều khi trở thành da diết trong lòng tác giả. Dường như Hoàng Nhuận Cầm đã bao lần trăn trở, đã bao lần băn khoăn nên dù viết rất nhiều và viết rất hay về mái trường, về lớp học, về bạn bè nhưng nhà thơ thấy như vậy vẫn còn chưa đủ. Ông luôn cho rằng tuổi học trò ngắn thôi, mười năm học phổ thông và thêm những năm tháng trên giảng đường đại học nhưng cả đời thơ, bàn chân ông vẫn chưa đi hết, vẫn chưa sống đủ.
Những ẩn dụ từ miền nguồn bàn chân trong ví dụ sau cũng thể hiện cơ chế tri nhận trong thơ Hoàng Nhuận Cầm:
(38)
“Đừng bao giờ chán nản em ơi Hy vọng sẽ vút lên từ phút ấy Cuối cánh rừng lửa còn âm ỉ cháy
Bàn chân đi cho thẳng tới chân trời.”
(Dưới màu hoa rất đỏ)
Và để rồi những suy tư đó như toát lên một tâm trạng đầy “chất” Hoàng Nhuận Cầm.
“Mùa xuân ấy dưới màu hoa rất đỏ Anh xếp ba lô lặng lẽ đốt thơ mình.”
(Dưới màu hoa rất đỏ)
Có thể nói, đây là những vần thơ đầy tâm trạng - một tâm trạng cá biệt của con người mùa xuân đốt thơ. Mà lại là “đốt thơ mình”. Đốt thơ thường theo một nghĩa nhất định nào đó, là sự phủ nhận chính mình, phủ nhận những gì đã từng có, đã từng viết, đã từng sống. Người đốt thơ cũng đồng thời là người từ giã thơ. Nhưng với Hoàng Nhuận Cầm thì có lẽ không phải thế. Dưới màu hoa rất đỏ của ngày đốt thơ ấy, cũng là lúc Hoàng Nhuận Cầm biết đời thơ sẽ lật sang một trang mới, một trang mà ở đó nhà thơ sẽ viết lại những dòng đầu tiên, ngay ngắn và trịnh trọng. Một trang mà sẽ viết hay hơn, thực hơn, và hết mình hơn nữa. Và dẫu có bao trang thơ đốt đi, thì con người ấy vẫn luôn gìn giữ “những vui buồn đã có”, để những trang thơ của Hoàng Nhuận Cầm vẫn thổn thức với thời gian và có sức đốt cháy với bạn đọc. Câu thơ “Bàn chân đi cho thẳng tới chân trời” chứa ẩn dụ tri nhận cho sự đổi thay, sang trang mới, hướng đến tương lai tươi sáng hơn. Ẩn dụ này cũng đầy ý nghĩa khi nói lên sức sống bền bỉ và mãnh liệt của một tâm hồn thơ. Ông dặn dò để đốt thơ mình, nhưng thực tế như Hoàng Nhuận Cầm đã
từng chia sẻ, thơ chính là hơi thở, có lẽ thiếu thơ, Hoàng Nhuận Cầm không sống nổi. Và khi đã làm thơ thì “chân đi cho thẳng tới chân trời”.
Miền nguồn bàn chân còn được tri nhận đến những người lính trong kháng chiến chống Mỹ. Với quân giặc là đánh bốt, diệt đồn, bàn chân thể hiện sức mạnh và tinh thần bất khuất của người lính cụ Hồ với đôi chân sắt đá và khí thế trùng trùng.
(40)
“Vào mặt trận lúc giọng ve rất dài Như sông suối, như đoàn quân vô tận Da diết tiếng ve ngân chẳng tắt
Tiếng ve bay theo chân bước trùng trùng.”
(Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu)
Nhưng tình yêu vừa là thứ tình cảm bền chắc vừa là thứ tình cảm mong manh, chiến tranh kết thúc và tình yêu của con người đã qua thời trận mạc cũng buồn như người lính trở về:
(41) “Ôi ước chi đời không bóng mây. Rồi nào nhớ là ngày thứ mấy Tờ lịch run trên ngón tay gầy
Tình yêu chống nạng ra đầu gió Em có bao giờ thôi ước mơ.”
(Vé trở về)
Câu thơ chẳng nói tới chân hay bàn chân, nhưng cũng có thể giúp ta hình dung được người lính lúc trở về, đôi chân đã không còn nguyên vẹn. Đó là một biểu tượng đẹp và buồn về một thời chiến trận đã đi qua. Vết thương chiến tranh có thể lành theo năm tháng nhưng vết thương trong lòng người mỗi khi nhớ đến lại cảm thấy nhói đau. Thơ Hoàng Nhuận Cầm bên cạnh những ngôn từ làm duyên làm dáng, những câu thơ “mạ vàng, mạ bạc” (chữ dùng của Phạm Khải), ta bắt gặp không ít những câu thơ giản dị mà lay động lòng người.
(42)
“Lê thê qua trọn kiếp người Ba trăm trăng lẻ vỡ lời thở than Hương cong dấu hỏi tro tàn
Đường xa-xa tắp hai bàn chân ai Nuốt chưa xong Cõi Thở Dài.”
(Ba dấu chấm)
Trong đoạn thơ ta không chỉ tri nhận miền đích trạng thái cảm xúc qua bộ phận cơ thể con người, qua nét chữ mà cần kết hợp tri nhận qua liên tưởng bởi 2 chữ “lê thê”. Trong cảm xúc lắng sâu sự hoài niệm về cuộc đời khiến giọng thơ Hoàng Nhuận Cầm như buông chậm rãi bằng đôi bàn chân vô định bước trên đường xa tắp.
* Tay/ bàn tay
Cùng với hình ảnh bàn chân, Tay/ bàn tay cũng được Hoàng Nhuận Cầm nhắc tới thể hiện công việc, hoàn cảnh của nhân vật. Trong bài thơ Lời hát đêm
ra trận, miền nguồn bàn tay được tri nhận đến miền đích là ngườu phụ nữ:
(43)
“Bàn tay gỡ bom và chơi nhạc của anh ơi Khi vuốt lên lời mặn nồng cỏ dại,
Có nghe lời người con gái với chàng trai.”
(Lời hát đêm ra trận)
Mỗi công việc người phụ nữ làm và hoàn tất đều có sự tham gia tích cực của bàn tay. Bàn tay là ẩn dụ cấu trúc biểu trưng cho một phụ nữ với biết bao lo toan, với sự đảm đang và hy sinh hết mình cho người thân nhưng cũng không kém phần lãng mạn với phím đàn - âm thanh từ bàn tay:
(44)
“Từ trong tiếng khóc cô Kiều “Ba thu dồn lại...” bao nhiêu tháng ngày
Từ trong lấm láp bàn tay
Mẹ ru tôi ngủ giấc ngày còn thơ.”
(Mùa thu tôi yêu)
(45)
“Cánh cò bay... cánh trắng... con cò bay Gió từ cánh con cò nào thổi dậy.
Đất nước mình bao năm chia cắt đấy Anh nói gì trong hai bàn tay.”
(Người cắt dây thép gai)
Trong câu thơ trên, cái đích quy chiếu cho nguồn là bàn tay được nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sử dụng để diễn đạt hoàn cảnh sống, sự vất vả của những con người trong xã hội với sự cảm thông và trân trọng sâu sắc. Họ là những con người Việt Nam cần cù lao động, hy sinh hết mình với tình yêu gia đình, tình yêu quê hương đất nước. Họ là những người lính chiến đấu hết mình cho sự nghiệp bảo vệ đất nước, anh hùng khi ra trận và tình cảm trong đời thường. Họ tiêu biểu cho những con người Việt Nam thời đại hào hùng - thời đại Hồ Chí Minh.
