Biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cố định

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh tại CT TNHH xi măng VICEM Hải Phòng (Trang 64 - 67)

2020

3.2.1. Biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cố định

Cơ sở biện pháp: TSCĐ chiếm một tỷ lệ phần lớn trong vốn cố định nói

riêng và tổng vốn kinh doanh nói chung của công ty nên có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty. Hiệu suất sử dụng vốn cố định lại tăng dần hàng năm. Đây là tín hiệu tốt cho thấy công ty đang trên đà phát triển, tận dụng được tối đa nguồn lực của mình. Công ty cần tiếp tục phát huy năng lực quản trị vốn cố định, đưa ra các chính sách sử dụng hiệu quả nguồn vốn cố định của mình phù hợp với tình hình thực tế.

Nội dung của biện pháp:

Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản dài hạn

Qua tìm hiểu thực tế và những phân tích từ chương 2, ta có thể thấy, tuy vốn cố định của công ty được khai thác khá triệt để, nhưng hiệu quả thực sự

chưa cao, do còn chậm xử lý các tài sản cố định đã hư hỏng, việc áp dụng phương pháp khấu hao đường thẳng chưa phản ánh hợp lý mức độ hao mòn thực tế,… Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cố định, công ty có thể áp dụng các biện pháp sau:

- Bảo quản tốt những tài sản cố định đang sử dụng. Cần tìm hiểu và nhận thức rõ những nguyên nhân gây hao mòn để có các biện pháp khắc phục phù hợp hơn.

- Tăng cường việc đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ công nhân viên phù hợp với công tác quản lý tài sản cố định đã đầu tư mua sắm mới với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp khai thác hết khả năng của tài sản cố định, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cố định.

- Thanh lý, nhượng bán tài sản cố định đã hư hỏng để giải phóng nguồn vốn, đầu tư tài sản cố định mới.

- Công ty nên áp dụng các biện pháp khấu hao khác nhau với từng loại tài sản cố định nhằm đảm bảo phản ánh chính xác nhất mức độ hao mòn thực tế. Những tài sản cố định như nhà cửa, vật kiến trúc thì phương pháp khấu hao đường thẳng là thích hợp. Nhưng đối với những tài sản cố định chịu nhiều ảnh hưởng của sự tiến bộ khoa học kỹ thuật như các thiết bị thông tin phương tiện vận tải, truyền dẫn, đòi hỏi phải có phương pháp khấu hao phù hợp để thu hồi vốn đầu tư như phương pháp khấu hao nhanh.

Kiểm kê, đánh giá, xác định tình trạng sử dụng của toàn bộ TSCĐ của công ty.

- Thứ nhất, công ty nên tiến hành lập thẻ tài sản cố định và phân loại tài sản cố định theo tiêu chí tài sản cố định đang sử dụng, tài sản cố định chưa đưa vào sử dụng và tài sản không sử dụng. Trên cơ sở phân loại như vậy, Công ty sẽ xác định được thực tế tỷ trọng vốn cố định phân bổ vào từng loại tài sản cố định và khả năng phát huy năng lực hoạt động của từng loại tài sản cố định để có biện pháp giải quyết phù hợp và kịp thời.

Nếu tỷ trọng vốn cố định của loại tài sản cố định đang tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm tỷ trọng lớn thì khả năng sử dụng, hiệu quả sử dụng vốn cố định cao. Ngược lại nếu tỷ trọng của vốn cố định của loại tài sản cố định chưa sử dụng cao thì vốn cố định sẽ bị nằm một chỗ và hiệu quả sử dụng vốn cố định của Công ty sẽ không cao. Hiệu quả sử dụng vốn của Công ty chỉ có thể được nâng cao một khi vốn cố định được huy động phục vụ cho hoạt động kinh doanh ở mức tối đa.

Công ty cũng cần phải lập kế hoạch cho thuê bớt một phần diện tích kho bảo quản hàng hóa. Nếu Công ty cho thuê được phần diện tích kho còn trống thì Công ty không những giảm được chi phí sử dụng kho mà còn giúp Công ty tăng thêm thu nhập, đóng góp vào việc làm tăng lợi nhuận trong kỳ kinh doanh.

- Thứ hai, đối với những tài sản cố định không cần dùng, chờ thanh lý nhượng bán, Công ty cần tiến hành xử lý dứt điểm để nhanh chóng thu hồi vốn phục vụ mục đích kinh doanh có hiệu quả hơn. Đồng thời làm cơ sở để xây dựng phương án đầu tư nâng cấp tài sản cố định cho năm sau, nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng vốn cố định.

- Thứ ba, lựa chọn cán bộ để thành lập ban đánh giá tài sản cố định. Yêu cầu họ phải là những người nắm vững hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty và phải am hiểu về các chủng loại máy móc thiết bị của Công ty.

Tăng cường đầu tư đổi mới trình độ kỹ thuật công nghệ của công ty. Trong kinh doanh, việc tăng cường đổi mới trong thiết bị máy móc được coi là một là một lợi thế để chiếm lĩnh thị trường hàng hoá. Trong điều kiện kinh tế thị trường vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp là phải luôn chú trọng đầu tư đổi mới máy móc thiết bị để nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động dẫn đến giá thành hạ thì mới có thể cạnh tranh trên thị trường.

Đặc biệt đối với ngành sản xuất hiện nay, việc đầu tư đổi mới máy móc thiết bị ngày càng trở nên cần thiết và cấp bách hơn. Do đó công ty rất cần có kế hoạch đầu tư trang bị thêm vào dây truyền sản xuất hiện có để từng bước nâng cao công nghệ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Còn

nếu như sớm tự thoả mãn với những gì đã đạt được mà không đầu tư mới TSCĐ thì công ty sẽ rất khó khăn trong việc mở mang hoạt động sản xuất. Do vậy việc đầu tư mua sắm thiết bị sản xuất, cải tiến quy trình công nghệ,là vấn đề rất quan trọng trong chiến lược phát triển sản xuất lâu dài của công ty. Do đó nếu công ty có kế hoạch đầu tư thêm vào loại tài sản này thì sẽ làm tăng tỷ trọng của TSCĐ dùng trong sản xuất kinh doanh, từ đó làm cơ cấu TSCĐ hợp lý hơn và góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng VCĐ cho công ty.

Việc đầu tư đổi mới máy móc thiết bị cũng cần phải dựa trên khả năng thực tế về trình độ lao động của công ty. Các máy móc thiết bị càng hiện đại càng đòi hỏi người sử dụng phải có trình độ tay nghề cao. Vì vậy tiến hành công tác đầu tư mua sắm máy móc thiết bị dựa trên năng lực của đội ngũ công nhân viên của công ty sẽ tránh được hiện tượng máy móc thiết bị mua về đạt các yêu cầu đề ra (như yêu cầu về tiến bộ khoa học kỹ thuật, về công suất...) nhưng lại không sử dụng được do không có người vận hành hoặc được sử dụng với hiệu quả và năng suất thấp, không đúng quy trình làm giảm hiệu quả sử dụng máy.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh tại CT TNHH xi măng VICEM Hải Phòng (Trang 64 - 67)