*Các bộ phận cơ thể khác (tóc, mắt, môi…)
Các ẩn dụ cấu trúc có nguồn là bộ phận cơ thể con người còn có đích quy chiếu là thời tuổi trẻ, tuổi già, của chính nguồn yêu đương da diết, mượn trạng thái của một bộ phận cơ thể để nói về chính mình. Đó là:
(46)
“Sao cứ gọi tên sông là Hương... lạ chưa?
Mà những tóc nhớ, tóc thề đến đây mắt trông vời con nước.”
(Giữa hai hàng lục bát)
Ví dụ 47:
“Mùa hoa mơ rồi đến mùa hoa phượng cháy Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm
Thôi đã hết thời bím tóc trắng ngủ quên
Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ.”
(Chiếc lá đầu tiên)
Những kỉ niệm về tuổi thơ, tuổi học trò in đậm trong tâm trí của bất kì ai khi đã đi qua nó. Với Hoàng Nhuận Cầm, những kỉ niệm trong vắt hiện về là tuổi thơ dưới tán phượng, dòng mực tím, mực xanh, nơi đồng quê chăn trâu, thả diều, là dáng hình những tà áo trắng, mái tóc dài bay vấn vương. Một thế giới kỷ niệm hồn nhiên và vô tư không biết đến sự vất vả, lo toan của cuộc sống.:
(48)
“Lời nào đã trút cho tình yêu.
Tóc xuống vai
Nắng nắng bay, tay bé loang mực xanh. Khúc ưu tư chim vàng anh”
(Năm nốt bâng quơ trên một cây đàn)
Suốt một đời thơ mình, Hoàng Nhuận Cầm chỉ ao ước một điều “Giữ được sự thanh xuân của ngòi bút”. Hoàng Nhuận Cầm yêu tha thiết tuổi trẻ, sức trẻ, tuổi của ước vọng và niềm tin. Hoàng Nhuận Cầm luôn vui khi ai đó gọi ông là nhà thơ trẻ, dẫu lúc tuổi thanh xuân hay khi về già cũng vậy. Bởi theo Hoàng Nhuận Cầm, còn trẻ, là người ta còn đi xa. Nhưng tuổi trẻ chỉ có thể ở mãi trong thơ, còn tuổi già sẽ đến với con người. Những dòng thơ “lốm đốm chim bay” đã cùng Hoàng Nhuận Cầm đi qua thời lãng mạn. Mà lãng mạn thì dường như chỉ thuộc về tuổi trẻ. Có lẽ không gì ngạc nhiên khi thơ Hoàng Nhuận Cầm luôn được những bạn trẻ yêu mến. Họ yêu mến không chỉ bởi những bài thơ về tình yêu tuổi trẻ, ước vọng của tuổi trẻ, mà còn bởi một tấm lòng, một tâm hồn trẻ nữa.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ là cuộc chiến vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc và cũng là cuộc chiến trường kì, ác liệt và gian khổ nhất. Trong không gian khốc liệt ấy, ẩn dụ với miền nguồn tóc mẹ đã gợi tri nhận đến sự ấm êm, hồn hậu, đến những thương nhớ làm dịu tiếng bom rơi:
(49)
“Chiến trường có lúc nào ngơi bom đạn: Tiếng mùa mưa hồn hậu đến bên tôi
Tiếng thương nhớ không lời trên tóc mẹ
Tiếng Tổ quốc trên môi khi đạn xé
Tiếng cuối cùng khẩu súng nắm trên tay.”
(Phương ấy)
Tiếng “đạn xối”, “đạn xé” rát mặt là khoảng cách giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Cuộc chiến tranh từng tham gia để lại dấu ấn trong thơ Hoàng Nhuận Cầm khá đậm nét. Và đến hơi thở cuối cùng, khẩu súng vẫn
“nắm trên tay”. Có lẽ, với Hoàng Nhuận Cầm, tay không chỉ dùng để đánh
đành, để cầm cuốc cầm cày, biểu tượng ẩn dụ đôi tay người lính còn mang cả sự tri nhận về khát vọng và tinh thần của dân tộc. Đọc những vần thơ lửa cháy đó, những người chưa đặt chân tới chiến trường cũng có thể hình dung ra “công sự”, “chiến hào”, “đồi chốt”, “cao điểm”, “bom đạn” ... tất cả đều đi vào thơ và trở thành cảm hứng của con người vừa cầm súng vừa cầm bút, vừa là thi sĩ vừa là chiến sĩ, vừa anh hùng mà cũng rất đỗi đời thường.
Cuộc chiến nào cũng để lại những hi sinh và mất mát. Để dành được độc lập như ngày hôm nay, dân tộc Việt Nam đã phải hi sinh hơn hai triệu người con ưu tú. Họ nằm lại suốt chiều dài đất nước, gửi thân mình vào đất mẹ giữa tuổi hai mươi. Họ hi sinh vì dân tộc có thể có tên tuổi được lưu danh, nhưng cũng nhiều người trở thành vô danh. Chính họ đã hoá thân vào cuộc đời và làm nên đất nước hôm nay. Qua tư liệu thống kê, trước hết có thể nhận thấy rằng các câu thơ có ẩn dụ cấu trúc trong thơ Hoàng Nhuận Cầm có nguồn là bộ phận bên ngoài cơ thể con người thường được quy chiếu sang đích là trạng thái tình cảm, tư tưởng của con người. Những cảm giác yêu đương không chỉ được ông miêu tả bằng những rung động của con tim mà còn được thể hiện bằng những hình ảnh rất cụ thể, một cách trực giác: “Như đối cùng ta giữa cảnh mưa/ Mà lòng không hiểu, trán bơ vơ” (Bên ấy bên này)
Như vậy, ngôn ngữ là công cụ của tư duy, là vật chở của tư tưởng, trong khi đó tình cảm lại là một thứ rất trừu tượng và khó diễn tả. Vì vậy để miêu tả trạng thái tâm lý tình cảm trừu tượng của con người một cách hình tượng và sống động, người ta sử dụng đến phương thức ẩn dụ. Tình cảm là sự trải nghiệm cuộc sống quan trọng nhất và phổ biến nhất của con người. Tình cảm là sự tri nhận của con người có mối quan hệ và tác động qua lại lẫn nhau. Bởi vậy nghiên cứu tình cảm con người đã trở thành một nội dung cơ bản của nghiên cứu tri nhận con người.
Qua tư liệu khảo sát, chúng tôi thấy Hoàng Nhuận Cầm sử dụng khá linh hoạt các bộ phận cơ thể con người để xây dựng ẩn dụ cấu trúc biểu trưng cho các trạng thái tâm lý tình cảm của con người. Đây chính là nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam: lấy các bộ phận cơ thể và mức độ tiếp nhận, những sự phản ứng trước sự tác động của hiện thực khách quan làm thước đo đánh giá thế giới. Bởi lẽ người Việt rất nhạy cảm, tinh tế, lấy con người làm thước đo của mọi hiện tượng của xã hội.
Như vậy qua hai tập thơ “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến” và “Viên
xúc xắc mùa thu”, Hoàng Nhuận Cầm đã sử dụng khá linh hoạt các bộ phận
cơ thể con người để cấu trúc các ẩn dụ tri nhận biểu trưng cho các hoàn cảnh sống, cho trạng thái tâm lý tình cảm của con người. Đây chính là nét đặc trưng của văn hoá Việt Nam: lấy các bộ phận cơ thể và mức độ tiếp nhận, những sự phản ứng trước sự tác động của hiên thực khách quan làm thước đo đánh giá thế giới. Bởi lẽ người Việt rất nhạy cảm, tinh tế, lấy con người làm thước đo của mọi hiện tượng của xã hội.